Góp ý dự thảo đề xuất sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN
Ngày 24/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo đề xuất sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC hướng dấn cơ chế tài chính cho hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Toàn cảnh Tọa đàm
Đồng chí Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch LHHVN và đồng chí Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký LHHVN đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc LHHVN.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến nhấn mạnh, trong những năm qua LHHVN và các hội thành viên đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ TV,PB&GĐXH được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao cho LHHVN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) đã nhấn mạnh, LHHVN cần chủ động, chủ công trong các hoạt động TV,PB&GĐXH. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Quyết Chiến mong muốn nhận được nhiều trao đổi, chia sẻ từ các đại biểu tham dự tọa đàm, đặc biệt là các góp ý về cơ sở pháp lý để LHHVN góp ý với Bộ Tài Chính sửa đổi Thông tư số 11/2015/TT-BTC trên cơ sở sửa đổi Thông tư 11 sẽ thúc đẩy hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với hoạt động rất quan trọng này của LHHVN.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng Ban TV,PB&GĐXH, LHHVN cho biết, Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN được xây dựng trên tinh thần của Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN phù hợp với các quy định về tài chính tại thời điểm xây dựng thông tư. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai thực hiện, một số quy định trong Thông tư số 11/2015/TT-BTC không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, một số định mức chi quá thấp, trong khi mức chi cho các mục chi tương tự trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Bộ Tài chính điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/02/2023 và thay thế một số điều của Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và một số điều của Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Khi so sánh định mức chi của Thông tư số 11/2015/TT-BTC và Thông tư số 03/2023/TT-BTC đã có những khác biệt rõ rệt về một số mức chi.
Trong khi đó, TV,PB&GĐXH là hoạt động mang tính chất khoa học, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện điều tra, nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn cho quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc sửa đổi cơ chế tài chính đối với hoạt động TV,PB&GĐXH sẽ góp phần khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự thống nhất tương đối trong các hoạt động chi có cùng tính chất nghiên cứu từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN.
Tọa đảm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu. Các ý kiến đều nhất trí rằng việc sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC là việc cần thiết hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thanh Hiền - Chuyên viên Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài Chính, LHHVN nên đánh giá các yếu tố về trượt giá, mức lương cơ sở để thay đổi mức chi. Bên cạnh đó, LHHVN nên đề xuất một số nội dung chi có tính chất đặc thù, gắn với thực tiễn của đơn vị, đồng thời đánh giá về tác động của ngân sách để điều chỉnh Thông tư 11/2015/TT-BTC theo điều kiện thực tế và đúng quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 11 cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thanh Hiền, Chuyên viên Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài Chính phát biểu tại Tọa đàm
TS. Phạm Văn Tân - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHHVN đánh giá việc sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện tốt hơn hoạt động tư vấn, phản biện. TS. Phạm Văn Tân cho rằng TV,PB&GĐXH là hoạt động đặc thù, mang tính xã hội nên cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên các mức chi điều chỉnh cần phù hợp với ngân sách.
TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch –TTK LHHVN
Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linhphát biểu kết luận Tọa đàm
Phát biểu kết luận Toạ đàm, Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN là căn cứ pháp lý quan trọng để LHHVN thực hiện hoạt động TV,PB&GĐXH. Trong đó, Thông tư 11 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động TV,PB&GĐXH ban hành được hơn 8 năm, hiện nay những nội dung của thông tư đã không còn phù hợp. Việc sửa đổi thông tư là cần thiết và LHHVN mong Bộ Tài chính ủng hộ để sớm ban hành thông tư mới thay thế. Tuy nhiên, để sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC, Ban TV,PB&GĐXH, LLHVN khi làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính cần cung cấp các cơ sở pháp lý và cách thức tiến hành phù hợp. Ban TV,PB&GĐXH cần tiếp thu các ý kiến góp ý từ phía đại diện Bộ Tài Chính, xây dựng dự thảo đề xuất sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BTC với những lập luận chặt chẽ, xác đáng, chi tiết. Theo Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh, các nhà khoa học chính là động lực trí tuệ lớn nhất tham gia vào hoạt động TV,PB&GĐXH, do đó việc xây dựng dự thảo Thông tư 11/2015/TT-BTC cần thể hiện rõ yếu tố này. LHHVN cần tiếp tục trao đổi, tham khảo ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để có thêm những ý kiến đóng góp sâu sắc, từ đó mở ra những chương mới cho hoạt động TV,PB&GĐXH của LHHVN.
Huy Bách