Môi trường pháp lý đối với hoạt động của các tổ chức xã hội
Thời gian qua, các tổ chức xã hội phát triển rất mạnh, theo báo cáo của Bộ Nội vụ tháng 8/2019 cho biết: Tổng số hội trong cả nước là 70.491 hội trong đó có 530 hội có phạm vi hoạt động cả nước và 69.961 hội hoạt động trong phạm vi địa phương.
Hiện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có hệ thống rộng lớn phủ khắp 63 tỉnh thành với 89 Hội Khoa học kỹ thuật ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội cấp tỉnh, 492 tổ chức Khoa học công nghệ trực thuộc.
BS Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC)
Theo BS Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC) cho hay, các tổ chức xã hội đã xây dựng cẩm nang, tài liệu hướng dẫn hoạt động vận động chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia; tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, kiến thức, bằng chứng để vận động chính sách; tổ chức các sự kiện, huy động sự tham gia của cộng đồng trong vận động chính sách; đióng góp cho các Luật và các dự thảo Luật như Luật khám chữa bệnh, Luật dược, Luật phòng chống HIV-AIDS, Luật Bảo hiểm y tế, dự thảo luật chuyển đổi giới tính, dự thảo luật phòng chống tác hại của thuốc lá, luật phòng chống tác hại của bia rượu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật khám chữa bệnh (sửa đổi), Luật dân số, Luật Lao động…
BS Vân cũng cho biết thêm, theo báo của VUSTA, từ năm 2016-2019, các tổ chức đã đóng góp ý kiến cho 69 dự thảo luật, 80 dự thảo nghị định, 156 dự thảo thông tư….
Và ngoài ra, từ năm 2016-2019 các tổ chức VNGO trực thuộc VUSTA đã huy động được khoảng 1.750 tỷ, trong đó có 263 dự án viện trợ phi chính phủ, 11 dự án ODA với tổng kinh phí lên tới 42.307.864 USD, trong đó chủ yếu là các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường được triển khai ở cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Riêng dự án VUSTA về phòng chống HIV-AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2015-2017 là 6,9 triệu USD; giai đoạn 2018-2020 gần 6,5 triệu USD và giai đoạn tiếp theo 2021-2023 là 6,5 triệu USD.
Tuy nhiên, theo BS Vân, hiện nay môi trường pháp lý đối với các tổ chức xã hội có nhiều cấp bách như việc không đưa các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hội không có pháp nhân nên rất hạn chế quyền lập hội công dân.
Tuy vậy, họ vẫn chưa thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, bởi vẫn còn các rào cản pháp lý. “Chưa có một khung thuế nào cho các tổ chức xã hội, các tổ chức khoa học công nghệ, chúng tôi đến khai thuế thì không biết phải khai vào mục nào. Không chỉ vậy, hiện nay cũng chưa có chính sách miễn giảm thuế cho các hoạt động phi lợi nhuận”, theo BS Vân cho hay. BS. Vân đề xuất phương án giải quyết tình trạng này: “Tôi cũng đi tham khảo một số nước, người ta cũng phải xây dựng một chính sách thuế đối với các tổ chức phi lợi nhuận, ai có hoạt động phi lợi nhuận, thì vào cái ‘sọt’ thuế đấy. Nên chăng trong khi chúng ta vẫn chưa có luật về Hội, thì chúng ta có thể xây luật về thuế phi lợi nhuận? Đấy cũng là một điều rất cần thiết.”
Các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn mà các tổ chức phi lợi nhuận đã kiến nghị từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó chính là việc xét duyệt hồ sơ nhận viện trợ. Nghị định số 93/2009/NĐ-CP nêu rõ, các tổ chức phi chính phủ phải xin phê duyệt dự án của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương nếu muốn tiếp nhận viện trợ nước ngoài hoặc triển khai một hoạt động nhân đạo, phát triển. Hồ sơ xin xét duyệt sẽ được phản hồi trong 20 ngày. Thế nhưng, trên thực tế thời gian xin phê duyệt lại dài hơn rất nhiều, có những dự án phải mất nhiều tháng để thẩm định. BS. Đỗ Thị Vân chia sẻ: “Việc phê duyệt rất khó khăn, thậm chí có những dự án không thể nhận được tài trợ vì chậm trễ, đây là một điều vô cùng đáng tiếc.” Chính vì vậy, Nghị định 93/2009/NĐ-CP cần được sửa đổi và thực hiện theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các tổ chức xã hội trong việc tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế.
