Kinh nghiệm nhân giống tre Bát Độ
Nhân giống tre Bát Độ bằng phương pháp chiết cành
Chọn khóm tre có ít nhất 12 tháng tuổi, sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chưa ra hoa. Chọn những cây mẹ có 8 đến 24 tháng tuổi, đã rụng hết bẹ mo. Chọn những cành bánh tẻ có màu xanh thẫm, dài trên 60 cm, lộc nõn phát triển ra các lá thành thục. Đường kính cành chiết hơn 1cm, những cành la gần gốc, cách mặt đất 60 cm trở lên.
Thời vụ: Miền Bắc nên chiết hai vụ trong năm. Vụ xuân chiết tháng 3-4. Vụ thu chiết tháng 7-8. Miền Nam nếu chủ động nước tưới cho cây mẹ có thể chiết quanh năm. Nếu không chủ động nước tưới được thì chỉ nên chiết vào đầu mùa đến giữa mùa mưa.
Cách tiến hành chiết: Phát bớt ngọn cành định chiết, để dài 40 đến 50 cm khoảng 3 đến 4 đốt nhằm hạn chế gãy khi gặp mưa to gió lớn. Dùng cưa hay đục sắc cắt 2/3 cành phần gần tiếp giáp với thân (phần đùi gà), cách thân mẹ khoảng 2 cm (để lấy nơi buộc giấy nilông bọc bầu chiết cho chắc sau này). Với 1/3 cành còn lại, tiếp xúc với thân chính vẫn đủ cung ứng dinh dưỡng nuôi cành chiết về sau.
Bó bầu chiết: Dùng thuốc kích thích 2,4D dạng axit hay muối hoặc NAA hay IAA nồng độ 100ppm (100 phần triệu), lấy bông chấm dung dịch thuốc kích thích đã pha chấm vào vết cắt, để ngấm thuốc trong 5 đến 10 phút sau bó bầu. Hỗn hợp để bó bầu gồm 50 đến 70 % bùn ao hay phù sa phơi ải, đập nhỏ + 30 đến 50% phân chuồng thật hoai mục. Tưới nước đủ ẩm (thử bằng cách nắm thành nắm không rỉ nước ra khỏi kẽ tay, cũng không rã hỗn hợp là được), nắm thành từng nắm hình tròn, đường kính chừng 12 đến 15 cm. Bẻ đôi nắm đất ấp vào vết cắt, nắn sao cho bầu chiết có đường kính 10 đến 12 cm, dài 12 đến 15 cm. Dùng giấy nilông mầu trắng, dai, kích thước20 x25cm, gói kín, buộc ngoài bằng ba nút lạt giang (giữa và hai đầu) cho chắc chắn.
Sau khi bó bầu khoảng 30 đến 40 ngày, thăm bầu chiết thấy nhiều rễ nhỏ màu vàng ra quanh bầu là đạt yêu cầu. Dùng kéo cắt rời cành chiết khỏi thân mẹ, đem giâm trong vườn ươm. Vườn giâm cành chiết được thiết kế nơi thoát nước, tránh nắng, thuận tiện khi vận chuyển. Dùng bầu nilông dày kích thước đường kính 15 đến 18cm, cao 20 đến 25cm, có 4 lỗ thủng ở đáy và hai bên thân bầu cho thoát nước.
Hỗn hợp ươm gồm: Đất phù sa hay bùn ao khô đập nhỏ 50 đến 70% + phân chuồng hoai mục 30 đến 50% + 2 đến 3g NPK (5:10:3) + 0,1 đến 0,2% thuốc chống mối hoặc 3 đến 5g thuốc Vibasu 10H (đề phòng mối rất hay cắn rễ). Bóc giấy nilông khỏi bầu chiết, giâm cành chiết vào bầu ươm mới sao cho cổ rễ cành chiết thấp hơn miệng bầu chừng 2 đến 3 cm và không vỡ bầu. Giâm cành chiết trong đất hay cát cách nhau 10 đến 15 cm thành luống rộng 1 đến 1,2m,dài tuỳ theo kích cỡ của vườn ươm.
Tưới ẩm trong vườn ươm: Trong 30 ngày đầu cần tưới ẩm liên tục, đảm bảo độ ẩm luống giâm đạt 75 đến 85% độ ẩm đồng ruộng, độ ẩm không khí đạt trên 80%. Những ngày còn lại tưới ẩm 1 đến 2 lần, đảm bảo độ ẩm đất đạt 70 đến 80%.
Vườn ươm được che kín 90 đến 100% ánh sáng trực tiếp trong 25 đến 30 ngày đầu bằng giàn che (lưới nilông hay phên lá thân cây guột, cỏ tranh, cót tre). Sau đó 30 đến 60 ngày dỡ bỏ dần giàn che, chỉ che khoảng 60 đến 70% ánh sáng trực tiếp. từ 70 đến 120 ngày tiếp theo che 50% ánh sáng. Trên 120 ngày đến 150 ngày, che 30% ánh sáng. 151 ngày trở đi bỏ hết phên che, đến 180 ngày sau là đem trồng ra ruộng sản xuất.
Chăm sóc cây chiết trong vườn ươm: Sau khi ươm được 60 ngày (cây giâm ra được lộc mới), cần tưới nước phân đạm 1% +1% supe lân cho bầu giâm, khoảng 15 ngày/lần, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây giâm phát triển thêm 2 đến 3 lớp lá mới, đủ tiêu chuẩn xuất vườn khi được trên 180 ngày tuổi trong vườn ươm.
Giâm cành
Chọn cây mẹ, cành giâm tương tự như chiết cành, nhưng đường kính cành giâm cho phép nhỏ hơn 0,7 đến 1,2 cm. Cắt thành từng đoạn dài 30 đến 40 cm, có hai đốt rời khỏi thân mẹ. Nhúng đầu phía gốc vào dung dịch thuốc kích thích như đối với chiết cành. Sau đó giâm trong luống cát nhỏ (loại cát thường hay trát tường nhà), sạch, đảm bảo độ ẩm 80 đến 90%, độ ẩm không khí 90 đến 100%, trong 50 đến 60 ngày đầu. Che 90 đến 100% ánh sáng trực tiếp trong 40 đến 60 ngày đầu. Sau khi giâm trên 60 ngày, nhổ thăm thấy cành giâm ra rễ nhỏ màu vàng thì ươm trong bầu nilông, cách ươm tương tự ươm cành chiết trong vườn ươm đã trình bày ở phần trên.
Cây giâm khi đem trồng, tuy phát triển chậm hơn cây chiết khoảng một vài tháng kỹ thuật, thao tác phức tạp hơn chiết cành, nhưng hệ số nhân giống lại cao, nhân được nhiều cây giống, giá thành giảm nên được nhiều bà con có điều kiện áp dụng, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 36 (1754), ngày 6/5/2005