Lễ hội Pơ ngát của người cơ - tu ở Quảng Nam
Người Cơ - tu tỉnh Quảng Nam được chia thành 3 vùng: người Cơ - tu vùng cao (Cơ - tu Đriu), người Cơ - Tu vùng trung (Cơ - tu Nal) và người Cơ - tu vùng thấp (Cơ - tu Phương). Đồng bào là cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me (ngữ hệ Nam Á). Hoạt động nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ. Dân số khoảng 5 vạn người.
Người Cơ - tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất, chọn rừng ở nơi núi cao, nơi đầu con khe, con suối. Làng (vêêl, ka non, bươl) được lập theo vòng tròn, hình bầu dục, từng ngôi nhà cận kề nhau, mái nhà có hình mu rùa, lợp bằng lá nón, lá mây, tranh. Ở giữa làng có một ngôi nhà (gươl) nơi sinh hoạt chung, tổ chức các lễ hội lớn của làng. Đây là một đặc trưng văn hoá làng bản của người Cơ - tu.
Là cư dân miền núi, sống nhờ hoàn toàn vào nông nghiệp nương rẫy, còn phụ thuộc vào thiên nhiên, do đó ở họ có niềm tin vào đấng siêu nhiên (giàng, thần linh, ma quỷ). Các đấng siêu nhiên này là thế lực vô hình chiếm một vị trí rất quan trọng không những trong tiềm thức mà còn tác động mạnh mẽ đến đời sống, vật chất, tinh thần của người Cơ - tu trong tập quán và nếp sinh hoạt văn hoá lễ hội truyền thống.
Ở người Cơ - tu, ngoài những lễ hội gắn liền với tập quán như thế: lễ hội ăn mừng nhà gươl (Lang tơ rí), lễ ăn mừng lúa mới (Chaharootamêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối a ví), lễ trong hôn nhân, tang ma, sinh đẻ v.v… còn có nhiều lễ hội gắn liền với sản xuất nương rẫy, tuỳ theo tính chất của từng công việc sản xuất mà lễ hội lớn, nhỏ, khác nhau. Trong các lễ hội đó phải kể đến lễ hội Pơ ngát.
Người Cơ - tu ở Quảng Nam dù phân bố 3 vùng như trên nhưng hội Pơ ngát được họ gọi là “lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa 2 làng Cơ - tu với nhau” (có thể làng người Cơ - tu vùng cao với làng người Cơ - tu vùng thấp và ngược lại). Để có ngày hội Pơ ngát, trước đó trong các dịp lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng nhà gươl, lễ cưới hỏi, lễ tang ma… người ta đã thông qua. Nếu người Cơ - tu làng này chủ động mời làng Cơ - tu khác để kết nghĩa anh em thì hội đồng già làng đó đến làng được mời. Tại đây họ làm một con gà lấy tiết và một ít rượu đem đến nhà gươl để cúng giàng, tổ tiên. Sau khi đã làm thủ tục cúng xong, hai già làng lấy tiết gà bôi lên trán cho nhau, những người tham dự cũng lần lượt lấy tiết gà bôi lên trán cho nhau. Theo giải thích của họ, sở dĩ làm như thế là để cho giàng, thần linh… chứng kiến lòng thành, sự kết nghĩa máu thịt anh em của 2 làng. Họ vừa ăn uống no say, vừa thống nhất ngày tổ chức hội Pơ ngát.
Người Cơ - tu ở Quảng Nam từ vùng cao đến vùng thấp đều có chung một cách tổ chức lễ Pơ ngát. Thông thường, làng chủ động mời thì những thực phẩm, đồ cúng… là gia súc như: heo, bò,…, còn làng được mời thì thực phẩm, đồ cúng thường là gia cầm như: gà, chim hoặc cá… và các loại rau rừng. Tất cả đều được mang đến nhà gươl của làng được mời để chung nhau cho hội Pơ ngát. Tại đây họ cùng chế biến các thức ăn truyền thống dâng lên cúng giàng, tổ tiên.
Mọi người làm một con gà trống, lấy tiết đặt vào mâm cơm cúng giàng gồm: gà luộc chín, tiết gà, những thức ăn như cá khô, ốc, nhiều loại rau rừng, rượu tà vạt. Hai chủ làng đều thực hiện bài cúng cùng một lúc, thường bài cúng có nội dung là:
“Lạy trời cao, lạy đất rộng
Lạy rừng núi, lạy sông suối
Lạy hồn người Cơ - tu ở trên cao
Lạy hồn người Cơ - tu ở dưới
Xin về làng chứng kiến lòng thành của dân bản”
….
Họ lấy tiết gà bôi lên trán của nhau, mọi người dự buổi lễ hôm đó hoặc không dự cũng được bôi tiết gà trên trán. Đây là cử chỉ mà theo họ giải thích là biểu hiện tình cảm sắt son, không gì thay đổi được giữa hai làng. Cuối cùng, mọi người vừa ăn, uống rượu, hát đối đáp, hỏi thăm sức khoẻ nhau, vừa bàn chuyện làm ăn.
