Hành vi mở rộng tham thoại
Nhìn lại định nghĩa tham thoại ta thấy: cái quyết định các thành phần cấu trúc của tham thoại là phần đóng góp của các thành phần đó vào nội dung mệnh đề. Từ đó ta thấy rằng, những hành vi nào không đóng góp vào nội dung mệnh đề, nội dung lí tính của cuộc thoại thì không phải là thành phần của tham thoại, mặc dù chúng có mặt trong lượt lời. Đứng về mặt nội dung, những hành vi này không đóng góp vào sự tiến triển nội dung cuộc thoại, chúng chỉ tạo điều kiện cho mệnh đề phát triển và có chức năng chuẩn bị, duy trì và kiểm tra quá trình đối thoại giữa hai nhân vật tham gia giao tiếp nhằm đạt được mục đích nhất định.
Chẳng hạn hành vi ngôn ngữ chào, hành vi ngôn ngữ “thưa bẩm” không tham gia vào nội dung thông tin, thông báo của thông điệp, chúng chỉ thực hiện chức năng tạo lập quan hệ đối thoại.
Hoặc các hành vi chi phối bởi phép lịch sự như: những hành vi thực hiện nhờ các cụm từ: “Do hạn chế của bản thân”, “Theo cách hiểu của tôi”… Những hành vi này cũng không đóng góp vào nội dung mệnh đề đang được nói đến mà chỉ dùng để đưa đẩy, nhằm giảm tính khẳng định cho nội dung phát ngôn tiếp theo. Những hành vi trên GS. Đỗ Hữu Châu dịch là những hành vi đưa đẩy, rào đón (Hedges).
Tương tự như vậy:
- “Ấy chết” trong:
(1)- Ấy chết, cứ lại để bà già đi đứng khó khăn đến nhà mình.
( Người đán bà câu cáy- Nguyễn Thị Ngọc Tú)
(2)- À mà thôi. Nhà chị ở đâu để tôi đến chơi xem sao.
- “Cha đẻ cô” trong:
(3)- Cha đẻ cô, muốn may sắm thì làm đi. Tha hồ sắm đến ngất trời chẳng ai cấm.
( Niềm hi vọng của bà- Đỗ Thị Thu Hiên)
- “Ông mãnh ạ” trong:
(4)- Nói đi, cứ tự nhiên, ông mãnh ạ.
( Làng cũ- Trần Đức Tiến)
Ta thấy các hành vi dẫn trên không có quan hệ với hành vi chủ hướng hoặc với hành vi phụ thuộc khác trong một tham thoại nào đấy.
Trong thực tế hội thoại, có thể phân biệt hai loại hành vi ngôn ngữ lớn, thứ nhất là hành vi nhờ chúng mà những người hội thoại trình bày những nội dung thuộc về đề tài diễn ngôn của cuộc thoại và có tác dụng thúc đẩy cuộc thoại tiến lên đạt được đích nhận thức, đích tình cảm, đích truyền cảm hay đích hành động
Loại thứ hai là những hành vi chủ yếu chỉ có chức năng duy trì quan hệ liên cá nhân trong hội thoại (hoặc duy trì quan hệ thân hữu trong hội thoại hoặc phá vỡ nó). Có thể tạm gọi loại hành vi thứ nhất là hành vi ngữ nghĩa - ngữ dụng, và loại hành vi thuần tuý ngữ dụng.
Các hành vi thuần tuý ngữ dụng có những dấu hiệu riêng mà tác giả cuốn Cơ sở ngữ nghĩa từ vựnggọi là các tín hiệu phát ngôn (trang 76) còn cuốn The Encyclopedia of language and linguistics (tập 6) gọi là các tác tử dụng học (Pragmatic Operators). Như vậy những hành vi dẫn trên là những hành vi thuộc loại thứ hai. Xét theo cấu trúc chức năng của tham thoại, ta có thể gọi là hành vi mở rộng tham thoại.
