Hiệu quả khai thác, sử dụng nước lưu vực sông Đáy - Nhuệ theo góc độ kinh tế và môi trường
Lưu vực sông Đáy-Nhuệ thuộc lưu vực sông Hồng, lưu vực đi qua sáu tỉnh, thành: Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Phạm vi lưu vực được giới hạn từ 20 0đến 21 020' vĩ độ Bắc, từ 105 0đến 106 030' kinh độ Đông. Tổng diện tích tự nhiên của lưu vực khoảng 7.970 km 2.
Đặc điểm về khai thác, sử dụng nước
Khai thác, sử dụng nước có tiêu hao
Nông nghiệp:Là ngành sử dụng nước nhiều nhất trong lưu vực, tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp trong lưu vực ước tính khoảng 2,9 tỷ m 3, chủ yếu là cấp nước cho trồng lúa, lượng nước chiếm khoảng 80%. Hiện nay, một số tỉnh trong lưu vực có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn và sang nuôi trồng thuỷ sản đối với các vùng trũng trong mùa mưa.
Nước cho đô thị và công nghiệp:Phần lớn lượng nước sử dụng cho đô thị và công nghiệp tập trung ở Hà Nội và Hà Tây, nguồn nước chủ yếu khai thác từ nước ngầm với lượng nước sử dụng khoảng 420 triệu m 3mỗi năm. Nguồn nước mặt sử dụng ít hơn nhiều, hàng năm nước mặt sử dụng cho cấp nước đô thị trong lưu vực khoảng 16,5 triệu m 3và cho công nghiệp khoảng 63,5 triệu m 3. Lượng nước sử dụng cho công nghiệp và đô thị khu vực Hà Nội và Hà Tây có mức độ tăng khá lớn, chủ yếu được khai thác từ nước ngầm và nguồn nước ngoài lưu vực, trong đó chủ yếu là cho phát triển các khu thị trấn, tuy nhiên lượng nước này không lớn.
Cấp nước nông thôn:Việc đánh giá chính xác lượng nước sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nông thôn được khai thác từ các giếng khoan hoặc giếng đào. Ước tính dân số nông thôn trong lưu vực khoảng 5,7 triệu người với lượng nước sử dụng trung bình 30 lít/ngày thì tổng lượng nước sử dụng cho sinh hoạt nông thôn khoảng 64,2 triệu m 3/năm.
Nước cho thuỷ sản:Nhu cầu sử dụng nước cho nuôi trồng thuỷ sản bằng ao hồ trong lưu vực ước tính trung bình từ 40.000 đến 60.000 m 3/ha/năm. Tuy nhiên, phần lớn nước được sử dụng trong mùa mưa và được xả trở lại dòng sông sau khi sử dụng nên khó có thể đánh giá chính xác lượng nước sử dụng thực tế. Thủy sản chủ yếu phát triển ở khu vực hạ lưu và ven biển, bao gồm cả các cửa sông.
Khai thác, sử dụng nước không tiêu hao
Các nhu cầu khai thác, sử dụng nước không tiêu hao chính được xác định trong lưu vực như sau:
Pha loãng ô nhiễm từ nước thải:Đây là nhu cầu sử dụng nước không tiêu hao quan trọng nhất trong lưu vực sông Đáy- Nhuệ, lương nước yêu cầu là dòng chảy để đảm bảo pha loãng các chất ô nhiễm từ nước thải công nghiệp và đô thị. Chất lượng nguồn nước kém dẫn đến hàng loạt các tác động tiêu cực trong đó có các tác động đến sức khoẻ con người. Việc tăng dòng chảy mùa cạn nhằm pha loãng ô nhiễm rất quan trọng đối với tỉnh Hà Nam - tỉnh chịu tác động lớn nhất do chất lượng nguồn nước bị suy thoái trong lưu vực.
Cho thủy điện:Chủ yếu tập trung ở Hoà Bình, đến nay có khoảng 100 trạm thủy điện nhỏ với công suất 5-15 kW, phục vụ cho từ 5 - 30 hộ gia đình, các trạm thủy điện này sử dụng nguồn nước sau các đập dâng nhỏ, ngoài ra có khoảng 2000 máy phát điện mini với công suất nhỏ hơn 1 kW, các máy phát này đặt trực tiếp trên dòng chảy, không cần xây dựng nhịp dâng. Tuy nhiên, các trạm thuỷ điện này có xu hướng giảm bớt do mức độ an toàn không cao và do mở rộng lưới điện quốc gia.
