Chuyển đổi số - sứ mệnh bắt buộc của các doanh nghiệp Việt Nam
Ngày 7/4 tại Đà Nẵng, Liên Hiệp Hội Việt Nam (LHHVN); UBND TP Đà Nẵng; VCCI Đà Nẵng; Hội Tự động hóa Việt Nam; Viện sáng tạo và Chuyển đổi số; Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển kinh tế số khu vực miền Trung”.
Tham dự hội thảo có Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến; Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hoá VN Nguyễn Quân; Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang; Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Nguyễn Thị Bích Lan….
Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc hội thảo
Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình với những đổi mới từ ảnh hưởng tích cực của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, mà trọng tâm là các công nghệ số, cùng với tự động hoá với sự trợ giúp của phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật; để từ đó đã xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế-xã hội cũng như quản trị quốc gia.
Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong CMCN 4.0, một mô thức mới đã hình thành, đó là Chuyển đổi số.CĐS là quá trình sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa hoặc thay đổi các quy trình, sản phẩm và dịch vụ của một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Chuyển đổi số nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng cường sự cạnh tranh và nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc sử dụng các công nghệ mới, yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách thức hoạt động, cải thiện quy trình, nâng cao năng lực công nghệ và tăng cường sự đổi mới để thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Chương trình CĐS quốc gia xác định 03 trụ cột quan trọng trong CĐS là: Chính phủ số, Xã hội Số, và Kinh tế số. Trong đó, Kinh tế số là các hoạt động kinh tế được thực hiện thông qua sử dụng các công nghệ số, đặc biệt là internet và các công nghệ liên quan. Kinh tế số bao gồm các hoạt động như mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, quảng cáo trực tuyến, nghiên cứu thị trường trực tuyến, sản xuất số, dịch vụ khách hàng trực tuyến và nhiều hoạt động khác. Và đây được xem như làm một hình thái trong 3 hình thái Chuyển đổi số hiện nay, bên cạnh sự phát triển Chính phủ số và Xã hội Số.
Tại hội thảo, các chủ đề, báo cáo được trình bày chính trong hội thảo bao gồm: Chương trình Top Công nghiệp 4.0 lần thứ 2 năm 2023; Chủ động thực hiện CMCN 4.0, Chuyển đổi số - Thành công và Thách thức trong triển khai của khối cơ quan quản lý nhà nước; Thách thức và tương lai trong triển khai Chuyển đổi số của Doanh nghiệp.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hoá VN Nguyễn Quân phát biểu tại hội thảo
Trong phiên thảo luận về chủ đề: Điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp Đà nẵng và Khu vực miền trung triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành trọng điểm Đà nẵng và vùng lân cận, Dưới sự điều phối của Viện VIDTI, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng: Thành phố Đà Nẵng- với những lợi thế, thuận lợi riêng; trong thời gian qua đã triển khai hiệu quả chuyển đổi số và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thông qua 03 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, 03 năm liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh trong đó có 01 giải thưởng chuyên đề Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 02 năm liên tiếp xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; Giải thưởng Chương trình Top Công nghiệp 4.0 năm 202;... Do vậy, việc lựa chọn TP. Đà Nẵng để tổ chức hội thảo để lan toả việc triển khai cho cả khu vực miền Trung là hoàn toán đúng đắn.
Phó Giám đốc văn phòng MISA Đà Nẵng Lê Thị Ni Ni – diễn giả tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi những khía cạnh khác nhau trong các sáng kiến chuyển đổi số và những thành tựu trong sản xuất thông minh, của tự động hoá trong việc góp phần vào sự phát triển KTS của địa phương cũng như của quốc gia, gồm: Chủ tịch HĐKH Viện VIDTI Hoàng Hữu Hạnh đã đưa ra giải pháp phát triển Dịch vụ ĐTTM kết hợp mô hình nông thôn mới thông minh (Nông thôn thông minh gắn với Đô thị); Phó Giám đốc văn phòng MISA Đà Nẵng Lê Thị Ni Ni khẳng định phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp, nền tảng số DN, tài chính số - huyết mạch cho của nền kinh tế số; VIDTI + Thinksmart với: DIGITAL TWIN : BIM-VR-IoT (+BLC) Tiếp cận phát triển nhà máy thông minh; Bác sĩ Bảo Phi (Công ty CP Việt Ba) với giải pháp xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung và phần mềm điều hành y tế tuyến tỉnh/thành phố; PGĐ Trung tâm CNTT Tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Vĩnh Chiến với CSDL phát triển du lịch thông minh…
Nhìn chung các báo cáo, tham luận cũng như toạ đàm tại hội thảo đã phản ánh các góc nhìn khác nhau về vấn đề Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển Kinh tế số. Đồng thời đã đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành trọng điểm Đà Nẵng và vùng lân cận.