2. Vị trí của các hành vi mở rộng tham thoại
Trong tư liệu của chúng tôi, vị trí của các hành vi mở rộng tham thoại khá linh hoạt, chúng có thể đứng đầu, ở cuối và ở giữa phát ngôn tuỳ theo tình huống ngữ cảnh, đối tượng giao tiếp khác nhau.
Ví dụ:
(5) - Thật quý hoá quá. Thế là nhất vợ chồng anh Lâm rồi
( Ngỡ ngàng ngõ phố- Khổng Minh Dụ)
(6) - Tôi có biết về sự không may của bác sĩ, nhưng quá bận rộn với ông ấy, lại cũng ngại làm đau lòng bác sĩ. Thôi thì muộn còn hơn không, xin nhận cho sự chia sẻ của tôi.
( Những người đàn bà- Phạm Thị Minh Thư)
(7) - Khá lắm chú Biền, chú giúp cô ấy một tay. Xin lỗi hai bác, hai bác về đâu mà đến giờ này vẫn còn vất vả thế này?
( Cầu vồng đen- Ngô Thị Kim Cúc).
Qua các ví dụ trên ta thấy, mặc dù ở những vị trí khác nhau trong một phát ngôn, nhưng những hành vi mở rộng tham thoại vẫn là chất “keo” góp phần thúc đẩy và gắn bó các hành vi chủ hướng và hành vi phụ thuộc trong một tham thoại không loại trừ lẫn nhau, nghĩa là không phải có hành vi này ở đầu thì không có hành vi kia ở cuối hoặc ở giữa phát ngôn, mà chúng có thể tồn tại một các song song trong cùng một phát ngôn ở các vị trí khác nhau.
Ví dụ:
(8) - Chị ơi, hết giờ rồi. Chị thông cảm, mai đến sớm vậy.
3. Phân loại các hành vi mở rộng tham thoại theo chức năng ngữ nghĩa.
Cũng như hành vi chủ hướng và hành vi phụ thuộc, hành vi mở rộng tham thoại có nhiều loại khác nhau và mỗi loại lại có chức năng vai trò chức năng khác nhau.
- Hành vi mở rộng có chức năng tiềm dẫn nhập
Ví dụ:
(9)- Nói thế này cô đừng giận nhé, chúng nó bảo cô cũng quá quắt lắm.
(10)- Chỗ chị em trong nhà chả giấu gì thím, đến quà sang nhà ông thông gia cháu nó cũng cậy tôi.
Ở hai phát ngôn trên, các hành vi “ nói thế này cô đừng giận nhé”, “ chỗ chị em trong nhà tôi chả giấu gì thím” đứng ở đầu câu phát ngôn, có chức năng rào đón, làm giảm nhẹ sức ép của nội dung, tạo ra sự thoải mái trong quan hệ đối thoại, chuẩn bị cho sự dẫn nhập.
- Hành vi mở rộng tham thoại có chức năng thu hút sự chú ý, duy trì quan hệ, chuẩn bị cho sự truyền tin
Ví dụ:
(11)- Chú Trần này! Hôm nọ chú hỏi cháu thích cái gì?
( Làng cũ- Trần Đức Tín)
(12)- Thưa giám đốc, tôi muốn được trao đổi với giám đốc một chuyện.
( Bông cúc tím- Đỗ Bảo Châu).
Ở những lượt trên, ngoài những hành vi của chủ hướng – thành phần cốt lõi của tham thoại, ta còn thấy xuất hiện các hành vi hô gọi “Chú Trần này”, “cô ơi”, hành vi thưa gửi “thưa giám đốc’; hành vi chào “Chào các ông các bà”. Các hành vi này không tham gia vào nội dung mệnh đề tham thoại mà chỉ gây tính chất gây sự quan tâm chú ý của người nghe và duy trì liên hệ cá nhân.
Ta xét một số ví dụ sau:
(13)- Này, cơm nước xong là vào “hội” chứ?
(14)- Này, đã biết tin gì chưa?