Nuôi cá trên dòng sông:Việc nuôi cá trên dòng sông không phải là hoạt động chính trong lưu vực. Thực tế, do mức ô nhiễm cao nên hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên sông Nhuệ ở Hà Nội và Hà Tây đã bị cấm. Tuy nhiên, có hàng loạt lồng các được nuôi trên sông và nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân nông thôn. Yêu cầu dòng chảy cho các hoạt động này được đánh giá là nhỏ nhất, thực tế yêu cầu dòng chảy chủ yếu là để hoà tan các chất ô nhiễm có tác động đến chất lượng hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Du lịch:Du lịch sinh thái là hoạt động quan trọng ở Ninh Bình và có xu hướng phát triển ở một số vùng khác như du lịch làng nghề ở Hà Tây. Đối với du lịch sinh thái và cảnh quan, hiện chưa đánh giá yêu cầu cụ thể về dòng chảy.
Giao thông, vận tải thuỷ:Vận tải thuỷ, đặc biệt là vận chuyển than và vật liệu xây dựng, là hoạt động kinh tế quan trọng trên sông Đáy. Vì thiếu nước trong mùa khô vận tải thuỷ ở các đoạn sông thượng lưu đã bị nhiều hạn chế. Ví dụ, mực nước thấp làm cho các tàu thuyền cỡ lớn chỉ hoạt động với 50-60% tải trọng thiết kế.
Kiểm soát xâm nhập mặn:Trong mùa khô, xâm nhập mặn ăn sâu vào tới 20km tính từ cửa sông Đáy, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và cho môi trường. Các ảnh hưởng này có xu hướng gia tăng trong 10-15 năm qua do sự thay đổi chế độ thuỷ văn, kể cả việc gia tăng sử dụng nước ở thượng lưu. Khi xâm nhập mặn vượt qua một giới hạn nhất định, việc lấy nước cho nông nghiệp phải dừng lại, làm kéo dài thời gian sản xuất hoặc làm giảm năng suất cây trồng do suy giảm chất lượng nước.
Duy trì dòng chảy môi trường:Nhu cầu dòng chảy sinh thái, môi trường cần được đánh giá như một nhu cầu sử dụng nước không tiêu hao, các cơ quan liên quan cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì dòng chảy môi trường.
Hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong lưu vực
Ngành nông nghiệp
Giá trị sản phẩm sử dụng nước đối với ngành nông nghiệp thường được tính từ tổng giá trị thu được (đơn giá thị trường nhân với sản lượng) trên một m 3nước sử dụng. Thông thường trong kinh tế nông nghiệp, việc đánh giá chi phí chủ yếu được dựa trên các chi phí ngắn hạn, là chi phí làm ra sản phẩm, các chi phí này thường liên quan trực tiếp đến sản xuất như giống, phân bón, nhiên liệu, chi phí bơm nước, sửa chữa và các chi phí khác liên quan đến sản xuất.
Có thể thấy giá trị thu được của 1m 3nước cho trồng lúa của các vùng tương đối thấp, khoảng từ 1.000 - 3.000 đồng, giá trị này không đủ để trang trải chi phí vận hành, bảo dưỡng và thay thế thiết bị cho hệ thống thuỷ nông cấp nước. Như vậy có thể thấy rõ là hiệu quả sử dụng nước cho sản xuất lúa trong lưu vực có giá trị kinh tế rất thấp.
Ngành thuỷ sản:Giá trị sản phẩm sử dụng nước với ngành thủy sản thường được tính từ tổng giá trị thu được (đơn giá thị trường nhân với sản lượng) trên một đơn vị nước. Theo Sở Thuỷ sản tỉnh Nam Định cho biết, sản lượng thu được ước tính trung bình khoảng 1,5 tấn/ha với lượng nước sử dụng khoảng 40,000 m 3/ha đối với thuỷ sản nước ngọt, với giá trị trung bình 10.000đồng/kg thì giá trị thu được từ sử dụng nước khoảng 375 đồng/m 3, đây là giá trị trung bình.
Có thể nhận thấy việc sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản trong lưu vực phụ thuộc vào giá cả sản phẩm thuỷ sản trên thị trường và giá trị sử dụng 1m 3nước khá thấp.
