Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam
Tiềm năng phát triển và thực trạng kinh tế - xã hội vùng
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL nằm ở cực Nam của Tổ quốc gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Toàn vùng rộng 16.260 km 2, chiếm 5% diện tích cả nước, 18,4% diện tích các vùng KTTĐ, với dân số năm 2008 khoảng 6,4 triệu người, bằng 7,4% dân số cả nước và bằng 15% dân số các vùng KTTĐ.
Vùng có vị trí địa kinh tế quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giao thương với khu vực. Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia thông qua vịnh Thái Lan; giáp với biển Đông với bờ biển dài. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển giao lưu thương mại và du lịch với khu vực.
Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng KTTĐ nói riêng, là một trong những đồng bằng châu thổ rộng và phì nhiêu ở Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất lương thực, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản và vùng cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn. Điều kiện thuận lợi để sản xuất gạo, thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nhân văn của vùng khá phong phú, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế và du lịch. Nhờ có tài nguyên về dầu khí, vùng đã và sẽ là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực: Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 - 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam. Ngoài ra còn có đá vôi ở khu vực Hà Tiên, Kiên Lương (Kiêng Giang); đá Andezit, granit (An Giang),… Những di tích lịch sử, văn hóa, phong cảnh đẹp phân bố đều trên toàn địa bàn, tạo cho vùng tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế du lịch.
Hệ thống đô thị trong vùng khá phát triển, trong đó có thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ sở hạ tầng đã từng bước hoàn thiện, đã, đang và sẽ tạo sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thu hút lực lượng lao động từ vùng nông thôn tới làm việc, tạo cục diện mới cho tăng trưởng kinh tế và giao thương quốc tế.
Trong giai đoạn vừa qua, theo số liệu thống kê từ 4 tỉnh trong vùng, tốc độ tăng trưởng của vùng đạt khá cao, bình quân 11%/năm giai đoạn 2001 - 2005 và 13,5%/năm giai đoạn 2006 - 2008. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước, và có xu hướng giảm dần. Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng lên.
Cơ cấu kinh tế của vùng đã có sự chuyển dịch, tuy còn chậm song đã theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn cao, nhưng đã giảm từ 43% năm 2000 xuống 35,5% năm 2008.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản: Đã hình thành một số sản phẩm chủ lực, quy mô lớn như lúa, tôm, cá. Các sản phẩm nông nghiệp trên chiếm tỷ trọng lớn so với vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như so với cả nước (sản lượng lúa năm 2008 đạt 8,5 triệu tấn, bằng 21,5% lúa cả nước; sản lượng thủy sản năm 2008 đạt 1.184 nghìn tấn, chiếm 28,2% sản lượng thủy sản cả nước).
Ngoài ra trên vùng KTTĐ còn trồng các cây ăn quả có múi: nhãn, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng,… Tới nay, sản xuất cây ăn quả trong vùng còn gặp những khó khăn, hạn chế về chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ… nên việc cải thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nhóm sản phẩm này của vùng.
Về công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2006 - 2008 đạt 17,4%, đóng góp 25 - 26% GTSX toàn vùng. Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng khá như xi măng, thủy sản đông lạnh, chế biến thức ăn gia súc, phân bón hóa học, xà phòng, giày dép, sản xuất nông cụ cầm tay,… Trên địa bàn vùng KTTĐ đã triển khai các dự án công nghiệp có quy mô vùng và cả nước như dự án khí - điện - đạm Cà Mau, cơ sở sản xuất xi măng,… Hiện nay đang xây dựng nhà máy nung clinker công suất 450.000 tấn/năm.
Đã hình thành các khu công nghiệp như Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 2 (thành phố Cần Thơ); Vàm Cống (An Giang); Thạnh Lộc, Thuận Yên (Kiên Giang); KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2 tại Cần Thơ. Ngoài các khu công nghiệp tập trung, đến nay đã hình thành nhiều cụm công nghiệp ở 4 tỉnh trong vùng.
Về dịch vụ, thương mại: Những năm gần đây, hoạt động thương mại tại các địa phương trong vùng phát triển mạnh, nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ mới phát triển. Cùng với mở thêm mạng lưới chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại được xây dựng và đi vào hoạt động, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được củng cố và phát triển đáng kể. Hệ thống siêu thị đã hình thành tại các đô thị trong vùng: thành phố Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Long Xuyên. Các chợ nông thôn, nhất là các chợ nông sản, thủy sản… được xây dựng, nâng cấp, phân bố tương ddooios hợp lý trên các địa bàn. Hoạt động các chợ biên giới khá nhộn nhịp. Đến nay, tại khu vực biên giới giữa các tỉnh An Giang và Kiên Giang với Campuchia đã và đang hình thành các khu kinh tế cửa khẩu An Giang và Khánh Bình (An Giang), khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang).
Hoạt động xuất khẩu tăng nhanh, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2008 đạt 2.735 triệu USD, chiếm 6,5 - 7% cả nước.
Du lịchđã được quan tâm đầu tư phát triển. Cơ sở vật chất của ngành du lịch như hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị,… được nâng cấp, xây mới. Các khu, điểm du lịch được xây dựng, cải tạo và đưa vào khai thác những hoạt động du lịch mới để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điểm nổi bật nhất là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái lớn của cả nước, khu vực và thế giới.
