Chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân ở Nhật Bản và hoạt động luân chuyển cán bộ ở Việt Nam hiện nay
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền hành chính quốc gia vẫn còn có những tồn tại, khiếm khuyết đòi hỏi nhà nước phải tiến hành cải cách sâu rộng hơn nữa trên cơ sở tổng kết thực tiễn cải cách hành chính ở Việt Nam theo từng giai đoạn đồng thời với nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để góp phần tìm ra các giải pháp khoa học, đảm bảo cho nền hành chính nhà nước ta là “nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, gần dân, phục vụ dân, đúng với bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[1]. Chính vì vậy, bài viết tập trung giới thiệu về chương trình “Giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân ở Nhật Bản”, là một hoạt động tiêu biểu trong thực tiễn cải cách hành chính ở Nhật Bản những năm gần đây mà Việt Nam có thể tham khảo.
Chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân thuộc chương trình cải cách hành chính ở Nhật Bản[2] được thực hiện dựa trên cơ sở Luật Giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân năm 2000, Quy tắc 20 – 0 về Giao lưu nhân sự giữa quốc gia và doanh nghiệp tư nhân và Quy tắc 21-1 về Tiêu chuẩn giao lưu. Chương trình giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân đã được đăng trên công báo nhằm công khai, chính thức hoá chương trình để kêu gọi, tuyển mộ các doanh nghiệp tư nhân muốn giao lưu nhân sự với Chính phủ.
Chương trình giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân được tiến hành nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và tư nhân, xác lập một nền hành chính gần dân, vì dân. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn kỳ vọng tới mục đích thông qua chương trình giao lưu nhân sự này, Chính phủ sẽ có được những nhân viên có kinh nghiệm và chất lượng để đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc điều hành nền hành chính trong tương lai. Bởi qua việc phái cử nhân viên tới làm việc tại doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ đánh giá được khả năng của nhân viên trong thực tiễn. Đặc biệt là về mức độ, khả năng hoàn thành công việc thông qua việc triển khai phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thông qua đó có được sự hiểu biết và lý giải sâu sắc thực trạng của doanh nghiệp tư nhân. Quá trình thực hành tại doanh nghiệp tư nhân cũng giúp cho nhân viên đó có được năng lực thực tiễn để đáp ứng chính xác và mềm dẻo các vấn đề của nền hành chính vốn là sự nghiệp chính của nhân viên đó. Cũng thông qua chương trình giao lưu nhân sự này, Chính phủ hiểu biết và gần doanh nghiệp hơn, từ đó có các chính sách phát triển đúng đắn, hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn trong cơ chế thị trường.
Chương trình giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân được thể hiện trong việc phái cử giao lưu và tuyển nhận giao lưu.
Phái cử giao lưu là hình thức điều phái cán bộ, công chức đến doanh nghiệp tư nhân làm việc với tư cách là nhân viên của doanh nghiệp tư nhân trên cơ sở hợp đồng lao động ký kết với doanh nghiệp tư nhân đồng thời với việc hưởng lương và gia nhập bảo hiểm y tế của doanh nghiệp nhận phái cử giao lưu.Theo nguyên tắc, thời gian phái cử giao lưu là 3 năm. Tuy nhiên thời gian này có thể kéo dài, song không quá 5 năm. Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân có yêu cầu gia hạn với lý do nếu người nhân viên phái cử giao lưu đó trở về lại cơ quan Chính phủ thì doanh nghiệp tư nhân sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành nghiệp vụ. Lý do đó phải được Viện Nhân sự [3] xem xét và công nhận là lý do chính đáng. Việc gia hạn này chỉ được công nhận khi được sự đồng ý của trưởng Bộ ngành phái cử và của nhân viên viên được phái cử. Theo pháp luật Nhật Bản, nhân viên được phái cử giao lưu đến các doanh nghiệp tư nhân ngoài việc tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Công chức quốc gia và Luật Luân thường đạo đức còn phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
Thứ nhất, nhân viên được phái cử giao lưu đến doanh nghiệp không được làm những nghiệp vụ liên quan đến việc xin phép và cấp phép, liên hệ với cơ quan nhà nước mà nhân viên đó đã làm việc trước khi được phái cử giao lưu và những nghiệp vụ có liên quan đến ký kết – thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với cơ quan đó.
Thứ hai, nhân viên được phái cử giao lưu không được lợi dụng danh hiệu công chức để làm các nghiệp vụ của doanh nghiệp nhận phái cử hoặc sử dụng ảnh hưởng của chức vụ mà nhân viên được phái cử giao lưu đó đã làm việc trước khi được phái cử giao lưu.
Tuyển nhận giao lưu là hình thức tuyển nhận nhân viên của doanh nghiệp tư nhân vào làm tại cơ quan nhà nước với tư cách là công chức quốc gia theo nhiệm kỳ. Căn cứ vào sự cam kết giữa doanh nghiệp tư nhân và người có quyền ra lệnh bổ nhiệm thì sau khi hết nhiệm kỳ, doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ tiếp nhận lại nhân viên đó về làm việc. Nhiệm kỳ của chương trình tuyển nhận giao lưu cho mỗi đối tượng được tuyển nhận là 3 năm. Tuy nhiên, nếu người có quyền ra lệnh bổ nhiệm cho rằng cần thiết phải gia hạn để hoàn thành thành sự vụ chủ quản thì có thể gửi ý kiến đến Viện Nhân sự, sau khi được sự chấp thuận của Viện Nhân sự, có thể gia hạn, song chỉ trong phạm vi không quá 5 năm kể từ ngày tuyển nhận giao lưu. Theo pháp luật Nhật Bản, trong thời gian được tiếp nhận giao lưu, nhân viên đó phải chịu sự điều chỉnh của Luật Công chức quốc gia, Luật Luân thường đạo đức, được quốc gia chi trả lương, được áp dụng các chế độ cho công chức quốc gia như chế độ bảo hiểm lương hưu của công chức quốc gia, chế độ trợ cấp trả một lần khi thôi việc... và không được thực hiện các điều như sau:
Thứ nhất, nhân viên được tuyển nhận giao lưu không được giữ địa vị là nhân viên của doanh nghiệp phái cử giao lưu.
Thứ hai, nhân viên đó không được liên quan đến bất cứ nghiệp vụ gì của doanh nghiệp phái cử giao lưu.
Thứ ba, nhân viên được tuyển nhận giao lưu không được làm những chức vụ với nghiệp vụ có liên quan đến việc xử lý cấp phép đối với doanh nghiệp phái cử hoặc không được làm những nghiệp vụ có liên quan đến ký kết hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với doanh nghiệp phái cử đó.
Về tiêu chuẩn giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân được pháp luật Nhật Bản quy định rất cụ thể về nguyên tắc giao lưu, tiêu chuẩn về giao lưu nhân sự trong trường hợp có quan hệ chủ quản, tiêu chuẩn về giao lưu nhân sự trong trường hợp có quan hệ hợp đồng và tiêu chuẩn về giao lưu nhân sự trong các trường hợp khác.
Bên cạnh đó, pháp luật Nhật Bản còn quy định những đặc lệ trong việc áp dụng tiêu chuẩn giao lưu. Đồng thời, để đảm bảo cho chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân duy trì được tính minh bạch, công khai, pháp luật Nhật Bản không những quy định rõ ràng tiêu chuẩn giao lưu nhân sự mà còn quy định các hình thức chế tài cụ thể đối với các đối tượng nhân viên được phái cử giao lưu và nhân viên được tuyển nhận giao lưu nếu vi phạm các nghĩa vụ phục vụ theo từng mức độ từ xử lý trừng phạt cảnh cáo đến cách chức, đuổi việc vì vi phạm mệnh lệnh nghiệp vụ, hoặc quay trở về cơ quan cũ.
