M.BAKHTIN: NHÀ TRIẾT HỌC, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
1.Ba giai đoạn công bố di sản của M. Bakhtin
Quá trình tiếp nhận M.Bakhtin ở nước Nga có thể chia thành 3 thời kì ứng với 3 giai đoạn công bố, xuất bản trước tác của ông.
1.1. Giai đoạn thứ nhất kéo dài 45 năm, tính từ 1919 đến năm 1963. Gần như toàn bộ di sản đồ sộ của M. Bakhtin đã được hoàn thành ở giai đoạn này. Nhưng suốt 45 năm ấy, nhiều công trình quan trọng bậc nhất của ông vẫn đành phải nằm im dưới dạng bản thảo. Năm 1919, M. Bakhtin công bố tác phẩm đầu tay có nhan đề Nghệ thuật và trách nhiệm trênNgày nghệ thuật một tờ almanach của vùng Nevel. Vào những năm 20, M. Bakhtin cho in một số công trình dưới những bút danh khác nhau, ví như: V.N. Volosinov.- Freudisme. Tiểu luận phê bình (1927), V.N. Volosinov.- Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ: Những vấn đê cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ (1929), P.N. Medvedev.- Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học (1928). Đầu năm 1929, cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoevski (dưới tên thật của tác giả) ra mắt công chúng. Nhưng trước đó, ngày 24 tháng 12 năm 1928, M. Bakhtin bị bắt và đến ngày 22 táng 7 năm 1929 ông bị kết án “5 năm tù giam trong trại tập trung”. Nhờ A.M. Gorki và A.N. Tolstoi tìm mọi cách xin ân xá, M.Bakhtin thoát khỏi án tù, nhưng ông vẫn bị đầy biệt xứ đến Kustanai, một thành phố hẻo lánh ở miền Bắc Kazastan. Ông sống ở đây gần 7 năm, làm kế toán tài chính cho liên đoàn cung tiêu huyện. Mãn hạn đi đầy, M. Bakhtin vẫn bị cấm cư trú ở những thành phố lớn của Liên Xô. Năm 1936, M. Bakhtin được dạy học ở Saransk, nhưng chẳng bao lâu, ông lại buộc phải rời Saransk đến sống ở Kimri và những vùng lân cận. Tại đây, vì bệnh nặng, ông phải tháo khớp chân (1938). Năm 1945 ông được trở về Saransk. Năm 1967, Bakhtin được minh oan và năm 1969, ông trở về Moscow. Suốt 40 năm, M. Bakhtin sống như một người vô danh. Không mấy ai còn nhớ tới tên tuổi của ông, thậm chí không ít người nghĩ rằng ông đã chết. Lúc bị bắt đi đầy, M. Bakhtin mới 33 tuổi. Tức là ở thời điểm tài năng đang nở rộ nhất, sức lực đang cường tráng, sung mãn nhất, M. Bakhtin đã bị tước quyền xuất bản những tác phẩm của mình. Thực ra, sau khi M. Bakhtin bị bắt, vẫn có 3 công trình của ông được công bố (cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoevski và hai bài báo về L. Tolstoi). Nhưng tất cả cũng chỉ có thế. Thời ấy, mọi nỗ lực của M. Bakhtin nhằm công bố trước tác của mình đều bị thất bại hoàn toàn. Nhiều công trình xuất sắc của ông đã phải chờ đợi vài ba chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỉ mới có thể ra mắt bạn đọc. Sáng tác của Fraçois Rabelais và nền văn hoá dân gianTrung cổ và Phục hưng (1946), hoặc Bàn về trriết học hành vi (cuối 1923 – đầu 1924) là những trường hợp như thế. Đây không chỉ là bi kịch của cá nhân M. Bakhtin, mà còn là bi kịch của một nền văn hóa.
1.2. Giai đoạn thứ hai: Từ những năm 60 đến giữa những năm 80. Những công trình quan trọng nhất của M. Bakhtin được xuất bản trong thời gian này. Năm 1963, cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoevski được sửa chữa, bổ sung và xuất bản dưới nhan đề mới: Những vấn đề thi pháp Dostoevski. Theo lời kể của V. Kozhinov, M. Bakhtin vô cùng vui mừng trước sự kiện ấy, vì nó chứng tỏ ông lại có được cái quyền từng bị tước bỏ trong suốt 30 năm: quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Cuốn sách liên tiếp được tái bản vào các năm 1967 và 1979. Trên cơ sở luận án bảo vệ năm 1946, cuốn Sáng tác của Fraçois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng được hoàn thiện và ra mắt độc giả vào năm 1965. Năm 1975, Nhà xuất bản “Văn học nghệ thuật” Moscow cho xuất bản cuốn Những vấn đề văn học và mĩ học. Cuốn Mĩ học sáng tạo ngôn từ in ở Nhà xuất bản “Nghệ thuật” năm 1979, và tái bản năm 1986. Một cuốn sách khác của M. Bakhtin cũng được in vào năm 1986, cuốn Những bài báo phê bình văn học. Phải kể thêm, sau 63 năm chờ đợi, năm 1986, tác phẩm Về triết học hành vi ra mắt công chúng. Từ năm 1967, nhiều công trình của M. Bakhtin lần lượt được dịch ra tiếng nước ngoài. Các tạp chí thi nhau đăng tải các bài viết của M. Bakhtin. Xung quanh những công trình của M. Bakhtin thường xuyên diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Danh tiếng của M. Bakhtin ngày càng vang dội, nhất là trong giảng đường các trường đại học, đội ngũ những người sùng mộ ông ngày càng đông đảo hơn. Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 80, đầu những năm 90, một thời đại mới – “thời đại Bakhtin” – mới thực sự được mở ra.
