KHỞI NGUỒN CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến sự ra đời của Báo “Thanh Niên”, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Cách mạng Thanh niên đồng chí Hội.
Tờ báo xuất hiện trong thời điểm phong trào cách mạng Việt Nam đang nhen nhóm những bước phát triển mới, khi hàng loạt các tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức theo từng nhóm nhỏ với các khuynh hướng chính trị khác nhau, chưa tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên – “khởi nguồn” cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XX.

Sau khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đường trở về Trung Quốc, đã đến nước Nga Xô viết, quê hương của cách mạng Tháng Mười và của V.I.Lênin vĩ đại. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) trên cương vị phái viên của Quốc tế cộng sản, trong Phái bộ của Cố vấn Bôrôđin, bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên. Nhưng không phải có vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất Người đặt ra cho mình trong thời gian này là tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước đang có mặt ở Quảng Châu để tuyên truyền, giáo dục họ về chủ nghĩa cộng sản, về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tại đây, Người đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam, Người đã cải tổ Tâm Tâm xã, thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và đặc biệt là ra tờ báo Thanh Niên. Những bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn Đường Kách Mệnh, cùng với Báo Thanh Niên, được bí mật chuyển về nước. Đó là những bước chuẩn bị hết sức quan trọng về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Ngay từ những năm tháng hoạt động cách mạng trên đất Pháp đầu những năm 20 (thế kỷ XX), Nguyễn Ái Quốc đã từng ra Báo Le Paria (Người cùng khổ), vạch mặt thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân Đông Dương và các thuộc địa, kêu gọi lòng yêu nước & đoàn kết các dân tộc. Tuy nhiên hạn chế của tờ Le Paria là viết bằng tiếng Pháp, chưa thể đến với đông đảo tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam. Vì vậy lần này, chỉ sau một thời gian ngắn sau khi đến đất Quảng Châu, Người đã bắt tay ngay vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và để tuyên truyền cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh Niên. Nhằm mục đích “gửi về nước để tuyên truyền” mà đối tượng chính là những người Việt Nam biết chữ Quốc ngữ, một thứ chữ sau nhiều năm phổ biến đã có số khá lớn người đọc được, viết được - nhất là tầng lớp thanh niên và học sinh...
Báo Thanh niên ra số đầu tiên vào ngày 21 tháng 6 năm 1925. Ban đầu tờ báo dự định xuất bản hàng tuần, nhưng do khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Thông thường, mỗi số có 2 trang hoặc 4 trang, khổ giấy 18 x 24 (cm) - một khổ giấy thông dụng bấy giờ ở Quảng Châu có thể mua được một cách dễ dàng. Về hình thức, phía trên trang nhất trong khung chữ nhật có tên báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, ở giữa có ghi số báo, phía dưới tên báo ghi ngày, tháng, năm ra báo. Mỗi kỳ báo in khoảng 100 bản tại Quảng Châu. In xong, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Thượng Hải hoặc Hồng Kông, để từ đó nhờ vào hệ thống giao thông liên lạc trên các tàu thuỷ, báo Thanh Niên sẽ được chuyển một cách bí mật về nước. Và từ những tờ báo Thanh Niên nhỏ bé đó, khi đến tay người đọc, các cơ sở cách mạng ở trong nước lại chép tay hoặc in thành nhiều bản để phổ biến đựơc rộng rãi hơn và sâu hơn trong quần chúng nhân dân.
Cũng cần nhớ lại rằng: vào thời gian này, vì vừa phải tổ chức lớp học như bố trí cơ sở ăn, ở, đi lại, tìm kiếm vấn đề tài chính; lại vừa phải kết hợp ra báo Thanh Niên, đã đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc không chỉ rất nhiều thời gian, mà vấn đề nan giải nữa đó là tiền bạc. Vì thế, chi phí cho việc in Báo Thanh Niên là một vấn đề hết sức khó khăn. Khi rời Mátxcơva để đi Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc chỉ được Quốc tế Cộng sản trợ cấp cho một số tiền đi đường (rất ít ỏi) là 150 đô-la. Đến giữa năm 1925, trong một bức thư gửi cho một đồng chí đại diện Đảng Cộng sản Pháp tại Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cho biết là “đã nợ 350 đô-la cho những công tác đầu tiên”. Qua đó có thể thấy: Nguyễn Ái Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính hoạt động, mà nguồn cung cấp chủ yếu là tiền làm thêm của Người ...
Báo Thanh Niên được viết bằng bút sắt nhọn trên giấy sáp và in theo lối rônêô. Cách in này cũng chỉ cho phép in được 100 bản rõ nét. Phương pháp cải tiến chữ viết của Nguyễn Ái Quốc như: dùng chữ z thay cho d, chữ d thay cho đ, chữ f thay cho ph, chữ k thay cho c .... và nhất là cách rút gọn chữ này ngoài việc tiết kiệm được chữ, còn gây cho người đọc một ấn tượng đổi mới, cách mạng và độc đáo chỉ riêng tờ Thanh Niên bấy giờ mới có. Báo có các chuyên mục phong phú như: xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, phê bình, trả lời bạn đọc v.v…
Tham gia viết bài cho Báo Thanh Niên, ngoài Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo, người ta thỉnh thoảng còn thấy có các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh. Lê Duy Điếm ... Sau khi Báo Thanh Niên ra được mấy chục số đầu thì Nguyễn Ái Quốc lại có sáng kiến chọn lọc theo từng chuyên đề riêng, in thành các tập sách nhỏ để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục cách mạng một cách rộng lớn.
