Công nghệ nội dung số - tiềm năng và triển vọng
Quan điểm của Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng: “Công nghiệp nội dung số (DCI) là ngành giao thoa giữa 3 nhóm ngành: CNTT, viễn thông và ngành sản xuất nội dung. Công nghiệp nội dung số là ngành thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành các sản phẩm nội dung số và dịch vụ liên quan. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực như: tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, nội dung giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, phát triển nội dung cho mạng di động, giải trí số (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), thương mại điện tử…
Ông Leo Hwa Chiang chuyên gia về phát triển ngành game và nội dung số của Cục Phát triển CNTT Hàn Quốc cho rằng: “Công nghiệp nội dung số đơn giản là nội dung cộng với công nghệ số”.
Xem xét khái niệm này theo góc độ makerting, công nghiệp nội dung là sự giao thoa giữa 3 nhóm: IT (CNTT), Telecommunication (viễn thông) và các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào như văn hoá, thiết kế, giáo dục... Theo đó các sản phẩm của ngành công nghiệp này là các sản phẩm thuộc lĩnh vực CNTT được tạo ra nhằm đáp ứng các nhu cầu về nghe, nhìn, trao đổi thông tin dưới dạng kỹ thuật số.
Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều đó là các sản phẩm về game, âm nhạc, hình ảnh, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo internet, thương mại điện tử….
Ảnh: Internet
Các dịch vụ của ngành công nghiệp này là dịch vụ cung cấp các sản phẩm qua mạng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ đào tạo trực tuyến; dịch vụ cung cấp thông tin về kinh tế-xã hội, ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước…
Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng các ý kiến đều thống nhất về cơ bản vai trò của công nghiệp nội dung số là rất quan trọng, nó được ví như “con gà đẻ trứng vàng” của ngành CNTT.
Ngành công nghiệp nội dung số là một ngành mang hàm lượng trí tuệ cao, lợi nhuận lớn. Nền công nghiệp này sẽ là nền tảng cho các chương trình ứng dụng CNTT, chương trình chính phủ điện tử, chương trình tin học hoá nền hành chính.
Trên thế giới, ngành công nghiệp nội dung số đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt doanh thu lớn. Chỉ riêng năm 2002, tổng doanh thu của ngành này trên toàn cầu là 172 tỷ USD, năm 2006 là 430 tỷ USD và năm 2014 là xấp xỉ 1,7 nghìn tỉ USD. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có doanh số tăng mạnh nhất.
Theo các chuyên gia dự báo tới năm 2020, nhân lực ngành công nghiệp nội dung số sẽ cần tới 148.000 người, với doanh thu bình quân đạt 13.500 USD/người/năm, mở ra cơ hội việc làm cho hàng trăm ngàn lao động có tay nghề.
Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp nội dung số phát triển hàng đầu thế giới. Năm 2012, Hàn Quốc đã đưa ra Luật về phát triển công nghiệp nội dung số, nay đổi tên thành Luật Phát triển công nghiệp nội dung. Quy mô thị trường công nghiệp nội dung Hàn Quốc năm 2012 đạt 8,8 tỷ USD, trong đó riêng nội dung số chiếm 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nội dung số đạt 18,9%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của thị trường nội dung.
Các quốc gia mới nổi tại châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hồng Kông đều là những thị trường đáng chú ý và sẽ vươn lên trong tương lai gần. Theo SuperData, nhóm quốc gia này sẽ chiếm tới 46% doanh thu game mobile toàn châu Á.
Ảnh: Internet
Lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ đã có những bước phát triển nhảy vọt. Trong năm 2014, Ấn Độ đã đầu tư 3 tỷ USD vào lĩnh vực này và dự báo trong những năm tới, con số này sẽ còn cao hơn nữa.
Một trong những đặc điểm của ngành công nghiệp nội dung số là phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của sở hữu trí tuệ và sự sáng tạo. Hạ tầng công nghệ giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển, nội dung thông tin và phương thức thể hiện đóng vai trò quyết định.
Tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường đối với nội dung số là rất lớn.Tuy nhiên, tốc độ phát triển ngành công nghiệp này chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2010, doanh thu của lĩnh vực công nghiệp nội dung số đạt mức 1 tỷ USD. Với hạ tầng mạng viễn thông và Interrnet phát triển bền vững với tổng doanh thu viễn thông đạt 7,4 tỷ USD trong năm 2013. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95% và số thuê bao 3G đã gần chạm mốc 20 triệu. Số thuê bao Internet băng rộng đạt trên 22,4 triệu thuê bao, đạt tỷ lệ 24,93 thuê bao/100 dân. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế nhưng năm 2013, lĩnh vực nội dung số vẫn đạt doanh thu 1.407 triệu USD, tăng 13,9% so với năm 2012.[1] Với đề án phát triển CNTT và truyền thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số.
Tính đến 25/12/2014, Tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 27 tỷ USD. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 350.000 người. Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan nhà nước có trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT truyền thông [2].
Bắt nhịp với tốc độ phát triển như đó, Việt Nam cần một nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo, đủ sức cạnh tranh trong phạm vi khu vực và thế giới. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều có chung nhận định Việt Nam cần đầu tư mạnh vào việc đào tạo để có đội ngũ nhân lực có tay nghề đồng thời xác định được động lực cho những người tham gia vào ngành và từ đó tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, tốc độ và hệ thống đào tạo trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.Trên phạm vi cả nước, các trường đại học đào tạo lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trường chưa có nhiều khoá học, môn học chuyên sâu về công nghệ nội dung số. Bên cạnh đó, công tác đào tạo còn dàn trải, chưa cập nhật kiến thức mới, nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều phải đào tạo lại. Việc đào tạo nguồn nhân lực phó mặc cho doanh nghiệp và các dịch vụ đào tạo nước ngoài.
Đối với khu vực Nhà nước, các hoạt động liên quan đến công nghiệp nội dung số mới chỉ dừng lại ở việc số hóa các quy trình công việc và nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai hiện nay đang rất thiếu hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm cho công tác tạo lập, chia sẻ và quản lý nội dung số. Hầu hết các bộ ngành đều triển khai các hoạt động liên quan đến nội dung số như số hóa văn bản, xây dựng các cơ sở dữ liệu, triển khai các dịch vụ công trực tuyến…nhưng thiếu một quy định chung dẫn đến khó khăn trong việc chia sẻ và khai thác. Song song với đó, nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác như bảo mật, bản quyền, chống thông tin giả, rò rỉ thông tin….cũng đang khiến các nhà quản lý đau đầu.
Ở khu vực ngoài Nhà nước, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn đó là phát triển công nghiệp nội dung số vẫn còn manh mún, chưa có lộ trình và bước đi cụ thể. Trên thị trường Việt Nam, công nghiệp nội dung số vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào SMS do dịch vụ SMS đã có một chính sách rõ ràng và được hình thành từ khá lâu, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này dễ dàng hơn. Những chính sách ưu đãi của Chính phủ được ban hành (Nghị định 108 của Chính phủ quy định hướng dẫn Luật Đầu tư đã đưa doanh nghiệp sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số vào diện đặc biệt ưu đãi đầu tư; Nghị định số 24 năm 2007 của Chính phủ quy định về Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đưa doanh nghiệp sản xuất nội dung thông tin số vào diện được hưởng ưu đãi thuế như với phần mềm,…), song các doanh nghiệp nội dung số vẫn khó được hưởng những ưu đãi đó. Nguyên nhân là chưa có sự thống nhất về cách hiểu thế nào là sản xuất nội dung số. Do đó, rất ít doanh nghiệp nội dung số chỉ sản xuất sản phẩm và bán sản phẩm như các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, mà phần lớn doanh nghiệp có sản xuất ra sản phẩm cũng chỉ để bán dịch vụ. Khó phân biệt tách bạch hai loại hình sản xuất và kinh doanh dịch vụ nên nhiều doanh nghiệp nội dung số đã không được ngành thuế duyệt cho hưởng ưu đãi [3].
