Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê: Trọn cuộc đời một “giấc mơ âm nhạc”
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê ngồi đó, gương mặt hết sức bình thản. Chỉ khi ông cất tiếng nói thì tưởng đâu như tất cả tình yêu âm nhạc một đời dồn lại đang trào lên trong những âm sắc vừa tinh tế vừa giản dị. Mỗi câu chuyện cuộc đời hay âm nhạc ông nói đều chứa đựng một bài học mà ai cũng thấy mình cần mang theo, khi là một người Việt Nam yêu nước. Ở tuổi 87, với 50 năm sống xa Tổ quốc, giáo sư về lại quê nhà với toàn bộ gia tài là hàng ngàn hiện vật quý liên quan đến âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hiện ông đang cư ngụ trong ngôi nhà rộng rãi mà chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng cho ông, thay lời cảm ơn một người con của Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc truyền thống nước nhà. Ngôi nhà của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê, đến nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa của thành phố, một nơi sinh hoạt âm nhạc thường xuyên cho những ai yêu thích âm nhạc cổ truyền. Trong phòng khách, ngoài bộ bàn ghế giản dị để khi cần có thể dọn dẹp trả lại không gian cho một sân khấu âm nhạc, là rất nhiều nhạc cụ, hiện vật liên quan đến âm nhạc được trưng bày. Giáo sư tiếp khách vào giữa khoảng nghỉ ngơi của công việc. Ông viết miệt mài, các bài báo về âm nhạc, các công trình nghiên cứu còn đang dang dở, các giáo án, giáo trình để thụ giảng cho sinh viên âm nhạc. Làm việc không ngơi nghỉ, giáo sư bảo mình đang chạy đua với thời gian. "Quỹ thời gian còn ít quá, mà tôi lại còn rất nhiều việc phải làm". Chuyện đầu tiên, giáo sư "khoe" vừa hoàn thành lớp giảng dạy về âm nhạc cho các doanh nhân trẻ. Ông nói: "Có một lớp doanh nhân trẻ của Việt Nam hôm nay nhận thức rất rõ về công việc của mình. Họ hiểu rằng, doanh nhân không chỉ biết đến kinh tế, đến tiền là đủ, mà còn cần phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc". Đến với các doanh nhân, thông qua những bài thuyết trình của mình, giáo sư mong muốn: "Tôi không thể nào dạy cho họ chơi thành thạo một loại nhạc cụ nào đó trong một thời gian ngắn. Vì âm nhạc là khổ luyện. Tôi mang tới cho họ những kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc truyền thống, để khi có ai hỏi họ về âm nhạc truyền thống, về các loại nhạc cụ, họ có thể trả lời. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi muốn truyền cho họ một ngọn lửa tình yêu đối với âm nhạc dân tộc. Kết thúc khóa học, tôi cho các em làm bài luận gồm 9 câu hỏi, trong đó có một câu viết về cảm nhận của chính mình khi tiếp cận âm nhạc truyền thống. Mỗi người chỉ được viết không quá 15 dòng. Nhưng tất cả các học trò của tôi, không ai viết 15 dòng cả. Họ đều viết cả trang giấy ghi lại những xúc cảm của mình. Một vài em bày tỏ rằng, sau khi học âm nhạc từ lớp học của thầy, em thấy yêu âm nhạc. Em cảm ơn thầy vì thầy đã không chỉ trao cho em kiến thức mà còn trao cho em "một giấc mơ về âm nhạc". Tôi rất xúc động. Và hiểu một điều rằng, âm nhạc truyền thống của dân tộc không bao giờ bị lớp trẻ quay lưng, nếu chúng ta biết cách truyền cho họ ngọn lửa của tình yêu và sự hiểu biết". Giáo sư Trần Văn Khê sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm âm nhạc ở Vĩnh Long. Sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ nên từ nhỏ Trần Văn Khê đã chỉ biết yêu thương, bầu bạn với âm nhạc. 12 tuổi ông đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Ông là người Việt đầu tiên đỗ Tiến sĩ khoa Âm nhạc học Đại học Sorbonne (Paris) với đề tài luận án "Âm nhạc truyền thống Việt Nam ". Những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, văn nghệ Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong trào tân nhạc, Thơ Mới, vốn đều bắt nguồn từ Pháp. Rất nhiều văn nghệ sĩ muốn cởi bỏ những chiếc áo cũ để tiếp cận cái mới, cái hiện đại. Riêng chàng thanh niên Trần Văn Khê lại tìm về với âm nhạc truyền thống của dân tộc, với ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị lâu đời mà cha ông để lại. Thành danh trên con đường hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc, GS Trần Văn Khê đã giữ những vị trí quan trọng ở một số trung tâm âm nhạc lớn tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Tên tuổi của ông luôn gắn liền với âm nhạc và văn hóa Việt Nam . Ở bất kỳ nơi đâu ông đặt chân tới, mọi nỗ lực của ông đều nhằm một mục đích duy nhất là giới thiệu các giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam . Hình ảnh của ông từ lâu đã là một biểu tượng cho âm nhạc dân