1.3. Giai đoạn thứ ba: “Thời đại Bakhtin”. Trong bài viết in trên tạp chí “NLO”, số 79, năm 2006, V. Markovik ghi nhận: “Vào giữa những năm 80 lại xuất hiện một làn sóng mới, làn sóng đam mê Bakhtin vô cùng mạnh mẽ, đến những năm 90, làn sóng ấy hoá thành cuộc “Bakhtin đại náo loạn” vô cùng ầm ỹ”. Viện Văn học thế giới (IML) bắt đầu biên soạn Tuyển tác phẩm M. Bakhtin. Bộ “Tuyển” này gồm 6 tập, được biên soạn hết sức công phu, các tập được xuất bản không theo trình tự từ trước tới sau, mà tập 5 in trước (1997), sau đó là tập 2 (2000), tập 6 (2002) rồi mới đến tập 1 (2003). Và có lẽ vì quá cẩn trọng, cho nên tập 3 v à 4 cho đến giờ vẫn chưa ra mắt độc giả. Tính đến năm 1993, các công trình của M. Bakhtin đã được ấn hành lên tới gần nửa triệu bản in. Nhờ thế, “giờ đây, dẫu là ở thủ đô hay tỉnh lẻ, chẳng có người nào biết suy nghĩ mà lại không biết chút ít về trước tác của Bakhtin”. Vào những năm 60 và 70, M. Bakhtin chủ yếu là đối tượng của phê bình. Nay di sản của ông trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên sâu. Chỉ trong vòng 5 năm, từ 1988 đến 1992, ở các nước Âu – Mĩ đã có trên 40 đầu sách viết về M. Bakhtin. Khoa Bakhtin học (“Bakhtinologie”, “Bakhtinovedenie”, “Bakhtinistika”) chính thức ra đời. Nhiều “Trung tâm” nghiên cứu Bakhtin được thành lập tại Moscow, Peterburg, Saransk, Vitebsk… Tạp chí Dialogue. Carnaval. Chronotope (do N.A. Pankov làm Tổng biên tập) dành riêng cho việc nghiên cứu Bakhtin chính thức ra mắt bạn đọc vào năm 1992, tại Vitebsk, nơi M. Bakhtin từng sống thời trẻ.
2. Ba lần phát hiện M. Bakhtin
Ba giai đoạn công bố, xuất bản tác phẩm của M.Bakhtin thực chất là ba lần phát hiện rất khác nhau về di sản của ông.
2.1. Lần thứ nhất: M. Bakhtin được phát hiện chủ yếu qua cái nhìn tư tưởng hệ của guồng máy nhà nước Xô Viết. Từ góc độ ấy, M. Bakhtin bị xem là “tội đồ”, tác phẩm của ông là sản phẩm độc hại, không được phép phổ biến. Về phương diện này, số phận đầy bi kịch của M. Bakhtin không phải là hiện tượng cá biệt. Hàng loạt học giả lừng danh của Liên Xô từng trải qua số phận đầy bi kịch như thế. Nhiều người trong số họ bắt đầu hoạt động khoa học từ trước Cách mạng tháng Mười. Về sau, họ là Giáo sư, Viện sĩ Thông tấn, Viện Sĩ Hàn lâm, được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương và nhiều danh hiệu cao quý, tên tuổi và uy tín khoa học của họ vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Thế mà cũng như M. Bakhtin, có một thời, họ từng bị đàn áp, truy bức, bị đẩy vào chốn lao tù. Xin kể tên một số học giả rất quen thuộc với giới khoa học Việt Nam. Năm 1930, nhà triết học A.F Losev (А.Ф. Лосев. 1893 – 1988) bị bắt, bị đày lao động khổ sai ở trại cải tạo 10 năm. Ngày 19 tháng 6 năm 1922, nhà triết học S.N. Durylin (С.Н.Дурылин. 1886 – 1954) bị bắt lần thứ nhất, đến mùa thu năm 1927, ông lại bị bắt lần thứ 2. Năm 1930, nhà lịch sử học S.V. Bakhrusin (С.В.Бахрущин. 1882 – 1950) bị kết án đày đi Xemipalatinski. Nhà sử học S.B. Veselovski (С.Б. Веселовский. 1876 – 1952) bị tước quyền xuất bản, trên 10 năm không được công bố tác phẩm của mình. Năm 1930, nhà sử học E.V. Tarle (Е.