Con đường tơ lụa trên biển và vị trí của Việt Nam
Hàng trăm nhà khoa học của nhiều nước đã không quản ngại gian nan vất vả lần theo dấu chân các đoàn lạc đà cổ xưa trên những sườn núi cheo leo, những sa mạc nóng bỏng hoặc trên những thương cảng đã vắng bóng tàu bè… để phục dựng lại con đường huyền thoại này. Việt Nam tuy không nằm trên con đường tơ lụa trên đất liền, nhưng lại là một mắt xích của “Con đường tơ lụa trên biển”, một sự phát triển của giao lưu văn hoá Đông-Tây.
Theo sử sách Trung Quốc thì suốt cả thời Xuân Thu - Chiến Quốc tơ lụa Trung Quốc chỉ được bán trên thị trường nội địa. Đến đầu thời Tây Hán trong xã hội Trung Hoa buổi ấy đã xuất hiện những thương nhân dũng cảm muốn mang tơ lụa đến bán cho các quốc gia láng giềng gần biên giới với nhà Hán. Để giúp nhau vượt qua những dải núi cao tuyết phủ, cát nóng của sa mạc mênh mông cũng như thú dữ và cướp tấn công, họ đã tập hợp nhau thành từng đoàn người mang theo hàng hoá. Trên lộ trình họ thường gặp những bộ lạc nhỏ ở Trung Á tấn công cướp hàng hoá quý của các thương nhân. Tình trạng đó dẫn đến việc nhà Hán phải tăng cường thêm binh lính để hộ tống các đoàn thương nhân từ năm 135 đến 90 trước Công nguyên.
Cũng theo sử sách Trung Quốc thì đến thời Đông Hán con đường lụa đã bành trướng qua hai lục địa dài tới 7000 dặm suốt từ thủ đô Tây An, Trung Quốc sang Trung Á - Bắc Ấn Độ qua Ba Tư đến vương triều Roma. Nó nối liền thung lũng sông Hoàng với Địa Trung Hải và qua rất nhiều thành phố của Trung Quốc như Tây An - Ha Mi - SichKim Urumshi và Sinkiang đến các nước Iran, Irắc, Xiri… Đến bờ bán đảo ARập hàng hoá được mang xuống thuyền vượt Địa Trung Hải sang Roma. Thoạt đầu, nó chỉ là một con đường nhỏ. Trải thời gian có thêm rất nhiều nhánh đã được mở ra mang tên gọi khác nhau: Con đường triều đinh; Con đường thảo nguyên; Con đường qua sa mạc lớn; Con đường phía bắc…
Trong một thời gian dài người ta đã nghĩ Con đường tơ lụa đơn thuần chỉ là một con đường thương mại. Như vậy, có thể chưa nói hết được vai trò to lớn của nó cống hiến cho nền văn minh nhân loại. Thông qua việc buôn bán, lần đầu tiên hai nền văn minh Đông - Tây gặp gỡ nhau. Và, sự giao thoa văn hoá tất yếu đã xẩy ra.
Thế nhưng, con đường buôn bán trên bộ ngày càng trở nên nguy hiểm bởi những toán cướp vũ trang ngày càng tổ chức hoàn hảo và tàn bạo. Vì thế, con đường giao thương trên biển dần dần khẳng định vai trò ưu việt của nó.
Đến thế kỷ thứ XIV hoạt động buôn bán của Con đường tơ lụa trên đất liền gần như chấm dứt. Song khát vọng đổi trao của các nền văn hoá không có gì có thể ngăn cản được.
Trong bối cảnh đó con đường thứ hai nối nhịp cầu Đông - Tây vốn cũng đã hình thành từ thời Hán đã ngày một phát triển cùng với sự phát triển của kỹ thuật hàng hải - “Con đường lụa trên biển” đứng ra đảm trách sứ mạng to lớn thay thế con đường trên bộ.
Không phải đợi đến thế kỷ thứ XIV khi Con đường lụa trên đất liền ngừng hoạt động thì Con đường lụa trên biển mới được hình thành. Sự gian nan của con đường buôn bán trên bộ phải vượt qua các ngọn núi cao hiểm trở, sa mạc nóng bỏng và sự rình rập của bọn cướp… đã khiến cho các thương nhân thời bấy giờ có xu hướng chuyển hàng hoá theo con đường biển.
Mặt khác, hàng hoá vận tải bằng đường biển thuận tiện hơn nhiều so với đường bộ: khối lượng nhiều hơn, đặc biệt đối với loại hàng nặng như gốm sứ, kim loại… trong khi đó sức người lại tốn ít nhất. Gió là sức mạnh lớn lao của tự nhiên đã mang các con thuyền hàng đi vạn dặm không cần phải tốn sức người cũng như súc vật. Ngoại trừ bão tố, việc đi lại trên biển có vẻ an toàn hơn vì thời bấy giờ cướp biển chưa phải là mối đe doạ lớn với các tàu buôn. Và, cũng chỉ có giao thông đường biển người phương Tây mới có thể xác lập được mối quan hệ với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á - vốn giàu có hương liệu và quê hương của những đồ gốm men tuyệt đẹp mà thế giới phương Tây chưa hề biết đến.
Thực ra không phải đến bây giờ cuộc hội ngộ trên biển giữa hai nền văn minh Đông - Tây mới xẩy ra. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh ngay từ những thế kỷ sau CN cư dân Óc Eo đã xác lập được mối quan hệ với các thương nhân La Mã - chiếc huy hiệu in hình Antonio phát hiện ở An Giang là một ví dụ tiêu biểu. Nhiều hiện vật mang phong cách Hán đã có mặt trong nền văn hoá Sa Huỳnh và khu vực rộng lớn trên vùng hải đảo Đông Nam Á.