Không chỉ gặp rào cản về quy định pháp lý, trong khi thúc đẩy hoạt động phát triển cộng đồng, các tổ chức xã hội còn gặp khó khăn từ chính nhận thức của cán bộ cơ sở. Một đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ: “Khi tiếp xúc một số địa phương, nhắc đến các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức chuyên môn thì chính quyền địa phương rất e ngại cung cấp các thông tin số liệu. Vấn đề chúng ta làm là rất tốt, nhưng không phải cái gì cũng thuận lợi, nhất là trong hoàn cảnh xã hội ta về mặt nhận thức đối với NGO nói chung và các tổ chức xã hội nói riêng vẫn còn hạn chế.”
Ngoài ra, việc không đưa 6 đoàn thể vào phạm vi điều chỉnh sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử và không bình đẳng giữa các hội. Thủ tục thì rườm ra, thời gian kéo dài. Khi xảy ra tranh chấp, không có vai trò của tòa án, nên nhiều hội mâu thuẫn còn để kéo dài.
Theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 và Thông tư 03/2014/TT/BKHCN ngày 31/3/2014 về hướng dẫ thành lập tổ chức khoa học công nghệ thì tính chất phi chính phủ chưa được làm rõ trong loại hình này, chưa có chính sách về thuế, đặc biệt là khung thuế và các chính sách ưu đãi cho hoạt động phi lợi nhuận.
Một khó khăn nữa mà theo BS Vân cho biết, theo quy định Quyết định 06/2020/QĐ-CP, ngày 21/2/2020, tất cả các hội thảo, hội nghị có yếu tố nước ngoài đều phải xin phép không kể quy mô lớn nhỏ. Đơn vị đã phải xin phép phê duyệt dự án, sau đó lại tiếp tục xin phép cho từng hoạt động nếu đó là hội thảo, hội nghị. Với quy định này sẽ gây phiền hà, tốn kém thời gian của các cả hai phía là cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội; đi ngược lại với cải cách hành chính, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Hiện nguồn viện trợ đang giảm dần, tuy nhiên các tổ chức xã hội vẫn rất nỗ lực trong việc huy động nguồn viện trợ ODA và nguồn viện trợ PCPNN. Tuy nhiên, với Nghị định 56/2020/NĐ-CP đã thu hẹp các đối tượng có quyền tài trợ, đồng thời với cơ chế tài chính kiểm soát từ kho bạc nhà nước sẽ gây khó khăn cho việc triển khai dự án và ảnh hướng đến tiến độ cũng như chất lượng dự án.
Ngoài ra các tổ chức VNGOs không được ghi nhận là tổ chức có chức năng nhận tài trợ, do vậy doanh nghiệp sẽ không thể nhận được biên nhận để kê khai thuế khi tài trợ cho các tổ chức này.
Trong thời gian qua các doanh nghiệp đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động từ thiện, nhân đạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiểu biết về các tổ chức xã hội chưa đầy đủ. Thiếu thông tin về hoạt động của các tổ chức xã hội.
Một khó khăn, rào cản nữa đó là chính sách thuế đối với các tổ chức xã hội. Hiện chưa có khung về thuế cho các tổ chức Hội, tổ chức phi chính phủ; các tổ chức VNGOs đang làm báo cáo thuế như 1 doanh nghiệp có thu, lợi nhuận trong khi hoạt động lại mang tính chất phi lợi nhuận. Thủ tục hoàn thể không nhất quán, khó thực hiện.
Theo BS Vân cần xây dựng khung thuế cho khu vực phi lợi nhuận; chính sách thuế và hướng dẫn đối với các VNGOs cần rõ ràng và nhất quán; VUSTA cần có hướng dẫn định kỳ và có cẩm nang hướng dẫn về thuế đối với các hội, các VNGOs.
Bài, ảnh: HT