Hiện trạng phát triển sản xuất của nông thôn Đồng bằng Sông Hồng - vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội nông thôn vùng ĐBSH còn thiếu bền vững, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, thể hiện: tình trạng ô nhiễm môi trường, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có và còn thua khá xa so với nông thôn một số nước trong khu vực. Vì vậy, việc nghiên cứu cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy nông thôn ĐBSH phát triển là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số mặt chủ yếu về hiện trạng phát triển sản xuất nông thôn Đồng bằng Sông Hồng và một số vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó đưa ra một số các giải pháp cơ bản để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông thôn ĐBSH trong thời gian tới.
1. Thực trạng phát triển nông thôn Đồng bằng Sông Hồng
- Về kinh tế: Đã hình thành và phát triển được nền sản xuất hàng hóa có tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2001-2008, vùng nông thôn ĐBSH có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5% (toàn vùng ĐBSH tăng bình quân khoảng 7,3%). Năm 2008, GDP bình quân đầu người và lao động ước đạt gần 11 triệu đồng (645 USD/người) và 22,7 triệu đồng (1.338 USD/lao động), bằng 63,2% và 65,6% mức bình quân chung của cả vùng là 1030 USD/người và 2040 USD/lao động. Hiện nay, cơ cấu ngành nghề của hộ gia đình trong vùng bao gồm hộ nông nghiệp chiếm khoảng 56,3%, hộ công nghiệp-xây dựng chiếm 19,6% và hộ dịch vụ chiếm 24,1%.
Kinh tế trang trại phát triển mạnh, chỉ riêng trong giai đoạn 2001-2007, số lượng trang trại nông lâm thủy sản tăng lên gấp 9 lần, từ 1.646 trang trại lên 14.733 trang trại. Từ năm 2000 đến nay, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng tăng bình quân xấp xỉ 4% và 3,2%. Trên cơ sở đó, kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp thực phẩm cho khu vực đô thị trong vùng ĐBSH.
Những năm qua, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại thành quả đáng kể, mức độ cơ giới hóa tổng hợp đối với các khâu trong nông nghiệp tăng từ 48% lên 65%, mức độ thủy lợi hóa tăng từ 68% lên 83% diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động. Trong 5 năm gần đây, mức độ đầu tư máy móc cơ điện nông nghiệp trong vùng tăng lên gấp 2,8 lần. Tỷ lệ sản phẩm chủ yếu từ cây trồng, vật nuôi được chọn nhân giống và áp dụng kỹ thuật thâm canh trong vùng đạt khoảng 70% giá trị sản xuất (cả nước đạt 60%).
Cơ cấu ngành nghề nông thôn đa dạng hóa, tạo ra khá nhiều việc làm mới hàng năm cho người lao động trong vùng. Việc phục hồi và phát triển các làng nghề, nhiều địa phương trong vùng như Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định… đã tạo được khá nhiều việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động ở nông thôn. Tính từ năm 2000 đến nay, số làng nghề tăng từ 367 làng lên 654 làng với số lao động thường xuyên tăng từ 290 nghìn người lên 457 nghìn người, bình quân mỗi năm tạo được 23-24 nghìn việc làm mới, góp phần nâng tỷ lệ thời gian làm việc được sử dụng của lao động ở nông thôn tăng từ 75,5% lên 83,4%.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ở nông thôn ĐBSH mới chủ yếu phát triển về qui mô, sản lượng, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của vùng. Một số nơi phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhưng chưa thúc đẩy được đô thị hóa nông thôn, chưa tạo điều kiện về việc làm cho nông dân bị thu hồi đất dẫn đến phát triển công nghiệp chưa gắn với ổn định và cải thiện đời sống nông dân.
- Về xã hội: Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn ĐBSH ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt khoảng 725 nghìn đồng/người tháng (512 USD/người năm). Giai đoạn 2001-2008, thu nhập được cải thiện, giúp giảm đi khá nhiều hộ nghèo, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 1 USD/ngày giảm từ 48,6% xuống còn 23,2%. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 8,5%. Giai đoạn này, một số chỉ số phát triển khác phản ánh mức sống của các hộ gia đình nông thôn ĐBSH như tỷ lệ hộ sử dụng điện, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và tỷ lệ nhà ở được xây dựng kiên cố cũng tăng lên đáng kể, từ 78,3%, 72% và 83,4% tăng lên 99,2%, 87% và 94,7%.
Mặc dù vậy, đời sống của nhiều hộ gia đình nhất là nông dân còn nhiều khó khăn, thu nhập, chưa đủ đáp ứng được nhu cầu cơ bản về sinh hoạt, học hành, chăm sóc sức khỏe của hộ gia đình. Thu nhập của một bộ phận nông dân vẫn còn ở mức giáp ranh nghèo khó, thêm vào đó là thiên tai, dịch hại xảy ra, ở nhiều địa phương nông dân có thể tái nghèo. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn quá thấp, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận việc làm của người đến tuổi lao động và nâng cao năng suất lao động trong các ngành sản xuất.
- Về phát triển bền vững môi trường:Sự phát triển công nghiệp và TTCN ở nông thôn, các địa phương trong vùng ĐBSH đã giải quyết được khá nhiều việc làm cho lao động, thúc đẩy chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế. Song đến nay, tỷ lệ KCN, CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trong vùng mới chiếm chưa đến 70%. Nhiều địa phương do phát triển công nghiệp quá nhanh, thiếu quan tâm đến vấn đề phòng chống ô nhiễm môi trường dẫn đến tình trạng nhiều KCN, CCN thiếu hệ thống xử lý chất thải vẫn đi vào hoạt động, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tình trạng vệ sinh môi trường ở các làng, xã nông thôn phần lớn chưa được bảo đảm do thiếu hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, thiếu hệ thống thu gom và xử lý rác thải.
- Về xây dựng nông thôn: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn thời gian vừa qua được phát triển khá nhanh. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ xã có điện năng từ 87,6% lên 100%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến UBND xã tăng từ 87,6% lên 100%; tỷ lệ xã có đường ô tô kiên cố (nhựa/bê tông hóa) đến UBND xã tăng từ 42,4% lên 81,3%; tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hóa xã tăng từ 55,6% lên 94,5%. Hệ thống cơ sở trường lớp, trạm y tế ở cấp xã cũng được xây dựng, nâng cấp khang trang hơn khá nhiều so với trước, đến nay 100% xã trong vùng có trường tiểu học và THCS, trong đó 100% trường tiểu học và 95% trường THCS được xây dựng kiên cố, tỷ lệ trường THPT kiên cố chiếm 96%, tỷ lệ xã có nhà trẻ đạt 93%. Năm 2008, 100% số xã có trạm y tế, tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 82%, bình quân có gần 1,2 bác sĩ/10.000 dân.
Tuy nhiên, mức độ hiện đại hóa vẫn còn thấp, thể hiện rõ qua một số chỉ tiêu về chất lượng như tỷ lệ đường thôn, xã, tỷ lệ chiều dài kênh, mương được kiên cố hóa đạt được còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ giới hóa sản xuất, thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực đô thị. Những hạn chế này phần lớn do xây dựng thiếu qui hoạch, thiếu gắn kết giữa xây dựng kết cấu hạ tầng với chỉnh trang các khu dân cư. Mặt khác, một bộ phận các hộ gia đình cũng chưa có điều kiện để nâng cấp, xây mới nhà ở, nên chưa định hình được bộ mặt nông thôn mới, hiện đại.
2. Một số vấn đề đặt ra
Từ thực trạng phát triển nông thôn ĐBSH thời gian qua đặt ra những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo quá thấp đang làm cản trở rất nhiều đến việc áp dụng tiến bộ KH&CN, giải quyết việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho dân cư ở nông thôn ĐBSH trong thời gian tới.
Hai là, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm được đổi mới đang làm hạn chế lớn đến hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất và nâng cao năng suất lao động ở nông thôn ĐBSH để đạt trình độ vùng nông thôn công nghiệp vào năm 2020.
Ba là, hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, thiếu liên kết các khâu, các ngành làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH của nông thôn Đồng bằng Sông Hồng.
Bốn là, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp là vấn đề đặt ra đối với yêu cầu về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho dân số nông nghiệp ở nông thôn ĐBSH từ nay đến 2020.
3. Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển sản xuất nông thôn ở vùng ĐBSH từ nay đến năm 2020
- Giải pháp về đào tạo nghề cho lao động
Thực tiễn ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSH cho thấy, việc tổ chức đào tạo lao động cần đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, kết hợp với công tác khuyến công, khuyến nông một cách linh hoạt đa dạng. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách ở nông thôn. Đào tạo tại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo tại chỗ ngay tại các xã, tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các địa phương trong vùng ĐBSH cần xây dựng các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đồng bộ các nội dung từ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm đến hỗ trợ khởi nghiệp cho người trong tuổi lao động. Chú trọng đào tạo lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu các KCN, CCN và của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương.
