“Họ Tý” trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam
- Chuột bầy đào không nên lỗ (Tương tự: Cha chung không ai khóc, Lắm sãi không ai đóng cửa chùa): Công việc do nhiều người cùng làm thì người ỷ lại vào người kia, không ai chịu trách nhiệm nên hỏng việc.
- Chuột cắn dây buộc mèo: làm ơn cho kẻ có thể hại mình.
- Chuột chạy cùng sào: bước đường cùng rồi, không thể làm khác được.
- Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà dột ra nằm bụi tre: chế giễu kẻ làm bộ, ra vẻ ta đây.
- Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ lại trả lời cả họ mày thơm: câu nói dí dỏm chê cười những kẻ chẳng hay ho gì lại đi chê bai người khác (Tương tự: Lươn ngắn lại chê chạch dài, Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm).
- Chuột chù đeo đạc (đạc là cái mõ): chỉ kẻ đua đòi, đài các rởm, không tự biết thân biết phận mình.
- Chuột chù lại có xạ hương: chế giễu kẻ bất tài lại cứ hay khoe mẽ.
- Chuột chù nếm dấm: chê kẻ bất tài lại cứ làm ra vẻ ta đâ giỏi dang, thành thạo.
- Chuột đội vỏ trứng” chê kẻ muốn mượn hình thức người khác để che giấu bản chất của mình.
- Chuột gậm chân mèo: chỉ hành động liều lĩnh, nguy hiểm.
- Chuột khôn có mèo hay (tương tự: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Quả xanh có nanh sắc): dù ghê gớm đến mấy cũng có đối thủ cao tay hơn trị lại.
- Chuột không hay, hay ỉa bếp: chỉ kẻ hư đốn, chẳng làm tròn bổn phận, lại còn quấy rầy người khác. Chỉ việc cần làm không làm, lại đi làm điều xằng bậy.
- Chuột sa chĩnh gạo (tương tự: Chuột sa lọ mỡ): chỉ người gặp may, gặp thời, đang nghèo khổ lại được cuộc sống trong hoàn cảnh đầy đủ, sung sướng.