Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 23/11/2005 15:21 (GMT+7)

Làm ra điện từ... biogas

Qua khỏi bến xe Củ Chi, TP Hồ Chí Minh một đoạn, rẽ vào đường Nguyễn Thị Rành và đi thẳng cho đến khi chỉ còn cách khu địa đạo nổi tiếng chừng 5 km, một con đường nhựa nhỏ rẽ phải sẽ đưa chúng ta đến Nông trường bò sữa An Phú. Cách cổng chính nông trường chừng hơn cây số là ngã ba Bò Cạp. Ngôi nhà của người nông dân vừa nuôi heo vừa chế tạo máy điện nằm đúng ngay cái ngã ba có cái tên dễ nhớ đó.

Ý tưởng từ ... Cái Khó

Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà sáng chế này là nụ cười chân chất đúng kiểu Hai Lúa. Tên anh là Nguyễn Thanh Phong, 40 tuổi, dân Củ Chi chính cống, trình độ văn hóa 9/12, trước khi làm ra điện từ phân heo thì anh chàng này đã kinh qua nghề làm vườn, nghề thợ hàn, thợ sửa xe đạp, thợ sửa xe gắn máy và tất nhiên là “thợ”... nuôi heo nữa. Tuấn Anh, một nhân viên kinh doanh của Hãng thức ăn gia súc Nupak, nói với tôi: “Cả khu vực Đồng Nai - Bà Rịa với hàng trăm trại heo lớn, trại nào cũng xây hầm biogas và phải xả bớt gas đi vì chỉ sử dụng cho nấu ăn thì không thấm vào đâu, thế mà chưa trại nào có được chiếc máy này”.

Phong kể: vào thời điểm năm 2000, anh đã học cách làm được hầm biogas và dùng hơi gas từ hầm để nấu nướng. Khi đàn heo của trại tăng lên, số gas trong các hầm nhiều đến nỗi sau khi đã cho cả xóm sử dụng gas để nấu nướng mà anh còn phải xả bớt đi mới hết. Vừa tiếc lại vừa bị mùi hôi từ số gas xả đi, Phong suy nghĩ mãi về cách tận dụng hết số gas đó.

Thời đó, tại khu vực An Phú, Củ Chi điện cung cấp không đủ, bữa có bữa không nên Phong phải sắm chiếc máy Kohler chạy xăng phát điện. Đó cũng là chiếc máy đầu tiên Phong mày mò đút ống gas từ hầm phân lên để chạy thử. Thành công đầu tiên là... chạy được, máy phát điện nhưng trong vòng ba tháng, tính ra lợi được chừng 300.000 - 400.000 đồng tiền điện thì lại phải tốn đến 500.000 đồng tiền... sửa máy. Cuối năm 2000, Phong mua chiếc máy xe hơi cũ giá 3 triệu đồng. Lúc ấy vợ anh, chị Thảo, đã khóc lóc khi thấy chồng mình “tha” về một cái máy cũ như đồ phế liệu. Song anh vẫn lao vào chiếc máy hì hục ngày đêm.

Vượt chướng ngại vật

Tuấn Anh, một nhân viên kinh doanh của Hãng thức ăn gia súc Nupak, nói với tôi: “Cả khu vực Đồng Nai - Bà Rịa với hàng trăm trại heo lớn, trại nào cũng xây hầm biogas và phải xả bớt gas đi vì chỉ sử dụng cho nấu ăn thì không thấm vào đâu, thế mà chưa trại nào có được chiếc máy này”.

Nhờ kiến thức có được từ hồi... sửa xe gắn máy, anh đã thành công ở chiếc máy đầu tiên về việc đưa gas vào buồng đốt nhưng rõ ràng chướng ngại vật đầu tiên mà anh cần phải vượt qua là làm thế nào để điều chỉnh lượng gas đưa vào?

Khi câu hỏi này chưa trả lời được, cả anh và mấy người phụ việc đều toát mồ hôi hột vì dù máy nổ đấy, điện phát ra đấy nhưng điện áp thì trồi sụt theo việc sử dụng thiết bị tải điện nhiều hay ít.