В.Тарле. 1874 – 1955) bị bắt và tháng 8 năm 1931 ông bị đày tới trại cải tạo ở Kazastan. Nhà sử học N.V. Pigulevskaja (Н.В.Пигулевская. 1894 – 1970) cùng bị bắt một lần với M. Bakhtin. Nhà ngữ văn học V.V.Vinogradov (B.В. Виноградов. 1895 – 1969) bị đày đi laođộng ở trại cải tạo từ năm 1934 đến năm 1936. Tuy được trả tự do, nhưng Vinogradov vẫn bị liệt vào “thành phần xã hội nguy hiểm”, nên năm 1941, chiến tranh vừa xẩy ra, ông lại bị bắt (ngày 7.8.1941) và bị giam giữ cho đến ngày 2 tháng 6 năm 1943. Các nhà sử học Iu.V.Gotie (Ю.В. Готье. 1873 -1943), B.D. Grekov (Б.Д. Греков. 1882 – 1955), nhà ngữ văn học V.L. Komarovis (В. Л. Комарович) và nhiều học giả tài ba khác cũng từng bị “tù”, mà chẳng có “tội” gì. “Tội” lớn nhất của họ là dám viết những công trình nghiên cứu khoa học thể hiện quan điểm cá nhân khác với quan điểm chính thống thời ấy. A.F. Losev bị lưu đầy 10 năm vì ông là tác giả của 2 cuốn sách Triết học tên gọi (1927) và Phép biện chứng của huyền thoại (1930). Stepan Borisovis Veselovski bị buộc tội theo “chủ nghĩa khách quan tư sản”, và “nghiên cứu xã hội phong kiến hàng chục năm mà không sử dụng tác phẩm nổi tiếng của các tác gia kinh điển chủ nghĩa Mác – Lenin, không chịu trích dẫn ý kiến của các vị ấy về chủ nghĩa phong kiến”. Các học giả khác thường bị gán tội theo “chủ nghĩa dân tộc Nga”. Đây cũng chính là cái tội được gán cho M. Bakhtin. M. Bakhtin bị kết tội dính líu với “một tổ chức bí mật phản cách mạng” kích động “tình cảm tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc”. Hết hạn lưu đày, M. Bakhtin vẫn bị xem là phần tử có tư tưởng nguy hiểm. Cho nên, năm 1946, M. Bakhtin bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ, chỉ mấy tháng sau, năm 1947, hệ thống “báo chí đảng” đăng tải một loạt bài công kích gay gắt việc bảo về luận án của ông.
Dĩ nhiên, trước năm 1960, sự đánh giá di sản khoa học của M. Bakhtin không diễn ra theo kiểu một chiều, đơn giản như thế. Có đủ tư liệu để chứng minh, nhiều nhà nghiên cứu của nước Nga đã sớm nhận ra tài năng của ông và tầm cỡ của những tác phẩm do ông sáng tạo ra. V. Kozhinov, một chuyên gia về M. Bakhtin kể lại: “Hơn một phần ba thế kỉ trước đây, vào cuối những năm 1950, tôi nghiên cứu cuốn sách ra đời vào năm 1929 (sau khi tác giả bị bắt vì can tội “tuyên truyền chống Xô Viết”) của Bakhtin viết về Dostoevski. Cuốn sách để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ không gì có thể so sánh. Tôi bắt đầu bỏ công tìm kiếm tác giả cuốn sách, người đã biệt vô âm tín suốt 30 năm, tính đến lúc đó…Cuối cùng, khi hay tin ông chỉ là một giảng viên “chẳng ai biết tiếng” của trường Đại học Sư phạm Saranski (Mordovski), tôi bèn thay mặt một số đồng nghiệp, nhưng, tất nhiên, trước hết là từ tấm chân tình của bản thân, viết cho ông (vào tháng 11 năm 1960), và, đặc biệt là, nói với ông về cả một thế hệ, thế hệ Bakhtin: “Chúng tôi hiểu rõ, tư tưởng khoa học của thế hệ này có ý nghĩa văn hoá toàn nhân loại là điều hiển nhiên như thế nào”. Nhưng thời ấy, những học giả có viễn kiến như V. Kozhinov chưa thể lànm gì ngõ hầu thay đổi được hoàn cảnh của M. Bakhtin.
