Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/06/2008 21:32 (GMT+7)

GS Vũ Văn Chuyên: "Tôi sợ thời gian..."

Duyên tiền định

Thưa GS, duyên cớ nào đưa ông đến cây thuốc, nghề thuốc và với thứ ngôn ngữ có vẻ như chưa bao giờ thời thượng cả từ thế hệ ông cho đến ngày hôm nay?

(Ông cười rất hóm hỉnh và bật mí): Có lẽ, đó là duyên tiền định, ông Trời sắp đặt và trao sứ mệnh này để tôi luôn đồng hành cùng các nhà khoa học. Năm tôi 12 tuổi, tôi đã suýt đi tu vì một người con gái. Tôi và cô ấy thân nhau lắm nhưng chẳng may cô ấy qua đời vì bạo bệnh. Ngày đó, tôi vô cùng đau khổ đến mức quyết định bỏ học để đi tu. Biết tin, mẹ tôi khóc ròng rã mấy ngày, sau bà ốm triền miên. Là con một, tôi không đành lòng nhìn mẹ như vậy, thế là tôi quyết định phải xốc lại tinh thần, phải học thật giỏi để trở thành thầy thuốc, để không ai bị chết như cô bạn gái kia... Cũng có thể do tôi theo công giáo nên từ nhỏ đã tiếp xúc với tiếng Latinh. Khi được học lên, vốn tiếng Latinh ngày càng được củng cố. Học xong chương trình ở trường Abbert Sarraut (số 10 Nguyễn Cảnh Chân ngày nay), tôi ghi tên học trường thuốc hệ 7 năm. Ngặt nỗi nhà nghèo không đủ tiền học nên đành chuyển sang học Cao đẳng Khoa học. May mà có vốn tiếng Latin nên tôi cũng đủ "mài chữ" dạy cho lũ trẻ con Tây, đủ nuôi gia đình và ăn học.

Thưa GS, con gái ông vẫn cằn nhằn, ông là nhà khoa học mà làm việc chẳng khoa học chút nào, làm việc bất kể giờ giấc mặc dù tuổi đã quá cao?

GS Chuyên đang chạy đua với thời gian.
GS Chuyên đang chạy đua với thời gian.
Tôi sợ thời gian lắm, tôi đang chạy đua với nó... Nghe sơ qua thì tiếng Latinh cũng giống như những ngôn ngữ khác nhưng thực tế, từ lâu nay, giới khoa học, đặc biệt là ngành Y và Dược học coitiếng Latinh là tiếng quốc tế chuẩn. Mọi thuật ngữ chuyên môn của Y, Dược, Thực vật học đều có xuất xứ từ tiếng Latinh. Không thể nghiên cứu thực vật hay đọc tên thuốc mà không biết tiếng Latinh.

Tiếng Latinh quan trọng đến mức nào mà khiến ông có thể quên đi cả bản thân mình đến như vậy?

Hãy thử hình dung, nếu như không có người đọc, hiểu và phiên dịch được tiếng Latinh thì một công trình nghiên cứu mới phát hiện về cây thuốc, vị thuốc của Việt Nam sẽ không thể công bố ra thế giới. Chẳng nói đâu xa, sự cần thiết, nhu cầu sử dụng loại ngôn ngữ này đang ngày càng nhiều hơn. Hầu như ngày nào tôi cũng có rất nhiều vị khách lạ ghé thăm và nhờ vả. Họ là những nhà khoa học, thầy thuốc, dược sĩ, thậm chí là sinh viên... Có người đến để nhờ định danh tên một số loại thực vật hiếm; có người vì cần tra tên thuốc, người phát hiện ra giống cây cỏ thực vật mới song không thể viết báo cáo bằng tiếng Latinh để quốc tế công nhận... Thậm chí, rất nhiều người được nhận bằng sáng chế hoặc thư mời quốc tế bằng tiếng Latinh cũng phải đến nhờ dịch. Mới đây nhất, có anh làm ở Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự mang đến một loại thuốc cai nghiện ma túy mới để hỏi tôi... Nhưng nếu tôi mà chết đi thì họ sẽ hỏi ai bây giờ?

Thưa GS, hiện tiếng Latinh vẫn được dạy ở các trường đại học Ngoại ngữ đấy chứ?

