Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 01/12/2005 00:06 (GMT+7)

Công văn số 89/HCN, ngày 24/11/2005 của Hội chăn nuôi Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nước ta vào cuối năm 2003 và hàng năm cứ đến mùa đông lại tái phát vì môi trường bị ô nhiễm và mầm bệnh tiềm ẩn có điều kiện phát triển gây bệnh trở lại. Đó là quy luật tất yếu của mọi ổ dịch, nếu chưa có vac-xin phòng bệnh.


Dịch “Niu-cát-xơn” do vi-rút gây ra năm nào cũng tiêu diệt đàn gà có nơi đến 95-100%, nhưng cũng chỉ ngăn chặn được dịch khi khoa học thú y nghiên cứu và sản xuất được vac-xin La-so-ta giỏ mũi cho gà con và vac-xin Niu-cát-xơn hệ 1 tiêm phòng cho gà lớn.

Như vậy rõ ràng khi có dịch xảy ra ngoài giải pháp công bố dịch, bao vây xử lý dập tắt ổ dịch, ta phải nghĩ ngay đến đầu tư cho việc nghiên cứu sản xuất vac-xin tiêm phòng.


Những biện pháp ngăn chặn dịch đối với những giống gà nhập nội cũng rất cần thiết cho việc bảo vệ những giống gà quý hiếm của địa phươngnếu không, những giống gà này như gà Ri, gà Mía, gà Hồ, gà Đông Cảo v.v…sẽ mai một và mất giống, điều mà 3 năm trước đây trong các cuộc hội thảo chúng ta đã đề cập tới.


Năm nay dịch cúm gia cầm tái phát, Ban chỉ đạo chống dịch Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng nhằm hạn chế dịch cúm lây lan, đặc biệt Chính phủ hết sức quan tâm có biện pháp hỗ trợ toàn dân phòng chống dịch cúm gia cầm. Do bệnh cúm gia cầm có khả năng truyền sang người và hình như ta cũng chưa có khả năng phân biệt rạch ròi bệnh cúm gia cầm với những bệnh gây tử vong khác. Do đó có địa phương tuyên bố trong thời gian ngắn tiêu diệt hết đàn gà ở địa phương và không ai dám ăn thịt gà, ngay cả ở những địa phương không có dịch.


Tuy nhiên trong tình hình có dịch cúm gia cầm, nhiều cơ sở chăn nuôi gà giống ở Trung ương và địa phương trong đó có các cơ sở chăn nuôi gà tập trung nuôi các giống gà lông màu: Tam Hoàng, Lương Khương, Kabir, Sasso, gà giống thịt Hubard, Ross…gà giống trứng Lơgo…thuộc Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam và Viện Chăn nuôi hiện có trên 50.000 gà mái đẻ giống gốc và giống ông bà, có những Xí nghiệp chăn nuôi địa điểm ở các địa phương như Châu Thành, Nam Định; Lương Mỹ, Hoà Bình; Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Phổ Yên, Thái Nguyên.. vẫn giữ được an toàn từ khi có dịch cúm đến nay.Đây là nguồn giống dự trữ đỡ phải nhập để cho sinh sản lấy giống phục hồi ngành chăn nuôi gia cầm sau dịch trong năm 2006.


Tuy nhiên do dịch cúm, sản phẩm làm ra (trứng, giống, thịt) không tiêu thụ được, lại phải nuôi giữ đàn gà sinh sản giống gốc, giống ông bà hết sức tốn kém và lỗ lớn, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Ngân hàng các cấp thì các cơ sở giữ giống trên mọi địa bàn trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn không thể tháo gỡ nổi.


Theo tính toán, muốn có 50.000 gà mái đẻ giống gốc phải nhập ít nhất 120-130 nghìn gà con 1 ngày tuổi, chi tốn khoảng 120-130 tỷ đồng tiền Việt Nam (giá 65 USD/1 gà con, hoặc 1 tỷ đồng Việt Nam/1000 con gà con 1 ngày tuổi). Đó là chưa kể tiền thức ăn, khấu hao chuồng trại, thuê mướn công nhân, quản lý phí…mới có được 50.000 gà mái đẻ.


