Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 25/08/2006 17:44 (GMT+7)

Chương trình, sách giáo khoa Vật lý trung học ngược và thuận

1 Từ cải cách đến đổi mới:

Từ năm 1998, Bộ GD và ĐT quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CT&SGK trung học gọi là CT&SGK đổi mới nhằm thay thế cho CT&SGK đang dùng ở thời kỳ đó, và chúng được gọi là CT&SGK cải cách. Về tổ chức, Ban chỉ đạo do một cán bộ cấp lãnh đạo Bộ làm trưởng ban, Viện trưởng Viện KHGD (nay là Viện chiến lược và chương trình giáo dục) và Vụ trưởng Vụ THPT là hai phó ban cùng nhiều thành viên khác. Về tài chính, dự án đổi mới CT&SGK được một Ngân hàng nước ngoài hỗ trợ, với số vốn không phải là nhỏ.

Với một mục tiêu tốt là làm thế nào để giáo dục ở nước ta trong đó có giáo dục phổ thông đáp ứng những yêu cầu của đất nước ở thời đại hiện nay, hoà nhập được với thế giới, đặc biệt là ở khu vực, Ban chỉ đạo đã đề ra một quy trình để làm CT&SGK đổi mới gồm nhiều bước, mới nhìn thì thấy rất chặt chẽ.

Theo quy trình này thì đến nay đã ở vào giai đoạn cuối của dự án: hoàn thành CT&SGK đổi mới để dùng ổn định lâu dài.

Liệu những mục tiêu chính của việc đổi mới CT&SGK có đạt được hay không? Chúng tôi không dám bàn quá rộng mà chỉ giới hạn trong phạm vi CT&SGK Vật lý TH, đó là lĩnh vực mà chúng tôi có điều kiện theo dõi, tìm hiểu cụ thể.

2. Một quy trình làm CT&SGK ngược đời

Ở nước nào cũng vậy Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Giáo dục quản lý rất chặt chẽ chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình từng môn học quy định rõ môn học đó học vào năm nào, thời gian học là bao nhiêu giờ, kiến thức và kỹ năng học sinh phải đạt được là những gì… Nói cách khác Nhà nước quản lý chặt chẽ việc học của học sinh thông qua chương trình học với đầy đủ chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng … Có thể có nhiều phương pháp giảng dạy hay, nhiều sách giáo khoa tốt để truyền đạt nội dung của chương trình cho học sinh. Bộ Giáo dục khuyến cáo nên dạy theo phương pháp nào, sử dụng sách giáo khoa nào chứ không bắt buộc.

Điều mà Bộ giáo dục ở các nước phải làm là xây dựng chương trình có đầy đủ chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, lãnh đạo và kiểm tra việc dạy và học ở trường phổ thông trên cơ sở chương trình này.

Quy trình làm CT&SGK đổi mới cũng như cách quản lý giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta không theo cách làm chung ở các nước. Tóm tắt cách làm CT&SGK đổi mới dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua gồm hai bước lớn như sau:

Bước 1 : Xem xét chương trình cũ (cải cách), đưa ra những ý tưởng về đổi mới rồi thông qua cái gọi là chương trình khungquy định Vật lý ở phổ thông bắt đầu từ lớp nào, mỗi tuần mấy tiết, thứ tự cơ nhiệt điện quang v.v… như thế nào có gạch đầu dòng tên của những khái niệm định luật, thuyết v.v…

Bước 2 : Trên cơ sở chương trình khung, hình thành tổ chức viết SGK. Đối với sách Vật lý của mỗi lớp, Bộ giao cho không phải một người mà một tập thể cỡ ba đến bảy tám người viết sách giáo khoa, trong đó có chỉ định tổng chủ biên, chủ biên. Tập thể tác giả này phân công nhau, mỗi người viết một chương hoặc một số chương của quyển sách. Sách viết xong, nếu được Hội đồng thẩm định thông qua thì đưa ra dùng thí điểm. Sau thời gian thí điểm khoảng 2 năm học, sách được sữa chữa để in ra dùng đại trà, tinh thần là 10 - 15 năm.