2.2. Lần thứ hai: M. Bakhtin được phát hiện qua giác độ khoa học của giới nghiên cứu, chủ yếu là các nhà ngữ văn học. Từ giác độ ấy, ý kiến của giới khoa học vừa đồng thuận, lại vừa có sự phân rẽ, khác biệt, thậm chí đối lập, trái ngược nhau. Sau khi di sản của M. Bakhtin lần lượt được công bố, tác phẩm nào của ông cũng trở thành đối tượng khảo sát chuyên biệt. Các nhà nghiên cứu nhanh chóng khẳng định tài năng và vị trí quan trọng của ông đối với đời sống khoa học, nhất là các lĩnh vực của khoa học ngữ văn. Không thể kể hết tên tuổi những người ngưỡng mộ M. Bakhtin. Với những học giả như V. Kozhinov, S. Bosarov, hoặc G.D. Gasev, hầu như tác phẩm nào của M. Bakhtin cũng chứa đựng những phát hiện thiên tài. V. Kozhinov gọi M. Bakhtin là “người sáng tạo vĩ đại nền văn hoá Nga thế kỉ XX”. Cho nên, một loạt phạm trù do M. Bakhtin đề xướng, như “đối thoại”, “phức điệu”, “carnaval” “chronotope”, “tác giả”, “nhân vật”… được nhiều học giả đào sâu nghiên cứu. Chúng nhanh chóng trở thành những khái niệm khoa học thông dụng, được xem là nền tảng tri thức và phương pháp có thể vận dụng vào việc nghiên cứu sáng tác của những nhà văn cụ thể. Nhưng, nếu như việc khẳng định vị trí khoa học của M. Bakhtin tìm được sự đồng thuận càng nhanh chóng bao nhiêu, thì sự bất đồng trong việc đánh giá và lí giải tư tưởng của ông càng về sau càng trở nên sâu sắc và quyết liệt bấy nhiêu. M. Bakhtin để lại một di sản đồ sộ. NhưngNhững vấn đề thi pháp Dostoevski và Sáng tác của Frangçois Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng vẫn là hai cuốn sách quan trọng nhất của ông. Khi các cuốn sách ấy xuất bản, giới nghiên cứu có cơ sở để xem M. Bakhtin là chuyên gia về hai nhà văn nói trên. Tuy nhiên, vào cuối những năm 70, đầu những năm 80, nhiều nhà nghiên cứu, có cả những học giả rất nổi tiếng như A.F. Losev, M.L. Gasparov, V.B. Sklovski, V.P. Grigoriev, V.D. Dneprov…tỏ ý nghi ngờ các quan điểm lí thuyết, nhất là những khái quát lịch sử của M. Bakhtin. Họ viện dẫn nhiều lí lẽ và chứng cớ để chứng minh, lí luận về tiểu thuyết phức điệu không phù hợp với thi pháp tiểu thuyết của Dostoevski, trong nhiều trường hợp, Bakhtin không có sự phân biệt khái niệm “tác giả” với khái niệm “người kể chuyện”, hoặc ông đã sai lầm khi đối lập văn hoá chính thống với văn hoá carnaval vốn là hai bình diện luôn luôn tồn tại trong não trạng của người châu Âu thời trung đại…
Một trong số những học giả thể hiện thái độ quyết liệt nhất với những khái quát lịch sử của M. Bakhtin là Viện sỹ M.L. Gasparov. Trước sau như một, M. Gasparov không thừa nhận M. Bakhtin là nhà nghiên cứu văn học. Năm 1979, M.L. Gasparov viết bài M.M. Bakhtin và nền văn hoá Nga thế kỉ XX. Bài viết rất ngắn, chỉ vỏn vẹn chưa đầy một nghìn tiếng, nhưng câu nào, dòng nào cũng như đưa người đọc nhập thẳng vào tiến trình tư tưởng của M. Bakhtin. Theo Gasparov, hệ thống quan điểm của M. Bakhtin về văn học và ngôn ngữ được hình thành vào những năm 20 của thế kỉ trước. Trong nền văn hoá Nga, những năm 20 đồng nghĩa với “cách mạng xã hội, cách mạng văn hoá”. Đó là thời kì con người đầy kiêu hãnh, nếu không nói là kiêu ngạo: “giai cấp mới tự thấy mình là hiện thân của văn hoá”, thấy “tất cả những gì thuộc chúng ta chẳng qua cũng chính là chúng tôi, chúng tôi sẽ xây dựng một thế giới mới”, “xây dựng từ đầu, không cần ngoái cổ nhìn lại phía sau”. Majakovski, Meierkhold, Eizensten, Marr, Bakhtin và cả các môn đệ của “trường phái hình thức” đều cảm thấy như thế. Trường phái hình thức cảm thấy “chính tôi có khả năng tác động đến người khác, chứ không phải chỉ những người khác tác động đến tôi”. Bakhtin cảm thấy “chính tôi cũng là đại diện của văn hoá”, “chính tôi có khả năng sáng tạo, chứ không đứng ở bên dưới ngửa cổ nhìn lên những kẻ sáng tạo ở bên trên”. Cho nên, bái vật của cánh hình thức chủ nghĩa là “thủ pháp kiến tạo ngôn từ”. Bái vật của Bakhtin là “tư tưởng tranh biện năng động”. Vì giống nhau ở cơ địa, sống chung một tằng hệ, nên Bakhtin và các môn đệ của Trường phái hình thức thường “hằm hè” với nhau.
Tham vọng sáng tạo một nền văn hóa theo nguyên tắc “làm mới từ đầu” là hạt nhân quan trọng nhất quy định lô gic tư tưởng của M. Bakhtin. Nó khiến M. Bakhtin luôn hứng thú với việc “trưng dụng lời nói lạ”. Ông xem sáng tạo là trình bày tư tưởng của mình từ những lời nói lạ được thừa kế. Nó cũng khiến M. Bakhtin thích đối thoại, thể hiện một thái độ tích cực, chủ động đối với di sản của các thế hệ trước. Với Bakhtin, tác phẩm văn học không phải là lời nói, mà là sự khắc phục lời nói. Tác phẩm được kiến tạo không phải bằng lời nói, mà từ sự phản ứng với lời nói. Toàn bộ văn hoá quá khứ chính là thứ “bán thành phẩm” dành cho việc xây dựng nền văn hoá của tương lai. Quan điểm này dẫn M. Bakhtin tới thái độ hư vô trong việc lựa chọn các giá trị. Nếu văn hoá đích thực chỉ hiện hữu ở tương lai, thì chẳng có lí do gì để bắt trái tim phải hoà chung nhịp đập cùng văn hoá quá khứ. Cho nên, Puskin, Shakespeare, và cả L. Tolstoi đều không phải là những tác giả tâm đắc của M. Bakhtin. Từ văn hoá quá khứ, Bakhtin chỉ tiếp nhận truyền thống carnaval, Rabelais và Dostoevski. Ông chỉ tâm đắc vớitrạng thái hỗn âm đầy bi kịch ở bên trên và sự rối loạn hài hước, trào tiếu ở bên dưới. Mọi kiểu cấu trúc ngôn từ được tổ chức cân đối và bền vững của văn hoá quá khứ đều xa lạ với Bakhtin, bởi vì chúng gợi dậy ở ông tâm trạng bất an: không khéo, tôi chẳng thể khuất phục được các cấu trúc ấy, mà ngộ nhỡ chúng lại điều khiển được tôi thì sao? Cho nên, M. Bakhtin mới đối lập “tiểu thuyết” với “thơ” và “sử thi”. M. Bakhtin xem “thơ” như một thứ “cừu thù”, vì lời thơ là “lời của Chúa Trời”, là tiếng nói quyền uy, tước đoạt quyền sáng tạo của người đọc. Với Bakhtin, “sử thi” và “tiểu thuyết” không phải là hai thể loại, mà là các giai đoạn phát triển khác nhau của thể loại. Bakhtin cũng không gọi tiểu thuyết cổ điển ở thế kỉ XIX là tiểu thuyết. Ông chỉ thừa nhận loại tiểu thuyết khi nó còn là sức mạnh tự phát hỗn loạn, sục sôi, chưa hoàn kết. Cho nên, “Bakhtin chính là sự nổi loạn của người đọc tự tín chống lại mọi sự sùng phục trói buộc ông ta”. Dĩ nhiên, “đó không phải là cuộc nổi loạn của chủ nghĩa hư vô”. Cuốn Thi pháp Dostoevski chứng tỏ, với Bakhtin, “quan điểm đối thoại không chỉ là sự kiêu hãnh làm thay đổi tiếng nói lạ bằng ý đồ của mình, mà còn là thái độ lắng nghe khiêm nhường các tiếng nói lạ trước khi cải tạo nó”.
M.L. Gasparov gọi di sản của M. Bakhtin là “cương lĩnh sáng tạo”. Đó chính là cuốn “tiểu thuyết” được Bakhtin sáng tác trong cuộc “đối thoại với những năm 20”. Trớ trêu thay, khi di sản của M. Bakhtin được xuất bản, được đọc và được tôn sùng, thì những nhân vật mà Bakhtin muốn đối thoại đều đã rời bỏ sân khấu, để lại một mình ông giữa những con người xa lạ. Và thế là nhân vật chống lại mọi sự sùng phục bị biến thành đối tượng sùng phục. Những người kế thừa muộn mằn di sản của Bakhtin đã biến một “cương lĩnh sáng tác thành lí luận nghiên cứu”, đập vụn thế giới quan toàn vẹn của ông thành những luận điểm rời rạc để khảo sát. M.L.Gasparov khuyên các nhà nghiên cứu: “Sáng tác của Bakhtin là tiểu thuyết, không cần phải biến cuốn tiểu thuyết ấy thành sử thi”.
