Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 18/11/2010 18:33 (GMT+7)

Lợi ích chiến lược của các nước lớn tại Đông Á trong thập niên đầu thế kỷ XXI

Hơn nữa, khu vực Đông Á là điểm giao thoa, đan xen lợi ích chiến lược của các nước lớn hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời còn là nơi đang nổi lên xu hướng liên kết khu vực khá mạnh mẽ (như ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3,v.v…) cũng như sự tồn tại của cơ cấu chiến tranh lạnh, điểm nóng chưa được giải thể (như vấn đề Triều Tiên, eo biển Đài Loan, biển Đông, đấu tranh ý thức hệ giai cấp). Thêm vào đó, sự trỗi dậy và gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của Trung Quốc, phần nào đó cả Ấn Độ và sự trở lại của nước Nga cùng với các nỗ lực mới của Mỹ và Nhật Bản trong việc tiếp tục duy trì "Trật tự châu Á" từng được thiết lập từ thời chiến tranh lạnh (Mỹ là số 1 và Nhật Bản là số 2) cũng làm gia tăng tầm quan trọng của Đông Á trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một cách khái quát lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga tại Đông Á hiện nay và trong thập niên tới.

1. Lợi ích chiến lược Đông Á của Mỹ

Nếu như dưới thời chiến tranh lạnh, trọng điểm của chiến lược của Mỹ là châu Âu với mục tiêu ngăn chặn bành trướng của Liên Xô, và sau đó khi Liên Xô sụp đổ, nhất là bước sang đầu thế kỷ XXI, trọng điểm của chiến lược được chú trọng hơn cả là Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Đông Á đang nổi lên như một mắt xích trọng yếu.

Trước hết là lợi ích kinh tế, khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc đã và đang là một thị trường đầu tư khổng lồ, nơi tiêu thụ hàng hóa lớn mang lại lợi nhuận cao cho Mỹ, trừ Nhật Bản và một số con rồng châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Xingapo, các nước trong khu vực này đều là những nước đang phát triển, thiếu vốn và công nghệ khá lạc hậu, nhưng sức lao động rẻ, đang có chính sách kích thích đầu tư nước ngoài, nhất là vào các ngành công nghiệp cao, sản xuất các hàng hoá cao cấp như ô tô cá nhân, máy vi tính, điện thoại di động v.v… - những sản phẩm thuộc ưu thế của Mỹ và các nước tư bản phát triển. Hơn nữa, từ Trung Quốc cho đến các nước Đông Nam Á đang hình thành nên tầng lớp trung lưu khá giả. Điều này lại càng làm tăng sức mua của thị trường, trong khi dung lượng thị trường vốn đã khổng lồ do đông dân cư. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế Mỹ và hầu hết các nước Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc có khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, mang lại lợi ích cho cả hai phía. Các nước có nền kinh tế chuyển đổi trong khu vực sẽ tham gia nhiều hơn hệ thống phân công lao động quốc tế theo chiều dọc, trong đó đóng vai trò phụ trợ chính trong "chuỗi giá trị" sản xuất ra sản phẩm có công nghệ cao do phương Tây và Nhật Bản chi phối. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư và có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và phương Tây bằng chất lượng sản phẩm đảm bảo nhưng giá lại rẻ.

