Diễn đàn xây dựng Luật về Hội: Trí tuệ và nhiệt huyết
PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Một xã hội hiện đại gồm có ba thành tố - Nhà nước, các tổ chức thị trường và các tổ chức của xã hội dân sự, trong đó có các hội…Ba khu vực ấy vừa phối hợp với nhau, vừa chế ngự lẫn nhau, đảm bảo sự hài hoà, cân bằng và dân chủ trong sự phát triển… Ta đã có chủ trương xây dựng Luật doanh nghiệp chung tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp thì Luật về Hội cũng nên tiến bộ như như thế…”. Tác giả cho rằng, theo Luật Doanh nghiệp, “trên đầu” các doanh nghiệp không có bộ chủ quản, nên chăng Luật về Hội cũng không nên quy định bộ chủ quản cho mỗi hội, có chăng là sự bảo trợ cần thiết… Nếu đặt “trên đầu” Liên hiệp hội một số bộ quản lý theo kiểu hành chính thì hoạt động của tổ chức dân sự này sẽ bị hạn chế, mất tính chủ động sáng tạo.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, Luật về Hội phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi nước, vì vậy nên tham khảo Luật Hội của các nước khác, nhưng không thể rập khuôn, bởi lẽ chúng ta đang trong quá trình cải cách.
Đặc biệt phải nhìn đến xu hướng hội nhập, các hội của Việt Nam không thể không giao thiệp với Hội các nước và gia nhập các tổ chức quốc tế. Nếu hội của ta không giống ai thì khó có tiếng nói chung được. Đó sẽ là một cản trở lớn đối với quá trình phát triển đất nước.
PGS.TS Chu Hảo, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, hy vọng dự thảo lần thứ 8 Luật về Hội “sẽ có thể có cái mới nếu các tác giả của Dự thảo lắng nghe một cách thực sự cầu thị ý kiến của Quốc hội và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo sát sao việc hiện thực hoá vào cuộc sống những quan điểm về tự do và dân chủ đã được khẳng định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và trong Hiến pháp 1992 của nước ta”.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Văn Mậu, Học viện Hành chính Quốc gia, thì hội là một trật tự điều lệ, khác với nhà nước vốn là trật tự pháp lý… Có thể hình dung khung pháp lý của hội như một “sân chơi”, ở đó Nhà nước bằng quyền hạn điều chỉnh pháp lý của mình, chỉ đưa ra các điều cấm, ấn định các quy tắc bắt buộc (có tính hạn chế), còn lại phải để các hội tự do hoạt động trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ… Bởi vậy, cần phải xem kỹ lại các chương III (Hội viên), chương IV (Tổ chức, hoạt động của Hội), chương V (Liên hiệp hội, chia tách và giải thể hội). Can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của hội, tức là Luật đã làm thay nhiều nội dung của Điều lệ và làm xơ cứng tổ chức và hoạt động của hội vốn rất phong phú, sinh động.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiến nghị: Thiết lập một cơ quan đăng ký thành lập hội thống nhất trên cả nước. Chức năng đăng ký lập hội có thể trao cho toà sơ cấp như là một phần việc của hành chính tư pháp. Tạo tố quyền cho người dân khi quyền lập hội của họ có dấu hiệu bị vi phạm bởi nhà chức trách, các tố quyền này nên được thiết lập ngay trong Luật về Hội. Từng bước loại bỏ sự quản lý đa tầng, không nên cho các bộ, ngành quyền quản lý hay can thiệp quá sâu, vi phạm cái quyền tự quyết của hội.
Luật sư, TS. Luật học Hoàng Ngọc Giao, nhấn mạnh đến tư cách pháp nhân của hội, nghĩa là quyền được Nhà nước chính thức công nhận, là điều kiện pháp lý quan trọng để Hội có thể tham gia các quan hệ về hành chính, dân sự, kinh tế… Luật về Hội cần có những quy định cụ thể rõ ràng về những điều kiện, tiêu chí cho tư cách pháp nhân của hội…
Còn rất nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật về Hội từ các hội khoa học kỹ thuật và từ các liên hiệp hội địa phương. Tựu trung đều mong muốn Dự thảo Luật về Hội lần này phải tiêu biểu cho trí tuệ và nhu cầu chính đáng của một xã hội dân chủ, một Nhà nước pháp quyền, đặng khơi dậy tiềm năng to lớn của các hội trong công cuộc đổi mới đất nước.