Cơ thể sẽ mất cân bằng nếu thiếu vi chất
Thường chúng ta không tự biết là cơ thể mình thiếu vi chất vì nó không gây cảm giác đói hay thèm ăn như khi thiếu năng lượng. Chỉ có bác sĩ mới có thể phát hiện ra cơ thể đang thiếu các chất này qua xét nghiệm lâm sàng.
Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, bốn vi chất dinh dưỡng tối cần cho cơ thể là iốt, vitamin A, sắt và kẽm. Nhu cầu của cơ thể đối với chúng rất nhỏ nhưng việc thiếu chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não, thể chất và năng lực hoạt động của cơ thể. Hiện nay, đa số mọi người đều nghĩ rằng cứ ăn đủ năng lượng là vấn đề dinh dưỡng đã được giải quyết. Nhưng thực ra các thực phẩm giàu năng lượng chúng ta ăn hằng ngày như gạo trắng, đường, bánh ngọt, bánh kẹo, dầu mỡ, rượu bia... đều rất nghèo vi chất.
Vi chất quan trọng nhất đối với trí não là iốt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, thiếu iốt là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương não mà chúng ta có thể phòng ngừa được, biện pháp hiệu quả bền vững nhất là dùng muối iốt toàn dân. Hiện nay, thế giới có trên 100 quốc gia dùng muối iốt toàn dân, kể cả các nước phát triển.
Iốt là vi chất tối cần thiết cho sự tăng trưởng và hoạt động trí não của cơ thể. Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi phát triển và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ thiếu do nhu cầu iốt tăng cao. Nếu thiếu iốt ở giai đoạn bào thai, não bộ trẻ sẽ tổn thương nặng nề, trẻ sinh ra bị đần độn và các khuyết tật thần kinh khác (điếc, lác mắt, khoèo chân tay...). Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, những người sống trong vùng thiếu iốt sẽ bị giảm 10-20 điểm IQ.
Vi chất quan trọng thứ hai là vitamin A. Chức năng đặc trưng nhất của nó là tác dụng lên võng mạc; nếu thiếu, mắt dễ bị lóa và phải mất thời gian lâu mới điều chỉnh lại như bình thường. Thiếu vitamin A còn dễ dẫn đến sừng hóa biểu mô giác mạc, gây loét và mù lòa. Ngoài ra, chất này còn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của xương. Thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hóa bị rối loạn. Trẻ thiếu vitamin A sẽ chậm tăng trưởng, thậm chí sụt cân. Đối với người hút thuốc, uống rượu, nhu cầu vitamin A sẽ cao hơn do thuốc lá ngăn cản quá trình hấp thu vitamin A vào cơ thể, còn rượu sẽ làm cạn kiệt lượng vitamin A có sẵn.
Sắt tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của não bộ. Thiếu sắt sẽ dẫn đến giảm phát triển trí tuệ và khả năng lao động, giảm sức đề kháng đối với các bệnh nhiễm trùng.
Các nghiên cứu cho thấy, những học sinh chỉ mới thiếu dự trữ sắt mà chưa có biểu hiện thiếu máu (nghĩa là chỉ mới thiếu nguyên liệu tạo máu nhưng chưa thiếu máu) đã bị giảm khả năng toán học. Để đến mức thiếu máu thì sự phát triển thể chất của các em sẽ chậm lại, gây mệt mỏi, lười hoạt động, học kém tập trung và còn dễ ngủ gật trong lớp. Điều này cũng cho thấy một phần nguyên nhân khiến học sinh nữ cấp ba học kém các em nam: hằng tháng các em bị mất máu trong quá trình kinh nguyệt.
Vi chất tối quan trọng nữa đối với cơ thể là kẽm. Vai trò đặc biệt của nó là điều hòa kiểu gien, giúp giữ ADN có hình dạng xoắn kép rất cần thiết trong quá trình phân chia tế bào và di truyền. Thiếu kẽm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch. Nhu cầu kẽm thay đổi theo giới tính và tình trạng mang thai hoặc cho con bú. Theo đánh giá của WHO, thiếu kẽm là vấn đề phổ biến trong cộng đồng đặc biệt là những nước đang phát triển, thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, sinh non, không được bú mẹ hay mắc các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng; phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Những người sống ở vùng kinh tế khó khăn, chế độ ăn chủ yếu là ngũ cốc, ít thức ăn động vật cũng bị thiếu kẽm..
Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 30%dân số thế giới đang thiếu vitamin A, sắt và iốt. Khoảng 735 triệu người có biểu hiện lâm sàng và gần 2 tỷ người chưa có biểu hiện. Hơn 3/4 số người đó sống ở khu vực châu Á Thái Bình dương.
Để phòng ngừa thiếu vi chất, các bác sĩ dinh dưỡng khuyên mọi người nên đa dạng hóa bữa ăn, biết lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Vitamin A có trong rau quả xanh và vàng đậm: rau muống, ray dền, mồng tơi, cà-rốt, bí đỏ, đu đủ, gấc... Kẽm có nhiều trong thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản, đặc biệt trong con hàu.
Sắt có nhiều ở thịt cá đỏ như thịt bò, thịt heo, cá ngừ, gan, huyết... hoặc các loại rau xanh. Để hấp thu sắt tốt, nên ăn thêm trái cây tươi giàu vitamin C như cam chanh, bưởi, táo. Bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên mọi người không nên có thói quen uống trà quá gần bữa ăn, do chất tamin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu chất sắt.
Mọi người nhất thiết nên dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn. Việc sử dụng muối iốt hiện nay đã đơn giản hơn trước kia rất nhiều, có thể ướp thịt cá, muối dưa cà và nêm nếm thức ăn trên bếp như bình thường mà không cần phải tắt bếp rồi mới nêm như trước đây, vì nhà sản xuất đã cân nhắc liều lượng cân đối. Bác sĩ Lê Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM cam đoan: "Lượng iốt thừa trong cơ thể sẽ được bài tiết qua nước tiểu chứ không có một tác hại nào đối với cơ thể".
Nguồn: vnexpress.net 23/11/2005