Trong hội Pơ ngát nếu có hiến trâu thì tổ chức lễ đâm trâu.
Để làm được lễ này, 2 làng phải cùng nhau lo rượu ngon, thức ăn, một con trâu để làm lễ và nhiều thực phẩm khác… Trước đó khoảng 2 ngày, họ bận rộn làm cây nêu. Những thanh niên khoẻ mạnh vào rừng tìm cây về làm cột đâm trâu (xờ nuh), với các hình thức trang trí mang tính thẩm mỹ cao theo mô típ truyền thống, đục đẽo, tô vẽ những hoa văn, màu sắc đẹp đẽ thể hiện nguồn gốc tộc người, cầu mong cho buôn làng luôn trường tồn… Khi hoàng hôn sắp buông xuống, họ dựng cây nêu, hai bên cột đâm trâu có 2 cây tre làm 2 cây phướn với nhiều dải lụa đan kết tạo nên một mô típ trang trí phụ để cho cột buộc trâu trở nên độc đáo của dân tộc Cơ - tu. Sau đó họ đốt lửa, trâu cũng được mang đến buộc vào cột đâm trâu, dân làng tụ tập quanh cây nêu trước nhà gươl, tiếng trống, cồng chiêng vang lên. Hai già làng làm phép đuổi các tà ma bằng cách cầm trên tay cây củi còn rực lửa, vừa nhảy múa vừa hò hét vang động cả núi rừng. Họ tạo thành một vòng tròn nhảy đủ 6 vòng trong tiếng hò reo của dân làng như quên đi tất cả mệt nhọc, lo toan hàng ngày.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa chiếu vào cửa sổ nhà gươl, giờ phút thiêng liêng đã đến, dân làng tụ tập trước nhà gươl. Sau khi làm các thủ tục cần thiết và cũng với bài cúng trên, 2 già làng đọc bài khóc tế trâu: “Ơ… ơ… Trâu ơi, mày là đứa con của dân làng. Mày chết đi dân làng đau lòng lắm trâu ơi, trâu ơi… Ơ.. ơ… Trâu ơi, mày chết đi nhưng chính là để cho dân làng ta no đủ, cho giàng, cho thần linh biết cái bụng của làng ta. Ơ …ơ… Trâu ơi, mày chết đi rồi, hãy phù hộ cho dân làng… Ơ …ơ… Trâu ơi…”.Cùng lúc đó, con trâu được nới lỏng dây. Theo tập quán thì già làng, những thanh niên của làng được mời kết nghĩa anh em sẽ là người cầm giáo thực hiện việc đâm trâu, còn già làng và những thanh niên làng đi mời chỉ thực hiện mỗi việc là xua đuổi cho con trâu chạy. Trống chiêng lại vang lên, những thanh niên nam nữ trong điệu múa Cơ - tu uyển chuyển tung tung - da dá vang vọng cả núi rừng. Khi trâu bị đâm chết, họ lần lượt lấy tấm dồ đẹp nhất đắp lên mình trâu, các loại bánh cũng được bỏ vào chỗ trâu chết với ước vọng cầu cho trâu chết vào thế giới thần linh cũng được no đủ. Sau đó các loại bánh này được dân làng lấy ăn, tiết trâu cũng được họ bôi lên trán, lên cổ cầu mong bệnh tật sẽ khỏi, sức khoẻ dồi dào, mùa màng tươi tốt, dân làng no đủ. Trâu được xẻ thịt chế biến các món ăn truyền thống, họ tụ tập lại nhà gươl ăn uống vui chơi, đôi khi kéo dài cả ngày đêm tới sáng hôm sau. Lễ Pơ ngát đến đây chấm dứt, mọi người lần lượt ra về trong niềm hân hoan và thương yêu nhau.
Hàng năm, vào các dịp lễ hội của dân làng như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, tang ma, lễ bỏ mả… tình cảm anh em 2 làng Cơ - tu được gắn bó hơn, họ được mời đến dự các lễ hội nói trên. Cứ thế con cháu của 2 làng cũng được giáo dục về truyền thống cộng đồng, sinh con đẻ cái trong sự đùm bọc yêu thương của 2 làng, nhiều cặp trai gái cũng được cưới nhau. Thông qua lễ Pơ ngát, sự gắn bó giữa 2 làng được nâng lên gấp bội, hễ làng nào gặp phải khó khăn như ốm đau, bệnh tật, nhà cháy, thiếu ăn… đều được họ đồng tâm hiệp lực hết mình giúp đỡ… Đây có thể được xem là nét văn hoá làng bản độc đáo của cộng đồng dân tộc Cơ - tu so với nhiều dân tộc anh em khác sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Nguồn: Dân tộc và Thời đại, số 66,5/2004