Chương trình hợp tác giữa Sở Giáo dục & Đào tạo với Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010
Căn cứ Thông báo số 09/TB-TU ngày 28/2/2006về Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Phú Thọ.
Trên cơ sở thoả thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo; Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam ký ngày 30/12/2005.
Ngày 31/03/2006 tại Sở Giáo dục & Đào tạo đại diện lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật tỉnh đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở, các phòng chức năng thống nhất chương trình hợp tác những nội dung như sau:
I. Nội dung của chương trình hợp tác:
1. Sở GD-ĐT phối hợp, tạo điều kiện để Liên hiệp hội, các hội thành viên tham gia vào việc xây dựng quy hoạch, các chủ trương, đề án phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh do Sở chủ trì.
2. Liên hiệp hội và các hội thành viên phối hợp thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội theo Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 8/9/2005của UBND tỉnh về các vấn đề:
- Đánh giá chất lượng giáo dục – đào tạo.
- Thẩm định các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập.
3. Phối hợp các hoạt động:
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, xuất bản ấn phẩm khoa học, các chuyên đề khoa học được tuyên truyền trên thông tin đại chúng.
- Nghiên cứu các công trình khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sản xuất và đời sống.
- Tổ chức các cuộc thi Olympic, thi hoặc xét thưởng các công trình sáng tạo khoa học – công nghệ.
- Quản lý, tạo điều kiện để các đơn vị giáo dục, đào tạo do Liên hiệp hội hoặc các hội thành viên thành lập hoạt động có hiệu quả.
4. Chương trình hợp tác năm 2006:
- Liên hiệp hội hợp tác với Sở: Giám định – đánh giá về thiết bị phục vụ và công tác đào tao ở các trường chuyên nghiệp.
- Sở Giáo dục & Đào tạo hợp tác với Liên hiệp hội: Tổ chức thực hiện Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9 (đối với Phú Thọ là lần thứ I).
II. Tổ chức thực hiện:
1. Trên cơ sở bản thoả thuận này, khi Sở xây dựng quy hoạch về phát triển giáo dục đào tạo cần có sự tham gia ý kiến của LHH. Sau khi quy hoạch thống nhất và trình UBND tỉnh, Sở có thông tin chi tiết để Liên hiệp hội thực hiện nhiệm vụ “phản biện xã hội” cùng gửi UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
2. Khi Sở tiến hành kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng giáo đào tạo đối với phạm vi toàn ngành hoặc những lĩnh vực trọng điểm, những vấn đề liên quan rộng rãi giữa ngành giáo dục đào tạo với xã hội hoặc các ngành cần có sự phối hợp với Liên hiệp hội với trách nhiệm là “giám định xã hội độc lập” để góp phần đảm bảo tính khách quan khi kết luận sự việc.
3. Khi bên nào triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo… thuộc các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ… sẽ chủ động thông tin hoặc có chương trình phối hợp thực hiện.
4. Liên hiệp hội chủ động mời Sở tham gia vào các chương trình khoa học, chuyển giao công nghệ, các cuộc thi, tham gia xét giải thưởng Sáng tạo, các hoạt động tư vấn - phản biện - giám định xã hội… có liên quan đến hệ thống giáo dục đào tạo.
5. Ngoài những nội dung, chương trình hoạch định hàng năm, những vấn đề đột xuất có liên quan hai bên thông báo kịp thời.
6. Phương pháp làm việc:
- Hai bên liên hệ với nhau thông qua văn phòng Liên hiệp hội và phòng Đào tạo bồi dưỡng của Sở với những hình thức linh hoạt (điện thoại, gặp trực tiếp, thư công tác, công văn…).
- Những vấn đề chính thức được triển khai có liên quan đến hai bên, những vấn đề cần thống nhất thực hiện: bằng văn bản thoả thuận hoặc văn bản yêu cầu của từng bên.
- Những vấn đề về tư vấn - phản biện - giám định xã hội thực hiện theo quy trình đã được quy định tại Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2419/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ.
- Cuối mỗi năm, hai bên có cuộc làm việc để đánh giá kết quả thực hiện thoả thuận cũng như dự kiến chương trình của năm tiếp theo.
Đại diện Liên hiệp hội Phó Chủ tịch thường trực N.G.Ư.T Nguyễn Khắc Khôi (Đã ký) | Đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo Giám đốc N.G.Ư.T - THS Phan Văn Lân (Đã ký) |