Kon Tum: Liên hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở
Với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất để nâng cao thu nhập, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong sản xuất nông nghiệp; góp phần thay thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, thời gian qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đẩy mạnh triển khai các hoạt động hướng về cơ sở.
Được Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Viện Phát triển Doanh nhân Cộng đồng (CENDI) hướng dẫn chuyển đổi diện tích đất trồng mì đã bạc màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đến nay gia đình anh A Thấp, thôn Vi Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông đã bước đầu có thu nhập từ những loại cây ăn quả gồm: Đào, Mận, Nhãn, Cam, Táo, Na, Hồng, Chanh và Ổi.
Anh A Thấp chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha đất, trước đây chuyên để trồng mì, những năm gần đây giá cả bấp bênh; ngoài ra quá trình canh tác đất bị xói mòn làm cho đất bạc màu theo thời gian, từ khi được hỗ trợ của Liên hiệp hội tỉnh và Viện CENDI gia đình tôi đã chuyển đổi cây trồng thành công, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Thôn Tu Mơ Rông và thôn Đắc Chum, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, là hai thôn đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Rừng được bảo vệ tốt hơn nhờ vào các biện pháp thực hiện của các thành viên trong cộng đồng 2 thôn. Việc triển khai trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng được giao, gắn với quản lý bảo vệ rừng ở đây đã mang lại cuộc sống ngày càng ổn định hơn cho người dân.
Chi Y Thu, thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông chia sẻ: “Từ năm 2017 Liên hiệp hội và Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững Tài nguyên và phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) hỗ trợ triển khai công tác giao đất gắn với rừng để người dân quản lý, bảo vệ. Những khu rừng này giờ đây chính là không gian sinh tồn quan trọng của bà con trong thôn. Cùng với đó, các mô hình sinh kế cho bà con từng bước được đầu tư, nhân rộng”.
Không những thế, bắt đầu từ năm 2018 toàn bộ diện tích đất rừng giao cho 2 thôn đều được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha được chi trả 400 nghìn đồng/năm, như vậy với diện tích rừng 538ha, hai cộng đồng được hưởng 215 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với cộng đồng và sẽ giúp ích rất nhiều để cộng đồng tiếp tục duy trì hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đồng thời có điều kiện để mở rộng mô hình trồng các loại cây dược liệu, trong đó có Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Người dânthôn Vi Pờ Ê, xã Pờ Ê chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình
Ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh cho biết: “Từ kết quả bước đầu trong công tác giao đất rừng cho cộng đồng quản lý ở thôn Đắc Chum 1, thôn Tu Mơ Rông cho thấy, giao đất giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế cho người dân, đã tạo được sự chuyển biến đáng kể. Rừng được bảo vệ và phát triển tốt hơn. Khi các cây dược liệu trồng dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế, người dân và cộng đồng sống gần rừng sẽ có thêm thu nhập để nâng cao đời sống và phát triển bền vững”.
Việc đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở thời gian qua của Liên hiệp hội tỉnh đã góp phần làm thay đổi phương thức canh tác của người dân địa phương, áp dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế; bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn các giống bản địa quý, đồng thời duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo ông Lê Văn Hùng, để giúp đưa nhanh các tri thức KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái, trong thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh các hoạt động hướng về sở sở để hướng dẫn cho người dân thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành mở nhiều lớp tập huấn kiến thức về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Trong đó, chú trọng đến các dự án khoa học với nội dung xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm thành công, gắn nội dung triển khai dự án với việc phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và chuyển giao các quy trình công nghệ mới đến các đối tượng tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.