Điều ngược đời của quy trình làm CT&SGK này là tổ chức viết SGK trong lúc chưa có quy định về kiến thức chuẩn, kỹ năng chuẩn mà học sinh phải đạt được khi học xong môn học.

Tại sao phải làm ngược như vậy? Kiến thức chuẩn, kỹ năng chuẩn của chương trình là ở đâu? Sau đây là giải đáp của những người chủ chốt trong việc làm CT&SGK đổi mới.

“Làm chuẩn là việc làm mới ở nước ta, chưa ai có thể làm được nếu không viết sách. Không viết sách thì không thể hiểu những cái cụ thể.

Cho nên nước ta phải chọn một con đường làm khác, không giống như con đường của các nước tiên tiến trên thế giới. Con đường đó là vừa soạn sách vừa làm chuẩn để rút kinh nghiệm bổ sung.

Các nước làm nhiều rồi, họ có kinh nghiệm và có thể soạn ra ngay được chương trình và chuẩn kiến thức ngay. Nhưng ở nước ta chưa làm bao giờ, lần này mới làm nên không ai có kinh nghiệm. Cho nên lúc đầu viết sách người ta cho phép “anh có thể linh hoạt 30% kiến thức”, sau đó mới rút kinh nghiệm và xây dựng chuẩn.

(PGS Nguyễn Đức Thâm chủ biên SGK môn Vật lý lớp 7, tác giả sách lớp 9 và lớp 12 trả lời với phóng viên Vietam Net ngày 10/09/2005).

Chúng tôi suy nghĩ: Các nước đã có kinh nghiệm soạn ra được chương trình và chuẩn kiến thức. Vì sao đối với môn Vật lý là một môn khoa học tự nhiên ta lại không học tập kinh nghiệm của họ. Ta không đủ sức để đọc hiểu những kiến thức chuẩn về Vật lý có trong chương trình Vật lý phổ thông ở các nước để làm một chương trình có kiến thức chuẩn phù hợp với nước ta hay sao? Có phải là dự án đổi mới giáo dục phổ thông không có tiền đề sưu tầm chương trình giáo dục phổ thông có đầy đủ chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng? Tại sao cho đến nay, đã gần kết thúc dự án mà chưa có ai ở ngoài dự án, kể cả những người được mời làm công tác thẩm định, được tiếp cận với các chương trình có chuẩn kiến thức của nước ngoài để tham khảo? Phải chăng những người chỉ đạo việc đổi mới rất xem nhẹ việc làm chương trình đổi mới và xem rằng quan trọng nhất là sách giáo khoa?

3. Một quan niệm khác người về sách giáo khoa TH          

Có lẽ ở miền Bắc, ít nhất là sau năm 1954, còn đối với toàn quốc, sau thống nhất 1975 ít lâu, sách giáo khoa THPT do Bộ Giáo dục chỉ đạo biên soạn, nhà xuất bản Giáo dục in và phát hành có một vị trí độc tôn, độc quyền không giống ở bất cứ nước nào. Bộ Giáo dục đã xây dựng từ hàng bốn, năm chục năm nay một nền nếp quản lý về SGK như sau: sách giáo khoa phải do Bộ chỉ đạo biên soạn, đối với mỗi môn học ở mỗi lớp chỉ có một sách giáo khoa, chỉ nhà xuất bản Giáo dục được in sách giáo khoa, tất cả các trường đều phải dùng sách giáo khoa đó, chỉ đạo việc dạy và học ở phổ thông là theo sách giáo khoa chứ không phải là theo chương trình.

Một đề thi ra cho học sinh ở những kỳ thi quan trọng không phải là phải theo đúng chương trình mà là phải theo đúng chương trình và sách giáo khoa. Nói theo đúng chương trình là vô nghĩa vì chương trình chỉ là cái khung, có cái gì cụ thể đâu. Đáp án của đề thi là phải theo đúng sách giáo khoa.