Có khi điện áp tăng vọt trên 300V, lại có lúc tụt xuống dưới 160V! Phải mất mấy tháng dò hỏi những người thợ máy, thợ điện, thợ điện tử..., Phong mới tìm được một bảng mạch điện tự động điều khiển lượng gas vào buồng đốt. Bài toán cần giải tuy đơn giản nhưng không dễ chút nào với anh chàng nông dân nuôi heo ở vùng xa này. Những tháng tiếp đó là khoảng thời gian Phong lang thang hết các chợ... đồ điện cũ ở TP Hồ Chí Minh và may thay, sau vài lần hư hỏng thì anh  cũng tìm ra được thứ mình cần. Chiếc máy bắt đầu chạy êm, điện áp luôn ổn định dù có tăng hay giảm tải, đó là đầu năm 2001.

Chướng ngại vật thứ hai xuất hiện sau đó không lâu: do lượng hơi nước lẫn vào gas khá nhiều nên thỉnh thoảng máy bị đứng, phải tháo ống gas ra, làm khô bộ chế hòa khí mới tiếp tục chạy được. Anh quyết định thiết kế lại đường ống dẫn khí từ hầm lên theo dạng hình sin. Kể từ đó máy phát điện chạy bằng gas lấy từ hầm phân heo của anh chạy liên tục mà gần như không hề có bất kỳ sự cố nào.

“Thế anh có tính được chiếc máy phát điện ấy làm lợi cho mình bao nhiêu một tháng không?” - tôi hỏi.

Anh Phong nói ngay: “Trước đây mỗi tháng tiền điện sử dụng cho trại heo và cả sinh hoạt trong nhà tổng cộng chừng 2 triệu đồng. Bây giờ thì hóa đơn tiền điện mỗi tháng chỉ 300.000 - 400.000 đồng, chủ yếu là dùng phụ thêm trong những giờ cao điểm sản xuất. Ngoài ra, bây giờ tôi còn sử dụng thêm một máy xay bắp và trộn thức ăn cho heo, những thiết bị nếu dùng điện lưới thì phải tốn ít nhất 1 triệu đồng mỗi tháng. Vậy là cộng lại mỗi tháng tôi lợi được chừng 2,5 triệu đồng tiền điện”.

Đó là một con số rất hấp dẫn với người chăn nuôi. Khi tôi hỏi anh có làm thêm nhiều chiếc để bán không thì anh cười: “Ban đầu tôi chỉ định làm cho mình dùng thôi, đâu dám bán buôn gì. Sau đó có mấy người bạn cũng nuôi heo đến chơi thấy hay quá nên nhờ làm giúp, dần dà nhiều người biết nên đến đặt hàng. Thế là bỗng dưng thành người cung cấp máy phát điện chạy bằng gas. Giá mỗi máy lắp ráp hoàn chỉnh và cả bảo hành là 15 triệu đồng. Đến nay tôi đã bán được gần 20 chiếc ở Bình Dương, Hóc Môn và cả Lâm Đồng”.

Trong buổi ngồi trò chuyện với anh Phong ở Củ Chi, rất nhiều lần điện thoại của anh reo lên mà bên kia đường dây là khách hàng hỏi đặt lắp ráp máy từ Bình Dương, Lâm Đồng và có cả một người ở Đồng Nai xin được làm... đại lý. Anh cười nói với tôi: “Đã có gì đâu mà đòi làm đại lý, bây giờ cứ ai đặt mua cái nào thì tôi lại chạy đi kiếm máy xe hơi cũ để làm cái ấy, vốn liếng chưa có bao nhiêu với lại cũng chưa hề làm gì to lớn nên ngại lắm!”.

Tôi tìm đến nhà anh Bằng, một khách hàng của anh Phong ở ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn. Đây chính là người được anh Phong ráp chiếc máy đem bán đầu tiên vào cuối năm 2004. Trong số những chiếc máy mà anh Phong ráp bán thì chiếc của anh Bằng và của anh Phan Minh Phụng có số thứ tự 2 và 3, nghĩa là chỉ sau máy ở nhà anh Phong. Hiện nay cả hai máy đều có công suất 10kW này hoạt động rất tốt, sử dụng hết công suất của hầm biogas, hằng tháng không phải đóng tiền điện. “Riêng ông anh rể của tôi (anh Phụng) ở ấp Tiền Lân, Bà Điểm thì do trại khá lớn với 100 heo nái, lượng gas trong hầm nhiều nên điện phát ra ngoài việc sử dụng cho chuồng trại, cho sinh hoạt gia đình, anh ấy còn... bán điện cho gần 10 kiôt (đường Phan Văn Hớn, Bà Điểm, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh - ảnh) cho thuê của mình nữa” - anh Bằng khoe.


Nguồn: nhandan.com.vn 18/11/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.