Chương trình hành động số 1900 CT/LHH ngày 25/12/2008 của Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Chương trình hành động thể hiện được việc tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết TW7 và cụ thể hoá các nội dung trong Nghị quyết liên quan tới Liên hiệp hội Việt Nam, đặc biệt là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Liên hiệp hội Việt Nam.
2. Yêu cầu
- Nội dung chương trình hành động cần thiết thực, cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội Việt Namtừ nay cho tới Đại hội VI của Liên hiệp hội Việt Nam và phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai.
- Từ Chương trình hành động chung, các hội thành viên xây dựng Chương trình hành động cụ thể đối với tổ chức của mình.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chương trình hành động gồm các nhóm nhiệu vụ sau:
- Tổ chức quán triệt Nghị quyết 27-NQ/TW.
- Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
- Đẩy mạnh việc phối hợp với cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác.
1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết 27-NQ/TW
1.1 Tổ chức việc học tập Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt của Liên hiệp hội Việt Nam sau khi Nghị quyết được ban hành theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo trung ương và Đảng uỷ khối các cơ quan trung ương.
1.2 Tổ chức việc học tập Nghị quyết trong Đảng bộ, các hội ngành, các đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc theo kế hoạch hướng dẫn của Ban Tuyên giáo trung ương, Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương. Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức quán triệt Nghị quyết tại Hội nghị giao ban các hội ngành trung ương tháng 11/2008.
1.3 Tổ chức việc học tập Nghị quyết trong các Liên hiệp hội địa phương theo kế hoạch hướng dẫn của tỉnh, thành uỷ địa phương. Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức quán triệt Nghị quyết tại Hội nghị giao ban các Liên hiệp hội địa phương 3 khu vực: miền Nam tại Đồng Tháp, miền Trung - Tây Nguyên tại Kon Tum, miền Bắc tại Phú Thọ tháng 9 - 10/2008.
1.4 Đưa nội dung Nghị quyết lên các báo cáo của Liên hiệp hội Việt Nam , tổ chức các diễn đàn trên các phương tiện truyền thông và tổ chức các hội thảo chuyên đề theo nội dung cần thiết của Nghị quyết.
- Thời gian thực hiện: Từ 9 - 2008.
- Đoàn Chủ tịch chỉ đạo, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc, các báo thuộc Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện.
2. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết
2.1 Tổng kết 10 năm Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW
- Tổ chức kiểm điểm 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW tại Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, các hội thành viên, một số đơn vị KH&CN, đánh giá về thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, định hướng phát triển Liên hiệp hội Việt Nam trong thời gian tới và đề xuất các kiến nghị góp phần xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về Liên hiệp hội Việt Nam trong thời gian tới. Tham gia tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW do Ban Tuyên giáo trung ương chủ trì.
- Thời gian thực hiện: trong năm 2008 và hoàn thành tổng kết vào 1/2009.
- Đoàn Chủ tịch chỉ đạo, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc thực hiện.
2.2 Củng cố, phát triển tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam
- Thúc đẩy thành lập Liên hiệp hội ở 8 tỉnh còn lại: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh.
+ Thời gian hoàn thành đến trước Đại hội VI (12/2009).
+ Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và Ban Vận động, Ban Chấp hành lâm thời các địa phương xúc tiến đại hội thành lập.
- Chuẩn bị nội dung Hội nghị Hội đồng Trung ương lần thứ V (1/2009)
+ Thời gian từ 12/2008 - 1/2009.
- Chuẩn bị Đại hội VI của Liên hiệp hội Việt Nam (12/2009)
+ Xây dựng Dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V; Định hướng phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam ; Phương án nhân sự cho nhiệm kỳ VI.
+ Thời gian thực hiện từ Quý IV - 2008 đến trước Đại hội VI của Liên hiệp hội Việt Nam .
+ Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch chỉ đạo, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên tham gia thực hiện.
2.3 Nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam
- Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB & GĐXH)
+ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ TVPB & GĐXH theo yêu cầu. Tổ chức đánh giá hoạt động TVPB & GĐXH từ khi có QĐ-22/2002/QĐ-TTg. Đề xuất xây dựng văn bản mới về TVPB & GĐXH thay thế QĐ-22/2002/QĐ-TTg trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
+ Thời gian thực hiện: thường xuyên, hàng năm.
+ Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc tham gia thực hiện.
- Hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức
+ Đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản thuộc Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên, đánh giá hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Tổ chức hội nghị báo chí để trao đổi kinh nghiệm, định hướng hoạt động, xây dựng mạng lưới và cách thức quản lý.
+ Thời gian thực hiện: thường xuyên, hàng năm.
+ Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc tham gia thực hiện.
- Hoạt động xã hội hoá KH&CN, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), bảo vệ môi trường (BVMT), y tế, xoá đói giảm nghèo.
+ Đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá KH&CN, GD&ĐT, BVMT, y tế, xoá đói giảm nghèo của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên. Tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Xây dựng mạng lưới liên quan đến hoạt động xã hội hoá KH&CN, GD&ĐT, BVMT, y tế, xoá đói giảm nghèo để đạt hiệu quả cao hơn.
+ Thời gian thực hiện: thường xuyên, hàng năm.
+ Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc tham gia thực hiện.
- Các hoạt động tôn vinh trí thức
+ Tiếp tục tổ chức các Giải thưởng KH&CN, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Hội thi Sáng tạo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Olympic các môn học cho sinh viên và các Giải thưởng khác. Hoàn thiện quy chế, thể lệ các Giải thưởng, Hội thi. Nâng cấp Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
+ Thời gian thực hiện: thường xuyên, hàng năm.
+ Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc, Quỹ VIFOTEC tham gia thực hiện.
- Hoạt động hợp tác quốc tế:
+ Đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức trong AFEO (Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN), với các hội ở các nước trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và các tổ chức quốc tế, các nước khác. Đánh giá hoạt động hợp tác quốc tế trong 5 năm qua. Định hướng tốt việc hợp tác với từng tổ chức quốc tế. Tranh thủ hợp tác với các phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam .
+ Thời gian thực hiện: thường xuyên, hàng năm.
+ Cơ quan trung ương, Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc gia thực hiện.
3. Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác
3.1 Đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước
- Định kỳ hàng năm, Liên hiệp hội Việt Nam đề nghị làm việc với Ban Bí thư để báo cáo tình hình hoạt động và xin ý kiến chỉ đạo.
- Định kỳ hàng năm, Liên hiệp hội Việt Nam đề nghị làm việc với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất các kiến nghị.
3.2 Đối với Quốc hội
- Kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội để Liên hiệp hội Việt Namđược đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật (nếu kiến nghị này được chấp thuận, Liên hiệp hội Việt Nam cần có quy chế đóng góp ý kiến xây dựng Luật). Phối hợp với nhóm đại biểu Quốc hội là đại diện cho trí thức KH&CN trong các vấn đề sau: cung cấp, hỗ trợ thông tin cho các đại biểu; vận động chính sách trong vấn đề thông qua các dự án luật; kêt quả có liên quan sau kỳ họp Quốc hội. Kiến nghị xây dựng luật phổ biến kiến thức trong nhân dân.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm theo yêu cầu.
- Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên và nhóm đại biểu quốc hội khoá XII đại diện trí thức KH&CN.
3.3 Đối với Bộ Nội vụ
- Kiến nghị sửa một số nội dung trong Nghị định 88/2003/NĐ-CP. Thảo luận và kiến nghị việc chuyển một số dịch vụ công từ Nhà nước sang các tổ chức xã hội. Kiến nghị xây dựng văn bản hướng dẫn việc hỗ trợ cho Liên hiệp hội trung ương và địa phương (biên chế, bộ máy, điều kiện làm việc).
- Thời gian thực hiện: Từ quý IV - 2008.
- Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện, các hội thành viên phối hợp.
3.4 Đối với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức khác
- Rà soát lại các chương trình, nội dung phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên với các bên có liên quan để bổ sung, sửa đổi nhằm hoạt động có hiệu quả hơn, nhất là các nội dung liên quan trí thức, đến các hội, Liên hiệp hội. Xây dựng Thông tư liên tịch cùng Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam có sử dụng ngân sách Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp Việt Nam và tổ chức đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.
- Thời gian thực hiện: Từ quý IV - 2008.
- Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam , các hội thành viên phối hợp thực hiện.
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG
LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH&KT VIỆT NAM
Q. CHỦ TỊCH
PGS. TS Hồ Uy Liêm