Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/09/2010 18:17 (GMT+7)

Công nghiệp khai thác Bauxite - sản xuất Alumina - nhôm tại khu vực Tây Nguyên: Tiềm năng và thách thức

Tây Nguyên là địa bàn kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và hạ tầng cơ sở nghèo nàn. Bauxite là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hợp lý để góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Tuy nhiên, đây là vùng đất giàu tính đa dạng sinh học, là địa bàn có độ che phủ rừng cao nhất ở Việt Nam, là nơi cư trú của nhiều loại động vật có vú lớn như voi, hổ, báo, trâu rừng, bò rừng, nai cà toong, hươu vàng; Thực vật có giá trị cao như sâm Ngọc Linh, thông nước, thông lá dẹt, thông đỏ và các loài gỗ quí, là vùng có truyền thống về săn và thuần dưỡng voi ở Việt Nam, là nơi có các nền văn hóa mang bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Do vậy, đối với từng dự án cụ thể, việc đánh giá lợi ích kinh tế-môi trường do dự án mang lại nhất thiết cần phải được quan tâm ở cấp độ cao.

Quan điểm về việc thực hiện các dự án khai thác, chế biến sử dụng quặng bauxite

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Báo cáo ĐMC là một nội dung của dự án và phải được lập đồng thời với quá trình lập dự án; Dự án Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do vậy, việc tiến hành ĐMC đối với Quy hoạch đã được duyệt là không còn ý nghĩa (trường hợp Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo rà soát, bổ sung Quy hoạch nêu trên, có thể sử dụng công cụ ĐMC để thẩm định/ phản biện có tính xây dựng cho Quy hoạch, đặc biệt là các vấn đề về môi trường của Quy hoạch). Về bản chất, Quy hoạch chỉ mang tính định hướng phát triển theo lộ trình nhất định và luôn được rà soát, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Khi triển khai các dự án cụ thể trong Quy hoạch, cần xem xét kỹ lưỡng các vấn đề về môi trường. Khai thác, chế biến quặng bauxite nói chung là loại hình sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do nước thải (từ quá trình tuyển quặng) và nước mưa chảy tràn từ moong khai thác, bãi thải, đập chứa quặng đuôi và có tải lượng lớn gây ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm, hệ sinh thái, đất nông nghiệp đặc biệt là các rủi ro liên quan đến hồ chứa bùn đỏ…Ngoài ra, hoạt động còn gây ra bụi đất đá, khí độc…tác động đến hệ thống sông suối, hồ trong và gần khu mỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng xung quanh, các công trình điện, giao thông và các tác động xã hội khác. Việc đánh giá lợi ích kinh tế-môi trường do dự án mang lại nhất thiết cần phải được tính đến cho từng dự án cụ thể trong quá trình thực hiện ĐTM

Một số nhận định ban đầu về các dự án khai thác, chế biến quặng bauxte

Theo các tài liệu hiện có, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng bauxite lớn với tổng trữ lượng dự báo tới 5,3 tỷ tấn, trong đó miền Bắc chỉ có 90,95 triệu tấn. Phần còn lại 5.205,45 triệu tấn, tập trung ở 5 tỉnh Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng). Đăk Nông là tỉnh có tiềm năng bauxite lớn nhất (3.424,466 triệu tấn, chiếm tỉ lệ 64,6% trữ lượng cả nước)

Về vấn đề chất thải độc hại phát sinh và khả năng kiểm soát:

Các dự án khai thác – chế biến bauxite Tây nguyên có nguồn phát thải các chất độc hại vào môi trường chủ yếu là quặng đuôi sau khi tuyển, bùn đỏ và bùn oxalat từ khâu rửa bã cuối cùng của dây chuyền công nghệ. Thành phần chủ yếu của bùn thải quặng đuôi bao gồm oxyt nhôm, oxyt sắt, oxyt silic,…và bùn sét. Thành phần chủ yếu của bùn đỏ bao gồm hematit (Fe­ 2O 3), natrisilico aluminat, canxi titanat, nhôm ngậm nước (Al 2O 3.H 2O và Al 2O 3.3H 2O). Thành phần chủ yếu của bùn oxalate bao gồm Al 2O 3-13,3%, CaO -31,3% và Na 2C 2O 4-10,6% còn lại 45% là các tạp chất khác.

