Đôi điều về 2 nhà Vật lý hạt nhân hàng đầu Việt Nam
GS Trần Đức Thiệp, hiện là Chủ tịch Hội hạt nhân Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Máy gia tốc Tương lai Châu Á, Ủy viên Hội đồng Diễn đàn nghiên cứu bức xạ synchrontron Châu Á Đại dương. GS Nguyễn Văn Đỗ là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý, Ủy viên Ủy ban Số liệu hạt nhân Quốc tế, thuộc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hai giáo sư đã tham dự giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”.
Nhận xét về GS Nguyễn Văn Đỗ và GS Trần Đức Thiệp, GS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việtcho biết: “Hai GS là 2 người giỏi nhất Việt Nam về lĩnh vực Vật lý hạt nhân nên không ai đủ trình độ đề xét công trình của họ. Chúng tôi phải gửi ra nước ngoài xin ý kiến nhận xét của các giáo sư có tiếng và Việt kiều ở nước ngoài. Hai GS Thiệp và Đỗ là tấm gương sáng về tinh thần say sưa, nghiên cứu khoa học quyết tâm khắc phục khó khăn, không bỏ nghề trong hoàn cảnh khó khăn”.
Từ máy Gia tốc cổ lỗ tới đóng góp công trình nguyên tử quốc tế
GS Nguyễn Văn Đỗ học tại trường ĐH Tổng hợp Budapest, Hungary và GS Trần Đức Thiệp học ở trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Sophia Bulgaria đều về chuyên ngành Vật lý hạt nhân. Cả hai ông đều tốt nghiệp xuất sắc và được GS Nguyễn Văn Hiệu mời về làm việc tại Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Vào thời gian cuối năm 70, đầu những năm 80, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Vật lý hạt nhân bị quên lãng không được đầu tư, không có công trình, đề tài cấp nhà nước cho lĩnh vực hạt nhân. Cho nên có người giỏi nhưng không có kinh phí để nghiên cứu lĩnh vực này. Rất may, lúc đó Viện khoa học công nghệ Việt Nam hoạt động độc lập, ngân sách của Viện rất ít ỏi nhưng mấy chục năm liền tất cả các thế hệ lãnh đạo của Viện nhận thức được ngành Vật lý hạt nhân hết sức quan trọng, hết lòng, hết sức động viên các nhà khoa học trong Viện Vật lý. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, GS Nguyễn Văn Đỗ và Trần Đức Thiệp đã kiên trì, bền bỉ nghiên cứu ngành Vật lý hạt nhân.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng hai giáo sư được may mắn nghiên cứu trên máy gia tốc của Nga tặng GS Nguyễn Văn Hiệu năm 1982 (trước đó nước bạn đã sử dụng máy này được 10 năm). Từ chiếc máy đó, các số liệu về phản ứng hạt nhân mà GS Thiệp và Đỗ nghiên cứu thu được đã được cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế công nhận và đưa vào kho tàng dữ liệu hạt nhân, cùng với các số liệu của các nhà khoa học nước ngoài để cho tất cả mọi người sử dụng thiết kế tính toán các lò phản ứng hạt nhân và các nhà máy lò hạt nhân. Bản thân GS Trần Đức Thiệp và GS Đỗ lần lượt thay nhau được bầu vào Ủy ban máy gia tốc Châu Á mà ở đó có các nhà khoa học Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapo.... Riêng GS Nguyễn Văn Đỗ được bầu vào Ủy ban số liệu hạt nhân của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Hy sinh bản thân cho ngành Vật lý hạt nhân
Đam mê nghiên cứu khoa học đã ngấm vào máu thịt của hai vị giáo sư. Bởi làm việc trong ngành Vật lý hạt nhân rất vất vả và thiếu thốn về thiết bị. Đối với ngành Vật lý hạt nhân ngay cả những nước giàu có cũng không đủ thiết bị để làm việc chứ không kể đến nước nghèo như Việt Nam. Đặc biệt làm việc với máy gia tốc vì đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Trong khi đó, máy cũ, điều kiện làm việc thiếu thốn, độc hại. Nghiên cứu khoa học trên những thiết bị cũ nhưng hai GS đã thu được nhiều kết quả khoa học. Đạt được điều đó, phải có sự quyết tâm đam mê và tinh thần độc lập suy nghĩ. Hai giáo sư đã chứng minh được điều đó.
GS Trần Đức Thiệp nhớ lại: “Anh em chúng tôi đã thức trắng nhiều đêm điều khiển máy để hoàn thiện các công trình nghiên cứu của mình. Kinh phí thì hạn hẹp, thiết bị nhiều lúc bị hỏng, chúng tôi phải dựa vào bạn bè đồng nghiệp ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi công tác, chúng tôi tích lũy thu thập thêm chi tiết, phụ tùng mà ở Việt Nam không có”.
“Đi trên con đường nghiên cứu khoa học là con đường gập ghềnh gian nan. Đôi lúc cảm giác như mình đơn độc nhưng đổi lại thì đây là lĩnh vực hết sức hấp dẫn. Chúng tôi tìm được niềm vui trong đó và hết sức hạnh phúc khi nghiên cứu thu được kết quả” - GS Nguyễn Văn Đỗ chia sẻ.
Làm khoa học đôi khi quên mình và thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng chỉ vì lòng đam mê. Cách đây 20 năm, Viện khoa học Vật lý cùng gia đình những tưởng đã phải chia tay với GS Trần Đức Thiệp khi ông đang thử nghiệm nghiên cứu bị chiếu xạ vì máy gia tốc trục trặc. GS Thiệp đã bị thương rất nặng, mất hẳn bàn tay phải và bàn tay trái cũng không còn nguyên vẹn. Rất may, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế có cam kết là đảm bảo sức khỏe cho người nghiên cứu về lĩnh vực này nên Chính phủ Pháp nhận GS Thiệp sang chữa bệnh.
“Họ không tiếc tiền, tiếc của để cứu tính mạng cho tôi và tôi đã vượt qua được năm tháng khó khăn đó. Nhân dịp này, tôi cảm ơn Chính phủ Pháp, các bác sĩ Việt Nam đã làm mọi việc để cứu tính mạng tôi” - GS Thiệp nghẹn ngào nói.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định: “Có thể ví với xe đạp cọc cạch các anh đã đi được một chặng đường rất dài và đạt được kết quả tốt đẹp”.
Mong muốn có chính sách cụ thể tới ngành Vật lý hạt nhân
Đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn truyền đạt kiến thức lại cho các học trò luôn cháy bỏng trong tâm hồn của 2 giáo sư.
Niềm vui lớn nhất của 2 giáo sư hiện nay là Nhà nước đã bắt đầu quan tâm tới ngành hạt nhân, trong đó có ngành Vật lý hạt nhân. Tuy nhiên, các giáo sư cũng băn khoăn và lo lắng bởi vẫn còn quá nhiều khó khăn trước mắt.
“Vật lý hạt nhân là ngành khoa học mũi nhọn, có ý nghĩa rất lớn trong việc khám phá và ngược lại nó cũng có nhiều ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cho nên hầu hết các nước trên thế giới họ đều quan tâm đến lĩnh vực mũi nhọn trong đó có hạt nhân. Với vị thế đó, tôi nghĩ trong tương lai Vật lý hạt nhân còn có nhiều đóng góp hơn nữa. Do vậy, tôi chỉ có nguyện vọng mong muốn ngành nghiên cứu hạt nhân phát triển thật mạnh, vững chắc nhưng cần phải có sự quan tâm của nhà nước, cần có quy chế, chính sách cụ thể chứ không nói chung chung. Hiện nay, lương của cán bộ khoa học quá thấp”, GS Thiệp nói.
Để phát triển vững mạnh ngành Vật lý hạt nhân thời gian tới thì phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học và thiết bị cơ bản để họ làm việc. GS Đỗ cho rằng: “ Ở nước ta, ngành hạt nhân có từ lâu và do điều kiện khó khăn nên ngành Vật lý hạt nhân chưa có điều kiện phát triển nhưng chúng ta đã làm được nhiều việc đóng góp cho thế giới. Chúng ta phải cố gắng về nguồn nhân lực và chuẩn bị thiết bị cho công tác nghiên cứu. Đối với khoa học Vật lý hạt nhân ngoài kiến thức thì vấn đề kỹ thuật cũng hết sức quan trọng. Học đi đôi với hành”.