Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 30/09/2005 14:11 (GMT+7)

GS. Ngô Gia Hy: Một tài năng - một tấm lòng

Vào một chiều thu êm ả ở TP. Hồ Chí Minh, một trái tim nhân đạo và cao cả của ngành y đã ngừng đập sau hơn nửa thế kỷ thổn thức với những nỗi đau thương của bệnh nhân và trào dâng với bao ước mơ khoa học. GS. Ngô Gia Hy ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng các thế hệ học trò, đồng nghiệp, cộng sự và bệnh nhân; để lại một khoảng trống không dễ gì bù đắp cho nền y học Việt Nam.

GS. Ngô Gia Hy sinh năm 1915 ở miền quê Tam Sơn - Bắc Ninh trù phú với những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát và những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào. Ngay từ thủa ấu thơ và trải qua thời niên thiếu, cậu bé Ngô Gia Hy đã nổi tiếng học giỏi và thương người. Ôm ấp ước mơ trị bệnh cứu người, Ngô Gia Hy đã thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội và năm 1948 ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa loại ưu.

Trong thời gian học tập và làm việc ở Hà Nội, ông đã được cộng tác với các giáo sư nổi tiếng của Pháp và của Việt Nam, trong đó người để lại dấu ấn đậm nét nhất trong ông là GS. Tôn Thất Tùng. Cũng từ những tháng năm không thể nào quên đó, người thầy thuốc trẻ đã rèn luyện tài năng, đắp bồi y đức, hun đúc lòng yêu nước, ý thức dân tộc và tình yêu thương người bệnh, đồng bào.

Những năm tháng sống ở Sài Gòn, GS. Ngô Gia Hy đã cùng với GS. Phạm Biểu Tâm và các đồng nghiệp khác tạo dựng nên Bệnh viện Bình Dân - một bệnh viện có chuyên môn vững và uy tín lớn ở Sài Gòn thời đó. Với tất cả sức lực, tâm hồn và trí tuệ của mình, ông đã chuyên tâm xây dựng và phát triển khoa Niệu của bệnh viện Bình Dân cũng như ngành Niệu học cho cả miền Nam trước năm 1975 và ngành Niệu học toàn quốc hiện nay. Nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức y học hiện đại để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đồng bào, những năm đầu của thập kỷ 60, ông có một thời gian tu nghiệp ở Paris và tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa ( agrégé en médecine) - một học vị rất cao trong ngành y của Pháp thời đó và cũng rất ít người nước ngoài đạt được.

Suốt cuộc đời gắn bó tâm huyết với ngành Niệu học, GS. Ngô Gia Hy đã nghiên cứu và công bố hơn 150 công trình khoa học và là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa, chuyên đề về Niệu học: Lao niệu sinh dục (1982), Niệu học - 5 tập (1980-1985), Cấp cứu niệu khoa - tập I (1988) và tập II (1991), Từ điển niệu học giải nghĩa (1991), Nhiễm trùng niệu (1985, tái bản 2000), Hiếm muộn và vô sinh nam (1987, tái bản 2000), Niệu học phổ thông (1990) và Rối loạn cương (2003). Những cuốn sách của ông viết trong thời gian hơn 20 năm qua đã trở thành cẩm nang “gối đầu giường” của những người thầy thuốc chuyên ngành và sinh viên y khoa ở nước ta ngày hôm nay cũng như trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, ngoài công việc ở bệnh viện, GS. Ngô Gia Hy còn tích cực tham gia công tác giảng dạy. Ông được cử làm Phó khoa rồi Trưởng khoa Y phụ trách đào tạo ở trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Với ý thức trách nhiệm của một người thầy và tình cảm yêu thương đối với học trò, ông đã tranh thủ mọi thời gian, vượt qua nhiều thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những nhà y học xuất sắc, những giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học, những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện lớn.

Nhưng có lẽ đóng góp lớn lao và có ý nghĩa nhất của GS. Ngô Gia Hy đối với nền y học Việt Nam là những ý tưởng cao đẹp của ông về y đức. Chỉ trong vòng mấy năm ông đã viết hai cuốn sách chuyên đề y đức học: Nguồn gốc của y đức, sự đóng góp của nền y học và văn hóa Việt Nam (1995); Y đức và đức sinh học (1999)với lòng mong mỏi các thầy thuốc Việt Nam trong cơ chế thị trường hãy ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền”, giương cao lá cờ truyền thống y đức của dân tộc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong phần kết luận cuốn Nguồn gốc của y đức, sự đóng góp của nền y học và văn hóa Việt Nam , ông viết: “Đạo đức y học đúng là vấn đề muôn thuở. Đời sống thì ngắn, đạo đức thì khôn cùng. Cái biết thì hữu hạn, cái không biết thì vô biên. Rèn luyện thế nào đây để Đức Y trở thành bản ngã thứ hai của người thầy thuốc? Riêng đối với dân tộc Việt Nam thì ngay người dân thường cũng đã biết: Thương người như thể thương thân. Câu ca dao ngắn ngủi này cũng vừa đủ để làm phương châm cho nghề y. Nó cũng sâu sắc, đầy ý nghĩa không kém gì lời thề Hippocrate, lời của Thánh Mathieu và lời răn của Moise vào 3.500 năm trước đây: Người sẽ thương yêu kẻ lân cận như chính ngươi. Và lời của nhà tiên tri Isae: Ngươi sẽ không ngoảnh mặt đi trước kẻ mà chính là da thịt của ngươi”.

Bản thân GS. Ngô Gia Hy trong suốt cuộc đời mình cũng đã nêu một tấm gương sáng về y đức cho các học trò và cộng sự noi theo, thể hiện qua bài thơ tự sự “Trái tim tôi”của ông:

Đôi bàn tay ấy đã bao lần

Đùa với đau thương, giỡn tử thần

Tưởng biến tim tôi thành chai đá

Hết sạch tình thương, cạn dịu hiền

Tôi đã khóc cho bao mệnh yểu

Vẫn hằng thao thức với bệnh nhân

Trót mang cái nghiệp nghề áo trắng

Mắc vòng oan trái, trả nợ dần.

GS. Ngô Gia Hy ngày đêm đau đáu nghĩ suy về tình thương, lương tâm và trách nhiệm của mình đối với nghề nghiệp, học trò và người bệnh. Tấm lòng ông thật là nhân ái và cao cả biết bao!

Ngoài công việc ở bệnh viện và trường đại học, GS. Ngô Gia Hy đã tích cực tham gia nhiều hoạt động chuyên môn và xã hội. Ông là Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tờ báo của Hội Y Dược học TP. Hồ Chí Minh, Uỷ viên Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Đông y Đại học Hùng Vương, Chủ tịch Hội Niệu học Việt Nam và Hội viên sáng lập Hội Niệu học châu Á Thái Bình Dương...

Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá cao những công lao to lớn của GS. Ngô Gia Hy đối với sự nghiệp phát triển y học nước nhà. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo, Huy chương Vì thế hệ trẻ... và đặc biệt, ngày 22/9/2004, khi vừa bước sang tuổi 90 của cuộc đời, GS. Ngô Gia Hy lại vinh dự được đón nhận Giải thưởng Tôn Thất Tùng - giải thưởng cao quý nhất của ngành Ngoại khoa Việt Nam.

Trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, khi nằm trên giường bệnh, GS. Ngô Gia Hy vẫn trăn trở hai điều ước nguyện còn dang dở: thành lập Y sĩ đoàn - một tổ chức nghề nghiệp của giới thầy thuốc và hoàn tất Bộ Quy ước đạo đức y học - những chuẩn mực về y đức của người thấy thuốc Việt Nam. Nhưng Thần định mệnh đã gõ cửa! Ông từ biệt cuộc đời đi vào cõi Vĩnh hằng giữa một chiều thu tháng Mười khi trong lòng vẫn còn đang ôm ấp nhiều hoài bão khoa học...

Và, thế là lại thêm vắng bóng một vì sao sáng trên bầu trời y học nước nhà.

Nguồn: Khoa học & Tổ quốc, số 23+24/2004.

Xem Thêm

TSKH Phan Xuân Dũng: Sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa để đội ngũ trí thức KH&CN cống hiến
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA là một trí thức dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp KH&CN, với nhiều dấu ấn đậm nét cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TSKH Phan Xuân Dũng đã có những chia sẻ cùng trang tin Vusta.vn về cuộc đời cống hiến cho KH&CN, những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Lâm Đồng: Thăm, tặng quà các nhà khoa học trong tỉnh
Ngày 14/5, Liên hiệp Hội tỉnh (Liên hiệp Hội) và Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đi thăm các tổ chức khoa học và công nghệ thành viên và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
TSKH Phan Xuân Dũng: Sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa để đội ngũ trí thức KH&CN cống hiến
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA là một trí thức dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp KH&CN, với nhiều dấu ấn đậm nét cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TSKH Phan Xuân Dũng đã có những chia sẻ cùng trang tin Vusta.vn về cuộc đời cống hiến cho KH&CN, những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.
Khai thác những cơ hội mới trong việc ứng dụng công nghệ vào y tế
Trong hai ngày 09-10/5 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Diễn đàn quốc tế Y dược thông minh Việt Nam - Smart Health VietNam 2024 đã được tổ chức với chủ đề "Công nghệ chuyển đổi số ngành y tế". Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Ngọc Linh đã tham dự và có phát biểu tổng kết tại diễn đàn toàn thể sự kiện.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thách thức và có những phát triển bứt phá
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024). Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại buổi lễ. Vusta.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Phan Xuân Dũng.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".
Sơn La: Đóng góp ý kiến 5 Dự thảo Luật
Trong các ngày 09-10/5 và 13/5/2024, Liên hiệp Hội tỉnh Sơn La đã tổ chức các Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến đối với 05 dự án Luật, gồm: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội Chủ trì các hội thảo.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng; Cần tin tưởng, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức để họ cống hiến
“Hà Nội cần tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế chính sách để họ đủ dũng khí, dám nói, dãm nghĩ, dám làm, dám hành động hơn nữa, điều này sẽ góp phần để đất nước, thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt tầm cao mới…” đây là phát biểu của Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tại hội nghị.