Một thí dụ là ở kỳ thi tuyển sinh đại học cách đây 5 năm, lúc bắt đầu phương thức “ba chung” trong tuyển sinh, đề thi môn Vật lý được ca tụng là hay, đúng CT&SGK. Trong đề thi có câu hỏi: Bộ phận chủ yếu của máy quang phổ là gì? Ở SGK Vật lý 12 có viết rằng bộ phận chủ yếu của máy quang phổ là cái lăng kính. Vì vậy, đáp án đúng của câu hỏi trên phải là cái lăng kính. Trong lúc đó đại đa số máy quang phổ ngày nay để phân tích phổ ánh sáng người ta dùng cách tử mà nguyên lý hoạt động là dựa vào hiện tượng giao thoa, nhiễu xạ ánh sáng là hiện tượng mà ở chương trình phổ thông có học kỹ. Tuy nhiên, nếu ở bài làm của học sinh trong câu trả lời không có chữ lăng kính mà có chữ cách tử thì chắc chắn học sinh không được tính điểm vì không theo đúng SGK.

Cũng vậy ở đề thi vào đại học năm vừa qua, khi hỏi về kính hiển vi có hỏi về sự ngắm chừng . Rất nhiều nhà khoa học hiện nay sử dụng nhiều loại kính hiển vi nhưng họ không hiểu sự ngắm chừng là gì? Không bao giờ họ gặp danh từ ấy cả. Chỉ những học sinh thuộc lòng những phần về quang học viết ở SGK Vật lý 12 mới làm được câu đó.

Nếu năm nay đề thi ra có câu hỏi: Độ phóng đại ở kính hiển vi là gì, học sinh sẽ rất lúng túng vì SGK chỉ nói đến số bội giác . Người ra đề chắc là phạm khuyết điểm vì đề thi ra ngoài SGK.

Nói như vậy để thấy rõ SGK phổ thông ở nước ta được đặt ở vị trí quan trọng như thế nào. Có lẽ vì vậy nên trong quá trình đổi mới, ban chỉ đạo không chú ý đúng mức đến việc làm chương trình với đầy đủ chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng mà chỉ tập trung vào SGK . Quan niệm đặc biệt về SGK ở nước ta thể hiện rất rõ trong báo cáo về CT&SGK trình bày trước những người nghiên cứu về CT&SGK THCS của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, tháng 3/2005

… SGK có các chức năng sau:

- Chức năng hướng dẫn hoạt động cho học sinh …

- Chức năng cung cấp thông tin …

- Chức năng ôn tập hệ thống hoá và kiểm tra đánh giá.

- Chức năng góp phần định hướng về phương pháp dạy học cho giáo viên.

- Chức năng chuẩn mực (SGK được sử dụng chính thức thống nhất ổn định trong giảng dạy học ở nhà trường và các cơ sở giáo dục khác). Đây chính là một trong những đặc điểm riêng của SGK Việt Nam (ở hầu hết các nước trên thế giới, chức năng này là của chương trình).

(Báo cáo “Đánh giá chương trình, sách giáo khoa” của ông Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục).

Như vậy là đã rõ. Quan niệm về CT&SGK ở lần đổi mới này nhẹ về CT nặng về SGK không khác gì ở lần cải cách, nghĩa là trước đổi mới. Có khác chăng là rất nhấn mạnh nhiều chức năng: ở sách giáo khoa mới có chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, có phương pháp học tập cho học sinh, phương pháp giảng dạy cho thầy giáo, phương pháp kiểm tra đánh giá trình độ … Như vậy là SGK ở Việt Nam toàn diện hơn SGK ở các nước. Có thể nói yếu tố quyết định cho việc đổi mới CT&SGK là ở những tác giả viết SGK. Vì hiện nay chỉ mới có sách Vật lý THCS là đã đưa ra dùng đại trà nhiều năm nên chủ yếu chúng tôi chỉ nói đến Vật lý THCS.