Theo sơ đồ công nghệ, bùn thải sẽ được khống chế trong các bãi thải bùn (hồ lắng) có đáy được gia cố bằng vật liệu chống thấm (đất sét, vải địa kỹ thuật,…) để ngăn không cho nước mang theo các chất độc hại thẩm thấu ra ngoài, làm ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm khu vực. Nếu chúng ta tiến hành nghiên cứu thử nghiệm từng bước, tính toán kỹ lưỡng khi tiến hành lập Dự án, quá trình ĐTM, thiết kế kỹ thuật, kết hợp học hỏi kinh nghiệm từ các nước có mô hình sản xuất bauxite tiên tiến, thì việc khống chế và kiểm soát nguy cơ phát tán các chất độc hại từ bùn thải trong quá trình khai thác và chế biến bauxite vào môi trường là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cần có giải pháp hữu hiệu đề phòng sự cố nước mưa chảy tràn (mưa ở vùng Tây nguyên tập trung theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 10); Nghiên cứu cẩn thận các điều kiện về địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn; tính toán cụ thể khối lượng bùn thải của từng dự án theo tiến độ thời gian các nội dung khác để lựa chọn phù hợp vị trí và quy mô của từng đập chứa quặng đuôi.

Ảnh hưởng của dự án đến đời sốngkinh tế - xã hội:

Hàng năm các dự án khai thác, chế biến quặng sẽ đóng góp về kinh tế cho địa phương từ các loại thuế; các dự án được thực hiện thành công sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, thương nghiệp, khách sạn và du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống,…Việc khai thác bauxite có thể làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tây nguyên từ thuần nông, lâm nghiệp chuyển sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó công nghiệp là thành phần kinh tế cơ bản. Xét ở khí cạnh tích cực khác, hoạt động khai thác bauxite sẽ tạo ra những cộng đồng dân cư mới; những đô thị mới, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn con em địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí cho một bộ phận không nhỏ dân cư vùng nông thôn miền núi. Tuy nhiên, các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây nguyên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến phong tục- tập quán và văn hóa- xã hội của một bộ phận khá lớn người dân bản địa: thay đổi nơi sinh sống do phải di dời dẫn đến thay đổi các mối quan hệ cá thể, gia tộc cũng như cộng đồng; thay đổi phương thức sinh sống. Sự thu hút một số lượng khá đông nhân lực từ miền xuôi, từ thành thị vào doanh nghiệp sẽ mang theo những ảnh hưởng mới vào đời sống văn hóa của bà con dân tộc ít người, đặc biệt đối với tầng lớp thanh niên. Để hạn chế những tác động nói trên, rút kinh nghiệm từ những dự án khác trong vấn đề di dân, giải phóng mặt bằng và tái định cư, có thể áp dụng những giải pháp sau:

Tiến hành tham vấn cộng đồng một cách thận trọng, bài bản.

Coi công tác xóa đói giảm nghèo, phúc lợi công cộng giúp người dân địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống, nang cao dân trí, hiểu rõ giá trị và biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể để ưu tiên tuyển chọn, dạy nghề và giúp con em địa phương vào làm việc trong doanh nghiệp với số lượng tối đa.

Tái định cư theo cộng đồng gia tộc và thôn xã (các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp).

Vấn đề hoàn thổ và phục hồi môi trường:

Vấn đề phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác cần được xem xét một cách khách quan và cụ thể hơn. Về tổng thể, khai thác mỏ lộ thiên là hoạt động gây nhiều biến động đối với địa hình, địa mạo và cảnh quan khu vực, hầu hết các trường hợp đều dẫn đến sự suy giảm giá trị sử dụng đất đai so với trạng thái nguyên thủy, khi dự án khai thác chưa đưa vào hoạt động. Do vậy, phải quan tâm đặc biệt đến mục đích sử dụng đất để tích hợp với các quy hoạch phát triển khác sau khi đóng cửa mỏ.

Về chính sách, pháp luật:

Trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ đầu tư theo từng giai đoạn phát triển của dự án theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường được quy định như sau:

Giai đoạn chuẩn bị dự án:

Lập và trình phê duyệt Báo cáo ĐTM;

Lập dự án cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường;

Đăng ký xả thải nước thải theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Giai đoạn khai thác:

Vận hành các công trình xử lý môi trường;

Quan trắc môi trường; báo cáo định kỳ;

Nộp phí bảo vệ môi trường.

Giai đoạn đóng cửa mỏ:

Lập đề án đóng cửa mỏ;

Tiến hành phục hồi môi trường.

