Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/08/2024 15:32 (GMT+7)

Cú 'bẻ lái' giành HCV Olympic Sinh học quốc tế của Nguyễn Tiến Lộc

Nói về chặng đường đến với Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế của con trai, anh Nguyễn Tiến Tuấn đã so sánh “như trong phim”. Tiến Lộc từng mua một chiếc huy chương vàng tặng bố, bởi hành trình đầy tình yêu bố dành cho em.

Tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024, Nguyễn Tiến Lộc, cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Đến với Sinh học muộn mằn, lại mê điện tử, mê game… chặng đường đến Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế của Lộc là cú “bẻ lái” đầy ngoạn mục. Trong đó, có tình yêu vô bờ của người bố.
Cu 'be lai' gianh HCV Olympic Sinh hoc quoc te cua Nguyen Tien Loc
 Nguyễn Tiến Lộc, cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giành Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024. Ảnh: NVCC.
Hành trình “đổi màu” huy chương
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, anh Nguyễn Tiến Tuấn (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, anh làm gốm sứ và nguyên liệu gồm sứ ở Bát Tràng, chị nhà là giáo viên Toán cấp 2. Trong gia đình, chỉ có hai vợ chồng chú ruột của Lộc làm bác sĩ, liên quan đến ngành mà Lộc đang theo đuổi.
Từ nhỏ, Lộc đã bộc lộ là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, học các môn rất chắc, đặc biệt là môn Toán. Việc học hoàn toàn do Lộc tự lên kế hoạch, từ việc sắp xếp sách vở rất ngăn nắp…, bố mẹ hầu như không phải nhắc nhở gì.
Cu 'be lai' gianh HCV Olympic Sinh hoc quoc te cua Nguyen Tien Loc-Hinh-2
 Nguyễn Tiến Lộc (ngoài cùng bìa trái) cùng đồng đội của mình đã mang về cho Việt Nam 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2024 (Ảnh: NVCC).
Đến gần giữa học kỳ 1 năm lớp 9, Lộc mới bắt đầu bén duyên với môn Sinh. Khi bày tỏ nguyện vọng với cô giáo bộ môn Sinh, cô ngạc nhiên nói: “Các trò theo từ năm lớp 8, sao Lộc tới giờ mới chọn học?”. May mắn, Lộc vẫn được cô giáo chọn vào đội tuyển. Ngay lập tức, Lộc đã xin tài liệu, nhờ cô giáo, bạn bè hỗ trợ. Thật bất ngờ, 1 tuần sau, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi ở cấp trường, điểm của Lộc đứng đầu. 1 tháng sau đó, trong kỳ thi học sinh giỏi quận Hoàn Kiếm, Lộc lại tiếp tục đứng thứ Nhất. Và tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội, Tiến Lộc đã giành giải Nhì.
Hết lớp 9, Lộc thi đậu cả Trường THPT chuyên Amsterdam, THPT Chu Văn An nhưng Lộc đã chọn học ở chuyên Khoa học Tự nhiên, ngôi trường Lộc mơ ước từ nhỏ.
Năm 2023, Lộc là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế, nhưng đã xuất sắc mang về chiếc huy chương Bạc duy nhất cho đội nhà. Năm 2024, Lộc “đổi màu” huy chương, giành Huy chương Vàng, thực hiện được mong ước của mình.
Tuy nhiên, để có được những thành tích như hôm nay, với Lộc, đó là một hành trình vượt lên chính mình. Trong đó, có sự kỳ công, đồng hành của người bố.
Sự trưởng thành của con hơn mọi tấm huy chương
Không ngại chia sẻ về quãng thời gian từng có lúc khó khăn, anh Nguyễn Tiến Tuấn cho hay, đã có giai đoạn, Tiến Lộc có biểu hiện mê game, chơi điện tử. Tham khảo nhiều lời khuyên, cuối cùng, anh Tuấn chọn phương pháp đồng hành cùng con.
Làm kinh doanh bận rộn, anh Tuấn vẫn chịu khó lên mạng mỗi ngày để tham khảo các kiến thức về dạy con. Hiểu được sự hấp dẫn của game, anh Tuấn nhận ra, cần phải có một môn học nào đó khiến con say mê, thay thế thì con mới từ bỏ game được.
Cu 'be lai' gianh HCV Olympic Sinh hoc quoc te cua Nguyen Tien Loc-Hinh-3
 Anh Nguyễn Tiến Tuấn hạnh phúc đón con trai trở về từ Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2024. Ảnh: NVCC.
May mắn, Lộc đã tìm được môn Sinh học và có được môi trường học tập tốt tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Học cùng với những người bạn giỏi và có những thầy cô hết lòng vì học sinh, đặc biệt là cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, người đã "truyền lửa", có ảnh hưởng lớn tới các học trò, Lộc đã có những thay đổi.
“Tôi cho rằng, có 3 môi trường rất lớn ảnh hưởng tới sự phát triển của một đứa trẻ, đó là internet, gia đình và nhà trường. Trong đó, môi trường internet hầu như không “quản” được, chỉ còn gia đình và nhà trường. Tôi không kỳ vọng, những gì tôi dành cho con chỉ với một suy nghĩ: Đó là con mình, bằng trách nhiệm và tình thương, làm sao để con hiểu ra, biết yêu thương gia đình, trân trọng bản thân”, anh Tuấn tâm sự.
Nhận nhiệm vụ đưa đón con từ khi con học cấp 2, sau này con lên cấp 3, nhà cách trường vài chục cây số, anh Tuấn vẫn là người đưa đón con mỗi ngày. Đồng hành, kiên trì, làm bạn cùng con, cuối cùng, Lộc đã “bẻ lái” lại đúng hướng mà anh mong muốn.
Kỷ niệm đánh dấu rõ nhất sự thay đổi của Lộc, là quãng thời gian năm 2023, Tiến Lộc ôn thi Olympic Quốc tế tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày học 14-15 giờ, Lộc xin bố mẹ cho ở luôn tại trường, không về thăm nhà. Một lần, anh Tuấn sang đưa Lộc đi ăn thì Lộc nói: “Trưa hôm qua con ăn no quá”. Anh Tuấn hỏi con sao tự dưng lại nói chuyện ăn hôm qua, thì Lộc bảo, vì no quá, không học được mà con phải tìm cách làm cho nhẹ bụng lại để học. Anh xúc động hiểu rằng, Lộc đã có quyết tâm rất cao trong học tập, và để đạt được mục tiêu, con đã nỗ lực rất nhiều.
Một kỷ niệm nữa, mà anh Tuấn không bao giờ quên, đó là năm 2023, Tiến Lộc trở về từ cuộc thi Olympic Quốc tế môn Sinh học, đạt huy chương Bạc. Khi về tới sân bay, Lộc đã đưa cho bố một chiếc huy chương vàng, Lộc mua ở hàng lưu niệm. Lộc nói: “Con đạt Huy chương Bạc, thì con mua tặng bố một chiếc Huy chương Vàng. Bởi với con, bố phải đạt Huy chương Vàng”.
“Tôi vô cùng xúc động, bởi con đã biết nghĩ tới bố, tới người thân của mình. Tôi mừng vì sự trưởng thành của con. Và điều đó, còn giá trị hơn cả những tấm huy chương. Con đã có một quá trình dậy thì tương đối dữ dội nhưng rồi đã thay đổi bản thân, đi đúng hướng. Nhìn lại những gì đã qua, tôi thấy chặng đường cháu đi giống như trong một bộ phim.
Và cũng chính vì không kỳ vọng, cho nên những gì mà con đạt được hôm nay lại càng đem tới niềm hạnh phúc, bởi đó là khao khát từ chính bản thân con. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình, có thể, nó có ý nghĩa nào đó với các bậc phụ huynh cũng trong hoàn cảnh tôi từng đi qua”, anh Tuấn nói.
Chưa từng thất bại trong mọi kỳ thi, vì có… bố
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ, khoảnh khắc tên mình xướng lên trong danh sách Huy chương Vàng, Tiến Lộc đã bật khóc. Bởi đây là chiếc Huy chương Vàng cuối cùng mà em đạt được thời trung học, và cũng là kết quả của quá trình nỗ lực của em suốt 4 năm qua.
Trong thành công này của em, ngoài sự cố gắng của bản thân em, không thể thiếu được sự yêu thương, động viên của gia đình; sự hỗ trợ của bạn bè; sự dìu dắt của các thầy cô. Đặc biệt là bố, người thân, người đồng hành, người bạn lớn của em.
Cu 'be lai' gianh HCV Olympic Sinh hoc quoc te cua Nguyen Tien Loc-Hinh-4
 Nguyễn Tiến Lộc trở về từ Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế trong sự đón chào của các thầy cô giáo, gia đình và bạn bè. Ảnh: NVCC.
Lộc cho hay, từ khi Lộc bước vào con đường chọn môn Sinh học, bố vẫn luôn đồng hành khiến em cảm thấy vô cùng ấm áp và hạnh phúc. Nhất là trong những lúc Tiến Lộc cần sự quyết tâm, nghị lực để thực hiện ước mơ của mình, rời xa cám dỗ của game, trò chơi điện tử.
“Biết bao lần trên hành trình đó, con đã thấm mệt, con thực sự muốn từ bỏ, nhưng bố vẫn luôn động viên, an ủi để em có thêm dũng khí đi tiếp. Trong mọi quyết định, lựa chọn em đưa ra đều có được sự tin tưởng và tôn trọng của bố. Trên mỗi chặng đường thi, em luôn được ngồi sau xe bố chở. Nghĩ lại, em chưa từng thất bại tại bất cứ kỳ thi nào, không phải bởi vì tài năng xuất chúng, mà vì đằng sau luôn có sự ủng hộ của bố và gia đình”, Tiến Lộc xúc động.
Tiến Lộc cho biết, em đã chọn vào Trường ĐH Y Hà Nội để có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với Sinh học, và mong ước trở thành một bác sĩ giỏi, có ích cho cộng đồng, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Cu 'be lai' gianh HCV Olympic Sinh hoc quoc te cua Nguyen Tien Loc-Hinh-5
 Tiến Lộc và cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, người mà theo Tiến Lộc đã truyền lửa, niềm đam mê học tập tới các học trò. Ảnh: NVCC.
TS. Đỗ Thị Thanh Huyền, Trưởng Bộ môn Chuyên Sinh học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), người trực tiếp phụ trách đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của trường liên tục trong 10 năm qua, cũng là giáo viên dạy em Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ, Lộc là một học sinh thông minh, có đam mê và hoài bão rất lớn. Em có chính kiến và lập trường rất vững vàng.
Năm 2023, Lộc khi đó là học sinh lớp 11, thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam tham dự kì thi IBO 2023 và xuất sắc mang về HC Bạc duy nhất cho đoàn Việt Nam. 
Tuy nhiên, sau thành công của kì thi IBO 2023 em vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được nên đã nung nấu và khao khát đổi màu huy chương IBO từ Huy chương  Bạc thành Huy chương Vàng trong kì thi IBO 2024. Để đạt được điều này, em Lộc lên kế hoạch học tập, mở rộng kiến thức, rèn luyện kĩ năng, tích lũy thêm kinh nghiệm làm bài… trong suốt 1 năm vừa qua để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi IBO 2024.
IBO là một kì thi lớn và hội tụ rất nhiều bạn giỏi đến từ nhiều quốc gia có nền Sinh học phát triển: Mỹ, Trung Quốc, Hàn quốc, Singapore…, do vậy, việc đổi màu huy chương không hề dễ dàng. Biết là khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và năng lực của Lộc, cô Huyền luôn tin tưởng Lộc có cơ hội rất cao thực hiện mong ước mà em ấp ủ. Và quả thực, Lộc đã làm được điều đó.
“Điều tôi ấn tượng nhất về Lộc đó là một học sinh tài năng nhưng em rất khiêm tốn. Thành công của em đã minh chứng cho năng lực, nghị lực và phương pháp học tập của em, nhưng em luôn cho rằng: em còn phải học hỏi rất nhiều từ các anh chị đi trước. Có lẽ, đây cũng là một trong những lí do tạo nên thành công của em Lộc ngày hôm nay”, cô Huyền cho hay.

Xem Thêm

Bình Thuận: Tổng kết Cuộc thi sáng tạo lần thứ 17
Ngày 30/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Thuận (Cuộc thi) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi lần thứ 17 (2023-2024), phát động Cuộc thi lần thứ 18 (2024-2025).
Bến Tre: 48 sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo lần thứ 10
Toàn tỉnh có 4.796 sản phẩm dự thi. Có 6/9 huyện có số lượng sản phẩm dự thi tăng so với năm 2023, trong đó huyện Thạnh Phú có số lượng sản phẩm dự thi tăng cao nhất 176,19%; Bình Đại 81, 86%...sản phẩm dự thi giảm Châu thành 26,89%, Mỏ Cày Nam 26,68%...
Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong kỷ nguyên AI
AI (Trí tuệ nhân tạo) hiện nay được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá tại diễn đàn Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI Summit) 2024, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế vươn lên để đón làn sóng AI. Tuy nhiên, vẫn còncó nhiều thách thức dành cho Việt Nam trong kỷ nguyên AI đầy sôi động này.
Kon Tum: 40 mô hình đoạt giải Cuộc thi
Chiều ngày 15/8, Ban Tổ chức (BTC) Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh họp tổng kết các hoạt động Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng (Cuộc thi) lần thứ 16 năm 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Tin mới

Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động Truyền thông và phổ biến kiến thức
Ngày 30 tháng 8 năm 2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức” cho các Liên hiệp hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây nguyên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3
Chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp...
Vĩnh Long: Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra và Quản lý sở hữu trí tuệ
Ngày 6/9, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nội Vụ, Công ty Cổ phần Tư vấn Chuyển giao Sở hữu Trí tuệ Quốc tế đã tổ chức hội nghị tập huấn “Nghiệp vụ kiểm tra tổ chức hội và Quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của cơ quan hội, đơn vị công lập và ngoài công lập”.