- Giải pháp về phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất
- Trong điều kiện hiện nay việc ứng dụng khoa học-công nghệ là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển sản xuất của vùng. Do vậy, các địa phương trong vùng ĐBSH cần xây dựng các chương trình đưa tiến bộ KH&CN về nông thôn. Bên cạnh chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ nông dân cần phải dành nguồn vốn Ngân sách thích đáng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ở nông thôn, đặc biệt là hệ thống khuyến công, khuyến nông. Phát triển toàn diện hệ thống dịch vụ KH&CN phục vụ sản xuất và quản lý ở nông thôn trên tất cả các mặt thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ, chú trọng lĩnh vực sở hữu trí tuệ về năng suất, chất lượng hiện đang còn yếu. Thúc đẩy phát triển mạng lưới dịch vụ KH&CN theo hướng kết hợp giữa dịch vụ công và dịch vụ ngoài Nhà nước để tổ chức chuyển tiến bộ KH&CN về các cơ sở sản xuất và hộ gia đình nông dân. Khuyến khích hợp tác, liên kết "bốn nhà" và liên kết giữa các cá nhân, tổ chức KH&CN trong và ngoài Nhà nước với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân ở nông thôn.
Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, qua đó tạo chuyển biến mạnh về hàm lượng công nghệ và chất lượng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất.
- Giải pháp về đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất
Để khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất dưới hình thức sản xuất nông hộ nhỏ lẻ trong nông nghiệp, các địa phương cần tổ chức và hỗ trợ nông dân chuyển hóa dần kinh tế hộ thành kinh tế trang trại vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác xã hoặc các hình thức khác để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt các loại hình sản xuất hợp tác như tổ hợp tác, tổ liên gia thông qua ưu tiên hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất… Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông các vùng sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế hợp tác.
Các địa phương trong điều kiện cụ thể của mình, cần xây dựng cơ chế hợp tác liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp từ đó thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng.
Về tổ chức phát triển công nghiệp nông thôn, khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp tại chỗ ở các huyện, xã trên cơ sở khai thác điều kiện lợi thế về lao động, tài nguyên, nguồn nguyên liệu từ sản xuất nông, lâm, thủy sản ở các địa phương. Xây dựng hạ tầng các KCN đồng bộ giữa trong và ngoài hàng rào, gắn phát triển các khu, CCN tập trung với phát triển các khu dịch vụ-đô thị. Đồng thời, thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có điều kiện phát triển tốt như công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Để giảm tác động gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đối với cấp xã cần qui hoạch xây dựng theo hướng tách dần khu vực dân cư ra khỏi khu vực sản xuất.
- Giải pháp đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm để thu hút lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp
Để chuyển nhanh lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn ĐBSH trong thời kỳ tới, cần phải đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm cho lao động trong độ tuổi, kết hợp tạo việc làm tại chỗ ngay ở thôn, xã với tạo việc làm thông qua phát triển các KCN, CCN, việc làm ở đô thị và xuất khẩu lao động.
Đối với các địa phương trong vùng ĐBSH, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, cần khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có điều kiện phát triển tốt ở đây như công nghiệp sử dụng nhiều lao động, sử dụng lao động không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao…
Thúc đẩy phát triển các làng nghề và ngành nghề phi nông nghiệp tại chỗ ở nông thôn dưới các hình thức kinh tế hộ, kinh tế HTX, doanh nghiệp nông thôn. Hỗ trợ đầu tư và khuyến khích các hộ gia đình giữ gìn, mở mang, phát triển các ngành nghề mới ở nông thôn.
Về thu hút lao động nông nghiệp, nông thôn ra các khu vực đô thị trong vùng ĐBSH, quá trình này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc dịch chuyển lao động ra đô thị cần có sự tổ chức và phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương nơi đi và nơi đến của lao động. Trên phạm vi toàn vùng, cần đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn để giảm tải cho các đô thị lớn là nơi thu hút rất mạnh lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn đến tìm kiếm việc làm và lao động.
Ngoài ra, việc tổ chức thu hút lao động đến làm việc ở các KCN, CCN và khu vực đô thị, xuất khẩu lao động là một kênh cần được quan tâm. Thực tế ở nhiều nơi trong nước thời gian qua cho thấy, xuất khẩu lao động góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm và cải thiện đời sống các hộ gia đình ở nông thôn, nhất là hộ nông dân. Tổ chức xuất khẩu lao động cần chú trọng khâu đào tạo nghề cho lao động để chuyển dần từ xuất khẩu lao động thô, chưa qua đào tạo đi làm các công việc giản đơn sang xuất khẩu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao như công nhân kỹ thuật, lao động ngành nghề…