Vềlợi ích chính trị, an ninh, thì khu vực Đông Á lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ở khu vực này, lợi ích chế độ và lợi ích làm chủ, kiểm soát địa chính trị dựa trên lợi ích quốc gia- dân tộc luôn là vấn đề nóng hổi. Tuy có sự thăng trầm, phát triển khác nhau, nhưng 3 cường quốc là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga tại Đông Á có khả năng và tham vọng kiểm soát toàn bộ hay chi phối từng mặt về kinh tế, chính trị và an ninh khu vực. Việc điều chỉnh chính sách đối ngoại từ "dấu mình chờ thời" sang chủ động đề ra luật chơi, "vạch ra những đường đỏ" trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc cùng với tăng nhanh thực lực kinh tế và quốc phòng của nước này làm cho Mỹ lo lắng. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang đuổi theo chính sách "đuổi kịp về chính trị" ngang tầm với kinh tế, canh tân quân đội để trở thành "quốc gia bình thường" cũng ít nhiều làm Mỹ trăn trở. Hơn nữa, việc nước Nga từng bước phục hồi trong thập niên đầu thế kỷ XXI và đang điều chỉnh chính sách cân bằng Đông-Tây, quan tâm nhiều hơn với các nước châu Á, trong đó chú trọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng là vấn đề không bằng phẳng đối với duy trì vị thế của Mỹ ở Đông Á. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên đang bùng phát cũng như xu hướng xích gần giữa hai bờ eo biển Đài Loan dưới thời cầm quyền của Quốc Dân Đảng do Mã Anh Cửu làm tổng thống và những tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á có chiều hướng trở nên căng thẳng đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với Mỹ. Ngoài ra, khu vực Đông Á, nơi Mỹ hiện diện, có quan hệ truyền thống và đồng minh chiến lược với nhiều quốc gia hay đối tác như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippin, Thái Lan và Ôtxtraylia. Những quyền lợi cũng như ràng buộc lẫn nhau giữa Mỹ với các quốc gia và khu vực này khó có thể làm Mỹ lơi là. Hơn nữa, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc như một hạt nhân thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực và sự hình thành chủ nghĩa khu vực Đông Á (như hình thành Cộng đồng ASEAN, ASEAN+3, Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hợp tác 3 nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, trong đó không có Mỹ tham gia) có thể làm tổn thương đến quyền lợi và thách thức vai trò "người cân bằng" và "trọng tài" an ninh, nhất là đối với các quốc gia ven biển thuộc châu Á-Thái Bình Dương.

2. Lợi ích chiến lược Đông Á của Trung Quốc

Khác với Mỹ, Trung Quốc không chỉ là quốc gia nằm trong khu vực Đông Á, mà từng là "Thiên triều", quốc gia "Trung tâm" của thiên hạ, một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại và có mối quan hệ chặt chẽ về lịch sử và văn hóa với các nước xung quanh. Sự trở lại của Trung Quốc với tư cách là cường quốc Châu Á và đang hướng tới một siêu cường mới của thế giới trong khi vẫn duy trì là một nước chủ nghĩa xã hội lớn nhất hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn, liên quan đến lợi ích cũng như ảnh hưởng chiến lược của chính nước này tại Đông Á và trên thế giới.

Trước hết về lợi ích kinh tế; Đông Ấ đã và đang là khu vực phát triển kinh tế năng động, nơi trong những thập niên gần đây diễn ra quá trình hội nhập kinh tế khá chặt chẽ với cả bên trong và bên ngoài. Các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc là những nền kinh tế phát triển hay nước đã công nghiệp hóa, có nguồn vốn lớn, trình độ công nghệ cao, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở hải ngoại. Trung Quốc đang là thị trường hấp dẫn đối với họ. Từ 2007, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2008 lên tới gần 266,8 tỷ USD (với Nhật) và 186,2 tỷ (với Hàn Quốc). còn nước Nga và các nước Trung Á khác thuộc Liên Xô cũ trước đây ở phương Bắc và Tây Bắc không chỉ là những đối tác có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu, nhất là dầu khí và sắt thép cho công nghiệp hóa của Trung Quốc, mà còn là thị trường dễ tính, tiêu thụ các sản phẩm của công nghiệp nhẹ, những mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh thuộc về Trung Quốc.

Ở phía Đông Nam Á và Nam Á, các nước ASEAN và Ấn Độ đang là những nền kinh tế năng động, nơi mà nhiều mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp của Trung Quốc đang có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường này. Đối với Đông Nam Á, nơi hàng xóm láng giềng sát kề của Trung Quốc không chỉ giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu khí, bauxite, và nhiều thứ kim loại màu như đồng, thiếc v.v… mà là khu vực địa-chiến lược, nơi có các tuyến đường hàng hải trọng yếu của quốc tế đi qua. Từ giữa thập niên đầu của thế kỉ XXI, Trung Quốc đã gần sánh ngang Mỹ, Nhật Bản và EU trong buôn bán với Đông Nam Á. Hơn nữa khu vực này trong lịch sử là cửa ngõ phương Nam, truyền thống và quan trọng nhất của Trung Quốc đối với bên ngoài, nơi đang hiện diện đông đảo Cộng đồng người Hoa (khoảng 35 triệu người) đang sinh sống. Cộng đồng này có năng lực về tiền vốn và kinh nghiệm kinh doanh, có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và văn hóa với Trung Quốc. Trên thực tế, cộng động này đã và đang đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế trong nước, mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết giữa Trung Quốc lục địa với Hồng Công-Ma Cao, Đài Loan và với các nước ASEAN.

Về lợi ích chính trị, an ninh, nếu như dưới thời chiến tranh lạnh, Đông Á là nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của trục tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Xô và là điểm nóng gay gắt nhất trong cuộc đối đầu giữa hai cực Liên Xô và Mỹ, thì sau đó, khi Liên Xô tan rã, trọng tâm cạnh tranh chiến lược trong khu vực này chuyển sang trục quan hệ Mỹ-Trung và Trung-Nhật. Lợi ích an ninh của Trung Quốc từ thời kỳ này gắn liền với môi trường hoà dịu, hoà giải, tránh xung đột với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, đồng thời nhanh chóng đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nga và Ấn Độ, lôi kéo các nước ASEAN về phía mình. Hơn nữa, các vấn đề tồn tại của lịch sử như tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, nhất là với Việt Nam cần được kiểm soát, vấn đề thống nhất hai bờ Eo biển Đài Loan và khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên cần được giải quyết bằng con đường hoà bình. Những vấn đề này là hết sức nhạy cảm, khó trung hoà lợi ích giữa các bên. Nếu như không kiểm soát được tình hình, xảy ra xung đột thì môi trường an ninh Đông Á sẽ xấu đi nhanh chóng, trong đó Trung Quốc có thể là nước chịu thiệt hại nhiều nhất. Điều này Trung Quốc nhận thức rõ hơn ai hết và họ đang cố gắng lái chính sách ngoại giao của họ theo hướng giữ nguyên hiện trạng, hợp tác cùng có lợi trên phương châm "làm bạn với láng giềng, an ninh với láng giềng và làm giàu với láng giềng". Tuy nhiên, trong những trường hợp, vấn đề cụ thể, Trung Quốc có cách ứng xử cương, nhu khác nhau, tuỳ từng thời điểm, đối tác và tương quan lực lượng.

Mối quan hệ giữa môi trường địa chính trị, kinh tế và văn hóa xung quanh Trung Quốc với tình hình bên trong Trung Quốc cũng tạo ra cả những cơ hội và thách thức đối với chiến lược của nước này. Độ dày của lịch sử, lớn về dân số, đa dạng về tộc người và tôn giáo, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số sống dọc biên giới, có quan hệ mật thiết về huyết thống, văn hóa cũng như lịch sử với nhiều dân tộc người các vùng láng giềng, nhất là với các nước vùng Trung Á, Đông Nam Á cũng góp phần tạo cho Trung Quốc có lợi thế nhất định trong mở rộng hợp tác và ảnh hưởng của họ ra xung quanh. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít áp lực về mặt an ninh dọc biên giới. Các thế lực ly khai cả trong và ngoài nước có thể lợi dụng sự bất cập trong chính sách đoàn kết dân tộc để phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước. Hơn nữa, sự trung thành của các dân tộc thiểu số, các khu vực tự trị đối với quốc gia Trung Quốc không hoàn toàn như ý muốn của chính quyền Trung ương. Sự đe doạ về an ninh quốc gia từ trong nội tại, bản thân của Trung Quốc có thể còn lớn hơn nhiều so với sự đe doạ từ bên ngoài. Chính vì vậy, khi xử lý các vấn đề an ninh và phát triển, nhất là liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số, Trung Quốc luôn chú ý và cảnh giác về vấn đề này. Tuy nhiên, không phải lúc nào chính phủ Trung ương cũng kiểm soát tình hình. Những bạo loạn liên quan đến sắc tộc xảy ra liên tiếp tại Tây Tạng và Tân Cương vào mùa hè năm 2008 và 2009 vừa qua là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm, tác động lớn đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

3. Lợi ích chiến lược Đông Á của Nhật Bản

Khác với Trung Quốc, Nhật Bản là một quốc gia biển đảo, nằm ở vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thương mại và phòng thủ ở khu vực ven biển Đông Bắc Á, là cầu nối quan trọng giữa Mỹ và Đông Á. Hơn nữa, hiện là cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, nhưng Nhật Bản lại có tiếng nói về chính trị và vai trò an ninh còn khá khiêm tốn, chưa cân xứng với sức mạnh tiền bạc của mình. Thêm vào đó, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, sự tái khẳng định vị thế của Nga trong bối cảnh trì trề của Nhật Bản cũng đặt ra nhiều vấn đề mang tính chiến lược sống còn của Nhật. Ngoài ra, sự gia tăng khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề lịch sử để lại khác như tranh chấp lãnh thổ với Nga về đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điều Ngư Đài, với Hàn Quốc ở một số đảo nhỏ ngoài khơi, cùng với tâm lý lo ngại về sự trổi dậy trở lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật cũng như sự ràng buộc của hiệp ước phòng thủ đồng minh Nhật-Mỹ cũng tạo ra không ít điều khó xử trong việc mở rộng ảnh hưởng và lợi ích chiến lược của Nhật trên thế giới, nhất là ở Đông Á.

Trước hết về lợi ích kinh tế,sự mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư tại các nước có nền kinh tế mới chuyển đổi ở Đông Á như Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tạo cơ hội kiếm lời của Nhật Bản. Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Việt Nam, Mông Cổ và các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đang là thị trường hấp dẫn đầu tư của Nhật Bản. Việc hợp tác với Nga xây dựng đường ống dẫn dầu sang vùng bờ viển Viễn Đông cũng đang là lợi ích chiến lược của Nhật Bản. Sự nổi lên của các nền kinh tế này có khả năng giúp Nhật Bản đổi mới công nghệ và gia tăng xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chất xám cao bằng cách chuyển một bộ phận các nhà máy có công nghệ vừa phải ra nước ngoài và đóng vai trò là nhà cung cấp các linh kiện, máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại cho công việc lắp ráp, sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước đó. Điều này người Nhật đã từng tiến hành đối với các nước ASEAN từ những năm 60-70. Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc như "một công xưởng thế giới" và xu thế liên kết kinh tế khu vực dựa trên đặc điểm, sự gần gũi về mặt địa lý thì sự bổ sung giữa nền kinh tế Nhật Bản với hầu hết các nền kinh tế còn lại của Đông Á có ý nghĩa chiến lược đối với Nhật Bản. Hơn nữa, sự khan hiếm về nhiên liệu/năng lượng cũng là bài toán khó đặt ra, buộc Nhật Bản phải tăng cường hợp tác năng lượng với các nước trong khu vực, nhất là với các quốc gia có tiềm năng về nguồn dữ trữ tài nguyên này. Chính vì vậy, chính sách "ngoại giao kinh tế", trong đó có "ngoại giao ODA" kết hợp với "ngoại giao văn hoá" là những hướng đang được người Nhật chú trọng, nhằm không chỉ duy trì, mà làm tăng lợi ích chiến lược kinh tế, chính trị của họ trong khu vực và trên thế giới.

Về lợi ích chính trị, an ninh,Nhật Bản là một trong những nước nằm trên vành đai địa chính trị nhạy cảm, thiếu ổn định về mặt an ninh. Điều này đã và đang tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với lợi ích quốc gia-dân tộc của Trung Quốc. Về khách quan mà nói, sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc có khả năng thúc đẩy hợp tác khu vực, làm cho nước này hội nhập nhanh chóng vào hệ thống kinh tế và chính trị thế giới. Nhưng bên cạnh đó, về mặt địa chính trị và quyền lợi quốc gia dân tộc, thì sự phát triển đó dù muốn, dù không làm suy giảm thị phần kinh tế, tiếng nói chính trị cũng như vai trò an ninh Nhật Bản tại Đông Á và trên thế giới. Hơn nữa, sự đầu tư ngày càng lớn cho việc hiện đại hóa quân sự, nhất là hải quân cùng với sự gia tăng đòi chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển đảo, kéo dài từ vùng biển Vàng cho tận Đông hải và Nam hải (biển Đông) cũng làm cho nhiều người Nhật lo lắng, bởi khu vực này tập trung các huyết mạch thương mại hàng hải của Nhật Bản với thế giới.

Điều đáng lưu ý ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đông Á xuất hiện hai cường quốc cùng cạnh tranh và đang nắm giữ phần chủ đạo của cục diện khu vực. Tuy nhiên, cán cân quyền lực đang nghiêng về Trung Quốc, nhất là sức mạnh tổng thể quốc gia. Mặc dầu quan hệ kinh tế Nhật-Trung đang phát triển mạnh và là đối tác hàng đầu của nhau, nhưng trong chính trị, an ninh hầu như dẫm chân tại chỗ, mà nhiều người thường gọi là "lạnh". Nhiều người Nhật cho rằng, sự hiện đại hóa nền kinh tế và quân sự của Trung Quốc là mối đe doạ tiềm tàng đối với Nhật Bản; Còn không ít người Trung Quốc coi sự tồn tại quan hệ đồng minh chiến lược Nhật-Mỹ và sự đổi mới quân đội của Nhật để trở thành "quốc gia bình thường" diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây đang tạo thêm mối uy hiếp đối với an ninh của Trung Quốc. Cùng với những bất đồng, kể cả thù hằn và tranh chấp do lịch sử để lại, những gia tăng chi phí quân sự và chạy đua kinh tế giữa hai nước này đang là một trong những vấn đề lớn về chính trị, an ninh và hội nhập kinh tế ở Đông Á. Vậy làm thế nào để thay đổi cách nghĩ "một núi không thể có hai hổ", làm mất dần đi sự nghi kỵ do lịch sử để lại và trung hoà lợi ích của các bên để cùng tồn tại và phát triển là những vấn đề hết sức quan trọng của cả Nhật Bản và Trung Quốc cũng như khu vực phải đối mặt trong thập niên tới của thế kỷ XXI.

Ngoài vấn đề mang tầm chiến lược trên, sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sự xích gần về kinh tế và cải thiện nhanh chóng về chính trị giữa đôi bờ eo biển Đài Loan cũng tạo ra nhiều lo lắng đối với Nhật. Hơn nữa, sự hình thành khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) và sự tăng cường đầu tư và viện trợ của Trung Quốc cho các nước ASEAN-4 cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với Nhật Bản, nơi mà người Nhật đang cố gắng duy trì và mở rộng lợi ích vốn có của họ tại khu vực này.

4. Lợi ích chiến lược Đông Á của Nga

Đặc thù nổi bật của Nga là nước nằm trên lục địa Á-Âu, trong đó phần lãnh thổ ở châu Á chiếm tới khoảng 80%, nơi tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ chốt của Nga. Hơn nữa, vùng đất châu Á của Nga lại tiếp giáp với khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD), nơi có các nền kinh tế năng động, đang là đầu tàu của nền kinh tế thế giới và đang diễn ra khá mạnh mẽ quá trình liên kết khu vực. Đây là những cơ hội thuận lợi để Nga tham gia, tăng cường hợp tác, mở rộng quan hệ, trước hết là kinh tế khu vực này.

Tuy nhiên, khu vực Đông Á còn là nơi chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột, có thể gây nguy hại cho an ninh nước Nga. Ở khu vực này, cơ cấu chiến tranh không chỉ còn tồn tại (như vấn đề thống nhất, đối đầu ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, đôi bờ biển Đài Loan) mà còn gia tăng mâu thuẫn, xung đột về tranh chấp chủ quyền, nhất là ở biển đảo và chạy đua vũ trang. Thêm vào đó, khu vực Trung Á qua biển Caxpi chạy dài đến khu vực Kavkaz, nơi tiếp giáp với Afganistan và nhiều nước Trung cận Đông là điểm nóng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, lại nằm sát sườn phía Nam của Nga. Điều này đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh phía Namvà Đông Nam của nước Nga.

Bên cạnh đó, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ cũng tạo ra áp lực mới về năng lực và môi trường. Vùng Viễn Đông của nước Nga giàu có về tài nguyên thiên nhiên, chiếm tới 2/3 diện tích cả nước, nhưng dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng yếu kém đang đặt ra nhiều thách thức đối với nước này trong kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp và tội phạm, nhất là buôn lậu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, Nga muốn sử dụng đòn bẩy của "ngoại giao dầu khí" không chỉ để tăng nhanh nguồn thu nhập nội địa, cải tiến công nghệ, phát triển vùng Viễn đông ngang bằng với phần ở châu Âu, mà quan trọng không kém là từng bước xác lập ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tương xứng với tiềm năng của họ.

Ngoài ra, sự mở rộng của NATO về phía Đông đến tận sát ngay biên giới Nga ở phía Tây và Nam cũng như can thiệp sâu của Mỹ vào khu vực Trung Á đã và đang làm tổn thương đến quyền lợi địa-chính trị của Nga. Việc mở rộng quan hệ với phương Đông, đặc biệt với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ phần nào giảm đi áp lực địa chính trị, làm cân bằng hơn trong chính sách đối ngoại của Nga, cả về kinh tế, chính trị, an ninh.

Trước hết về hợp tác và cạnh tranh kinh tế.Nga có thế mạnh là giàu tài nguyên thiên, đặc biệt là dầu khí, lại có thế chủ động kể cả nguồn vốn và công nghệ trong khai thác, vận chuyển sản phầm này ra nước ngoài, trong đó có Đông Á, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác đang khát năng lượng, ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập dầu khí để phát triển. Trong lúc chưa tìm ra một loại năng lượng khác thay thế vai trò của dầu khí, thì "cái gậy năng lượng" của Nga còn có dấu hiệu lớn trong việc thiết lập vị thế của Nga trên toàn thế giới, trong đó có ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp đến, thế mạnh tiếp theo của Nga cả trong kinh tế và an ninh là Nga có công nghệ cao vào bậc nhất thế giới trong việc sản xuất vũ khí hiện đại. Thêm vào đó, kỹ thuật công nghệ cao trong các ngành như sản xuất các thiết bị xây dựng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng hạt nhân, hàng không dân dụng và vũ trụ, đóng tàu biển, vật liệu xây dựng v.v… cũng là thế mạnh truyền thống của Nga và ngày càng có chỗ đứng nhiều hơn trong thị trường Đông Á.

Tuy nhiên, do ở Đông Á từng thịnh hành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của Mỹ, Nhật Bản và nhiều con rồng châu Á khác, đồng thời sự gia tăng nhanh chóng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc, nên khả năng cạnh tranh hàng hoá của Nga hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo đà đổi mới của nước Nga, các mặt hàng có thế mạnh của Nga sẽ có chỗ đứng vững ở khu vực này.

