Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/05/2024 15:57 (GMT+7)

Giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết tại hội thảo Quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp, Đà Nẵng là thành phố có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đến nay dân số của thành phố có khoảng 1,134 triệu người.

Trong những năm qua, trong quá trình xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch khác, thành phố đã chú trọng dành quỹ đất nhất định để phát triển hệ thống cây xanh. Tuy nhiên, mật độ cây xanh của Đà Nẵng/bình quân trên đầu người vẫn còn thấp.

tm-img-alt

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Võ Công Trí

 Vấn đề trồng cây đường phố hiện nay UBND thành phố đã phân cấp quản lý cho UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý cây xanh vỉa hè đối với đường có mặt đường rộng từ 7,5m trở xuống. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều vấn đề như trồng các loại cây có độ tuổi, sống lâu, ít rụng lá, có đủ bóng mát, không độc hại, công tác kỹ thuật quản lý đối với cây xanh đô thị… Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và các hội thành viên trực thuộc như Hội Kiến trúc, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Xây dựng… theo nhiệm vụ của từng đơn vị, trong thời gian qua cũng đã tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với nhiều dự án quy hoạch của thành phố. Các trung tâm trực thuộc ngoài việc thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuyên truyền về bảo vệ cảnh quan môi trường thì việc trồng cây xanh luôn được chú trọng. Nhiều đường phố đã được trồng mới, chỉnh trang cây xanh, cùng với các công trình kiến trúc đã tạo nên diện mạo tươi trẻ cho thành phố, Chủ tịch Liên hiệp Hội Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết thêm.

Theo ThS.KTS.Nguyễn Thị Hồng Diệp, Phòng Nghiên cứu và Phát triển đô thị, Phó Ban khoa học Hiệp hội Cây xanh Đô thị Việt Nam, việc đưa Hạ tầng xanh – Công viên xanh vào quy hoạch cảnh quan thành phố sẽ làm cho mối quan hệ môi trường và các dịch vụ đô thị được tốt hơn. Để có thể áp dụng Hạ tầng xanh – Công viên xanh, cần có cách tiếp cận áp dụng các chính sách, chiến lược và hành động để phát huy giá trị của hệ thống cây xanh, hạ tầng xanh đô thị.

Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố cho biết, trong khoảng 20 năm qua (từ năm 2005 đến nay), trên địa bàn thành phố đã đầu tư trồng mới khoảng 100.000 cây xanh bóng mát tại các dự án phát triển đô thị, đầu tư xây dựng công trình công cộng. Phần lớn các loài cây xanh thuộc nhóm cây xanh khuyến khích trồng đã khẳng định được sự thích nghi tốt, chống chịu qua nhiều mùa gió bão, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho thành phố và sự bền vững của hệ thống cây xanh đô thị.

Điểm nhấn lớn nhất của cây xanh đô thị Đà Nẵng là hệ thống cây xanh đường phố được đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông tạo nên những tuyến xanh đẹp, ấn tượng (Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt, Lê Duẩn Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thanh – 3 Tháng 2 – Trần Phú, Xô Viết Nghệ Tĩnh Hồ Xuân Hương, Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa…); các tuyến ven sông, ven biển được thiết kế cảnh quan đa dạng (tuyến đường Như Nguyệt-Bạch Đằng-Thăng Long, dải công viên Bạch Đằng Đông-Trần Hưng Đạo-Chương Dương, Công viên Biển Đông – tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành); mảng xanh lớn tại các khu vực đầu cầu qua sông Hàn được chú trọng, tạo thành, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những điểm nhấn cảnh quan ấn tượng, tăng thêm vẻ đẹp cho diện mạo đô thị Đà Nẵng như nút phía Tây cầu Thuận Phước, hai đầu cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý – Nguyễn Văn Trỗi.

Mặc dù vậy, một số loài cây thuộc khuyến khích trồng cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế và đã dần được điều chỉnh, thay thế trong quá trình chỉnh trang đô thị như: Phượng vỹ, Sữa, Sò đo cam, Osaka đỏ, Xà cừ… Một số loài cây được dẫn giống từ rừng về trồng tại một số tuyến đường bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại thành phố.

tm-img-alt

Bên cạnh 10 công viên công cộng cấp đô thị với bán kính phục vụ lớn, thì cũng đã có hơn 100 khu vườn hoa, vườn dạo tại các khu dân cư đã được đầu tư trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng trong việc xanh hóa và cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân đô thị.

Theo TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, đề án của Chính phủ “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỳ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án này với mục tiêu đến hết năm 2025 toàn thành phố trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại. Cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương khoảng 260,8ha) tại khu vực đô thị; trồng 1.850.000 cây xanh (tương đương 740ha) tại khu vực nông thôn; trồng 3.004.000 cây (tương đương 2.140ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất tập trung (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế).