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số văn bản còn thiếu:

Còn thiếu một số TCVN cần thiết; thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuẩn mực để so sánh, xác định mức độ, quy mô của các tác động không phải do chất thải gây ra, như xói, lở, sụt đất; xói, lở vùng bờ; sự vi phạm hành lang, vành đai an toàn về môi trường; sự làm mất cân bằng sinh thái, mất đa dạng sinh học, mất khả năng điều hòa khí hậu (nhất là vi khí hậu);

Các TCVN về nồng độ các chất ô nhiễm trong chất thải chưa đề cập đến hoạt tính trong môi trường của chất ô nhiễm (ví dụ cùng một chất ô nhiễm, nhưng tồn tại dưới dàng ô-xit khác với dưới dạng muối v.v…);

Thiếu các hướng dẫn kỹ thuật về việc ĐTM tổng hợp cho nhiều dự án khai thác trong một vùng lãnh thổ; ĐTM tích lũy cho nhiều dự án khai thác mỏ được thực hiện theo các giai đoạn khác nhau; đánh giá môi trường chiến lược đối cới các quy hoạch, kế hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản cho vùng, lãnh thổ;

Về yếu tố xã hội, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc huy động tham gia của cộng đồng trong quá trình lập Báo cáo ĐTM, nhất là sự tham gia cộng đồng nhằm mục đích khai thác kiến thức, kinh nghiệm, nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Chưa có văn bản/công cụ nào quy định cụ thể việc tính toán chi phí lợi ích của dự án có tính đến yếu tố hiệu quả kinh tế - hiệu quả xã hội - chi phí môi trường.

Kiến nghị:

Để có cơ sở đánh giá tổng thể về tài nguyên và trữ lượng bauxite của quốc gia, cần tổ chức điều tra, đánh giá bổ sung tại khu vực Tây Nguyên và tiến hành thăm dò tại các diện tích đã có triển vọng. Các hoạt động thăm dò hầu như không gây ảnh hưởng đến môi trường nếu như sau khi kết thúc hoạt động khoan thăm dò, các công trình khoan được lấp lại cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và các sự cố khác có thể xảy ra.

Cần chú trọng đặc biệt đến khâu ĐTM cho từng Dự án. Chỉ trên cơ sở xem xét, thẩm định kết quả đánh giá tác động môi trường của Dự án mới có căn cứ để có ý kiến cụ thể về khả năng chịu tải của môi trường, tính khả thi của các giải pháp, giảm thiểu tác động tiêu cực, khả năng khống chế các rủi ro…;

Vào thời điểm hiện nay, đối với các dự án khai thác, chế biến quặng bauxite, để bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, cần tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm (có thể sử dụng Dự án “tổ hợp Bauxit- Nhôm Lâm Đồng” công suất 600.000 tấn/năm để kết hợp nghiên cứu) về các công nghệ, giải pháp bảo vệ môi trường trong những điều kiện cụ thể. Các nội dung nghiên cứu thể hiện tại phụ lục 01. Cần tiến hành ĐTM chi tiết cho từng dự án cụ thể. Quá trình ĐTM phải thực hiện tham vấn cộng đồng với quy mô rộng rãi, đồng thời phải đặc biệt lưu ý các vấn đề cần được phân tích, đánh giá chuyên sâu như thể hiện tại phụ lục số 02

Phụ lục số 01

Đề xuất các nội dung cần nghiên cứu thử nghiệm

1. Nghiên cứu mức độ ảnh hưởng đến nước ngầm; theo dõi quan trắc các động thái nước dưới đất theo chiều sâu khai trường và diện tích khai thác để đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng .

2. Nghiên cứu biện pháp sử dụng đất phủ sau khai thác. Khi tiến hành bóc đất phủ, áp dụng phương pháp và trình tự khai thác “cuốn chiếu”. Cụ thể như sau: chia khai trường thành nhiều khu vực, khai thác dứt điểm từng khu vực mới chuyển sang khu vực khác; khi tiến hành khai thác khu vực tiếp theo sẽ triển khai công tác hoàn thổ, phục hồi không gian của khu vực đã khai thác. Trong quá trình bóc đất mặt, bóc riêng lớp đất màu trên mặt, chất thành đống riêng để sau này rải lên diện tích đã được hoàn thổ.