Ở các ví dụ (13), (14) ta thấy từ “Này” được sử dụng để tạo mối quan hệ đối thoại khi người nói và người nghe có quan hệ thân mật, suồng sã. Ở đây người nói và người nghe dường như đã thoả thuận ngầm với nhau là bỏ qua những hình thức “xã giao” về ngôi thứ nhất, tuổi tác, cái chính là người nói và người nghe cần có một nội dung thông tin, do đó tín hiệu “Này” làm nhiệm vụ chuẩn bị cho sự truyền tin là chính. Qua tư liệu thống kê chúng tôi nhận thấy, các hành vi mở rộng tham thoại có chức năng thu hút sự chú ý, duy trì quan hệ và chuẩn bị cho sự truyền tin, thường có mặt ở tham thoại dẫn nhập.
- Hành vi mở rộng tham thoại có chức năng tiếp nhận đối thoại
Trường hợp này xuất hiện nhiều trong tư liệu của chúng tôi.
Ví dụ:
(15)- Vâng, em sẽ sửa.
(16)- Dạ, em vào làng, báo các gia đình học sinh ngày mai cho con em học ra thi tổng kết.
(17)- Ôi! Bác … bác vào đây em có nhời này.
(18) - Chậc, trước sau gì rồi cháu cũng “biến” thôi.
( Làng cũ- Trần Đức Tiến).
Các hành vi “vâng”, “ừ”, “dạ”, “chậc”, “ờ” thuộc các hành vi mở rộng tham thoại, có chức năng chủ yếu là tiêp nhận sự đối thoại một cách thuần tuý và chúng thường có mặt ở tham thoại hồi đáp.
- Hành vi mở rộng có chức năng kết thúc phát ngôn
- Ví dụ:
(19)- SP 1: Chị Kim Chi về chưa?
SP 2: Chị Kim Chi chưa về, anh thông cảm.
( Nàng Kim Chi sáu ngón- Đà Linh).
(20)- SP1: Mời em hay mời ai cũng được. Họ hàng của anh Bích ở làng này có nhiều ạ.
SP2: Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, xin phép chị.
Trong tư liệu thống kê, chúng tôi thấy các hành vi như: “Anh thông cảm”, “xin phép chị” đứng ở cuối phát ngôn xuất hiện với tần số cao. Những hành vi này có chức năng kết thúc một phát ngôn, một thông điệp. Chúng không tham gia vào việc tạo nội dung mệnh đề, nhưng chúng báo hiệu mối quan hệ giữa người nói và người nghe theo hướng tiêu cực hoặc tích cực.
- Hành vi mở rộng tham thoại thuộc các yếu tố lịch sự
+ SP 1“hỏi”, hoặc nêu điều kiện để SP 2lựa chọn, SP 2không bị ràng buộc vào việc thực hiện hành động mà SP 1nêu ra.
Ví dụ:
(21). Tối nay em có rảnh không? Đi ra nhà bác với anh.
SP 1cho rằng rủ SP 2đi chơi là mình gây ra phiền toái cho SP 2, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch riêng của SP 2. Hành vi hỏi mở đầu phát ngôn là để ngỏ cho SP 2sự lựa chọn, SP 2không nhất thiết phải chấp nhận lời rủ nếu mình bận.
+ SP 1đưa ra điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành động nào đó để giảm mức vi phạm lãnh địa của SP 2, có khi phát ngôn vừa có hành vi hỏi để chuẩn bị vừa có hành vi nêu điều kiện để SP 2lựa chọn.
Ví dụ:
(22). Ngày mai em phải lên lớp không? Nếu không bận, đi lên phòng Quản lí khoa học với chị đi.
Câu hỏi dẫn nhập, điều kiện dành cho SP 2sự lựa chọn có thể coi là những yếu tố để “dịu hoá” cho phát ngôn sau mang tính chất vi phạm tới lãnh địa riêng của nhân vật hội thoại.