4. SGK Vật lý TH hiện nay như thế nào?

So với CT&SGK cải cách thì đúng là có sự thay đổi lớn.

Ở chương trình cải cách, bậc THCS bắt đầu học Vật lý từ lớp 7 cho đến lớp 9, học đều mỗi tuần hai tiết trong ba năm. Ở chương trình đổi mới, bậc THCS học sinh bắt đầu học Vật lý từ lớp 6 nhưng chỉ 1 tiết/tuần và liên tiếp trong ba năm, lớp 6, lớp 7, lớp 8 đều giữ nguyên nhịp điệu thưa thớt 1 tiết một tuần. Chỉ đến năm cuối cấp THCS tức là năm lớp 9 mới học 2 tiết/tuần.

Tính ra theo chương trình cải cách, ở cấp THCS Vật lý bắt đầu chậm hơn (từ lớp 7) nhưng một khi đã bắt đầu, học sinh được thấy môn Vật lý dạy thường xuyên hơn (2 tiết/tuần) và số giờ tổng cộng của môn Vật lý ở THCS nhiều hơn.

Ở CT đổi mới, Vật lý bắt đầu sớm hơn (lớp 6) nhưng học sinh thấy môn Vật lý được dạy loãng hơn (1 tiết/tuần), chỉ đến năm lớp 9 nhịp độ mới tăng lên như ở chương trình cải cách (2 tiết/tuần). Tính tổng cộng giờ Vật lý ở THCS đổi mới thì ít hơn giờ tổng cộng so với chương trình cải cách.

Chúng tôi nghĩ không phải kỳ kèo số giờ nhiều hay ít mà chưa rõ việc đổi mới đối với môn Vật lý là dạy sớm, dạy thưa tại sao lại tốt hơn là dạy vừa (lứa tuổi, kiến thức toán), dạy không bị loãng (tối thiểu là 2 tiết/tuần) như ở chương trình trước khi đổi mới (cải cách). Không ít giáo viên thấy rằng một môn khoa học tự nhiên thường được xếp thứ hai theo thứ tự Toán, Lý, Hoá, Sinh nay dạy 1 tiết/tuần thấy như là bị xuống hạng.

Cũng không rõ trên cơ sở lý luận dạy học nào mà các tác giả sách giáo khoa Vật lý, đặc biệt là Vật lý 6, Vật lý 7 lại chủ trương sách giáo khoa phải viết theo kiểu tạo điều kiện cho học sinh có thể quan sát trực tiếp các hiện tượng vật lý (bài nào cũng phải quan sát) tạo điều kiện cho học sinh thu thập và xử lý thông tin chứ không phải là thông báo. Không cho phép người viết nói nhiều mà phải để cho học sinh làm và rút ra kết luận. (Phát biểu của PGSTS Nguyễn Văn Thâm, Vietnam Net 10/9/2005)

Vì vậy sách giáo khoa vật lý (lớp 6 và lớp 7) viết rất khác với sách giáo khoa truyền thống. Mở đầu bài học là nói cách làm thí nghiệm ở lớp để qua kết quả thí nghiệm tự làm, học sinh tự rút ra được những kết luận gì, thực tế là để học sinh trả lời những câu hỏi gợi ý. Cuối cùng thì ở sách nêu lên một số tóm tắt. Thầy giáo dạy theo sách giáo khoa này thì bắt buộc phải có những trang bị thí nghiệm cho từng học sinh (hoặc là nhóm không quá 4 người) đúng như ở sách giáo khoa mô tả và những thí nghiệm đó học sinh nào cũng phải làm được suôn sẻ thì dạy mới kịp giờ. Thí nghiệm có làm được, làm kịp hay không thì cũng phải trả lời đúng như câu hỏi gợi ý thì thầy giáo mới tóm tắt như ở sách được.