3. Nghiên cứu lựa chọn giống cây và loại cây để sử dụng trồng lên các diện tích đã được hoàn thổ.

4. Nghiên cứu các giải pháp chống thấm khu vực hồ bùn đỏ: sử dụng lớp sét, lớp cát và lớp vải địa kỹ thuật (Việt Nam chưa có tiêu chuẩn/ quy chuẩn về lĩnh vực này, mà sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế).

5. Nghiên cứu khả năng tái sử dụng bùn đỏ cho các mục đích khác.

6. Thử nghiệm mô hình thuê đất của dân để khai thác bauxite. Do đặc điểm về cấu tạo địa chất của khoáng sản Đăk Nông, cần tiến hành khai thác và hoàn thổ theo hình thức cuốn chiếu (với thời hạn khoảng 2-3 năm), sau đó trả lại đất cho dân (tức là chỉ thu đất của dân chứ không trưng thu đất và đền bù cho dân như các dự án khác đã tiến hành), có như thế người dân mới không bị mất hết đất đai mà lại có thể tiếp tục sống với nghề truyền thống của mình.

Phụ lục 02: Các vấn đề cần quan tâm khi tiến hành ĐTM của dự án khai thác, chế biến quặng bauxite

Nhận dạng các nguồn gây tác động và đặc tính của các tác động:

Các hoạt động của dự án

Các vấn đề môi trường và xã hội

GIAI   ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ BẢN

-            - Đào, đắp, đổ thải đất đá, chặt phá cây rừng.

-            - Hoạt động san nền mặt bằng công trình.

-            - Hoạt động giao thông.

-            - Khai thác các mỏ đá, đất phục vụ xây dựng các hồ chứa.

-            - Xây dựng các công trình (nhà máy, hệ thống điện, khu dân cư…).

-            - Lắp đặt thiết bị (các thiết bị khai thác, xưởng sửa chữa, đường dây điện, đường dây thông tin, hệ thống khí ép,…và các thiết bị phụ trợ khác) và mở vỉa khoáng sàng (xây dựng hệ thống đường hào ra vào mỏ, tạo ra các tuyến công tác đầu tiên, bóc khối lượng đất đá ban đầu)

-            - Làm thay đổi cơ cấu dân cư khu vực (tăng cơ học dân số, thay đổi cơ cấu các thành phần kinh tế trong xã hội, biến động về đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng);

-    X - Xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của nhân dân bản địa, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người

-            - Thu hẹp diện tích đất trồng trọt và đất rừng.

-            - Làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực

-            - Trôi lấp đất thải rắn trong quá trình san gạt làm đường và xây dựng nhà trạm.

-            - Ô nhiễm bụi, khí thải trong quá trình san gạt và vận chuyển vật liệu xây dựng (CO, Sox, Nox, hydrocacbon).

-            - Ô nhiễm tiếng ồn, độ rung của máy thi công, các phương tiện vận chyển.

Nước – Nước thải sinh hoạt của công nhân xây dựng; nước mưa chảy tràn;

-       - Làm ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học (động thực vật trên cạn dưới nước) trong khu vực do tất cả các hoạt động phát triển của dự án.

-          - Chất thải rắn sinh hoạt .

GIAI ĐOẠN DỰ ÁN ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Khai thác và tuyển quặng nguyên khai

- Chất thải rắn (bao gồm đất đá thải, chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt).

- Bụi, khí độc do hoạt động nổ mìn, san gạt, bốc xúc, vân chuyển quặng gây ra.

- Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nước mưa chảy tràn

- Tiếng ồn do các máy móc thi công, vận tải gây ra.

- Ảnh hưởng đến điều kiện thời tiết khí hậu khu vực do diện tích thảm thực vật bị thu hẹp, rừng đầu nguồn bị chặt phá,…

- Ảnh hưởng đến vấn đề sử dụng nước của các của các hộ tiêu thụ khác.

Hoạt động của nhà máy alumin

- Bụi phát sinh từ công đoạn nghiền quặng bauxite và nhiệt phân nhôm.

- Khí thải phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu trong lò nhiệt phân hyđrooxit nhôm, trong lò hơi và các thiết bị khác.

- Nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn.