+ SP 1dùng một hành vi nhằm tạo lập quan hệ chuẩn bị cho hành vi chủ hướng
Để tránh đột ngột, trong nhiều trường hợp, người đưa ra phát ngôn thướng có lời hô gọi ở đầu để tạo lập quan hệ gần gũi, tranh thủ tình cảm của SP 2, đảm bảo được phương châm thiện cảm của phép lịch sự.
Ví dụ:
(23)- Bà chị yêu quý ơi! Đi mua quần áo với em đi.
+ SP 1dùng các yếu tố tháo ngòi nổ
Ví dụ:
(24). Em muốn thưa chuyện này, chuyện dài lắm chỉ sợ anh mất buổi te…
Ở ví dụ này SP 1đưa ra một phản hồi tiêu cực mà SP 2có thể thực hiện, qua đó mà “tháo ngòi nổ” ở trước người nhận: “Chuyện dài lắm, chỉ sợ anh mất buổi te…”
Tóm lại, trong một lượt lời, ngoài những hành vi cốt lõi của tham thoại, có những hành vi mở rộng tham thoại. Chúng có nhiều kiểu loại với những chức năng cụ thể khác nhau. Trên đây, chúng tôi chỉ nêu một vài kiểu hành vi mở rộng, phân loại theo chức năng để làm ví dụ.
4. Số lượng các hành vi mở rộng tham thoại và sự phối hợp giữa các hành vi mở rộng tham thoại.
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy ở đa số trường hợp hành vi mở rộng tham thoại trong lượt lời có số lượng là một. Chỉ có một số ít lượt lời chứa hai hành vi mở rộng tham thoại trở lên. Thường thường chúng ta gặp những trường hợp sau:
(25)- Chị Thẩm! Em đã dọn lại phòng của chị theo lệnh của giám đốc.
( Bông cúc tím- Đỗ Bảo Châu)
(26)- Bác Hoạt ơi! Bác cứu bố cháu với.
( Lão hàng xóm- Nguyễn Bá Doanh)
(27)- Em có cảm giác không phải anh thưởng thức món ăn mà anh cố thoát thật nhanh một công việc nặng nhọc, Đúng không?
Ở các vị trí trên trong một lượt lời, ngoài hành vi chủ hướng - thành phần cốt lõi của tham thoại: là lời hô gọi (25), (26); tranh thủ ý kiến (27)
Tuy nhiên, ta cũng gặp một số trường hợp:
(28) - Ấy, ấy… Cậu giáo cứ thư thả, chả là thế này. Trưa nay, tôi về gần tới đầu làng chân té vào một gói giấy. Tôi cầm lên biết đó là tiền.
Trong lượt này, ta có hai hành vi “ấy, ấy”, có chức năng tiếp nhận sự đối thoại, một hành vi “chả là thế này” đang đứng ở giữa phát ngôn có chức năng đưa đẩy tạo lập mối quan hệ giữa các hành vi trong lượt lời.
Với những trường hợp hành vi mở rộng tham thoại có một số lượng từ hai trở lên, ta thấy chúng có sự phối hợp với nhau để thực hiện tốt chức năng của mình. Thường ta hay gặp những kiểu phối hợp sau:
- Thành phần hô gọi + đưa đẩy rào đón
Ví dụ:
(29)- Hoa ơi! Mày đừng giận tao mới nói, chúng nó bảo…
(30)- Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở phòng nào?
- Tiếp nhận sự đối thoại + thưa gửi
Ví dụ:
(31)- Vâng, thưa bà, thì người ta vẫn bảo…
(32)- À,thưa cô, em mới đi biển về…
- Hô gọi + yếu tố lịch sự
Ví dụ:
(33)- Anh ơi, tôi hỏi khí không phải, có phải anh mới đi Hà Nội?
(34)- Bác Đức ơi, xin lỗi bác, cháu có thể gặp bác một chút được không? Cháu…
Như vậy, mặc dù không phải là thành phần cốt lõi của tham thoại, nhưng cũng như hành vi phụ thuộc, số lượng của các hành vi mở rộng tham thoại không hạn chế, chúng phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo nên mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp.