“Thành phố cần rà soát tình trạng, cách tỉnh chỉ tiêu của cây, quy trình thiết kế cây xanh đô thị cũng như kế hoạch xã hội hóa trồng cây xanh đô thị, ban hành danh mục các chủng loại cây đường phố, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án khu công viên đã được phê duyệt, phát triển cây xanh trong các khu dân cư, xây dựng công viên vườn hoa trong các khu ở,” TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đề nghị.

Lợi ích mà cây xanh đô thị mang lại cho cuộc sống là điều không thể bàn cãi. Đối với Đà Nẵng, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và khí hậu, tôn cao giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố không thể thiếu tạo nên sức thu hút của thành phố.

Mặc dù, đã có chuyển biến tích cực nhưng hệ thống cây xanh đô thị của TP. Đà Nẵng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan, tỷ lệ diện tích cây xanh, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý và vẫn còn thiếu một số giải pháp đồng bộ cho việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Bên cạnh những nguyên nhân yếu tố thiên nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc phát triển cây xanh là kinh phí cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Đồng thời, công tác quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành… một cách tùy tiện làm giảm mật độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh múm, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình. 

Được biết, cây xanh phát triển luôn gắn với đất đai, khí hậu, không gian sống, song hiện cây xanh đường phố được trồng chưa được quan tâm đúng mức, làm xung đột môi trường sống với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Câu chuyện cây xanh được trồng xuống rồi đào bới đem đi diễn ra thường xuyên. Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, cây xanh được trồng dưới đường dây diện, gần hệ thống cấp nước, thoát nước, cáp thông tin nên làm cho cây nghiêng ngã. Nhiều nghịch lý khác cũng diễn ra khi những tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, 30 tháng 4 có vỉa hè rộng, không vướng dây điện lại quy hoạch trồng cây sao đen, chẹo, viết. Đây lại là những loại cây có tán hẹp, sinh trưởng chậm nên nhìn thấy đôi hàng cây dong dỏng. Ngược lại, đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ lại trồng cây đại mộc như xà cừ, muồng tím có khả năng sinh trưởng nhanh bỗng chốc chọc thẳng vào đường dây trung và hạ thế. Thiết kế quy hoạch trồng cây xanh quá đơn điệu, cứng nhắc, rập khuôn với việc trồng cây xanh chỉ 1 hàng, khoảng cách 6 - 10 mét/cây.

tm-img-alt

 Để tăng cường việc quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng khi thiết kế quy hoạch xây dựng phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về quỹ đất cây xanh đô thị theo quy định trong quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng hiện hành; trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh; việc chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định và dành quỹ đất phát triển vườn ươm cây xanh; đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; phát động chương trình hộ gia đình tự trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh khu vực nhà mình, trên các tuyến phố đã quy hoạch… và theo quy định về chủng loại cây trồng.

Theo kinh nghiệm của người dân, với những tuyến đường có lề hẹp không thể trồng cây lớn phải sử dụng khung thép tạo thành vòm bắc qua đường rồi trồng cây dây leo. Tùy theo vị trí cụ thể để bố trí từ 1 đến 2 khung liên tiếp để thay đổi không gian, làm phong phú thêm cho cảnh quan của trục đường. Ngoài ra, để bổ sung thêm cây xanh cho đô thị thì cần có thêm các bức tường cây xanh hay còn gọi là vườn thẳng đứng ở các nơi, như: cổng chào, dải phân cách, … sẽ làm dịu bớt căng thẳng và về mặt mỹ quan cũng sinh động hơn. Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn trồng cây xanh trên các tuyến đường, cách trồng cây đã được UBND thành phố quy định chi tiết. Cần lưu ý, khi trồng cây phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; phải cắt dây buộc bầu rễ; loại bỏ tất cả xà bần, phế liệu xây dựng, bê tông, nhựa đường, cát, đá khỏi hố; Cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng...

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý Văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ngày 26/6, Liên hiệp hội Đắk Lắk đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn, phản biện, góp ý Văn kiện trình Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV (nhiệm kì 2024-2029) và Văn kiện trình Đại hội Đại biểu MTTQVN lần thứ X (nhiệm kì 2024-2029).
Sơn La: Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày 14/6/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức Hội thảo tư vấn “Giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Tin mới

Thanh Hóa: Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và phát động Hội thi, Giải thưởng
Ngày 28/6/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Thanh Hóa lần thứ 14 (2024 - 2025) (Hội thi), tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024 (Giải thưởng).
Thông báo triệu tập thí sinh tham dự vòng 2 kỳ thi tuyển biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2024
Ngày 26/6/2024, Hội đồng tuyển dụng nhân sự vào biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) ban hành Thông báo số 10/TB-HĐTD về danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự kỳ thi tuyển nhân sự vào biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2024 Vòng 2.
Khai mạc kỳ thi tuyển biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2024
Chiều 25/6 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức khai mạc Kỳ thi tuyển biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2024. Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng nhân sự vào biên chế Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam 2024 Nguyễn Quyết Chiến dự và có phát biểu chỉ đạo.