GS.TS. Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Để trái tim đừng làm khổ con người
Làm thầy thuốc phải biết yêu thương bệnh nhân
Giáo sư Khải mở đầu câu chuyện bằng một kỷ niệm buồn nằm lòng hơn 30 năm qua. Đã 72 tuổi, đã đi đến nhiều nước trên thế giới, nổi tiếng cả trong và ngoài nước, được phong tặng những danh hiệu cao quí nhất: Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học... Nhưng để có thể đi đến ngày hôm nay, ông đã trải qua nhiều nỗi đau, sự vất vả trong nghề... mà khi nhắc lại, ông không thể kìm được sự xúc động.
Năm 1960, chàng thanh niên Phạm Gia Khải 24 tuổi vào học tại Trường đại học Y Hà Nội, khóa 2 để thực hiện ước mơ nhỏ của mình: làm một nghề nào đó để cứu người. Lẽ ra anh đã ở lại Pháp, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần tại Pháp, nhưng từ bỏ lời mời được cấp học bổng để học tiếp tại Pháp, anh trở về Việt Nam . Sau khi tốt nghiệp khóa II của Trường đại học Y Hà Nội năm 1966 anh được giữ lại trường và đi vào chuyên ngành tim mạch, là học trò của cố GS. Đặng Văn Chung. BS. Khải nói: “Thầy Chung giỏi lắm. Mặc dù thầy chỉ học ở Việt Nam , không học ở nước ngoài, nhưng thầy đã truyền lại cho những người trò chúng tôi nhiều bài học quý. Tôi luôn ghi nhớ lời thầy dạy: Làm người thầy thuốc phải trung thực, biết thương yêu bệnh nhân, mới có thể trung thực nghiên cứu khoa học. Thế hệ chúng tôi trưởng thành trong chuyên môn là nhờ thầy Chung”.
Cánh chim đầu đàn và nhạc trưởng tài hoa
BS. Khải ngày ấy, sau này (từ năm 1995 đến 2007) là Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, một trong những người đứng đầu trong ngành tim mạch ở Việt Nam . Trong suốt thời gian ấy ông làm việc trên nhiều cương vị: Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch-Trường đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam ... Ở đâu ông cũng theo đuổi nghiệp: Dạy học, viết sách, làm nghề cứu người. Để chuyên ngành tim mạch phát triển ngang tầm các nước trên thế giới, ông đã cùng đồng nghiệp tham gia biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa, sách chuyên ngành tim mạch có giá trị như cuốn Bệnh học nội, Điều trị học, Thực hành bệnh tim mạch... phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, tham khảo... Ông luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc cùng các đồng nghiệp tích cực nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở có giá trị cao trong chăm sóc và điều trị các bệnh lý tim mạch... Những bản tham luận có giá trị của ông trong các hội nghị, hội thảo về tim mạch trong nước và quốc tế đã được các tạp chí nghiên cứu lớn của quốc tế đăng tải. Với vai trò là “Nhạc trưởng” trong Viện, ông cùng các đồng nghiệp luôn xác định rõ nhiệm vụ chính của mình là nghiên cứu có hệ thống các phương pháp phòng chống và điều trị các bệnh tim mạch ở Việt Nam nhằm hạ thấp tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết. Theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật chuyên khoa tim mạch cho các địa phương và cơ sở trong cả nước. Khám và điều trị các bệnh tim mạch do tuyến dưới chuyển lên, thực hiện các biện pháp thăm dò chức năng tim mạch cho toàn khu vực Bạch Mai và các bệnh viện, cơ sở có nhu cầu. Hợp tác về khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa với các nước và với Tổ chức Y tế Thế giới nhằm phát triển nâng cao kỹ thuật chuyên khoa tim ở Việt Nam . Ông luôn trăn trở, làm thế nào cứu sống được nhiều người mắc bệnh tim hiểm nghèo. Ông kể rằng, trước năm 1995, nước ta chưa có cơ sở nào thực hiện kỹ thuật nong động mạch vành, nong van hai lá, đốt các đường dẫn truyền gây rối loạn nhịp tim. Vì thế tính mạng của những bệnh nhân bị bị hở van hai lá, tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, rối loạn nhịp tim... luôn bị đe dọa, thậm chí tử vong. Phương pháp duy nhất có thể cứu họ lúc bấy giờ là phẫu thuật, nhưng hiệu quả của phương pháp này quá thấp, nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong vẫn cao. Ông nhận thấy cùng thời gian đó trên thế giới, kỹ thuật tim mạch can thiệp đã hình thành và có nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị, đó là cứu sống được nhiều người bệnh. Nhằm bắt kịp với y học thế giới, ngay khi nhận chức Viện trưởng (năm 1995), lập tức ông quyết định cử cán bộ trẻ, đủ năng lực đi đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành này. Không phụ công thầy, các trò trẻ, giàu nghị lực của ông khi được cử đi học rất chăm, chịu khó học hỏi, dù ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore ... Họ học với tất cả nhiệt huyết, để xứng đáng niềm tin của người thầy đáng kính.
Được tiếp cận với kỹ thuật tim mạch can thiệp, hàng nghìn người bệnh tim hiểm nghèo đã được viện cứu sống càng làm uy tín của viện tăng lên. Đến nay khi nói đến sự “quá tải” bệnh nhân tim ở viện, nhiều người đều hiểu và biết rằng, đây là cơ sở chuyên ngành mũi nhọn điều trị các bệnh tim nội, ngoại khoa, tim mạch can thiệp, trình độ và kỹ thuật tay nghề của cán bộ trong viện có thể sánh kịp với sự phát triển của thế giới. Không dừng ở việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trong viện, GS. Khải còn cùng đồng nghiệp đi giảng dạy và giúp các cơ sở tim mạch trong bệnh viện ở 64 tỉnh thành.
72 tuổi vẫn chưa hết việc
GS. Phạm Gia Khải giảng lâm sàng cho học viên. |
Trò chuyện với giáo sư tuổi 72, tôi có cảm giác ngoài sở trường của những bậc cao niên, uyên thâm, lịch lãm... thì sức làm việc, sự ham hiểu biết... đã không còn là đặc quyền của tuổi trẻ. Khi được hỏi về chuyên khoa tim mạch mà ông đeo đuổi bao năm ròng, ông hóm hỉnh bảo “Trái tim bao giờ cũng làm khổ con người”.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (28/02/08)