Chữ viết của người Inca ẩn giấu trong các nút thắt
Khipu, trong tiếng Quechua (ngôn ngữ chính thức của đế chế Inca) nghĩa là “nút”. Vật trang trí này gồm một sợi dây chính, từ đó toả ra nhiều dây đối xứng nhau (có thể gắn theo các dây cấp hai hoặc cấp ba), trên có nhiều nút thắt hoặc các mấu. Năm 1923, nhà khoa học lịch sử Leland Locke đã chứng tỏ rằng khipu không chỉ là vật trang trí bình thường, mà là một loại bàn tính bằng sợi, trong đó các mấu có chức năng lưu trữ kết quả phép tính, giống như các hạt gỗ trên bàn tính của người Trung Hoa. Tuy nhiên, quy luật của Locke chỉ giải được một phần nhỏ trong số 600 khipu tìm thấy trên vùng đất này.
Do không ai giải mã được các nút đó, nhiều học giả lập luận khipu thực chất chỉ là những đồ tự tạo ngẫu nhiên của ai đó trong cộng đồng Inca. Một số người thậm chí còn xem chúng như những “vật ghi nhớ”, với mục đích kể lại các câu chuyện cổ hoặc nhắc chủ nhân của nó phải làm việc gì đó.
Tuy nhiên mới đây, Gary Urton, giáo sư chuyên nghiên cứu thời kỳ tiền Columbus tại Đại học Harvard (Mỹ) lại đưa ra một phỏng đoán có tính cách mạng trong cuốn “ Signs of the Inka Khipu”. Ông cho rằng những mô hình thắt nút này không chỉ tuân theo một tiêu chuẩn thống nhất, mà còn thể hiện cho một hệ chữ viết trình độ cao, tương đương với chữ viết được phát triển bởi người Sumer (ở Lưỡng Hà), người Ai Cập, người Maya (Trung Mỹ) và người Trung Quốc. Tuy không một loại nào trong các hệ chữ viết trên linh hoạt được như hệ chữ alphabet (hệ chữ có thể biểu diễn vô hạn các âm tiết), nhưng ở thời kỳ đầu của nền văn minh nhân loại, chúng đều là những bước tiến vượt bậc trong khả năng của con người, nhằm ghi lại thế giới xung quanh một cách hiệu quả hơn so với cách thể hiện nguyên thuỷ bằng tranh.
Phân tích 32 chiếc khipu được tìm thấy năm 1997 (cùng với 225 xác ướp trong một hang đá ở miền bắc Peru), Urton và cộng sự khám phá ra rằng, bất kỳ một người nào được huấn luyện đều có thể dịch được mã của khipu. Trên 3 chiếc trong số đó, họ đã nhận thấy có những trình tự tương hợp có thể dùng truyền tải các dữ liệu số.