Công văn số 02/HĐL-CV ngày 15/3/2010 của Hội Địa lý Việt Nam gửi Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam về bản đồ khu vực quần đảo Hoàng Sa cho Hội Địa lý Quốc gia Mỹ công bố
Nhấn vào đây để xem chi tiết công văn
Bức thư ngỏ gửi Hội Địa lý Quốc gia Mỹ
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2010
Thưa các đồng nghiệp
Sau khi có được thông tin về việc Tạp chí National Geographic thuộc Hội Địa lý Quốc gia Mỹ phát hành bản đồ thế giới trong đó có ghi chú chữ “China” (Trung Quốc) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam với tư cách là một tổ chức Hội nghề nghiệp duy nhất có tư cách pháp nhân liên quan xin có một số ý kiên chính thức như sau:
- Hội Địa lý Việt Nam hoàn toàn ủng hộ quan điểm trước sau như một của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với các chứng cứ, tư liệu mang tính lịch sử, pháp lý rất đầy đủ, xác thực.
- Khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện tại vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam , mặc dù từ năm 1974 đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Phía Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay vẫn đang tiếp tục đấu tranh để giành lại chủ quyền đối với khu vực lãnh thổ này. Hội Địa lý Việt Nam hoàn toàn đồng tình và cho rằng đó là hành động đúng đắn, mặc dù có thể còn khó khăn nhưng chắc chắn cần phải làm trên nguyên tắc giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp trên Biển Đông và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đất nước phù hợp với các quy chuẩn Quốc tế.
- Việc trên bản đồ thế giới mà Tạp chí National Geographic thuộc Hội Địa lý Quốc gia Mỹ phát hành đã ghi tên “China” vào khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền, theo Hội Địa lý Việt Nam đây là một việc làm sai, có thể xem là hành động không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình mà phía Việt Nam đang cố gắng thực hiện. Với tư cách là các nhà khoa học đồng nghiệp Hội Địa lý Việt Nam cùng với đông đảo các học giả, trí thức trong và ngoài Việt Nam trân trọng đề nghị Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, Tạp chí National Geographic và National Geographic Society một tổ chức giáo dục – khoa học lớn và uy tín nhanh chóng có những phản hồi tích cực, thể hiện sự khách quan, trung lập khi thực hiện việc phân định lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam trên bản đồ của mình, có những sửa chữa, đính chính cho đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế mà chúng ta đã, đang và sẽ rất tôn trọng, làm theo.
Xin gửi tới các đồng nghiệp thuộc Hội Địa lý Quốc gia Mỹ lời chào trân trọng.
Hội Địa lý Việt Nam