Từ tình hình trên, Hội KHKT Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp Hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hiệp Hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam xin kiến nghị với Bộ trưởng một số giải pháp như sau:


Trước mắt:


1. Có chính sách hỗ trợ giống gốc, giống ông bà nuôi ở các cơ sở giống như ở Trung ương và các địa phương quản lý để sau dịch 1-2 tháng có gà giống cung cấp cho phục hồi Ngành Chăn nuôi gia cầm.


Coi dịch cúm như một thiên tai thì việc hỗ trợ nuôi gà giống và giúp dân khắc phục hậu quả do dịch cúm gây ra là cần thiết. Có ý kiến tiền hỗ trợ mỗi đầu con gia cầm có thể tương ứng với giá thành sản xuất. Cũng có thể căn cứ vào ngân sách nhà nước phải chi cho nhập gà giống để tính toán hỗ trợ thoả đáng tất cả các Xí nghiệp giữ gà giống gốc, giống ông bà, có tình, có lý, khuyến khích và động viên người sản xuất.


2. Chính phủ có chủ trương để ngân hàng các cấp có biện pháp cho các Xí nghiệp giữ gà giống gốc, giống ông bà, được khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian có dịch.


3. Số lượng gà nuôi thịt ước tính mỗi tháng khoảng 20 triệu con đã đến kỳ xuất bán tương đương 30 ngàn tấn gia cầm trị giá 450 tỷ đồng nhưng không tiêu thụ được, có chủ trương cho giết mổ tập trung đóng gói và thuê các kho đông lạnh bảo quản, để sau dịch cúm đã có sẵn thực phẩm đưa ra tiêu dùng và cùng với việc phục hồi ngành gia cầm đưa tỷ trọng thịt gia cầm từ 17% lên 20-22% trong năm 2006.


Quan tâm cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ với lãi suất thấp hoặc không lãi xuất thời gian ít nhất 1-2 năm.


4. Tiếp tục khoanh vùng bao vây dập tắt ổ dịch không để cho dịch bệnh lây lan. Huy động các lực lượng của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Thú y tỉnh, các Trạm Thú y huyện và cán bộ thôn, xã ở vùng có dịch đề cao trách nhiệm tham gia tích cực thực hiện công tác này.


Những huyện tỉnh nào thuộc diện an toàn dịch từ khi có dịch (từ 2003) đến nay được tiêu thụ thịt gia cầm trong phạm vi địa phương huyện, tỉnh nhưng không được lưu thông ra khỏi tỉnh, với nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trưởng Thú y xã cùng với Ban chăn nuôi Thú y xã và UBND xã là người chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn.


Lâu dài:


1.Đầu tư nâng cao năng lực (con người, thiết bị, phương tiện) các phòng chuẩn đoán ở cấp Trung ương và địa phương để khi báo có dịch cúm đến hiện trường lấy mẫu kiểm tra, sơ bộ cho bao vây và báo cáo lên cấp thú y trực tiếp. Về lâu dài cần có những trạm chẩn đoán lưu động thuộc Chi cục Thú y tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện công tác chẩn đoán.


2. Khi có dịch xảy ra, phải có vac-xin tiêm phòng mới có hiệu quả triệt để, như ta đã từng làm với dịch “Niu-cát-xơn”.


Chính phủ đã cho phép nhập vac-xin cúm gia cầm, ta đã và đang tổ chức tiêm phòng, đây là thuận lợi lớn, hy vọng giảm thiểu được tác hại đối với ngành chăn nuôi gia cầm trong năm 2006. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế chưa vững chắc và rất tốn kém lại không chủ động, vì năm nào cũng phải nhập để tiêm chủng ít nhất mỗi năm 1-2 lần.


Do đó về lâu dài việc nghiên cứu và sản xuất vac-xin trong nước tiêm phòng bệnh cúm giam cầm hết sức quan trọng.Bộ dự kiến thanh toán dịch cúm gia cầm vào năm 2008 sẽ không thực hiện được, nếu không sản xuất được vac-xin.