Nhưng có lẽ phải đợi tới thế kỷ IX thì cuộc gặp gỡ Đông – Tây mới thực sự rộng mở và nhộn nhịp tạo thành những hải trình ổn định cùng với sự ra đời hàng loạt các thương cảng nên nó đã được gọi là “Con đường lụa trên biển”.
Hải trình của con đường này như sau: điểm cực Tây của nó là Roma qua các hải cảng vùng Trung Cận Đông như: Al Tur, Fustat, Cairo … men theo bờ biển phía nam Ấn Độ qua Thái Lan vòng xuống eo Malaca (Mailaixia ngày nay) để vào vùng biển Thái Bình Dương. Ngoài đường biển, hàng hoá còn được vận chuyển không qua eo biển Malaca mà trung chuyển theo con đường bộ ở phía gần eo biển qua cảng Kokhokao - vùng cực nam Thái Lan ngày nay, rồi lại được chuyển xuống các con tàu đang đợi ở vùng biển phía Đông. Sau khi vượt qua eo Malaca - hay cảng Kokhokao, con đường chia làm hai ngả. Một ngả men theo vùng biển Việt Nam qua các cảng: Côn Đảo - Cù Lao Chàm - Hội An - vào vùng biển Nam Trung Hoa rồi qua nam Nhật Bản.
Ngả thứ hai đi vào quần đảo Indonexia, Philippin rồi ngược vào vùng phía nam Trung Quốc để tới nam Nhật Bản - Cảng Hakata trên đảo Kuyshu được coi là điểm tận cùng phía Đông của con đường này.
Trên hải trình vừa kể trên, người ta đã lập ra rất nhiều hương cảng và các con tàu đã trở thành nhịp cầu nối giữa hai nền văn minh Đông – Tây. Trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu Con đường lụa vào các năm 1989-1991 UNESCO cũng đã tổ chức một đoàn thuyền chở các nhà khoa học nhiều nước đến thăm những cảng lớn từ Tây sang Đông của Con đường tơ lụa trên biển…
Căn cứ vào những ghi chép trong thư tịch của nhiều nước đã cho thấy tơ lụa không phải là mặt hàng chính của con đường này. Hàng hoá chủ yếu là hương liệu và gốm sứ từ Đông mang sang Tây để đổi lấy vàng bạc, đá quý, thuỷ tinh… Vì thế, đã có người cho rằng, cần phải đặt tên lại cho con đường này là: Con đường gốm sứ (Trading ceramics road on the sea) thay Con đường hương liệu (Spice road).
Do thách thức khắc nghiệt của thời gian nên hàng hoá được vận chuyển trên Con đường tơ lụa trên biển đã bị mất hều hết dấu vết ngoại trừ gốm sứ và một số di vật khác như gạch đá không bị thời gian phá huỷ.
Theo các nhà khảo cổ học, đồ gốm tìm thấy trên các cảng biển của Con đường lụa có 5 loại chính: gốm men ngọc của lò gốm Việt Châu tỉnh Chiết Giang; gốm trắng của lò gốm Định Châu tỉnh Hà Bắc; gốm vẽ màu của các lò gốm tỉnh Trường Sa; gốm men vàng xanh của các lò gốm Quảng Đông thuộc Trung Quốc và gốm men coban thân mềm như phấn (chalk body) của vùng Cận Đông – còn được gọi là gốm Islam. Các nhà khảo cổ học cũng nhất trí coi 5 thứ gốm trên là tiêu chuẩn quan trọng để bất kỳ một vị trí nào được coi là bến cảng của Con đường tơ lụa trên biển.
Như vậy, có thể xem như những kẻ “thống trị” Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ IX-X là các thương nhân nam Trung Quốc và các thương nhân ARập.
Trong suốt 10 năm qua nhờ sự nỗ lực của các nhà khảo cổ học hai nước Việt - Nhật, chúng ta đã có thể nói, Việt Nam là một chặng dừng chân của Con đường lụa trên biển.
Tại Côn Đảo đã phát hiện được một số mảnh gốm đời Đường, gốm vàng xanh các lò Quảng Đông; tại Hội An đã tìm thấy rất nhiều gốm men ngọc của lò gốm Việt Châu (Gốm men ngọc của lò Việt Châu còn phát hiện được ở thành Trà Kiệu - Quảng Nam; kinh đô Hoa Lư, Hậu Lâu trong cấm thành Hà Nội…) gốm vẽ màu của các lò gốm tỉnh Trường Sa; gốm men coban Islam; gần đây tại thương cảng Vân Đồn đã phát hiện được nhiều gốm vàng xanh của các lò gốm Quảng Đông, gốm vẽ màu của các lò gốm tỉnh Trường Sa… Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều cảng thị Việt Nam đã góp phần vào sự hình thành của Con đường lụa trên biển.
Cũng giống như Con đường tơ lụa trên đất liền, Con đường tơ lụa trên biển cũng đã góp phần tích cực vào sự giao lưu văn hoá Đông - Tây.
Cho đến ngày nay sau nhiều thế kỷ người ta càng nhận thấy sự khai thông Con đường tơ lụa trên biển là hoàn toàn đúng đắn. Sau khi chủ nghĩa tư bản phương Tây ra đời, nhiều nước tư bản phương Tây đã giương buồm lên đường sang phương Đông tạo nên một thời kỳ mới được gọi là thời kỳ Đại hàng hải. Con đường giao thông của thời kỳ này, thậm chí cho đến tận bây giờ, tàu thuyền qua lại Đông Tây vẫn đi theo hải trình của Con đường lụa trên biển ngày xưa.
Nguồn: Xưa & Nay, số 131, 1/2003, trang 19, 20