Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 30/10/2023 13:54 (GMT+7)

Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Sáng 28.10, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khai mạc Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC phối hợp với các đối tác uy tín tổ chức, ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

tm-img-alt

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành NIC

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan, sự lựa chọn chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước ta để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Nhìn lại hơn 3 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, năm 2022, Việt Nam trong top 40 nước có quy mô GDP lớn của thế giới, trong nhóm 20 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, chính trị xã hội ổn định. Để có được kết quả đó, có đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với việc tổ chức sự kiện “2 trong 1” – vừa khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vừa khai mạc Triển lãm Đổi mới sáng tạo quốc tế Việt Nam 2023 chính là hiện thực hóa công cuộc đổi mới sáng tạo bước vào giai đoạn mới. Thủ tướng tin tưởng, khánh thành NIC sẽ tạo không gian đổi mới sáng tạo cho đất nuóc, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, trở thành mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước, góp phần tạo nên biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến cho đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành NIC

Nhấn mạnh sự tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, vươn lên về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì Việt Nam mới có thể bắt kịp, đi cùng, tiến lên cùng thế giới trên con đường phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng lưu ý, việc hoàn thành, đưa vào khai thác NIC là sự khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của NIC, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp sau.

Một là, phảihoàn thiện thể chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của các chủ thể trong hệ sinh thái này, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; trong đó nghiên cứu, mạnh dạn triển khai cơ thử nghiệm, đặc thù cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng, tạo bứt phá cho nền kinh tế.

Hai là, xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen, y tế, giáo dục… Chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, nhân lực chất lượng cao để phát rtiển các ngành và lĩnh vực quan trọng khác.

Ba là, phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, gồm các doanh nghiệp, tập đoàn, các viện, trường đại học, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, vườn ươm đổi mới sáng tạo…

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp, tập đoàn trong nước với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Thủ tướng đề nghị các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của thế giới tham dự sự kiện sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển NIC, sớm triển khai công tác vận hành, thu hút đối tác đầu tư, xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại NIC Hòa Lạc; hoàn thiện hạ tầng chiến lược kết nối, nhất là về giao thông, dịch vụ của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu đề xuất hình thức hợp tác với NIC để ngày càng hiệu quả và mang lại lợi ích chung; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chính sách phù hợp để tạo thuận lợi nhất cho sự hợp tác này.

Sáu là, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó luôn đặt doanh nghiệp và người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc quốc gia tại các thành phố lớn và các địa phương.

tm-img-alt

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, NIC được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2.10.2019. Đây là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng (kể từ tháng 1.2021), cơ sở của Trung tâm tại Hoà Lạc đã sẵn sàng để chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động, với hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại.

Trung tâm tại cơ sở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sở hữu những điểm khác biệt riêng, như là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế đặc thù được quy định tại một Nghị định riêng của Chính phủ và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.

“Những nét đặc trưng này được kỳ vọng sẽ biến NIC thành hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ ngàn năm có một của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.

Cũng trong Lễ Khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc, Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 đã chính thức diễn ra với chủ đề “Hội tụ – Sáng tạo – Lan tỏa”. Triển lãm có khoảng 200 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, Mobifone; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill, và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu,như Phygital Labs, với sản phẩm công nghệ lõi Nomion - Định danh số vạn vật. Đồng thời, triển lãm còn có các gian hàng tới từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Mạng lưới trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học…

Diễn ra trong 5 ngày (từ 28.10 – 1.11.2023), triển lãm sẽ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC bao gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế, cho tới những khu trải nghiệm công nghệ hiện đại đa giác quan, nơi các sản phẩm và ứng dụng công nghệ được trình diễn sống động: không gian xanh Eco Valley, đường hầm ánh sáng và thành phố đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa NIC và các đối tác.

Tại sự kiện, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, NIC đã công bố và ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, Sovico, FPT, Tresemi về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Meta đã trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho 12 giải pháp tiêu biểu và vinh danh Top 4 giải pháp xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) được phát động từ tháng 10.2022. Top 4 giải pháp gồm Nền tảng Chuyển đổi số (oneSME) của VNPT; Tự động hóa quy trình với trợ lý ảo (FPT akaBot) của FPT IS; Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của MISA và Tiết kiệm năng lượng của Benkon.

Xem Thêm

Bến Tre: 48 sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo lần thứ 10
Toàn tỉnh có 4.796 sản phẩm dự thi. Có 6/9 huyện có số lượng sản phẩm dự thi tăng so với năm 2023, trong đó huyện Thạnh Phú có số lượng sản phẩm dự thi tăng cao nhất 176,19%; Bình Đại 81, 86%...sản phẩm dự thi giảm Châu thành 26,89%, Mỏ Cày Nam 26,68%...
Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong kỷ nguyên AI
AI (Trí tuệ nhân tạo) hiện nay được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá tại diễn đàn Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI Summit) 2024, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế vươn lên để đón làn sóng AI. Tuy nhiên, vẫn còncó nhiều thách thức dành cho Việt Nam trong kỷ nguyên AI đầy sôi động này.
Kon Tum: 40 mô hình đoạt giải Cuộc thi
Chiều ngày 15/8, Ban Tổ chức (BTC) Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh họp tổng kết các hoạt động Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng (Cuộc thi) lần thứ 16 năm 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Sửa đổi Luật KH&CN: Bổ sung, làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo
Dự kiến, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Việc bổ sung, làm rõ nội hàm ĐMST được kỳ vọng sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Tiền Giang: Sáng tạo nón lá cách nhiệt tiện dụng
Đây là giải pháp sáng tạo do cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên dạy nghề cắt may Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thực hiện. Giải pháp này được trao giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022-2023).

Tin mới

Bộ Chính trị điều động, phân công đồng chí Đỗ Trọng Hưng giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Chiều 5-9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia cuộc họp của Ban Thư ký của tổ chức phổ biến kiến thức khoa học thế giới
Vào ngày 26/8, Ban Trù bị của Tổ chức quốc tế về Phổ biến kiến thức khoa học (WOSL) đã tổ chức buổi họp trực tuyến với sự tham gia của đầy đủ các tổ chức thành viên. Buổi họp do Thạc sĩ Yin Hao, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc chủ trì.
Thanh Hoá: Phản biện đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh
Sáng ngày 30/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phản biện “Đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với sự tham dự của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội; các cơ quan, đơn vị liên quan.
An Giang: Liên hiệp hội bầu bổ sung nhân sự lãnh đạo
Sáng 27/8, Ban Thường vụ Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 5, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Châu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Châu; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện sở, ngành, hội có liên quan.