Về các lĩnh vực xã hội: Thời gian qua cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa,… đã được chú ý đầu tư cải tạo và xây mới. Điều đó tuy chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển song cũng đã góp phần giải quyết nhu cầu trước mắt, tạo điều kiện để phát triển kinh tế.
Trong vùng có 3 trường đại học, Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Đại học Y Dược Cần Thơ. Tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau có các trường cao đẳng. Ngoài các trường đại học và cao đẳng, trên vùng còn có các cơ quan nghiên cứu trực thuộc các Bộ, ngành như Viện nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển hệ thống canh tác, Phân viện nghiên cứu Thủy sản Minh Hải, Viện Khoa học Thủy sản, Viện Môi trường và phát triển bền vững. Trường ĐH Cần Thơ có Viện Công nghệ Sinh học và Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại trong vùng mới có 1 bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện 121 do Quân khu 9 quản lý. Các tỉnh đã có bệnh viện đa khoa và một số bệnh viện chuyên khoa như y học cổ truyền, phụ sản - nhi, lao và bệnh phổi, da liễu, mắt - răng hàm mặt, tai mũi họng, tâm thần… Ngoài các cơ sở y tế công lập, đến nay, trên địa bàn có bệnh viện đa khoa tư nhân đang hoạt động.
Tuy so với nhu cầu phát triển còn thiếu nhiều song hiện các tỉnh trong vùng đã có các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thông tin, trung tâm triển lãm văn hóa, thư viện trung tâm, bảo tàng. Tại các tỉnh đã có các công trình thể dục thể thao cơ bản là sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu.
Về kết cấu hạ tầng: Hệ thống giao thông của vùng khá phong phú, gồm cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước được cải thiện.
Các quốc lộ chính và các tuyến đường quan trọng trong vùng gồm Quốc lộ 1A kết nối vùng KTTĐ với TP.Hồ Chí Minh và nội vùng (Cần Thơ - Cà Mau), quốc lộ 91, quốc lộ 80, tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, một số tuyến đường trên đảo Phú Quốc đã được nâng cấp, mở rộng.
Đường thủy bao gồm 2 tuyến đường thủy chính nối với TP. Hồ Chí Minh là tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương. Khó khăn nhất là các cầu qua sông còn thiếu và hạn chế nhiều.
![]() |
Hiện nay, trong vùng có 4 sân bay, bao gồm các sân bay: Trà Nóc (Cần Thơ); Cà Mau (tỉnh Cà Mau); Rạch Giá và Dương Đông (Phú Quốc - Kiên Giang). Sân bay trong vùng đã góp phần đẩy nhanh giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư giữa vùng và trung ương cũng như các trung tâm kinh tế khác.
Phương hướng phát triển.
Định hướng cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng đã được khẳng định rất rõ trong Quyết định số 492 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tổng quát là: " Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc".
Một số mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009 - 2010 của vùng đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 - 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.
- Đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020.
-GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD năm 2010 và khoảng 3.000 USD vào năm 2020.
- Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm lên 490 USD năm 2010 và 1.900 USD năm 2020.
- Tốc độ đổi mới công nghệ trong tiến trình hiện đại hóa, đạt 20%/năm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ khoảng 38% năm 2010 và đạt khoảng 65% vào năm 2020.
- Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 33,8% vào năm 2010 và 46% năm 2020.
Để khai thác tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng và thực hiện được các mục tiêu đã đề ra cần quan tâm phát triển các ngành, lĩnh vực chính như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản: Cần xây dựng và khai thác có hiệu quả hệ thống các công trình thoát lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Quy hoạch thủy lợi, phối hợp với việc sử dụng nguồn nước sông Hậu có hiệu quả. Kết hợp tốt giữa sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao, phát triển vùng lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, cây ăn trái sạch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vệ sinh thực phẩm và khuyến nông, khuyến ngư. Tập trung hỗ trợ cho nông dân trong việc chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung nguồn lực để các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu các giống cây, con chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
Phát triển thủy sản xuất khẩu. Hợp tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực giống thủy sản.
Tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư và trao đổi thông tin thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp: Quy hoạch phát triển các nhà máy chế biến thủy sản đạt trình độ xuất khẩu. Liên kết giữa nguyên liệu và chế biến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.
Khai thác hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế. Hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Vận động và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học và đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và phát triển công nghiệp nông thôn.
Thương mại, dịch vụ, du lịch: Hình thành các trung tâm thương mại lớn của vùng như siêu thị, hội chợ, chợ đầu mối, sàn giao dịch nông - thủy sản. Hợp tác xây dựng hệ thống kho dự trữ và bảo quản nông, thủy sản sau thu hoạch.
Phối hợp trao đổi thông tin thị trường và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chú trọng thị trường ASEAN.
Hợp tác đầu tư hình thành phát triển các cụm du lịch, tuyến du lịch, các tuor du lịch liên vùng. Phối hợp tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh của từng địa phương và đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Phối hợp trong việc tổ chức định kỳ "Liên hoan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long".