Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/02/2005 17:34 (GMT+7)

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 - 2: Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác với sự nghiệp y học vĩ đại

Lúc nhỏ theo cha đi học tại Kinh thành Thăng Long (Hà Nội), cụ là người thông minh lỗi lạc, học rộng, nổi tiếng là danh sĩ. Khi 20 tuổi, cha mất, phải thôi học về nhà cư tang. Cụ từng tham gia các đội quân đánh Đông dẹp Bắc. Gặp lúc anh chết, mẹ già, cụ xin về dưỡng mẹ tại Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thời gian này cụ bị ốm nặng. Cụ tìm được danh y Trần Độc quê Thanh Sơn (Nghệ An). Trong khi dưỡng bệnh, đọc cuốn "Phùng thị cẩm nang", cụ hiểu thấu dịch lý, âm dương, lại được họ Trần giúp đỡ cho nên cụ càng hiểu thêm sách thuốc.

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1720 - 1791) sinh ra ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, cụ sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ thuộc xứ Bầu Thượng, xã Tình Diễm (nay là xã Sơn Quang), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ lấy biệt hiệu là Hải Thượng (nghĩa là Hải Dương và Bầu Thượng) rồi tự đặt tên là Lãn Ông (ông già lười), tức là lười biếng với danh lợi. Nhưng thực tế cụ là người suốt đời phấn đấu không ngừng.

Nhận thấy y lý là một đạo lý rất quan trọng đến tính mạng con người nên cụ quyết tâm quay về Hương Sơn, Hà Tĩnh đem cái chí khí anh hùng xây dựng nền y học. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng quyết tâm, trình độ uyên bác, yêu nghề mà trong 40 năm từ lý luận của y lý, qua thực tiễn, cụ xây dựng được một bộ sách quý để lại cho đời sau.

Để xây dựng đạo đức, tư cách người thầy thuốc, cụ thường nói: "Thầy thuốc nắm tính mạng của người bệnh, người ta gửi tính mạng cho mình phải hết sức cẩn trọng, phải nghiên cứu sách vở kỹ càng. Khi chữa bệnh phải cẩn thận, phải nhận rõ được bệnh chứng rồi mới lập phương, tuyệt đối không được sơ suất xem thường. Nghề thuốc không phải là nghề cầu danh trục lợi, không phải thấy giàu sang mà xu phụ kiếm tiền, thấy người nghèo khổ, cô đơn mà khinh miệt, người giàu sang không thiếu gì thầy, thiếu gì thuốc", chữa bệnh cho người nghèo khổ, chữa được bệnh rồi cụ còn giúp tiền để bồi bổ. Cụ nói: "Người nghèo lành bệnh rồi, nhà không có cơm ăn rồi cũng chết, nên phải đặc biệt chú ý".

Trong thời kỳ làm thuốc, hễ có người bệnh tới gọi, có khi cụ phải vượt cả giông tố, qua cả dãy núi Thiên Nhẫn để đến với người bệnh cho kịp thời. Không quản ngại gian khổ, cụ luôn luôn chú ý người bệnh, cụ nói: "Phương bắc bệnh chữa chưa khỏi, thì phương nam có người đến gọi, chỉ mong sao người đời không có bệnh để ngày ngày được uống rượu, ngâm thơ, gẩy đàn chơi". Tấm lòng nhân ái của cụ đã được biên tập thành bản Y huấn cách ngôn để dạy cho người đời làm thuốc có tư cách đứng đắn, mà ngày nay Bộ Y tế đã quyết định lấy chín điều Y huấn cách ngôn của cụ làm y đức cho những người hành nghề đông y. Trước hết là không nên vụ lợi, không nên cầu báo ơn, không nên khinh người nghèo, đối với đồng nghiệp phải khiêm nhường, phải học tập những người hơn mình, giúp đỡ những người kém mình, không được khinh rẻ lẫn nhau. Đây là những yếu tố quyết định nhân cách của người làm thuốc và đạo lý làm thầy của cụ.

Suốt 40 năm làm thuốc, cụ đem hết tinh thần nghị lực xây dựng nền đông y Việt Nam toàn diện, vừa có lý luận, phương pháp và thực tiễn về trị liệu, dùng các cây thuốc Việt Nam phù hợp bệnh tật của người Việt Nam. Cụ thể tập trung trí tuệ và kinh nghiệm nghề nghiệp thành bộ sách “Y tôn tâm lĩnh” gồm 66 quyển 28 tập. Bộ sách được phân môn, phân loại một cách có hệ thống, tổng kết kinh nghiệm đúc kết thành lý luận một cách sáng tạo. Tập đầu tiên là “Nội kinh yếu chỉ” nêu rõ nguyên lý y học "Kỳ Hoàng", rồi đến các tập về lý luận âm dương, thủy hỏa. Tập nào cũng phân tích chứng minh kỹ càng, nhất là các tập nói về Nhi khoa, phụ khoa. Tập "Lĩnh nam bản thảo" cũng giải thích hướng dẫn cụ thể, chứng tỏ tinh thần dân tộc cao và bản lĩnh của người thầy thuốc đông y của cụ thời bấy giờ. Các tập "Bách gia trân tàng", "Hành giản trân nhu" có tính chất tổng kết và phổ biến, đặc biệt chú ý bệnh tật của các tầng lớp dân nghèo.