Phải công nhận rằng, nước Nga cả trong truyền thống cũng như hiện tại có vai trò quan trọng hàng đầu trong giải quyết các vấn đề chính trị- an ninhtoàn cầu và họ có lợi ích chiến lược to lớn và lâu dài ở Đông Á. Tuy chi phí quốc phòng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với Mỹ, nhưng nước Nga vẫn còn là một siêu cường về quân sự, đứng thứ hai thế giới. Một số lĩnh vực quân sự như tên lửa đạn đạo, chinh phục vũ trụ và vũ khí hạt nhân gần ngang ngửa với Mỹ. Hơn nữa, Nga là cường quốc về chính trị, không chỉ là một trong năm thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết, mà còn là nước có khả năng đưa ra các học thuyết, sáng kiến và hiện thực hoá chúng trong việc liên minh liên kết, tập hợp lực lượng làm thay đổi trật tự thế giới. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử và vẫn còn có khả năng tái hiện trong tương lai, khi đất nước này thiết lập lại được sự ổn định và đồng thuận xã hội Nga. Những biểu hiện mới về phục hồi và bảo vệ lợi ích chiến lược Nga là việc nước này gia tăng sự hiện ở châu Á, trong đó thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.

Nói tóm lại, Đông Á là điểm xoáy chiến lược, nơi không chỉ đan xen, giao thoa quyền lợi cả trước mắt cũng như lâu dài không chỉ của các nước trong khu vực, mà cả các nước ngoài khu vực, trước hết là của các nước lớn. Trọng điểm chiến lược của Mỹ ở Đông Á hiện nay là cố gắng duy trì " Trật tự Châu Á" được thiết lập từ hồi chiến tranh lạnh, trong đó buộc Nhật Bản phải luôn đi với mình và thực hiện chính sách can dự, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc, và cả Nga và Ấn Độ, nhằm đưa các nước này trở thành những "cổ đông có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, đã có sự co giãn lớn hơn trong quan hệ của Mỹ đối với các nước lớn ở châu Á, trong đó Trung Quốc đang trở nên quan trọng hơn, được đánh giá cao hơn trong chính sách toàn cầu cũng như khu vực của Mỹ.

Còn đối với Trung Quốc, khu vực Đông Á không chỉ là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc, nơi luôn diễn ra tranh chấp quyền lợi giữa Trung Quốc với các nước lớn cả trong và ngoài khu vực, mà còn là nơi thể nghiệm chiến lược cùng chung sống hoà bình và làm giàu với láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng "không gian sinh tồn" và quảng bá "mô hình xã hội chủ nghĩa" của nước này đang gặp nhiều thách thức bởi chính sách can dự và cạnh tranh của nhiều nước lớn khác, trước hết là Mỹ. Đây là điểm mấu chốt chi phối môi trường địa chính trị và an ninh của Đông Á hiện nay, nhất là trong tương lai gần.

Đối với Nhật Bản, do nằm trên vành đai địa chính trị nhạy cảm, nhưng lại sôi động trong hợp tác và phát triển kinh tế, nên mối quan tâm hàng đầu của nước này hiện nay là làm thế nào làm tăng sức mạnh tổng thể quốc gia, chứ không riêng về kinh tế, loại bỏ dần những nghi kỵ do lịch sử để lại, trung hoà lợi ích của các bên ở Đông Á, đặc biệt là với Trung Quốc để cùng tồn tại và phát triển. Đây là những thách thức không chỉ với Nhật Bản, mà cả Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Còn đối với Nga, lợi ích chiến lược Đông Á của họ trước mắt và trong tương lai gần là duy trì và phát triển các mối quan hệ hoà bình và hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, để cân bằng hơn trong quan hệ với EU và Mỹ. Tuy nhiên, do những khó khăn, hạn chế nội tại hiện nay của Nga cùng với sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm kiểm soát hay chiếm ưu thế về địa chính trị khu vực và thế giới đang là những thách thức của nước này trên đường lập lại vị thế siêu cường của họ.

Xem Thêm

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...