Hai mươi lăm năm sau, trong bài báo Lịch sử văn học như là sự sáng tác và nghiên cứu… viết vào năm 2004, M. Gasparov vẫn giữ nguyên quan điểm như thế về di sản của M. Bakhtin. Ông nói: “M.M. Bakhtin là nhà triết học. Nhưng Bakhtin còn được xem là nhà ngữ văn học (…). Trong văn hóa có lĩnh vực sáng tác và lĩnh vực nghiên cứu. Hoạt động sáng tác làm phức tạp hóa bức tranh thế giới bằng cách tạo ra những giá trị mới. Hoạt động nghiên cứu lại làm bức tranh thế giới trở nên đơn giản bằng cách sắp xếp, hệ thống hóa những giá trị cũ. Triết học là lĩnh vực sáng tác giống như văn học nghệ thuật. Còn ngữ văn học là lĩnh vực nghiên cứu. Cần phải đặt Bakhtin vào vị trí trang trọng của người sáng tác chứ không cần ghi cho ông công lao của một nhà nghiên cứu. Trong vai trò nhà ngữ văn học, nhà triết học Bakhtin vẫn giữ nguyên bản chất sáng tạo (…). Ông sáng tác ra một nền văn học mới giống như nhà hiền triết sáng tạo ra một hệ thống triết học mới” (Tôi nhấn mạnh.- LN).
Ở nước Nga, ý kiến của những học giả lớn như A.F.Losev, V.B.Sklovski, V.P.Grigoriev, V.D. Dneprov, M.L. Gasparov…có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận của giới nghiên cứu văn học. Cho nên, ở lần phát hiện thứ hai, trong ý thức của rất nhiều học giả, M. Bakhtin là nhà ngữ văn học rất đáng ngờ về sự chính xác, nhất là ở những khái quát của ông về lịch sử văn học.
2.3. Lần thứ 3: Bakhtin được phát hiện chủ yếu từ giác độ phương pháp luận, từ hệhình thế giới quan và di sản của ông được nghiên cứu trên cái nền của tiến trình lịch sử tư tưởng Nga,của bối cảnh văn hoá toàn nhân loại. Từ giác độ ấy, M. Bakhtin hiện lên trong hình ảnh mộtnhà tư tưởng, nhà triết học của thời đại mới.
Có một chi tiết thú vị: bản thân Bakhtin cũng không tự nhận là nhà nghiên cứu văn học. V. Kozhinov kể lại: Năm 1946, Bakhtin “bảo vệ thành công luận án viết về nhà văn Pháp vĩ đại François Rabelais và trở thành Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, rồi cứ giữ nguyên học vị ấy cho đến khi bước xuống mồ, bởi vì sau này, ông kiên quyết từ chối hàm Giáo sư mà người ta khẩn khoản muốn phong tặng cho ông. Một lần trò chuyện với tôi, ông mỉm cười, nhưng vẫn rất nghiêm túc giải thích việc mình từ chối như thế này: “Tôi là nhà triết học, mà đã là nhà triết học thì phải trở thành kẻ chẳng là ai, nếu không, tôi sẽ gọt đẽo triết học sao cho thích ứng với địa vị xã hội của mình””. Nhưng, như đã nói, ở những năm 60, 70 của thế kỉ trước, Bakhtin chủ yếu được xem là nhà ngữ văn học, vì hai cuốn sách ông viết đều lấy cứ liệu từ sáng tác của Dostoevski và Rabelais. Phải đến nửa sau của những năm 80, hình ảnh Bakhtin – nhà nghiên cứu văn học mới có sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm thức của giới nghiên cứu. Theo dõi những công trình khoa học, nhất là những tham luận đọc tại các Hội thảo quốc tế về M. Bakhtin lần thứ V, VI và VII, ta dễ dàng nhận ra sự thay đổi ấy.
Theo thông lệ, Hội thảo quốc tế về M.Bakhtin được tổ chức hai năm một lần ở nhiều nước khác nhau như Mexiko, Anh, Mĩ… Năm 1995, Hội thảo quốc tế về Bakhtin lần thứ VII diễn ra tại Moscow với sự tham gia của 50 nhà nghiên cứu của Nga, Belorussia, Ukraina và 80 nhà khoa học nước ngoài đến từ Anh, Đức, Đan Mạch, Ý, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hội thảo diễn ra vô cùng rầm rộ, vì đây là dịp kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh của M. Bakhtin. Phát biểu ấn tượng chung về Hội thảo, N.K. Boneskaja viết: “Nhìn từ khía cạnh nội dung, (…) hướng tiếp cận Bakhtin đã thấy phù hợp và sâu sắc hơn. Có cảm giác, trong tâm trí của giới nghiên cứu, Bakhtin – nhà triết học bây giờ có vị trí cao hơn hẳn so với Bakhtin – nhà nghiên cứu văn học”(Tôi nhấn mạnh.- LN).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, muốn đánh giá tầm cỡ nhân loại của M. Bakhtin – nhà triết học, cần tuân thủ 2 nguyên tắc có ý nghĩa phương pháp luận như sau đây:
- Thứ nhất: Phải xoá bỏ định kiến về sự đối lập tư tưởng Đông/Tây từng tồn tại lâu dài trong ý thức của giới nghiên cứu.