Ngành công nghiêp:Giá trị sản phẩm sử dụng nước với toàn ngành công nghiệp được tính toán bằng cách đánh giá tổng giá trị thu được của sản phẩm công nghiệp. Ước tính để làm ra 1 triệu đồng GDP ngành công nghiệp, cần sử dụng 25m 3nước, như vậy giá trị trung bình của 1m 3nước khoảng 40.000 đồng, gấp hơn 10 lần so với nông nghiệp.
Cấp nước sinh hoạt:Giá trị sản phẩm sử dụng nước đối với cấp nước sinh hoạt là giá nước mà người dùng phải trả. Trong lưu vực sông Đáy-Nhuệ, hầu hết các tỉnh đều thu giá cấp nước sinh hoạt là 2.500đồng/m 3, nhưng giá thành để xử lý 1 m 3nước lại cao hơn, khoảng 4.000 đồng/m 3.
Đối với các mục đích sử dụng không tiêu hao:Giá trị của nước đối với các mục đích sử dụng không tiêu hao được tính toán dựa trên các tác động cụ thể đối với mỗi phương án, đó là các lợi ích thu được nhờ việc gia tăng sức khoẻ cộng đồng, cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường, cảnh quan sinh thái, duy trì và bảo vệ các loài thuỷ sinh.
Kết luận
Đối với lưu vực sông Đáy-Nhuệ, sản xuất lúa là ngành có mức sử dụng nước nhiều nhất. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp là một xu hướng quan trọng nhằm tăng hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước cũng như giảm lượng nước khai thác sử dụng trong những thời đoạn khó khăn về nguồn nước.
Kết quả phân tích giá trị kinh tế của nguồn nước trong các phương án sử dụng trong lưu vực sông Đáy-Nhuệ cho thấy hiệu quả khai thác, sử dụng nước cho đô thị và công nghiệp có giá trị cao hơn nhiều so với sử dụng nước cho nông nghiệp, đồng thời các giá trị sử dụng nước không tiêu hao cũng có hiệu quả về xã hội và môi trường cao hơn sản xuất lúa. Đây cũng là hiện trạng chung về khai thác, sử dụng ở Việt Nam . Theo góc độ quản lý và phương hướng phát triển bền vững, định hướng cho khai thác, sử dụng nước trong lưu vực sông Đáy-Nhuệ là giảm lượng nước sử dụng cho lúa, tăng lượng nước có giá trị cao, tăng lượng phân bổ cho nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất công nghiệp, chú trọng tới phân phối nguồn nước cho các mục đích môi trường nhằm hài hoà và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn nước trong lưu vực theo cả hai khía cạnh kinh tế và môi trường.
Bảng: Giá trị thu được từ sản xuất lúa
Tỉnh | Sản lượng (tấn/ha) | Đơn giá (Đ/tấn) | Tổng giá trị thu được (Triệu đ/ha) | Lượng nước sử dụng (m 3/ha) | Giá trị trung bình thu được (Đ/m 3) |
Hoà Bình Vụ hè thu | 4,5 | 2.500.000 | 11 | 4.500 | 2.500 |
Hoà Bình vụ Đông xuân | 4,5 | 2.500.000 | 11 | 6.000 | 1.875 |
Hà Nội Một năm 2 vụ | 10-12 | 2.500.000 | 28 | 10.000 | 2.750 |
Hà Tây Một năm 2 vụ | 10-12 | 2.500.000 | 28 | 10.000 | 2.750 |
NamĐịnh Một năm 2 vụ | 6,1 | 2.100.000 | 13 | 11.500 | 1.000 |
Ninh Bình Một năm 2 vụ | 10 | 2.000.000 | 20 | 10.000 | 2.000 |
Bảng: Hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong lưu vực sông Đáy-Nhuệ
Mục đích sử dụng | Tổng giá trị thu được (đồng/m 3) | Giá trị ròng (đồng/m 3) |
Nông nghiệp - lúa | 1.000 - 3.000 | 1.300 |
Nông nghiệp - vụ đông | 4.000 | 1.850 |
Thủy sản | 375 | Không tính |
Cấp nước đô thị | 2.500 (giá bao cấp) | Giá thực tế cao hơn nhiều |
Sản xuất công nghiệp | 40.000 |