Như vậy, chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân được áp dụng ở Nhật Bản hơn 5 năm qua là một vấn đề hết sức mới mẻ đối với Việt Nam. Qua nghiên cứu chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân tại Nhật Bản có thể so sánh với chế độ luân chuyển cán bộ ở Việt nam hiện nay và rút ra một vài nhận xét đối với Việt Nam như sau:
Ở Việt nam, chế độ luân chuyển cán bộ là một chủ trương của Đảng[4] đã được áp dụng từ 12 năm qua. Một số lượng lớn cán bộ diện Trung ương quản lý, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố, các huyện và xã đều tiến hành luân chuyển cán bộ[5]. Việc luân chuyển cán bộ ở được thực hiện hầu hết trong các địa phương trên cả nước trên cơ sở tiến hành luân chuyển cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và ngược lại, luân chuyển cán bộ giữa các ban, ngành trong tỉnh, luân chuyển cán bộ tại chỗ trong từng đơn vị. Hầu hết những cán bộ được luân chuyển đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gắn bó với địa phương, cơ quan, đơn vị, nơi đến và được các cấp chính quyền, các cán bộ, đảng viên và nhân viên tạo điều kiện giúp đỡ. Hoạt động luân chuyển cán bộ được thực hiện trên cơ sở coi trọng công tác bố trí, sắp xếp phù hợp với năng lực chính là định hướng, gợi mở, phát huy trí tuệ của cán bộ, không luân chuyển cán bộ có hạn chế về trình độ và năng lực, phẩm chất đạo đức. Thông qua công tác luân chuyển, các cán bộ thuộc diện luân chuyển có cách nhìn mới, sáng tạo, có cơ hội kiểm nghiệm lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện nhiệm vụ tại nơi luân chuyển còn cơ quan tiếp nhận cán bộ luân chuyển có thêm lực cán bộ có trình độ chuyên môn, có đạo đức, ham học hỏi, nhiệt tình công việc. Như vậy, có thể nhận thấy, xét trên một số góc độ về lợi ích thì so với chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân ở Nhật Bản và chế độ luân chuyển cán bộ ở Việt nam thì mục đích và ý nghĩa là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, chỉ khác nhau ở chỗ, ở Việt nam, chế độ luân chuyển cán bộ mới chỉ được thực hiện trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chứ chưa được áp dụng theo hướng mở: giữa Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu, áp dụng ở Việt nam để cán bộ Đảng và Chính phủ có sự hiểu biết về thực tiễn hoạt động và nhu cầu bức xúc của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Thông qua việc luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước đến hoạt động trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng, các cán bộ, công chức thuộc diện luân chuyển có cơ hội thử thách trong thực tiễn, kiểm nghiệm đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế. Sau quá trình làm việc tại khu vực doanh nghiệp tư nhân, cán bộ, công chức, đảng viên đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng của khối doanh nghiệp tư nhân, từ đó có ý kiến đóng góp với Đảng và Nhà nước trong quá trình hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, đảm bảo cho Nhà nước và đội ngũ, cán bộ, công chức thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Nghiên cứu chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân ở Nhật Bản chúng ta còn nhận thấy chế độ này được đảm bảo bằng hệ thống cơ sở pháp luật cụ thể như: Luật Giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân năm 2000, Quy tắc 20 - 0 về Giao lưu nhân sự giữa quốc gia và doanh nghiệp tư nhân và Quy tắc 21-1 về Tiêu chuẩn giao lưu. Do đó, đòi hỏi ở Việt nam, việc luân chuyển cán bộ phải được chú trọng không những trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước mà còn phải đối với khối các doanh nghiệp và cụ thể hoá bằng một đạo luật về luân chuyển cán bộ.
Hy vọng rằng, chế độ giao lưu nhân sự giữa Chính phủ và tư nhân của Nhật Bản sẽ là một kinh nghiệm có ích trong công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia với mục tiêu xây dựng nền hành chính của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (tháng 1 năm 1995).
2. Tsuneo Inako, Tìm hiểu pháp luật Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1993.
3.Yamashita Katsyua,“Chế độ thi tuyển, tuyển dụng công chức quốc gia của Nhật Bản”, Tài liệu Hội thảo Dự án “Nâng cao năng lực của cán bộ Chính phủ về cải cách hành chính” giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, tháng 12/2004.
4.www.nhadattphcm.gov.vn /thnd/Tin về Hội thảo khoa học: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc đánh giá và luân chuyển cán bộ".
---------------------------------
[1] Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VII (tháng 1 năm 1995)
[2] Xem YAMASHITA KATSUYA (Phó chuyên viên cao cấp thi tuyển , Cục Nguồn nhân lực, Viện Nhân sự, Chính phủ Nhật Bản, Chế độ thi tuyển, tuyển dụng công chức quốc gia của Nhật Bản, Tài liệu Hội thảo Dự án “Nâng cao năng lực của cán bộ Chính phủ về cải cách hành chính” giữa Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Tháng 12/2004
[3] Viện Nhân sự của Nhật Bản là một tổ chức thuộc Nội các Nhật Bản có nhiệm vụ bảo đảm sự trong sáng trong hành chính nhân sự, giữ chức năng phán quyết việc thực hiện quyền lao động cơ bản và là cơ quan chuyên môn về hành chính nhân sự.
[4] Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 25/01/2002 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.