- Chất thải rắn (công nghiệp, sinh hoạt )

- Bùn đỏ, bùn oxalat

Vận chuyển quặng tinh xuất khẩu

- Bụi và khí thải phát sinh do các phương tiện vận tải alumin từ nhà máy alumin đến cảng xuất khẩu

Hoạt động của khu nhà ở

- Nước thải sinh hoạt

- Rác thải sinh hoạt

Trong các hoạt động nêu trên thì sự quan tâm lo lắng của nhiều người, trong đó có ý kiến đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào các vấn đề lớn là: 1. Nguy cơ phát tán các chất thải độc hại (bao gồm các hoá chất sử dụng, quặng đuôi sau tuyển, bùn đỏ và bùn oxalat) ra môi trường khu vực và các vùng lân cận; 2. Nguy cơ biến đổi thời tiết, khí hậu vùng do thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn, dẫn đến gia tăng lũ lớn về mùa mưa, hạn hán kéo dài về mùa khô, làm thất thu mùa màng vùng hạ lưu là các tỉnh Khánh Hoà, Ninh thuận, Bình Thuận; 3. Làm xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của nhân dân bản địa, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người; 4. Hậu quả xấu để lại sau khai thác.

Các tiêu chí, yêu cầu bắt buộc nghiên cứu chuyên sâu khi tiến hành ĐTM cho dự án khai thác, tuyển quặng bauxite và sản xuất alumin.

  1. Phân tích tính hợp lý của việc xác định phạm vi của Báo cáo ĐTM (không gian, thời gian).
  2. Các vấn đề liên quan đến đền bù thiệt hại và di dân tái định cư.
  3. Các nội dung liên quan đến vị trí, diện tích khu vực khai thác mỏ, trữ lượng khai thác, công nghệ khai thác, vấn đề kỹ thuật an toàn trong khai thác phải bảo đảm tính thống nhất trong dự án đầu tư, thiết kế cơ sở và Báo cáo ĐTM.
  4. Xác định các đối tượng sẽ bị tác động bởi dự án; khả năng tự làm sạch của môi trường theo từng thời gian hoạt động của dự án.
  5. Các biên pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với đất và sử dụng đất, các nội dung về đền bù, di dời và tái định cư.
  6. Phân tích tính phù hợp của các biện pháp giảm thiểu trong quá trình xây dựng cơ bản mỏ.
  7. Tác động của Dự án tới tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.
  8. Các vấn đề về địa chất công trình, kiến tạo, động đất tại các khu vực chứa bùn đỏ, oxalat, đất đá thải. Cần phân tích kỹ nội dung này để đi đến kết luận về tính phù hợp, tính an toàn của vị trí bãi thải, đập chứa quặng đuôi.
  9. Phân tích tính khả thi của các giải pháp lưu giữ bùn đỏ, oxalat: lớp sét dày bao nhiêu thì vừa, kích cỡ hạt, độ nén; lớp vải địa kỹ thuật, lớp cát;các tiêu chuẩn, quy chuẩn nào có thể áp dụng; đánh giá các rủi ro; dự báo sự cố và đề xuất các giải pháp phòng chống ứng cứu.
  10. Đánh giá tiềm năng nguồn nước cung cấp cho dự án; các xung đột có thể xảy ra giữa các đối tượng sử dụng nước; phân tích đánh giá các thay đổi về chế độ thuỷ văn.
  11. Vấn đề xói mòn và bồi lắng suốt trong quá trình tiếp nhận nước thải của dự án.
  12. Vấn đề xói mòn và thay đổi chất lượng môi trường đất khu vực dự án; tính khả thi của các biện pháp bảo vệ môi trường đất.
  13. Phân tích các biện pháp bảo vệ môi trường không khí, tiếng ồn và tiếng động, nước mặt, nước ngầm và kết quả quan trắc của mỏ.
  14. Tác động hoạt động vận tải mỏ đến hệ thống giao thông trong vùng.
  15. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến mỹ quan, môi trường kinh tế xã hội
  16. Biện pháp ngăn gừa sự cố và ô nhiễm, các hạng mục cần chi phí hàng năm cho việc phòng ngừa sự cố.
  17. Các kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường, chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo đối tượng, chỉ tiêu quan trắc; vị trí toạ độ các điểm quan trắc; tần suất và thời gian quan trắc môi trường.
  18. Chi phí cho chường trình quan trắc môi trường.
  19. Phương án khôi phục cải tạo môi trường sau khi đóng cửa mỏ và quản lý chất thải; khả năng thu hồi đất phủ để hoàn trả (loại cây nào có thể sống trên nền đất này, chiều dày bao nhiêu thì phù hợp…).

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.