Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/07/2008 23:48 (GMT+7)

Galileo Galilei “Dẫu sao thì trái đất vẫn quay”

Hồi nhỏ, sở thích của Galileo là chơi đàn, vẽ, lao động chân tay và khi rảnh rỗi ông thường làm đồ chơi cho các em của mình. Nhưng người cha của ông Vesenxao Galilei lại muốn ông trở thành một danh y. Năm 1581, ông vừa vào học y ở Đại học Pisa . Trong năm đầu tiên học đại học, quan sát đèn treo đu đưa ở nhà thờ, Galileo đã nhận ra rằng chiếc đèn luôn luôn mất cùng một thời gian thực hiện một dao động dù phạm vi đu đưa rộng hay hẹp như thế nào. Điều này về sau được ông kiểm chứng bằng thực nghiệm, từ đó đề xuất nguyên lý con lắc trong điều tiết đồng hồ.

Sau đó khi được học hình học, ông bắt đầu say mê toán học. Năm 1585, vì không có tiền, ông buộc phải thôi học và trở về Florence giảng dạy. Ở đấy, năm 1586, Galileo đã công bố một khảo luận về trọng tâm của các vật rắn và được mời làm giảng viên toán học ở Đại học Pisa . Từ đó ông bắt đầu nghiên cứu lý thuyết chuyển động, lần đầu tiên bác bỏ quan niệm của Aristotle về chuyển động rơi rằng vật nặng thì rơi nhanh hơn vật nhẹ - một quan niệm sai lầm đã tồn tại suốt cả ngàn năm. Năm 1592, ông lại chuyển sang giảng dạy ở Đại học Padua và ở đây, trong suốt 18 năm, ông đã có nhiều khám phá khoa học quan trọng về sự chuyển động.

Galileo đã rất sớm tin vào thuyết của Copernicus về chuyển động của các hành tinh xung quanh Mặt trời nhưng ông không dám nói ra vì sợ chê cười. Năm 1609, khi ở Venice , ông được biết là có phát minh về kính ngắm thấy các vật ở xa. Trở về Padua , ông đã nhanh chóng tự làm ra được những chiếc kính viễn vọng và dùng chính những chiếc kính ấy để quan sát bầu trời. Chỉ từ cuối năm 1609 đến đầu 1610 Galileo đã phát hiện ra một loạt những sự kiện bất ngờ: bề mặt Mặt trăng lồi lõm, dải Ngân hà là một tập hợp sao, Sao Mộc có các mặt trăng của nó… Ông cùng quan sát Sao Thổ, các vết đen trên Mặt trời, các tuần trăng của Sao Kim. Các quan sát thiên văn đầu tiên của ông được công bố năm 1610 trong tác phẩm “Sứ giả của các vì sao”.

Năm 1611, Galileo đến Rome và trình diễn chiếc kính viễn vọng của ông trước các nhân vật quan trọng ở triều đình của Giáo hoàng và được đón tiếp nồng nhiệt. Với tài thuyết giảng của mình, các ý kiến của ông đã được phổ cập bên ngoài giới khoa học và tạo ra một dư luận mạnh mẽ. Các giáo sư theo học thuyết của Aristotle tìm cách chống lại ông và họ đã được sự hợp tác của các thầy tu, những người này đã bí mật tố cáo Galileo với Toà án Giáo hội. Đến năm 1616 thì thuyết Nhật tâm của Copernicus bị đưa vào danh sách cấm. Mặc dù có rất nhiều cố gắng bảo vệ lý thuyết của Coperinicus, nhưng đều thất bại. Năm 1625, ông hoàn thành tác phẩm vĩ đại “Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính - cuả Ptolemaeus và của Copernicus”. Cuốn sách xuất hiện năm 1632 và được khắp Châu Âu ca ngợi là một kiệt tác về văn học và triết học nhưng Giáo hoàng thì rất tức giận và ra lệnh khởi tố Galileo. Mặc dù đau ốm và già nua nhưng tháng 2 năm 1633, Galileo vẫn phải đến Rome để chịu xét xử trước Toà án Giáo hội. Ông bị buộc tội “bảo vệ và giảng dạy” học thuyết Copernicus và ép phải nói lên rằng ông thề từ bỏ mãi mãi và ghét cay ghét đắng những sai lầm đã phạm phải. Người ta kể rằng sau khi bị tuyên án, ông đã dậm chân xuống đất và kêu lên “Eppur, si muovo” (Dẫu sao thì trái đất vẫn quay). Ông bị quản thúc đến khi qua đời 8 năm sau đó ở nhà tại Arcetri gần Florence . Tuy nhiên trong thời gian ấy, Galileo vẫn không ngừng làm việc và tổng hợp các kết quả của các thí nghiệm trước đây và những ý nghĩ mà ông nghiền ngẫm về các nguyên lý cơ học. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để các nhà khoa học sau này như Huygens và Torricelli phát triển các nghiên cứu của mình.

Đóng góp trực tiếp của Galileo cho thiên văn học là những khám phá với chiếc kính viễn vọng của ông. Biên giới của vũ trụ nhìn thấy đã được ông mở rộng ra rất nhiều. Có một điều kỳ lạ là Galileo không biết các định luật về chuyển động các hành tinh của Kepler, người đương thời của ông. Ông tin rằng các quỹ đạo hành tinh là đường tròn để duy trì một trật tự hoàn hảo của vũ trụ. Tuy nhiên, ông cũng có những tiên đoán đúng đắn như rồi sẽ phát hiện rác các hành tinh bên ngoài Sao Thổ, ánh sáng có vận tốc hữu hạn mặc dù rất lớn. Đóng góp quan trọng nhất của Galileo là việc thiết lập cơ học như một khoa học. Trước Galileo đã có một số khám phá về lực nhưng chính ông mới là người đầu tiên làm rõ ý tưởng lực là một tác nhân cơ học. Tuy ông không phát biểu sự phụ thuộc giữa chuyển động và lực thành các định luật nhưng các công trình của ông về động lực học luôn luôn cho thấy các định luật này. Ông là người mở đường cho I. Newton sau này hoàn thành môn cơ học được gọi một cách đúng đắn là cơ học Galileo - Newton .

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.