Chúng tôi chưa thấy một quyển sách giáo khoa Vật lý cho trung học nào viết theo một cách cực đoan như vậy. Chúng tôi chưa thấy ở một nước nào mà dạy cho học sinh một vấn đề đơn giản như sự dãn nở nhiệt thì thầy giáo trong toàn quốc nhất loạt phải hướng dẫn cho học sinh thả một hòn bi kim loại hơ nóng vào một cái vòng tròn xem thử có lọt hay không để kết luận là nó nở có ra vì nhiệt hay không? Cũng vậy, đã dạy về sự ngưng tụ thì nhất thiết phải có hai cái cốc, hai cái nhiệt biểu và đổ nước đá vào một cốc để xem bên ngoài cốc có nước đá, hơi nước có ngưng tụ không. (Tôi và đồng nghiệp đã xem một cô giáo ở Long An dạy bài sự ngưng tụ này. Có lẽ hôm đó ở Long An trời quá khô, hơi nước trong không khí quá ít mà lớp học lại lộng gió, nên hơi nước ngưng tụ ở cốc không rõ. Cô cứ hỏi mãi học sinh “Có hiện tượng gì ở bên ngoài cốc có nước đá” học sinh không ai trả lời cả. Còn tôi thì thấy có hơi nước đọng ở mặt cô giáo vì lúc đó cô toát mồ hôi: đã sắp hết giờ!).

Chúng tôi không nói đến những thí nghiệm nào viết trong SGK là khó làm hoặc về nguyên tắc là không làm được mà chỉ nói rằng viết sách giáo khoa để áp đặt một phương pháp dạy học, áp đặt việc mua thiết bị là không chấp nhận được.

Cũng không rõ trên cơ sở lý luận dạy học nào, các tác giả viết sách giáo khoa TH quyết định rằng cách viết sách giáo khoa Vật lý theo kiểu tạo điều kiện cho học sinh làm thí nghiệm tự rút ra kết luận chỉ có ở sách Vật lý 6, Vật lý 7; đến các lớp 8, 9 hay cao hơn không dùng cách này nữa. Có phải là đổi mới CT&SGK là đưa môn Vật lý học sớm vào lớp 6 để trong hai năm lớp 6 và lớp 7 đầu óc các em còn non trẻ, áp dụng một phương pháp dạy học tiên tiến, đó là những ý tưởng lớn của ban chỉ đạo đổi mới, của những tác giả viết sách giáo khoa hay không? Chỉ biết là nhiều thầy giáo nói “đây không phải là sách giáo khoa, đây là giáo án bắt buộc thầy dạy”.

Thực tế nếu không giảng giải cho các em học sinh những điều cần chú ý đi sâu mà chỉ dừng lại ở những điều mà với những thí nghiệm đơn giản quan sát thấy ngay, học sinh sẽ không nắm được, không vận dụng được những quy luật vật lý. Thí dụ ở sách giáo khoa Vật lý 6 gần hai trang (trang 58 và59) nói về thí nghiệm dãn nở nhiệt nhưng chỉ hướng cho học sinh đi đến hai kết luận:

- Chất rắn nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi.

- Các chất rắn khác nhau nở vì nhiệt khác nhau.

Nếu chỉ định tính như vậy, không có một chút định lượng là hệ số dãn nở nhiệt tuy rất nhỏ nhưng đối với một vật, một thanh có chiều dài lớn thì độ dãn nở vì nhiệt sẽ khá lớn (công thức l - l 0= a l 0(t - t 0) tác dụng của sự dãn nở nhiệt có thể rất lớn, thì nhiều hiện tượng đơn giản về dãn nở nhiệt sẽ được giải thích sai. Chính trong sách Vật lý 6, không chú ý nói điều này nên ở sách giáo khoa cũng như sách bài tập đều có những giải thích không đúng (đã có những bài báo, báo cáo nêu cụ thể, thí dụ ở Vật lý ngày nay số tháng 8/2005).

Trên đây là nói vài thí dụ về phương pháp viết sách giáo khoa đổi mới.