Bộ cần có kết hoạch tăng cường năng lực nghiên cứu của các Bộ môn siêu vi trùng, cá nhân và tập thể, ai nghiên cứu được vac-xin phòng cúm gia cầm sẽ có phần thưởng xứng đáng.


Đội tuyển bóng đá U23 nếu được Huy chương vàng tại Sea Games 23 sẽ được ngành TDTT thưởng trên 1,3 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp cũng cần có những giải thưởng như thế để khuyến khích những tập thể và cá nhân ngành thú y nghiên cứu thành công vac-xin phòng cúm gia cầm.


3. Củng cố và tổ chức lại công tác thú y huyện để có khả năng cùng các xã phát hiện dịch bệnh sơ bộ khoanh vùng và báo cáo cho cấp trên trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ lực lượng chống dịch.


Có Trưởng thú y xã cùng với Ban chăn nuôi thú y xã tham mưu cho UBND xã và trưởng thôn và chịu trách nhiệm phát hiện dịch ở thôn xã, để có giải pháp ngăn chặn không cho lưu thông sản phẩm và báo cáo lên cấp trên. Có phụ cấp Trưởng Thú y và Ban Chăn nuôi Thú y xã để họ dành thời gian cho công tác thú y và chăn nuôi ở cấp xã.


4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Thương mại có giải pháp giải quyết tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho nông dân nông thôn thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.


5. Sau khi hết dịch tiến tới tổng kết, cần tổ chức một số đoàn liên ngành gồm có thú y, y tế và môi trường về các địa bàn phát dịch, điều tra xây dựng bản đồ dịch tễ học tại những điểm phát dịch, tái phát và những điểm lây lan để tổng kết rút kinh nghiệm ở từng địa phương, tỉnh huyện nơi để xảy ra dịch…thì ta mới có những giải pháp hữu hiệu do địa phương nhận thức được. Cấp trên có những hướng dẫn cụ thể và đôn đốc thực hiện chứ không thể làm thay. Trách nhiệm trực tiếp phải là các tỉnh, huyện, và nhất là cấp xã.


6. Phát động phong trào toàn dân chia sẻ nỗi lo của những người chăn nuôi gia cầm và những người chăn nuôi gia cầm cũng vì sức khoẻ và cuộc sống của cả cộng đồng.


Tuyên truyền đúng mức, không nên thái qúa khiến người tiêu dùng sợ, xa lánh cả những sản phẩm gia cầm sạch. Phối kết hợp với Ngành Y tế kiểm tra kỹ những trường hợp bị bệnh và tử vong nghi lây bệnh cúm gia cầm, lây trong trường hợp nào? Có ghép với bênh khác không như bệnh Sharp và các bệnh khác chẳng hạn, và bệnh nào là chính?


Thiết nghĩ cần có một cuộc điều tra phân tích những trường hợp tử vong kết luận do virut cúm gia cầm, tỷ lệ tử vong trong vùng dịch, ngoài vùng dịch và nơi không có dịch v.v… để có kết luận chuẩn xác hơn, nếu không cứ kết luận là tử vong do dịch cúm gia cầm là sẽ rất nguy hại làm cho mọi người hoang mang và có trường hợp trị bệnh không đúng bệnh, rồi quy tất cả cho dịch cúm gia cầm!


7. Nếu có viện trợ dịch cúm gia cầm của các tổ chức quốc tế, nên tập trung vào đầu tư thực hiện những nội dung có lựa chọn được đề xuất ở trên.


Hội KHKT Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp Hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hiệp Hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam có một số ý kiến đồng kính trình lên Bộ trưởng với hy vọng góp phần muôn một vào các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm của Bộ hiện nay và thời gian tới. Rất mong được Bộ trưởng cho ý kiến.


Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng

Xem Thêm

Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Theo chương trình hành động số 287-CTr/ĐĐLHHVN, ngày 28/03/2024; thực hiện nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.