Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc (CAST)
CAST có 198 hội ngành toàn quốc, mỗi tỉnh có một hiệp hội địa phương (quan hệ giữa hiệp hội trung ương và hiệp hội địa phương chỉ là quan hệ hướng dẫn, định hướng chứ không phải quan hệ lãnh đạo, độc lập hoàn toàn về kinh phí). Cơ quan trung ương CAST có 160 người, 14 ban/ phòng (Ban Hợp tác Quốc tế có 18 người, trong đó có 02 người tham gia đi sứ nước ngoài). Hàng năm, kinh phí bình quân, chính phủ Trung Quốc cấp cho CAST 150 triệu USD.
Trụ sở của CAST nằm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, được khởi công xây dựng năm 1996, trên diện tích gần 02 ha, gồm 4 tòa nhà: A.B.C và D. Tòa nhà chính A 26 tầng có 604 phòng, 52.000m 2. Từ tầng 15 đến tầng 26 là trụ sở làm việc của 14 phòng/ ban của CAST; từ tầng 14 trở xuống là nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, khách sạn, văn phòng cho thuê… Hệ thống hội trường, phòng họp rất đầy đủ, tiện nghị (hội trường lớn nhất có sức chứa khoảng 600 người, có 4-5 hội trường liên hoàn với nhau, hội trường nhỏ vài chục người, khoảng 30 hội trường nhỏ, có những phòng hội trường sang trọng để tiếp khách VIP, có khu triển lãm 1000m 2). Ngoài ra còn có hoa viên, bãi đỗ xe (cho khoảng 140 chiếc), đường đi lại, các khu vui chơi thể thao. Bên trong trụ sở CAST có Cung Trí thức với lực lượng lao động thường xuyên trên 2000 người. Kinh phí xây dựng trụ sở CAST đều từ nhà nước với tổng kinh phí xây dựng 100 triệu USD
Một số hoạt động của CAST
Đào tạo và phổ biến kiến thức:
CAST có 1 văn phòng thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức liên hệ với 18 bộ, Quốc vụ viện. CAST phổ cập khoa học cho dân chúng nhằm đáp ứng nhu cầu được biết của người dân, cung cấp kênh thông tin cho người dân tìm hiểu, và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để hiểu thông tin và tính chất hai mặt của công nghệ như vấn đề ô nhiễm từ các nhà máy hóa chất hiện đại
Theo khảo sát của CAST, tỷ lệ dân số hiểu biết khoa học - công nghệ (KH-CN) của dân số nước này năm 2010 là 3,27%, tương đương tỷ lệ của các nước phát triển vào những năm 1990. Trung Quốc có kế hoạch nâng tỷ lệ người dân có hiểu biết cơ bản về KH-CN lên 5% (tương đương 65 triệu người) vào năm 2015. Kế hoạch này được đưa ra tại Đại hội lần thứ 8 của CAST. Vì vậy, CAST đặt nhiệm vụ nâng cao hiểu biết khoa học công nghệ cho người dân là một trong những mục tiêu chính trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất khoa học, hồi đáp nhanh các vấn đề về KH-CN được người dân quan tâm. CAST có kế hoạch xây dựng thêm nhiều cơ sở giáo dục và bảo tàng KH-CN để đạt mục tiêu cứ khoảng 1 triệu dân số, hoặc một thành phố sẽ có ít nhất một bảo tàng. Hiệp hội cũng hướng tới người dân tộc thiểu số và dân cư nông thôn, với hy vọng giúp họ ứng dụng kiến thức kỹ thuật nhiều hơn vào kinh doanh và thúc đẩy sản xuất.
CAST cũng tích cực tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. CAST được giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa. Trong hơn 20 năm qua, CAST đã tiến hành các cuộc điều tra quốc gia về xóa mù khoa học cho người dân đồng thời sử dụng các dữ liệu để so sánh Trung Quốc với các nước khác.
Cuộc họp quốc tế về khoa học phổ thông do Viện Nghiên cứu về Khoa học phổ thông (CRISP) của CAST tổ chức đã cung cấp một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu và các quan chức chính phủ để thảo luận về kết quả và ý nghĩa trong cải thiện, nâng cao kiến thức khoa học trong nước.
Tham gia xây dựng pháp luật
CAST là cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật. CAST có nhiều sáng kiến cho Quốc vụ viện để phổ biến, xây dựng pháp luật, đã chủ trì xây dựng Luật Khoa học, Luật Phổ biến kiến thức trình Quốc vụ viện thông qua.
Tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn
CAST là tổ chức tiên phong trong việc tạo mạng lưới dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. CAST cho biết số lượng tổ chức cơ sở để thúc đẩy công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc đã đạt đến 133.000 với 11,3 triệu thành viên. Các tổ chức này vẫn là một mặt trận quan trọng để cung cấp dịch vụ cho nông dân, thúc đẩy công nghệ nông nghiệp và cải thiện sinh kế của người dân trong khu vực nông thôn. Theo ông Zhai Xiaobin, Phó giám đốc điều hành của Hiệp hội Kỹ thuật nông thôn Trung Quốc đặc biệt (CRSTA), trong 5 năm qua, các đơn vị địa phương của Hiệp hội cố gắng để làm cho công nghệ mới dễ hiểu và dễ áp dụng, đồng thời giúp nông dân thiết lập các chuỗi cung ứng hiệu quả hơn với thị trường. Từ năm 2006, chính phủ trung ương Trung Quốc đã đầu tư 1,05 tỷ nhân dân tệ (166.900.nghìn USD) để hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ công nghệ nông nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu khoa học
Nằm trong trụ sở CAST, có một tòa nhà gọi là Cung Trí thức.Đây là nơi tổ chức các hoạt động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đối sách, hội thảo, là ngôi nhà của trí thức khoa học. Tại Cung Trí thức có nhiều viện nghiên cứu trực thuộc CAST với hơn 2000 người làm việc, trong đó 202 người trả lương, số còn lại do các nguồn thu từ dịch vụ thu trả. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học của CAST rất đa dạng, phong phú, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Hiện nay, CAST còn có những các bộ khoa học tham gia hoạt động tại các đại sứ ở nước ngoài
Những thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, CAST cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác vận động trí thức.
Trước hết, đó là tính liên kết trong các tổ chức khoa học còn lỏng lẻo, thiếu sự hợp tác. Đội ngũ cán bộ làm việc tại CAST, một bộ phận năng lực hạn chế, hiệu quả thấp. Chính vì vậy trong những năm gần đây số lượng người làm việc tại Văn phòng CAST và Cung Trí thức giảm đi một nửa (từ 10.000 xuống còn 5000 người). Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng các nhà khoa học muốn chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc nói rằng họ không hài lòng với công việc của họ. Số lượng các cán bộ KH-CN ở Trung Quốc đã tăng 74% kể từ năm 2002, nhưng gần như một phần ba số người được hỏi nói rằng họ muốn chuyển sang công việc khác như công chức hoặc quản lý. 49% trong tổng số 30.000 người được hỏi là các nhà nghiên cứu, kỹ sư, giáo sư, kỹ thuật viên trong các bệnh viện nói rằng họ hài lòng với công việc hiện tại, trong khi đó hơn một nửa số họ đã đối lập với ước mơ của của chính con cái họ là muốn trở thành nhà nghiên cứu khoa học.
Theo Zhang Xiaomei, đồng tác giả các báo cáo của CAST, nguyên nhân bất mãn là do một số lượng không nhỏ cán bộ có thu nhập thấp, áp lực công việc cao, không có triển vọng về thăng tiến.Khoảng 32% cán bộ KH-CN có mức lương thấp hơn mức thu nhập trung bình của quốc gia, 8% làm việc quá 70 giờ/tuần.
Trong một cuộc khảo sát tương tự tại 10 thành phố vào năm 2007, CAST đã đưa ra số liệu gần 40% số người được hỏi đã nói rằng họ đã khó khăn trong việc nhận ra tiềm năng đầy đủ trong công việc mà họ đang nắm giữ.
Một vấn đề nữa là nhiều nhà khoa học không muốn tham gia vào việc phổ biến kiến thức. Điều này dẫn đến tỷ lệ kiến thức khoa học phổ thông thấp. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Khoa học phổ thông (CRISP), một tổ chức trực thuộc CAST, chỉ có 3% người dân Trung Quốc đáp ứng được trình độ kiến thức khoa học cần thiết để hiểu các thuật ngữ, khái niệm, phương pháp khoa học, và tác động của khoa học đối với đời sống xã hội, Kết quả khảo sát trên toàn thế giới với cùng một bảng câu hỏi khoa học, Trung Quốc xếp hạng thấp khi so sánh với các nước khác. Đây là một thực tế mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc và các quan chức chính phủ không muốn tiết lộ. Trong khi đó, tại Mỹ, kết quả từ một cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy rằng 28% người trưởng thành đạt một trình độ hiểu biết về khoa học tương đương nhau. Hiện nay, Dự án “Nâng cao kiến thức khoa học cơ bản cho người trưởng thành Trung Quốc”, một chương trình do CAST và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thiết lập, nhằm mục đích vào năm 2020, người dân Trung Quốc sẽ được nâng cao trình độ hiểu biết khoa học đến một mức độ có thể so sánh với các nước châu Âu vào những năm 1990. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy rằng khoa học phổ thông đang phát triển ở một tốc độ thấp đáng lo ngại, từ 2-3% trong một thập kỷ qua, kể từ năm 2001.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuât Trung Quốc tháng 11/2011
2. Báo cáo của ông Trần Hậu Ngọc tại Bắc Kinh ngày 9/5/2008
3. Báo cáo của Bà Dương Tú Cầm, Tổng thư kí Quỹ học bổng Quốc gia Trung quốc (CSC) trong buổi hợp báo vào ngày 29/5/2006
4. Trung Quốc tạo mạng lưới dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao (www.congluan.vn 26/03/2012)
5. Nhiều cán bộ khoa học của Trung Quốc muốn chuyển đổi nghề nghiệp( www.nistpass.gov.vn)11/09/2009
6.Trung Quốc đã đặt mục tiêu 5% dân số có hiểu biết về khoa học vào năm 2015 (www. baodatviet.vn01/06/2011)