- Hô gọi + thành phần hỏi chuẩn bị
Ví dụ:
(35)- Bích ơi! Có rỗi không? Đi mua sách với chị đi.
Tóm lại chúng tôi cho rằng những hành vi thuần tuý ngữ dụng và các tác từ ngữ dụng - cái biểu đạt của chúng không nằm trong cấu trúc của tham thoại. Nói một cách khác khi nhận diện tham thoại trong lượt lời, chúng tôi đề nghị nên loại bỏ các hành vi thuần tuý dụng học (hay là các hành vi mở rộng tham thoại như chúng tôi gọi ở trên) cũng như các biểu thức vi ứng với chúng. Nói cụ thể hơn chúng tôi đề nghị loại bỏ những trường hợp đã nêu ở ví dụ (1-35) như: “Thưa cậu” “Ối giời”, “Chết tôi”, “Ừ”, “À mà không”, “Xin lỗi hai bác”…ra khỏi các tham thoại nằm trong lượt lời của chúng.
Tất nhiên, ta cũng biết rằng ngoài những cuộc thoại nhằm đích ngữ nghĩa - ngữ dụng nhất định còn khá nhiều những cuộc thoại mà đích tạo lập quan hệ là chủ yếu, nội dung ngữ nghĩa - ngữ dụng chỉ là cái cớ để thực hiện đích tạo lập quan hệ mà thôi. Trong trường hợp mà cuộc thoại có đích tạo lập quan hệ là chủ yếu thì các hành vi thuần tuý ngữ dụng học lại có chức năng cấu trúc tham thoại đó. Lấy ví dụ hành vi chửi “Cha đẻ cô” nếu như xuất hiện trong một cuộc chửi bới thì phải tính nó là một tham thoại của nhân vật hội thoại nào đó, còn ở ví dụ (3) nó không phải là tham thoại mà cũng không phải là bộ phận của tham thoại. tương tự như vậy, hành vi “Xin lỗi” thực hiện khi chúng ta gây ra tổn thất cho một người nào đó phải tính là một tham thoại còn trong lượt lời sau đây:
- Xin lỗi, anh có thể cho biết bây giờ là mấy giờ rồi không ạ?
Thì không nên tính là tham thoại và cũng không nên tính nó là thành phần của tham thoại dù nó có thể tự khởi phát một hành vi hồi đáp của người nghe, mà nên gọi là hành vi mở rộng tham thoại. Vấn đề đặt ra ở đây là: trong những trường hợp lượt lời có nhiều tham thoại thì các hành vi mở rộng tham thoại thuộc tham thoại nào trong lượt lời. Ở bài viết này, chúng tôi chưa đi sâu vào nghiên cứu vấn đề đó, nhưng theo chúng tôi; vì tất cả các hành vi đều nằm trong lượt lời, nên hành vi mở rộng gắn với tham thoại nào thì được tính là hành vi mở rộng của tham thoại đó.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Hữu Châu-Bùi Minh Toán - Đại cương ngôn ngữ học tập 2, Nhà xuất bản giáo dục, 1993.
2. Đỗ Hữu Châu - Giáo trình giản yếu về ngữ dụng học, Nhà xuất bản giáo dục, Huế, 1995.
3. Đỗ Hữu Châu - Đại cương ngôn ngữ học tập 2, Nhà xuất bản giáo dục, 2001.
4. Hoàng Dân - Hành vi ngôn ngữ đưa đẩy trong tiếng Việt và việc sử dụng hành vi này trong một số truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan- Luận văn sau đại học khoá 11. Khoa ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội.
5. Phạm Văn Thấu - Cấu trúc liên kết của cặp thoại(Trên ngữ liệu tiếng Việt). Luận án tiến sĩ ngữ văn 2000.
Nguồn Ngôn ngữ và Đời sống, số 7 (117), 2005.