Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Ngày 20/10/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tham dự hội thảo có đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh và các chuyên gia TVPB ở Trung ương và địa phương
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 09 chương, 68 điều, tăng 02 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ hiện hành. Dự thảo Luật đã dành 1 chương về điều chỉnh nội dung về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (chương V) và 1 chương về quản lý lưu trữ tư (chương VI); đây là bước chuyển lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí đặc biệt của tài liệu lưu trữ, để tài liệu lưu trữ được “sống và phục vụ” xã hội bằng cả những giá trị lịch sử và thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đồng tình với nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đầy đủ, khoa học, thực tiễn và có tính khả thi cao khi được ban hành, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung của dự thảo Luật, cụ thể: (i) Bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng của Luật vào Điều 1 của dự thảo gồm: “Cáccơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (gọi chung là cơ quan, tổ chức) và cá nhân”; (ii) Bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp quận/huyện vào Điều 9 của dự thảo Luật; (iii) Cần rút ngắn quy định thời hạn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tối đa là 7 năm, vì thực tế có nhiều cơ quan, tổ chức không có điều kiện lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ, nếu để tài liệu lâu ở kho Lưu trữ cơ quan, tổ chức có thể dẫn đến bị hư hỏng, hoặc mất mát, thất lạc; (iv) Cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định giải mật tài liệu lưu trữ, số lượng, cơ cấu thành viên của Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan Đảng, Nhà nước (tại Điều 27 của Dự thảo Luật) để bảo đảm thống nhất và thuận lợi cho việc áp dụng; (v) Bổ sung và làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư (tại Điều 46 của dự thảo Luật); (vi) Quy định cụ thể cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật), đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật) như: “Người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sởgiáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”; (vii) Bổ sung thêm quy định cơ quan quản lý tài liệu Phông lưu trữ của Đảng và quy định về quản lý nhà nước đối với lưu trữ tài liệu của Đảng, đồng thời bổ sung quy định các hành vi vi phạm và thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính thuộc hoạt động lưu trữ vào chương VIII của dự thảo Luật và sửa lại tên của Chương VIII là “Quản lý nhà nước về lưu trữ”; (viii) Chỉnh sửa quy định về chuyển tiếp (tại Điều 68 của dự thảo Luật) cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể là: “Chứng chỉ hành nghề lưu trữ đang có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hiệu lực; và được cấp lại sau khi tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do đơn vị có thẩm quyền tổ chức theo quy định của Luật này”.
Các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật được Liên hiệp hội Hà Giang tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/10./.