tộc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Cách đây không lâu khán giả được xem một chương trình truyền hình về GS Trần Văn Khê mang tên: "Giáo sư Trần Văn Khê - trái tim của Việt Nam ". Ông rất xúc động về hai chữ "trái tim". Ông nói: "Cả đời tôi, lúc nghiên cứu, biểu diễn âm nhạc hay dạy học, tôi đều không chỉ sử dụng cái "trí" của mình, mà bằng cả trái tim. Thân xác tôi có thể sống xa Tổ quốc. Nhưng tâm hồn tôi, trái tim tôi thì luôn hướng về Tổ quốc. Tôi chỉ có một nguyện vọng cao nhất là có thể đóng góp được nhiều nhất công sức của mình vào việc sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn văn hóa âm nhạc truyền thống của dân tộc mình". Nhờ những nỗ lực của GS Trần Văn Khê, các bộ môn như: Ca trù, múa rối nước, hát bội miền Nam, nhã nhạc (cung đình Huế), nhạc Phật giáo Việt Nam, đàn tài tử, ca nhạc Huế… đã được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới trước nguy cơ ngày càng mai một dần. Trong đó, bộ môn ca trù đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nói về ca trù, GS Khê ngậm ngùi ôn lại kỷ niệm với NSND Quách Thị Hồ, người nghệ sĩ đã về với thiên cổ, đã vắng bóng trên các chiếu hát hôm nay. Ông kể, lần đầu về Việt Nam , tiếp kiến nghệ sĩ Quách Thị Hồ, trong một buổi gặp mặt, khi mọi người đề nghị nữ nghệ sĩ hát cho GS Khê nghe, bà nhất định không hát, với lý do: "Ông ấy ở Tây về biết gì về ca trù mà tôi hát". Thế nhưng, khi nghe GS Khê trình bày những hiểu biết của mình về ca trù, nghệ sĩ Quách Thị Hồ đã hát từ sáng qua chiều cho ông nghe. Rồi bà nhận xét: "Ông ở bên Tây mà "Ta" hơn cả Ta. Trong khi đó nhiều người ở Ta mà "Tây" hơn cả Tây". Từ đó hai người gắn bó với nhau thành tri kỷ trong âm nhạc. Lần cuối, GS Trần Văn Khê đến thăm người bạn già của mình, NSND Quách Thị Hồ đã ốm nặng. Bà nằm trên giường yếu ớt không nói được. Thế mà chỉ khi nhìn thấy bóng GS Khê, bà đã ngồi dậy, nhìn ông bằng đôi mắt vui mừng rồi cất tiếng hát: "Giật mình gặp lại cố nhân. Cố nhân ơi, cố nhân ơi, cố nhân ơi...". Câu hát theo lối ca trù nức nở khiến lòng GS Khê đau nhói khi nghĩ rằng mình sắp mất đi một tri âm gần gũi trong âm nhạc. Kể lại câu chuyện này, đôi mắt GS Trần Văn Khê không khỏi rưng rưng lệ. Sự ra đi của những người nghệ sĩ tài danh thêm một lần nhắc nhở GS Trần Văn Khê về sự cần thiết phải đào tạo những thế hệ trẻ kế cận để tiếp nối, phát huy các giá trị quý báu, vốn là tinh hoa của âm nhạc dân tộc. Tại ngôi nhà của mình, hàng tháng ông tổ chức các buổi biểu diễn và thuyết giảng về âm nhạc dân tộc. Ông dành phần lớn số ghế ngồi cho các bạn trẻ. Ông khích lệ các học trò đang theo học âm nhạc truyền thống bằng cách tìm học bổng cho các em để có điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn. Nghe thấy có học trò yêu âm nhạc dân tộc là GS Khê mừng lắm. Ông thổi vào các em niềm đam mê âm nhạc bằng cách không ngại ngần hỗ trợ các em giáo trình để theo học, giải đáp những thắc mắc khi các em cần, và quan trọng là làm thế nào để các em bớt khó khăn trong việc học. Giáo sư Trần Văn Khê kể: "Có hôm, một học trò 12 tuổi của tôi nói: "Thầy ơi con thương thầy quá". Tôi bèn hỏi lại: "Sao vậy con?". Cô bé đó nói: "Con thương thầy vì thầy già rồi mà còn đi "ăn mày" cho tụi con đi học". Thì ra cô bé thấy cảnh tôi sốt sắng tìm đến nơi này nơi kia xin học bổng trợ cấp cho các em đi học nên đã nói vậy. Tôi rất hạnh phúc về hai chữ "ăn mày" ấy. Để có được những học trò ưu tú, tôi xin tình nguyện đi "ăn mày" dài dài để hỗ trợ các em". Câu chuyện của GS Khê làm những vị khách có mặt trong căn phòng của ông chợt lặng đi vì xúc động. Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực than rằng, lớp trẻ hôm nay chỉ thích những rock, những dance, những hip-hop, thật may mắn vẫn còn những người như GS Khê ngày đêm âm thầm công việc, với toàn bộ sức lực của mình giúp các bạn trẻ quay về nhận biết cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc và sẽ tiếp tục con đường của ông, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Vừa mới đây thôi, trong chương trình "Tôn vinh các tướng lĩnh và người có công với nước" của Bộ Quốc phòng, Giáo sư Trần Văn Khê đã được tặng một xe lăn điện hiện đại. Tuổi đã cao, ông đi lại khó khăn, phải có người giúp đỡ. Chiếc xe lăn hiện đại sẽ giúp ông di chuyển dễ dàng hơn để tìm tài liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy của mình. Những cống hiến của ông trong suốt cuộc đời là một lời cổ vũ với bất kỳ bạn trẻ nào muốn vươn tới tri thức và hiểu biết, trên nền tảng là tình yêu và niềm tự hào về văn hóa quê hương mình, dân tộc mình... |