Liên hiệp Hội tỉnh Bạc Liêu: Từng bước phát triển mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp Hội) hiện có 25 hội thành viên và tổ chức liên kết, với khoảng 7.500 hội viên. Thời gian qua, Liên hiệp Hội đã từng bước thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bạc Liêu Lâm Thành Đắc cho biết, nhiều năm qua, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội. Nhận thức được tầm quan trọng trong hoạt động này, Liên hiệp Hội đã phát triển mạnh và tập trung chủ yếu nhiều chương trình, dự án, đề án lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đã quy tụ được đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện nhiệm vụ rất tâm huyết, nhiệt tình.
Nhiều năm qua, Liên hiệp Hội đã tham gia tư vấn phản biện nhiều đề tài, dự án của tỉnh như: Dự án Xây dựng các ô đê bao ngăn mặn cấp bách kết hợp các công trình giao thông để bảo vệ và phát triển vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Phước Long, Dự án Khu Liên hợp thể dục, thể thao tỉnh Bạc Liêu, Dự án Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Bạc Liêu…
Và trong năm 2023 này, Liên hiệp Hội đã tham gia tư vấn Dự án: “Đầu tư tuyến đường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuyến đường ĐT.980 Gành Hào - Giá Rai - Phó sinh Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh”. Dự án có tổng kinh phí đầu tư là 702.727.992.000 đồng; địa điểm xây dựng là huyện Phước Long và huyện Hồng Dân. Mục tiêu triển khai của dự án là từng bước hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh Bạc Liêu; nâng cao khả năng khai thác đoạn tuyến kết nối địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân với tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp và các tuyến đường khác trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Phước Long, Hồng Dân; phối hợp đồng bộ với các dự án khác tạo thành hệ thống liên hoàn nhằm ứng phó có hiệu quả với việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; từng bước thực hiện điều chỉnh mục đích sử dụng đất, thúc đẩy việc phát triển quỹ đất một cách có hiệu quả, tăng chỉ tiêu sử dụng đất giao thông trên địa bàn tỉnh. Dự án được phân bổ nguồn vốn và đã tiến hành ký hợp đồng thi công triển khai được thực hiện...
Việc phát triển bất kỳ dự án kinh tế - kỹ thuật nào liên quan đến cuộc sống, sinh kế và môi trường đều phải được sự tư vấn, phản biện và giám định xã hội chung của toàn xã hội nói chung hoặc người dân địa phương nói riêng. Theo thông lệ quốc tế cũng như các quy định quốc gia, cộng đồng đều được quyền tham vấn, có ý kiến và giám sát xã hội. Các công trình dự án có thể có những đóng góp cho khu vực cũng như góp phần đóng góp ngân sách của tỉnh hay quốc gia nhưng về mặt khác cũng có thể gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực về mặt môi trường và xã hội. Vai trò của các nhà trí thức có hiểu biết rộng, cũng như các chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn sâu cùng tham gia tư vấn, phản biện, giám định, giám sát là rất cần thiết và quan trọng, ông Đắc cho hay.
Trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, yếu tố thuận lợi và điểm mạnh rõ nhất là bước đầu Liên hiệp Hội đã tập hợp được một nhóm các nhà khoa học, các nhà tham gia hoạch định chính sách cùng với những cá nhân có chuyên môn ở các ngành khác nhau, kể cả các nhà khoa học ngoài tỉnh thuộc trường Đại học Cần Thơ. Các thành viên tham gia là những người không ngại dấn thân vào thực tế, tham gia tổ chức những chuyến khảo sát thực địa, gặp gỡ trao đổi với người dân và chính quyền địa phương. Điểm mạnh của Liên hiệp Hội là biết kết hợp nội tại với những cơ hội bên ngoài nhằm thúc đẩy các đối thoại đa chiều và phản biện xã hội, biết thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tốt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội vẫn gặp một số khó khăn như hầu hết thành viên tham gia mang tính tự nguyện là chính. Các thành viên có thể kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và có chuyên môn không đồng nhất.
Điểm mạnh đáng lưu ý nhất của hoạt động của trí thức ở Bạc Liêu trong vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội là Liên hiệp Hội có bộ máy vận hành gọn nhẹ, ít thủ tục hành chính nhưng tương đối hiệu quả. Có thể kết hợp hoạt động truyền thông, đào tạo với nghiên cứu triển khai thực tế. Đây là cơ sở đánh giá và kiểm chứng hiệu quả hoạt động thông qua kết quả làm việc và ứng dụng ở cấp cộng đồng xã hội. Các thành viên thông qua việc tiếp cận cộng đồng sẽ có cơ sở đóng góp, phản biện các chính sách.
Dư luận xã hội hiện nay bắt đầu chú ý đến vai trò của các trí thức trong quá trình tham gia các dự án mang tính cộng đồng. Ví dụ Luật Bảo vệ Môi trường đã có các yêu cầu tham vấn cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường. Hoạt động tham vấn của các tổ chức xã hội, giới tri thức có vai trò hỗ trợ lớn cho cộng đồng ra quyết định. Một thử thách lớn cho Liên hiệp Hội và các tổ chức giám định xã hội hiện nay là nguồn kinh phí hoạt động rất khó khăn liên quan đến khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giám định xã hội thường xuyên.
Thực tế, vẫn còn có những hạn chế trong việc nhìn nhận vai trò của phản biện xã hội trong các công cuộc phát triển đất nước, một số nơi còn e ngại dè dặt khi làm việc với các thành viên không phải cơ quan Nhà nước. Sự đóng góp và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội còn chưa đánh giá đúng thực chất. Từ những nguyên này dẫn đến việc thiếu sự hỗ trợ chặt chẽ từ cơ quan Nhà nước, của chính quyền địa phương ở một số nơi. Do đó, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần có sự đồng phối hợp trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế hoạt động. Mỗi dự án khi triển khai ở địa phương cần có sự quản lý của cơ quan đối tác khác nhau theo từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Các dự án cần có sự điều phối chung một cách chặt chẽ để đảm bảo tính gắn kết, phù hợp giữa các hoạt động của dự án với các chương trình, chính sách của chính quyền địa phương.