Ban chỉ đạo cũng như các tác giả đều biết rằng ở SGK mới có chuẩn kiến thức. Vậy xét thuần tuý mặt kiến thức, các SGK đổi mới đã viết như thế nào. Rất tiếc là ở các sách từ lớp 6 cho đến lớp 9 có khá nhiều chỗ sai. Đó không phải là những sai sót nhỏ thuộc về lỗi kỹ thuật in ấn mà là những sai sót do các tác giả không chịu khó tìm hiểu, viết không chính xác. Có khi là ở sách cho học sinh, người đọc (nhất là thầy giáo Vật lý, đọc cẩn thận để chuẩn bị dạy) thấy thắc mắc tại sao vấn đề này lại nêu ra ở đây, câu hỏi này lại đặt ở chương này. Đọc giải đáp ở sách bài tập, giải thích kỹ ở sách giáo viên mới thấy rõ hơn những cái sai ở SGK. Đã có những bài báo nêu cụ thể những thí dụ về sai sót ở sách giáo khoa THCS (bài về sách giáo khoa Vật lý đăng ở Vietnam Net ngày 11/10/2005). Ở đây tôi chỉ nêu lại một thí dụ nhỏ.

Ở sách giáo khoa Vật lý 9 (trang 145) có viết: “ Con tắc kè hoa (còn gọi là con kỳ nhông) khi leo cây nào sẽ có màu giống màu lá của cây ấy. Đó là do cấu tạo đặc biệt của da còn kỳ nhông”.

Mới đọc câu này thì thấy ngay hai vấn đề:

- Đâu có phải là con tắc kè hoa leo cây nào có màu lá của cây ấy. Học sinh cũng thấy rõ con tắc kè chỉ thay đổi được một số ít màu, có lúc phồng mang trợn má, mặt đỏ thân pha màu nâu. Có lúc hiền lành cả thân hình hơi xanh nghiêng về màu lá cây. Tại sao SGK lại viết đổi màu theo mọi màu lá?

- Tại sao ở SGK lại viết giải thích một hiện tượng theo kiểu lúc bí nói liều: đó là do cấu tạo đặc biệt của da con kỳ nhông. Cách giải thích này cũng tương đương với cách giải thích của học sinh mà thầy thường phê phán: Hỏi: Tại sao khi tàu hãm lại thì người đi tàu bị dồn về đằng trước. Trả lời: Đó là do cấu tạo đặc biệt của con tàu! Nhưng bao trùm lên trên hết là câu hỏi của người đọc: Tại sao lại nêu vấn đề màu sắc con tắc kè ở phần tán xạ ánh sáng các màu của vật.

Xem sách bài tập, sách giáo viên lớp 9 mới biết rằng các tác giả giải thích là vì con tắc kè có các vảy màu trắng(sách giáo viên 9 trang 283) nên leo cây nào thì chỉ tán xạ màu lá của cây đó. Người đọc lại đặt câu hỏi:

- Tài liệu nào lại nói rằng đổi màu là do con tắc kè có vảy màu trắng? Cách sách về sinh vật, khoa học thường thức đều nói rằng ở da tắc kè có những sắc tố, con tắc kè, bằng hệ thống thần kinh, có thể điều khiển để lúc thì loại sắc tố này ở da ra ngoài, loại kia co lại vào trong nên có thể đổi màu, nhưng chỉ có thể đổi được một số màu nhất định.

- Giả sử con tắc kè có vảy màu trắng. Lá cây màu xanh là do dưới ánh sáng trắng của mặt trời lá cây chỉ tán xạ màu xanh. Còn con tắc kè có vảy màu trắng tại sao khi leo cây nó không nhận ánh sáng mặt trời để có màu trắng mà chỉ nhận ánh sáng tán xạ từ lá cây để có màu xanh.

Tuy chỉ là một chi tiết nhưng điều đó chứng tỏ khi viết SGK các tác giả có khi rất chủ quan đưa ra những thông tin sai, những lập luận sai về mặt vật lý.

