Hội thảo “Nâng cao năng lực xây dựng báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Ngay trong thời gian đầu thành lập, hoạt động phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam đã luôn được coi là hoạt động quan trọng. Cụm từ “Phản biện và giám định xã hội” lần đầu tiên được nêu trong Chỉ thị 35-CT/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Trải qua hơn 30 năm, vai trò chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên dần được khẳng định và thế chế hóa qua nhiều chính sách, văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” là cơ sở pháp lý mạnh mẽ nhất của Đảng và Chính phủ đối với hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên.
TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu đề dẫn
Đề dẫn Hội thảo tại hội thảo, TS. Phan Tùng Mậu đã khẳng định, thời gian qua công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên luôn được chú trọng, đẩy mạnh, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Thông qua hoạt động này, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã phản ánh ý kiến trung thực, khách quan, khoa học của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. TS Phan Tùng Mậu cũng trích dẫn các văn bản của Đảng và Nhà nước để chỉ ra tính độc lập của công tác TV,PB&GĐXH và khẳng định rằng tính độc lập là yếu tố quan trọng làm cho công tác TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội được phát huy cao nhất hiệu quả.
Trong thời gian 01 ngày làm việc, các đại biểu dự Hội thảo đã được tiếp cận với 06 tham luận, trình bày các quy trình tiêu chuẩn, các thức và các bước tiến hành một nhiệm vụ TV,PB&GĐXH; Báo cáo kết quả, tổng hợp kỷ yếu cũng như xây dựng thông điệp của các chuyên gia góp ý cho đối tượng được TV,PB&GĐXH v.v..
Ông Lê Quang Thích - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẽ thực trạng công tác TVPB&GĐXH tại địa phương
Ngoài ra, đại diện Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo cũng đã chia sẽ các kinh nghiệm thực tiễn tiến hành các nhiệm vụ TV,PB&GĐXH tại địa phương; những khó khăn và thuận lợi do đặc thù của từng tỉnh. Qua việc chia sẽ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, các Liên hiệp Hội địa phương có điều kiện tham khảo lẫn nhau, để làm tốt công tác TV,PB&GĐXH ở địa phương minh, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất thể chế hóa chính sách để lãnh đạo Đảng, UBND tỉnh ban hành các quyết sách, tạo hành lang pháp lý về công tác TV,PB&GĐXH để cụ thể hóa Quyết định 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị.