Giữ nước trên vùng cát
Kết quả khảo sát địa chất, thủy văn của các nhà khoa học tại suối Tiên cho thấy, suối Tiên bắt nguồn từ vùng núi huyện Hàm Thuận Bắc và chảy ra biển. Nước mưa là nguồn nước chính của con suối này. Trung bình mỗi năm chỉ có 31,5 mm nước mưa ngấm vào đất. Theo các nhà khoa học, mực nước ngầm khu vực thung lũng suối Tiên rất nông và gần mặt đất, chỉ có khu vực đồi cát phía bờ phải suối Tiên là có mực nước ngầm sâu. Để gia tăng mực nước ngầm khu vực thung lũng suối Tiên, cần tăng cường bằng nguồn nước mưa. Có nghĩa là khi các công trình thu nước được thiết lập rộng khắp ở thượng lưu suối Tiên thì ở khu vực sát lòng suối Tiên về phía hạ lưu sẽ tăng mực nước ngầm từ 2 - 6m (sau 3 năm) và 3 - 7,5m (sau 10 năm).
Tại điểm nghiên cứu thứ hai thôn Giếng Triền (xã Hồng Phong), mực nước ngầm cũng rất nông. Vùng đất này có bề mặt là lớp cát bột màu trắng hồng, đỏ gụ, độ cao tuyệt đối từ 50 - 60m trở lên không chứa nước. Phía dưới là một tầng sét pha có hệ số thấm rất nhỏ so với lớp cát bên trên. Vì vậy, hằng năm chỉ có 13mm nước mưa ngấm xuống đất. Các nhà khoa học đã đề xuất phương án bổ sung nguồn nước mưa trên toàn lưu vực Triền. Cụ thể, ở lưu vực Triền sẽ xây dựng hệ thống liên hồ gồm 33 hồ trữ nước, dung tích 4.500 m3/hồ và trồng 157km cỏ Vetiver. Cỏ Vetiver là loại cây trồng mới có nhiều ưu điểm, có thể sinh trưởng trên mọi loại đất và có bộ rễ mọc thẳng xuống mặt đất ít nhất 3m, làm thành " Đường chắn ngầm sinh học". Nhờ vậy chúng làm giảm lượng nước mặt chảy đi và tăng nguồn nước ngầm của khu vực dự án. Dự kiến, sau 9 năm, mực nước ngầm ở vùng này sẽ dâng cao thêm từ 3,5 - 8m.
Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Thuận đánh giá, đề tài đã dùng mô hình toán số 3D của dòng chảy thấm và giải bằng cách tự xây dựng chương trình máy tính để tính toán là hướng nghiên cứu tương đối tin cậy hiện nay nên việc xác định phương án khả thi "bổ cập nước mưa trên toàn lưu vực" sẽ mang lại hiệu quả trong thực tế. Các giải pháp kỹ thuật bổ sung nguồn nước ngầm sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành có cơ sở khoa học, triển khai công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án để phát triển kinh tế xã hội vùng khô hạn; nhất là khôi phục lại hệ sinh thái, tạo cảnh quan thiên nhiên.
Nguồn: Tài nguyên & môi trường, 6/2008