- Thứ hai: Cần đặt di sản của Bakhtin trên cái nền của cuộc khủng hoảng triết học ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Cần tôn trọng hai nguyên tắc như thế bởi vì ý kiến của giới nghiên cứu thường có sự phân rẽ khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Bakhtin đại diện cho kiểu tư duy phương Tây, hay phương Đông, tư tưởng triết học của ông có nguồn cội ở truyền thống Nga hay truyền thống Âu – Mĩ? Theo dõi những cuộc tranh luận như thế, thấy hoá ra có những hai ông Bakhtin: Bakhtin của nước Nga và Bakhtin của phương Tây. Hai ông Bakhtin này hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối lập, trái ngược với nhau. Nhà triết học D.A. Olsanski nhìn thấy ở nguyên tắc đối thoại của M. Bakhtin “sự phản ánh hệ hình nhận thức luận của tư tưởng Nga”.V. Kozhinov gọi Bakhtin là “người sáng tạo vĩ đại nền văn hoá Nga thế kỉ XX”. Nhưng nhà triết học F.I. Girenok lại nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu M.M. Bakhtin. Ông ấy có rất ít hơi hướm của một nhà triết học Nga (…). Vì sao bây giờ người ta quan tâm đến ông ấy? Bởi vì ông ấy được chú ý ở phương Tây. Tức là người ta quan tâm cái gì, thì hình như mình cũng máy móc chú ý tới cái ấy”. Sự đối lập gay gắt trong ý kiến của giới nghiên cứu về kiểu tư duy triết học của Bakhtin lộ ra ngay ở những cái nhan đề của các công trình đầy tính luận chiến: Bakhtin và phương Tây (V.L. Makhlin), Bakhtin “của chúng tôi” chống lại Bakhtin “của các ngài”: Liệu có phải chiến tranh lạnh ngay trong nội quan (B. Kennedy), Bakhtin mới ở nước Nga của các ngài và ở nước Mĩ của chúng tôi (K. Emerson), hoặc Từ bến bờ khác: Lịch sử Bakhtin học của Nga trong sự thụ cảm và giải thích của một nhà Slavơ học người Mĩ (O.E. Osovski)…
Trong một cuộc toạ đàm giữa hai nhà ngữ văn học Tz.Todorov (người Pháp) và G.Kosikov (người Nga), nhân bàn về M.Bakhtin, Kosikov đã nêu ra một câu hỏi thế này: “Chúng ta thường có thói quen đối lập “bản thể luận phương Tây” với “bản thể luận Nga”. Bản thể luận phương Tây là bản thể luận của những “đơn tử” có khả năng liên kết lại chỉ nhờ vào các thiết chế xã hội, các mực thước, luật lệ bên ngoài…, tức là chỉ nhờ vào những mối liên hệ trên bề mặt. Bản thể luận Nga lại bao hàm sự bổ sung, bù đắp lẫn nhau từ trong nền móng: cá nhân bị cô lập không thể đạt tới được mức độ viên mãn của sự tồn tại, nó không thể trở thành cơ sở chắc chắn cho sự tồn tại của chính mình, cho nên nó cần tới sự bổ sung của tất cả các cá nhân khác, những cá nhân này vẫn có thể phục hồi sự đầy đủ, toàn vẹn mà không mất đi tính cá thể của mình <…>. Ông có cho rằng sự đối lập đó của tư duy “phương Đông” và “phương Tây” là quan yếu không?”.
Tz.Todorov trả lời: “Cần phải nói ngay rằng, tôi chẳng mấy thích thú với sự đối lập trên quy mô rộng lớn theo kiểu phương Tây/phương Đông, châu Âu/nước Nga, vì chúng cho rằng, bản thân mỗi hiện tượng như thế đều thuần nhất, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Tôi mong ông đừng nghĩ rằng tất cả các nhà tư tưởng phương Tây và truyền thống phương Tây nói chung đều khẳng định con người là những đơn tử tự túc, tự mãn, chỉ có những quan hệ hời hợt với nhau, mà dẫu không có đi chăng nữa thì cũng chẳng làm sao. Tất nhiên vẫn có những học thuyết như thế, nhưng chúng lập tức bị bác bỏ bởi các học thuyết khác khẳng định điều ngược lại. Điều đó cũng đúng với tư tưởng phương Đông, tư tưởng Nga…”.