Nội dung chủ yếu của Báo Thanh Niên nêu lên vấn đề đoàn kết: đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Báo còn nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong suốt quá trình lịch sử. Ngoài vấn đề tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vô sản, báo còn đề cập một cách khái quát những vấn đề đường lối của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, dưới ngòi bút chính luận xuất sắc và một lối viết đầy súc tích nhưng ngắn gọn mà dễ hiểu của Nguyễn Ái Quốc trên Báo Thanh Niên, người đọc đã tiếp cận được những vấn đề cơ bản nhất, dễ nhận ra nhất về lý luận cách mạng, sau đó là những vấn đề thực tiễn của phương pháp tổ chức và hành động cách mạng. Về mặt minh hoạ, Báo Thanh Niên còn dùng tranh vẽ để tuyên truyền và tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến. Các tranh vẽ trên báo Thanh Niên hầu hết đều mang một nội dung chính trị sâu sắc và giàu ý tưởng.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đôi điều về văn phong của báo Thanh Niên thời bấy giờ. Là người hiểu rất rõ đối tượng của báo Thanh Niên chủ yếu là những người ít đọc, ưa cụ thể và thích thực tế như: thanh niên, công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, vì thế báo chủ trương viết thật ngắn gọn, dùng tiếng nói giản dị, dễ hiểu của công - nông để tuyên truyền và giáo dục cho họ. Báo còn sử dụng nhiều hình thức, thể tài rất linh hoạt: văn xuôi có cấu trúc ngắn gọn như một mệnh đề; ngoài ra còn có nhiều thể loại ca dao, tục ngữ, thành ngữ, nhất là văn vần và lối nói ví von dân gian sinh động v.v... Tất cả những điều đó thực sự đã góp phần chuyển tải một cách nhanh chóng và sâu rộng những tư tưởng cách mạng trong nhân dân ta để thức tỉnh đồng chí, đồng bào, giác ngộ quần chúng, giác ngộ giai cấp.
Là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của giai cấp vô sản, của cách mạng Việt Nam, Báo Thanh Niên là “đầu nguồn” của báo chí cách mạng Việt Nam, là tờ báo xuất bản trước cách mạng ra đời sớm nhất (từ năm 1925) và đã xuất bản được nhiều số nhất (tất cả được 202 số) so với các báo ra cùng thời bấy giờ như: Dân Chúng (80 số), Lao Động (30 số) và Tiền Phong (8 số). Rõ ràng là, báo Thanh Niên đã đem lại cho các thế hệ thanh niên, công nhân và nhân dân lao động Việt Nam thời đó một thế giới quan mới, một nhân sinh quan mới, một phương pháp tư duy mới, một đạo đức mới và một chủ nghĩa anh hùng mới, góp phần mở đầu sự nghiệp đổi mới về tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí của Việt Nam. Báo Thanh Niên còn là tờ báo mẫu mực về nội dung chính trị tư tưởng, về cách trình bày, thể hiện và cả về văn phong, về nghệ thuật phát hành, truyền bá ... Cho đến tận ngày nay (thế kỷ 21), những mẫu mực ấy vẫn là những bài học rất có giá trị đối với nền báo chí cách mạng của nước ta. Thanh Niên rất xứng đáng với danh hiệu là “người tuyên truyền cổ động và tổ chức tập thể” như V.I.Lênin đã nói.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ ta chính thức quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam" (tiền thân của Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7-1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan, đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức này. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 05/02/1985 lấy ngày ra Số đầu tiên của Báo “Thanh Niên” làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925), nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng. Theo đó, ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.
Ngày nay, hướng đến Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (2030) và 100 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam (2045); sự nghiệp báo chí của nước ta đang trên đà đổi mới mạnh mẽ (bởi ngoài báo in, chúng ta đã có cả báo hình, báo mạng ...), đã và đang đóng góp một cách tích cực, to lớn và hiệu quả vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo - nhất là trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta. Ngẫm lại 100 năm về trước, nhớ về thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Quảng Châu (Trung Quốc), nhất là nhớ về Báo Thanh Niên thời kỳ đó, như nhớ về “Tia lửa nhỏ” nhưng đã góp phần hun đúc và thổi bùng một cuộc cách mạng lớn lao, vĩ đại của dân tộc ta, của nhân dân và đất nước ta.
Chỉ như vậy thôi, Báo Thanh Niên cũng đã và sẽ mãi mãi xứng đáng được coi là “khởi nguồn” của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam./.