4G sẽ khai tử nếu ngành công nghiệp nội dung số không theo kịp. Ảnh: Internet
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp nội dung số bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới nên tốc độ tăng trưởng đã có bước chậm lại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế nói trên. Không có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh với các nước khác khi sự chênh lệch về đầu tư cho ngành này ở Việt Nam còn khiêm tốn thua kém cả về chất lượng lẫn số lượng nhân lực. Chính sách pháp luật của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam thường bị các cơ quan quản lý rất chặt, ngược lại thì việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nội dung số tại Việt Nam còn quá lỏng lẻo bởi những quy chế, nghị định chưa được cập nhật kịp thời với tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành . Do đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp này trong ngành CNTT còn hạn chế. Theo thống kê của Vụ CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số đang tăng trưởng chậm lại thấy rõ: Năm 2009 đạt tốc độ tăng trưởng 56,81%; năm 2010 tăng trưởng đạt 39,71%; năm 2011 tăng trưởng giảm xuống còn 25%; năm 2012 rơi xuống còn 12%, doanh thu ngành đạt khoảng 1,3 tỉ USD, tương đương khoảng 27.000 tỉ đồng. Năm 2013, mức tăng trưởng của ngành này cũng chỉ đạt 1.4 tỉ USD, tăng 13,9% so với năm 2012.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ trọng của nội dung số trong ngành công nghiệp CNTT nói chung vẫn còn ở mức khá khiêm tốn đó là chính sách hỗ trợ, quản lý của Nhà nước chưa thực sự bám sát thị trường. Đây chính là thể hiện vai trò tham mưu và quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Không thể phủ nhận trong một vài năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng tin nhắn rác, nhiều loại hình nội dung số không lành mạnh với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đơn vị kinh doanh nội dung số của Việt Nam không chỉ yếu kém về năng lực đầu tư, quản trị, nhân lực, mà ngay ở tư duy trách nhiệm, cũng tồn tại nhiều bất cập, phổ biến nhất là vi phạm về các chế độ bản quyền và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phủ nhận vai trò và giá trị gia tăng của ngành công nghiệp nội dung số so với ngành công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm.
Thị trường nội dung số rất tiềm năng, càng ngày càng quan trọng và đóng góp một phần doanh thu rất lớn trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Tuy nhiên, để xây dựng một ngành công nghiệp nội dung số phát triển đủ mạnh thì rất cần sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đặc biệt là nền tảng Internet và di động) và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển như chính sách ưu đãi về thuế, về môi trường kinh doanh, chính sách phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích xã hội hóa các vấn đề sản xuất nội dung. Đối với ngành công nghiệp nội dung số, việc tạo ra nội dung là yếu tố hàng đầu khi gây dựng lợi thế cạnh tranh. Việc này cần tiến hành song song với chính sách phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở tầm vĩ mô. Một trong những điều cần phải tính đến đó là thị trường nội dung số có tính rủi ro cao, do đó, Chính phủ cần đưa ra những phương án ứng phó, giảm thiểu rủi ro.
Kinh nghiệm của một số nước có nền công nghiệp nội dung số phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, họ không đầu tư dàn trải mà ưu tiên đầu tư phát triển về các vấn đề chăm sóc sức khỏe trực tuyến (e-health) và giáo dục, đào tạo trực tuyến (e-learning) hoặc như Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ khép kín từ khâu sản xuất cho đến áp dụng và tiêu thụ nội dung. Nhờ vậy mà ngành công nghiệp nội dung ở nước này đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Hiện nay, Hàn Quốc đã ban hành bộ Luật liên quan đến lĩnh vực này trong khí đó Việt Nam chưa giải quyết được khâu định nghĩa khái niệm mà chỉ đề cập đến như là một khía cạnh trong đề án phát triển CNTT. Để thúc đẩy phát triển dịch vụ nội dung số, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực gợi ý các nhà mạng nên đẩy mạnh bắt tay outsource cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, xã hội hóa cho lực lượng làm các ứng dụng, dịch vụ để giá dịch vụ sẽ rẻ hơn khi cung cấp đến người dùng. Hiện Việt Nam có hạ tầng viễn thông tốt, thiết bị đầu cuối smarphone, máy tính bảng tăng nhanh. Với sự ra đời của dịch vụ 3G mà sắp tới sẽ là 4G, ngành công nghiệp nội dung đang được tạo đà để phát triển. Đây cũng là nhận định của Tiến sĩ Alexander Ntoko, Giám đốc bộ phận Chiến lược tập đoàn của ITU: "Nếu các bạn rút ra được những kinh nghiệm phù hợp và triển khai một cách đúng đắn, có tính toán, chắc chắn triển vọng thị trường Việt Nam sẽ rất rộng mở".
--------------------------------
Tài liệu tham khảo: