Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 07/08/2008 00:06 (GMT+7)

GS Jerome.l.Friedman, người đạt giải NoBel năm 1990: Thành công đến với những người dám chấp nhận thất bại

Tan vỡ ước vọng trở thành họa sĩ

Là người đạt giải Nobel với một phát minh khiến giới khoa học thế giới phải ngạc nhiên, trầm trồ, ông có phải là một "cậu bé thần đồng" từ những ngày trên ghế nhà trường?

Bố tôi đến Hoa Kỳ năm 1913 và mẹ tôi đến Hoa Kỳ năm 1914, đó là một trong những cuộc hành trình cuối cùng của tàu Lusitania, con tàu này đã bị chìm trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bố mẹ tôi không được hưởng một nền giáo dục chính thống, ngoại trừ các khóa học tiếng Anh sau khi họ đến Hoa Kỳ. Nhưng họ đã tự học và quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôi lớn lên trong thời điểm rất khó khăn. Khi nghĩ về hoàn cảnh của mình, tôi nghĩ rằng bất cứ người nào biết tôi điều không tưởng tượng rằng có ngày tôi lại đoạt được giải Nobel. Tôi lớn lên ở một khu vực nghèo nàn ở Tây Chicago. Ở đó thiếu trường công lập và có nhiều tiêu cực ở đường phố. Đó là vào thời kỳ suy thoái và bố mẹ tôi đã phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Tôi đã học cấp 1 và cấp 2 ở Chicago . Khi còn nhỏ, tôi thích vẽ tranh và tô màu. Ở trung học, tôi theo học một chương trình hội họa đặc biệt giúp tôi có nhiều thời gian hơn để vẽ tranh mỗi ngày và ước vọng của tôi là trở thành một họa sĩ.

Trong thời gian đó tôi cũng luôn quan tâm đến khoa học, nhưng chỉ khi đến năm thứ 4 trường trung học, tôi bắt đầu quan tâm thật sự đến vật lý. Đây là kết quả của việc tôi đã được đọc cuốn sách ngắn về Thuyết tương đối của Albert Einstein.

Đó có phải là bước ngoặt để biến cậu bé thích vẽ tranh thành một nhà Vật lý lừng danh không thưa ông?

Tôi đã đọc về Thuyết tương đối và những gì tôi đọc đã làm tôi say mê. Tôi nghĩ rằng cuốn sách này có thể đã cho tôi đôi chút hiểu biết về những bí ẩn của việc làm thế nào mà thước đo co lại và đồng hồ quay chậm đi khi chúng chuyển động nhanh - những điều tôi đã đọc được từ các tạp chí. Tôi đã đọc kỹ cuốn sách và cố gắng hết sức để hiểu các vấn đề này, nhưng rốt cuộc, tôi thật sự không hiểu các khái niệm cơ bản của Thuyết tương đối đặc biệt này. Điều này càng làm cho tôi tò mò hơn và quyết tâm hơn để tìm hiểu các khái niệm phức tạp này.

Khi tôi hoàn thành chương trình trung học, tôi nhận được học bổng vào khoa bảo tàng của Học viện Nghệ thuật Chicago . Thầy giáo nghệ thuật của tôi động viên tôi nhận học bổng này. Tuy nhiên, tôi quyết định tiếp tục theo đuổi ngành học chính của tôi và tìm cách để vào học ở Đại học Chicago bởi vì trường đó rất nổi tiếng và bởi thầy Enrico Fermi dạy ở đó. Enrico Fermi là một trong những nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ 20.

Tôi không ảo tưởng

Được biết khi ông công bố việc nghiên cứu hạt quark, nhiều nhà khoa học cho rằng ông ảo tưởng và nhất định sẽ bị thất bại. Lý do vì sao ông lại không bị lung lạc bởi những ý kiến đó?

Hai nhà vật lý trẻ, T. D. Lee và C. N. Yang, đã cho rằng sở dĩ có nghịch lý này là do sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu và họ đề nghị cần có một vài thử nghiệm cho giả thuyết này. Cái được gọi là lực tương tác yếu là một trong bốn loại lực cơ bản trong tự nhiên và nó đóng vai trò tác động vào việc sản xuất năng lượng ở mặt trời và trong năng lượng phóng xạ.

Khi hầu hết cộng đồng vật lý học cho rằng định luật bảo toàn tính chẵn lẻ là một nguyên tắc bất khả xâm phạm, Giáo sư Telegdi đề nghị tôi có tham gia cùng ông trong việc thực hiện phép đo để thử nghiệm các giải thuyết táo bạo của Lee và Yang, những cựu sinh viên của trường Đại học Chicago. Hầu hết những thành viên khác trong phòng thí nghiệm của chúng tôi đều nghĩ rằng làm điều này là phí thời gian. Tôi còn nhớ là đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Viện của chúng tôi về vấn đề các phép đo mà chúng tôi đang thực hiện. Sau cuộc tọa đàm đó, một thành viên lớn tuổi nổi tiếng trong khoa đã đến bảo tôi rằng bài nói chuyện của tôi rất hay, nhưng tôi cần thấy rằng công việc chúng tôi chẳng đi đến đâu hết.

Hóa ra chúng tôi là một trong ba nhóm đầu tiên đã chứng minh được sự không bảo toàn của tính chẵn lẻ trong lực tương tác yếu; và nhờ vào những thí nghiệm này, một lý thuyết mới về tính tương tác yếu đã được phát triển. Lee và Yang đã nhận được giải Nobel năm 1957 về nghiên cứu của họ. Qua sự kiện này, tôi đã học được rằng các bạn nên sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới cho dù những ý tưởng đó bị mọi người bác bỏ. Tiến bộ trong khoa học chỉ có thể thực hiện được khi có các lý thuyết mới ra đời và thay thế cho những lý thuyết cũ.

Có thể hình dung cụ thể hạt quark là hạt gì không thưa ông?

Kích thước của hạt quark vẫn nhỏ hơn mức chúng ta có thể đo lường. Vì thế chúng ta nói nó là hạt điểm. Chúng ta không nhất thiết phải tin rằng nó là một điểm, nhưng trong khả năng giới hạn của những dụng cụ đo lường, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy các điểm. Giới hạn trên của kích thước của nó theo các đo đạc hiện thời là vô cùng nhỏ bé. Nếu chúng ta lấy một nguyên tử cacbon, vốn nhỏ hơn rất nhiều lần so với 1 con virus và phóng to cho đến khi ngang bằng kích thước của quả đất, khi đó một hạt quark sẽ có kích thước nhỏ hơn 1/2cm. Và đó chỉ mới là giới hạn trên của kích thước của hạt quark. Nhưng ngay cả nếu như chúng ta không thể đo kích thước hạt quark, tôi hy vọng các bạn vẫn tin rằng các bạn được tạo thành từ những hạt quark và các hạt quark của bạn liên kết với nhau rất tốt

Sau hạt quark sẽ là hạt gì nữa thưa ông? Liệu có hạt nào còn tồn tại mà lại nhỏ hơn hạt quark không thưa ông?

(Cười lớn) Đây là một câu hỏi thú vị, tôi hy vọng các bạn trẻ chính là những người tìm ra chúng.

Tôi đã từng ở trong tù

Phút giây lên nhận giải Nobel hẳn là rất đáng nhớ đối với ông?

Tôi và gia đình tôi chưa bao giờ trải qua những phút giây huy hoàng đến thế! Nghi lễ được tổ chức ở một hội trường hòa nhạc lộng lẫy được trang trí đầy hoa, cùng với khán giả là hàng ngàn đôi nam nữ trong trang phục lễ hội. Đan xen với các bài trình bày trong phần trao giải là những phần trình diễn âm nhạc tuyệt vời Và, không hiểu sao, tôi bỗng nhớ lại tuổi thơ nghèo túng của mình ở ngoại ô Chicago . Rồi những tháng năm cực nhọc khi bao nhà vật lý đầy uy tín ra sức khuyên bảo tôi chớ nên lao vào công việc "phí thời giờ" kia! Nhớ lại bao bạn bè nửa đường bỏ cuộc để đi tìm những việc làm khác sinh lợi nhiều hơn là nghiên cứu quark!

Trong lần vào nói chuyện với sinh viên trường ĐH Huế, được biết ông đã đi bộ mấy lần trên cầu Hiền Lương, có phải khi đó, những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam lại sống dậy trong ông?

Không hẳn như thế, đó chỉ là một cách để tôi tận hưởng không gian êm đềm thoáng đãng. Tuy vậy, nói về chiến tranh Việt Nam là tôi lại nhớ đến cái đêm tôi bị bắt vào tù vì tham gia phản đối cuộc chiến này tại Mỹ. Đó là đêm ở trong tù đáng nhớ của cuộc đời tôi, Việt Nam trong tôi có từ đó.

Theo ông, làm thế nào để phát triển khoa học trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn như Việt Nam ?

Tôi phải khẳng định là đầu tư cho khoa học và giáo dục là một cách đầu tư khôn ngoan. Lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã chứng minh rằng không có quốc gia nào muốn phát triển mà lại không dựa trên nền tảng khoa học. Singapore là một ví dụ, họ đi lên từ con số 0 nhưng đã vươn lên thành một cường quốc nhờ biết đầu tư đúng cách. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Học sinh Việt Nam có thể mơ tới một giải Nobel không thưa GS?

Không có gì là không thể. Những gì tôi đã trải qua và đã đạt được để các bạn ngưỡng mộ đã chứng minh điều đó.

Xin cảm ơn GS và kính chúc ông sức khoẻ!

(Bài viết có sử dụng một số câu hỏi của đồng nghiệp trong buổi gặp gỡ báo chí của GS Friedman chiều ngày 24/7/2008)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.