Bộ Y tôn tâm lĩnh là một trước tác vĩ đại trong y giới Việt Nam, nó gồm đủ cả lịch sử y học, kinh nghiệm thực tế, học tập nhân dân, sáng tạo về lý luận có đầy đủ tính chất khoa học, dân tộc, đại chúng, mở ra một chương mới, một thế hệ mới, một phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh mới và đạo đức nghề nghiệp của nền y học Việt Nam.

Bộ sách của cụ lúc bấy giờ tuy chưa được ấn hành, nhưng học thuyết của cụ đã trở thành một trường phái đông y nổi tiếng trong cả nước. Những người học trò, những người bạn của cụ đã ghi chép, học tập phổ biến khắp mọi nơi. Bộ sách đã trở thành một kiệt tác của nền đông y Việt Nam được lưu truyền cho đến ngày nay và mãi mãi sau này.

Hải Thượng Lãn Ông là một người có chí lớn, học rộng, đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại trong nền y học, lấy phục vụ nhân dân làm sứ mạng của mình, chẳng những chữa bệnh mà các phương pháp phòng bệnh trong nhân dân cũng được cụ đề cập. Ngoài bộ "Y tôn tâm lĩnh", tập "Vệ sinh yếu quyết" có những mục nói về dưỡng tâm là không được nghĩ đến điều bất chính. Luyện khí là mùa hạ phải dậy sớm, mùa đông dậy muộn, ăn xong phải đi bách bộ. Người già, người bệnh, người sức yếu khi nằm phải quay đầu về phương sinh khí. Khi có bệnh dịch tễ trong nhà phải xông thương truật, đàn hương, tạo giác (bồ kết) để giảm độc khí. Cụ thường nói "Phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Thời bấy giờ các y gia chỉ ỷ lại thuốc Bắc. Còn thuốc Nam thì rất nhiều, rất rẻ, chữa bệnh rất hay thì không biết sử dụng, đến như pho "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh cũng ít người chú ý đến. Họ đã thiếu đi cái tinh thần tự lực cánh sinh.

Để khắc phục những tư duy sai lầm của các thầy thuốc đông y lúc bấy giờ, cụ đã đặc biệt quan tâm dùng thuốc Nam thay thế thuốc Bắc như lấy sâm bổ chính nấu thành cao để thay thế nhân sâm, dùng hà thủ ô để làm thuốc bổ khí huyết, dùng hương phụ chế để làm thuốc điều kinh, lá ngải để chữa sốt rét, bạc hà để chữa ăn không tiêu, v.v.

Đương thời, người ta gọi cụ là Hương Sơn ẩn sĩ, nghĩa là một người ở ẩn nơi miền Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhưng hơn 40 năm trời ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, cụ học tập, nghiên cứu, sáng tác, phát minh, quan tâm xã hội, cụ mong muốn cho mọi người sống một cuộc đời đầy đủ, hạnh phúc lành mạnh. Cụ đã lập ra "Y hội" đoàn kết những người làm thuốc để giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm trên cơ sở y đức, y lý. Cụ đã mở trường dạy thuốc cho những người thiết tha với nghề thuốc, nắm được quy luật âm dương, y lý, dược lý để trở thành những người thầy thuốc tốt.

Cuộc đời của Lê Hữu Trác là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, sứ mệnh và đạo đức của người thầy thuốc. Dưới chế độ đế quốc và phong kiến, nền đông y Việt Nam bị khinh rẻ, bị chèn ép nên lý luận và sáng tạo của cụ chưa được phát huy đầy đủ, công lao và sự nghiệp của cụ bị lu mờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ dân chủ cộng hòa được thiết lập, nền đông y Việt Nam được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm cho nên có những bước tiến bộ.

Năm 1946, Hội Đông y Cứu quốc ra đời. Năm 1957, Chính phủ cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam. Đến nay, Hội Đông y phát triển trong toàn quốc, các lương y được trọng dụng phát huy nghề nghiệp phục vụ sức khỏe nhân dân, phát huy sự nghiệp của tổ tiên với những cử chỉ và hành động tốt đẹp cả về y đức và y đạo. Bộ “Y tôn tâm lĩnh” của cụ đã trở thành bộ sách giáo khoa làm tài liệu giảng dạy cho những người làm thuốc ngày nay.

Nguyễn Xuân Hướng *

-------

* Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông

Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.