Ý kiến của Tz. Todorov cho thấy, định kiến đối lập tư tưởng Đông/ Tây không đại diện cho xu hướng tư duy khoa học của thời đại mới. Với định kiến như thế, nhà nghiên cứu không thể nào hiểu được tầm vóc lớn lao của triết học Bakhtin. Chẳng hạn, tuy thừa nhận triết học của Bakhtin “cũng có những cái thú vị. Ví như lí thuyết về cái Tôi, lí thuyết hành vi”, nhưng F.I. Girenok vẫn không ngần ngại kết luận: “Tôi không nghĩ các lí thuyết ấy hay hơn những gì tỉ như S.N. Bulgakov đã viết trong Triết học tên gọi. Hoặc, ông ấy không thú vị hơn V.V. Rozanov. Hoặc nữa, ông ấy cũng chẳng có gì hay hơn N.Ja. Danilevski. Họ rất khác nhau. Danilevski mới thật là tất cả! Đó là sự tự nhận thức của chúng ta. Không có M.M. Bakhtin vẫn sống được, nhưng thiếu N.Ja. Danilevski thì không thể”.
Việc xoá bỏ định kiến về sự đối lập Đông/Tây đã giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận di sản triết học của M. Bakhtin theo một hướng khác. Không hẹn mà gặp, K. Thomson, nhà Bakhtin học người Mĩ, và V. Kozhinov, học giả người Nga, hoàn toàn nhất trí cho rằng, phải đặt di sản của M. Bakhtin vào tình thế khủng hoảng triết học ở cuối thế kỉ XIX mới có thể nhận ra bản chất cách tân của hệ hình thế giới quan trong di sản của “người sáng tạo vĩ đại nền văn hoá Nga thế kỉ XX”. K. Thomson tuyên bố, rằng “Sáng tạo của Bakhtin, từ đầu đến cuối, xét theo chiều sâu và sức mạnh, là nguồn mạch hoàn toàn đặc biệt của những tư tưởng có khả năng soi sáng cuộc khủng hoảng hiện nay của nhận thức… Khuynh hướng tư tưởng của Bakhtin được tiếp nhận ở phương Tây giống như là sự tu chính tận gốc, đầy sáng tạo cuôc khủng hoảng ấy”. V. Kozhinov viết: “…Ngay từ cuối thế kỉ XIX, triết học và văn hoá học đã bước vào thời kì, khi mà nổi trên bình diện thứ nhất là những hệ thống quan niệm thuộc loại “khủng hoảng”, phiến diện, tức là các quan niệm tuyệt đối hoá một mặt nào đấy của tồn tại nhân sinh, quy tất cả vào đấy, ví như chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng…Trong khi đó, tuy không bỏ qua sự khủng hoảng, thậm chí có thể gọi là thảm hoạ của thời đại, tư tưởng của Bakhtin đã làm sống dậy và phục hưng cách thụ cảm và nhận thức toàn vẹn đối với tồn tại nhân sinh vốn là bản chất của triết học cổ điển từ Platon đến Kant”. Cho nên, A.B. Grigoriev gọi triết học của M. Bakhtin là “sự khởi đầu của một phép biện chứng ngoài Hegel”. Năm 1995, trong Hội thảo quốc tế về Bakhtin lần thứ VII, V. Makhlin đã công bố bài viết Mặt đối mặt: Mikhail Bakhtin trong lịch sử chưa hoàn kết của một thế kỉ đang khép lại. Năm 1998, V.L. Makhlin bảo về luận án Tiến sĩ khoa học với đề tàiCương lĩnh triết học của M.M. Bakhtin và sự thay đổi hệ hình trong nhận thức nhân văn học. Phát biểu Lời mở đầu lễ bảo vệ, Makhlin nhận xét: “Vì sao, nhìn từ góc độ triết học, di sản của Bakhtin không thể xếp vào chủ nghĩa duy tâm, mà cũng chẳng thể xếp vào chủ nghĩa duy vật. Vì sao, nhìn từ góc độ lịch sử – tinh thần, xếp Bakhtin vào đâu, vào chủ nghĩa truyền thống, hay chủ nghĩa phản truyền thống, cũng đều sai. Vì sao, nhìn chung, không thể “xếp gọn” Bakhtin vào thế kỉ XX, mặc dù, cả về mặt tiểu sử, lẫn thực chất, Bakhtin chính là hiện tượng thuộc tình huống văn hoá phổ quát và triết học hiện đại (theo nghĩa rộng nhất của từ ấy), ở phương Tây, thông thường vẫn được xác định là tình huống “hậu siêu hình”, hoặc (theo tên gọi một cuốn sách nổi tiếng của Romano Guardini) là “điểm tận cùng của thời đại Mới”?”. Ta hiểu vì sao, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, M.Bakhtin là “nhà triết học của thiên niên kỉ thứ ba” và di sản triết học của ông đã đặt nền tảng cho hệ hình tư duy của thời đại mới.
(còn nữa)