Đó chỉ là các ngôn ngữ hệ Latinh (tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha). Tuy nhiên, các ngôn ngữ này cũng mới được đưa vào giảng dạy cách đây vài năm. Còn tiếng Latinh mà tôi đang biết là ngôn ngữ cổ của người La Mã. Đây là ngôn ngữ chuyên dùng trong các ngành khoa học của cả thế giới. Nó cũng là cha đẻ của rất nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau trên toàn cầu. Hiện nay, tiếng Latinh như vậy chưa hề được đưa vào giảng dạy ở bất kỳ trường đại học nào trong toàn quốc. Nhiều năm trước, trường ĐH Dược đã từng đưa môn học này vào giảng dạy. Cuốn "Latinh - bài giảng" do tôi biên soạn dưới dạng rất đơn giản, dễ hiểu đã tái bản đến lần thứ ba (1988). Khi còn làm việc tại trường, bên cạnh việc giảng chính môn Thực vật học, tôi còn kiêm luôn công việc dạy tiếng Latinh. Tất nhiên, do số tiết không nhiều nên việc giảng dạy chỉ dừng lại ở mức độ giúp sinh viên đọc được tên các loại thuốc và dược liệu. Còn việc đưa môn học này thành chính quy, để bất cứ nhà khoa học nào về dược học và y học đều đọc thông viết thạo thì chưa hề có ở Việt Nam . Điều này là sự thiệt thòi lớn, là lỗ hổng lớn vì điều đó chẳng khác nào chúng ta chỉ đi một chân, còn chân kia lại phụ thuộc vào người khác.

Nếu như tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn…

Hiện nay, giáo trình tiếng Latinh cho giảng viên và sinh viên các ngành Y, Dược đã được ông thực hiện đến đâu rồi?

Cũng chưa đâu vào đâu, tôi đã cố hết sức. Ngặt nỗi tôi luôn bị phân tâm bởi nhiều chuyện khác quá. Lúc thì tiếp khách đến hỏi cây thuốc, vị thuốc, tra cứu... Lúc lại là vài người hàng xóm sang hỏi về loại thuốc cho người nhà... Hơn nữa, bà nhà tôi vừa mất, tôi cũng không thể tập trung công việc.

(Nói rồi, ông với tay lấy những tập giấy nháp nhàu nhĩ, trên đó là rất nhiều nét chữ viết vội vàng. Đây là những bản thảo tài liệu mà ông tranh thủ viết về đêm. Đã có lúc, ông viết một mạch đến 2 - 3 giờ sáng, cô con gái thức giấc nhìn thấy bố vẫn mải mê bên bàn làm việc mà phát hoảng. Do ngồi nhiều, đôi chân ông phù tấy, sau đó ông phải điều trị mất một thời gian. Sau "sự cố" trên, người nhà bắt ông phải nghỉ ngơi, đi đâu làm gì cũng phải có người bên cạnh. Từ khi có lệnh "cấm vận" đó, ông lại tìm cách giấu con cháu chui vào chăn bật đèn viết. Có lẽ vì vậy mà nét chữ cứ nghệch ngoạc...).

Bây giờ cho ông ước một điều, ông sẽ ước gì?

Nếu như tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn... Giá như thần chết đừng gõ cửa nhà tôi sớm cho đến lúc tôi hoàn thành tâm nguyện!

Xin cảm ơn và chúc giáo sư mạnh khỏe để hoàn thành ý nguyện của mình!

GS Vũ Văn Chuyên sinh năm 1922. Sau cách mạng tháng 8, ông dạy ở trường Cao đẳng khoa học, tiếp đó là Đại học y dược, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp và sau cùng là Đại học Dược Hà Nội. Ông thông thạo tới 6 ngoại ngữ và đặc biệt có trí nhớ tuyệt vời về tên khoa học các loài thực vật nên đã được đồng nghiệp và các thế hệ học trò tôn vinh là "cuốn từ điển sống về thực vật học". Các công trình nghiên cứu của GS Vũ Văn Chuyên: thuốc bỏng B76 bằng vỏ cây, thân cây xoan trà để dùng trong chiến tranh miền Nam ; nghiên cứu thuốc cai nghiện Cedemex. Các sách xuất bản tiêu biều: Phân tích Hóa (tiếng Pháp, 1951); Giáo trình Latinh (NXB Y học, tái xuất bản 3 lần); Thực vật học (NXB Y học, tái xuất bản 3 lần); Tóm tắt đặc điểm cây thuốc quý (NXB Y học). Ông là CTV quen thuộc trong chuyên mục Giải đáp của báo KH&ĐS.

Nguồn: Báo KH&ĐS, số 67, 3/6/2008, tr 14

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.