Viết sách giáo khoa là một việc rất khó chưa chắc những người có trình độ đại học trên đại học đã hiểu hết những nội dung của vật lý ở bậc phổ thông (có tác giả tuyên bố với phóng viên rằng mình thì hiểu chỉ lo là viết sao cho học sinh và thầy giáo hiểu). Sách viết ra cần được xem xét góp ý rất kỹ đặc biệt là góp ý của những thầy giáo dùng sách để giảng dạy cho học sinh.

Trong quá trình làm CT và SGK vừa qua có hội đồng thẩm định để xem xét SGK. Những sai sót khá nhiều ở SGK Vật lý chứng tỏ cách tổ chức thẩm định vừa qua là ít hiệu quả.

5. Nên làm thuận hay cứ làm ngược mãi?

Việc đổi mới CT&SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rất chặt chẽ từ năm 1998 đến năm 2005 là sắp kết thúc, đã hoàn thành nhiều việc lớn, chủ yếu là đã có được SGK để dùng đại trà từ lớp 1 đến lớp 9; đối với các lớp 10, 11, 12 đã có sách thí điểm, kế hoạch là năm học 2006-2007 sẽ chính thức dùng sách lớp 10 và hai năm tiếp theo là chính thức sách 11 và 12.

Tuy nhiên càng về sau ý kiến trong xã hội về SGK càng nhiều. Một sự kiện nổi bật là năm 2005, Quốc hội thông qua Luật giáo dục sửa đổi trong đó có điều 29:

Điều 29: Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng phạm vi cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

2. Sách giáo khoa cụ thể hoá các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng các yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông …

Như vậy luật giáo dục sửa đổi yêu cầu làm thuận: làm chương trình phổ thông có chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng … rồi viết sách giáo khoa phù hợp với chương trình đó.

Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đó ở luật giáo dục? Nghe đâu hiện nay đang có chủ trương làm ngược lại quy trình đã làm ngược: ngược của ngược sẽ là thuận. Đó là cách căn cứ vào chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng mà các tác giả sách giáo khoa đã đề cập trong sách giáo khoa đổi mới để từ đó kết hợp với chương trình khung đã có làm nên một chương trình đầy đủ như luật giáo dục yêu cầu. Tiếp sau đó sẽ xem xét SGK đổi mới đã viết có phù hợp với chương trình hay không (làm sao mà không phù hợp được) để làm SGK như yêu cầu của luật giáo dục mới, có thể dùng được trong 10 – 15 năm tới.

Liệu làm như thế có được không? Ý kiến của chúng tôi đối với CT&SGK Vật Lý là không được. Chúng tôi đã phân tích những điều bất cập trong quy trình làm ngược, những quan điểm không đúng về CT&SGK, quá nhiều sai sót trong các SGK trung học đã viết, làm thế nào mà từ đó lại có được cái đúng. Vì vậy chúng tôi đề nghị:

1. CT&SGK đổi mới đã làm chỉ dùng như biện pháp tình thế, không phải chỉ sửa chữa đôi chút để dùng lâu dài 10 - 15 năm được.

2. Tập trung ngay sức lực để làm CT&SGK phù hợp với yêu cầu ở luật giáo dục sửa đổi. Nếu sưu tầm được chương trình có chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng của các nước tiên tiến và các nước trong khu vực quanh ta, chúng tôi nghĩ không phải là quá lâu các nhà khoa học, các nhà giáo dục nước ta làm được một chương trình Vật lý phổ thông tốt, hiện đại, hoà nhập với khu vực. Sau khi có chương trình, tổ chức viết SGK và xuất bản SGK theo hướng có cạnh tranh, xã hội hoá.

3. Bao trùm lên tất cả là gấp rút đề xuất một quy trình làm CT&SGK mới, khắc phục được những thiếu sót của quy trình cũ, hoà nhập được với cách làm phổ biến ở nhiều nước.

Nguồn: Tạp chí Vật lý ngày nay, số tháng 2/2006, tr 8 - 13

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.