Giải VinFuture 3 triệu USD được trao cho 3 nhà khoa học phát triển vắc xin Covid-19
Không nằm ngoài dự đoán, chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên trị giá 3 triệu USD được trao cho GS Katalin Kariko và 2 đồng nghiệp - những người đặt nền móng cho công nghệ mRNA trong cuộc chiến chống Covid-19.
Lễ trao Giải thưởng KH-CN thường niên toàn cầu VinFuture (gọi tắt là Giải thưởng VinFuture) vừa diễn ra tối nay 20.1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sự kiện khoa học tầm cỡ thế giới này được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode.
Đến dự lễ trao giải có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, bộ, ban, ngành... Về phía quỹ VinFuture (đơn vị trao giải thưởng VinFuture) có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cùng phu nhân Phạm Thu Hương.
Đặc biệt, lễ trao giải thưởng VinFuture hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người sẽ đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của giới khoa học, thu hút sự chú ý của thế giới đến với Việt Nam.
Sự kiện có thể góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới, đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm ,Minh Chính trao giải thưởng chính cho 3 "người hùng" phát triển vắc xin Covid-19
Nhiều ứng viên từng nhận Giải Nobel
Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện Nghiên cứu nổi tiếng, và 42 viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia uy tín toàn cầu.
Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize...
VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó, số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm tỷ trọng tới 52,6%.
Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.
Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, 599 dự án được đề cử năm nay đều có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới.
Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ nhân giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ - Millennium Prize năm 2010, chia sẻ những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.
GS gốc Việt Nguyễn Thục Quyên trao giải cho GS Omar M. Yaghi
Hàng tỉ người trên trái đất được cứu sống nhờ công nghệ mRNA
Hội đồng giải thưởng gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tìm ra chủ nhận của Giải thưởng KH-CN thường niên toàn cầu VinFuture lần thứ nhất.
Trong đó, giải thưởng chính trị giá 70 tỉ đồng (3 triệu USD) trao cho GS Katalin Kariko, Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Bà là người Hungary, sau khi lấy bằng tiến sĩ, bà Kariko sang Mỹ làm nghiên cứu sau tiến sĩ và bây giờ là giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania. GS Katalin Kariko nổi tiếng nhất với những đóng góp trong công nghệ mRNA, vắc xin mRNA phòng chống Covid-19.
Bà Kariko cộng tác cùng GS Drew Weissman và GS Pietter Rutter Cullis, người có nhiều năm nghiên cứu về mRNA. Công nghệ này đã trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vắc xin Covid-19 dựa trên mRNA hiện đang được phát triển ở giai đoạn cuối.
Nhờ công nghệ mRNA, các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đã tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả cao.
Xúc động nhận được giải thưởng lớn, GS Kariko chia sẻ: “Tôi không thể thốt nên lời nào. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều, xin cảm ơn các nhà sáng lập giải thưởng, Hội đồng giải thưởng! Đây là giải thưởng về điểm sáng về KHCN và hợp tác quốc tế. Tôi rất vui mừng có mặt tại Việt Nam. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời về văn hóa của những người bạn, những sinh viên Việt Nam đã cùng học với tôi từ những năm 1970".
Theo nhóm tác giả, công nghệ mRNA sẽ mở ra liệu pháp vắc xin mới, thế hệ vắc xin mới cho các căn bệnh mới. Điều quan trọng nhất là mở ra sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỉ đồng (500.000 USD Mỹ), gồm:
Giải thưởng nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS Omar M. Yaghi, nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California - Berkeley (Mỹ). Ông được xem là nhà khoa học tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Những phát minh của GS Yaghi có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí sạch hơn, nguồn năng lượng sạch hơn và nguồn nước sạch hơn.
Giải thưởng nhà khoa học nữ được trao cho GS Zhenan Bao, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc ĐH Stanford (Mỹ). GS Bao đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.
GS Zhenan Bao nhận giải thưởng cho nhà khoa học nữ
Và cuối cùng, giải thưởng nhà khoa học từ các nước đang phát triển được trao cho vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim (Nam Phi) - những nhà dịch tễ học với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, giúp giảm căn bệnh AIDS ở châu Phi và trên thế giới.
Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người.
Bốn giải thưởng với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó, giải chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD cho tác giả của nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai. Ba giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD, dành cho nhà khoa học có phát minh sáng chế tiên phong trong lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và người đến từ nước đang phát triển.