Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/10/2020 23:24 (GMT+7)

Cần đổi mới nội dung và phương thức tổ chức kỳ thi Olympic

Đây là ý kiến của ông Phạm Văn Thiều (Hội Vật lý Việt Nam) tại hội thảo Tổng kết công tác phối hợp tổ chức các kỳ thi Olympic giữa Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) và các Hội thành viên vừa được tổ chức sáng nay 22/10 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo)

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, từ năm 2010, Liên hiệp hội Việt Nam là cơ quan bảo trợ các giải thưởng, hội thi. Ngoài việc ủng hộ, khuyến khích về chủ trương đối với các hội, Liên hiệp Hội Việt Nam còn phối hợp với các hội thành viên thực hiện khâu tổ chức các giải thưởng, hội thi và hỗ trợ một phần kinh phí cho các giải thưởng, hội thi trong đó có các kỳ thi Olympic.

PCT LHHVN Phan Tùng Mậu và Trưởng ban Ban truyền thông và Phổ biến kiến thức LHHVN Đặng Vũ Cảnh Linh chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, Ông Nguyễn Xuân Trung Phó chủ tịch Phân hội Giảng dạy (Hội Hóa học Việt Nam) chia sẻ: Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc với hơn 30 năm hình thành và phát triển đã thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập, nghiên cứu các môn Cơ học, phát triển và khuyến khích các tài năng sinh viên trong các trường đại học, học viện. Phong trào này đã thực sự như một nhân tố kích thích hoài bão khoa học của sinh viên, là sân chơi bổ ích không chỉ cho những sinh viên yêu thích Cơ học mà đã trở thành hoạt động trọng tâm, nơi khởi nguồn, lan tỏa tinh thần học tập của sinh viên trong các trường Đại học, học viện.

Theo ông Nguyễn Tài đến từ Tổng hội Xây dựng,  trong 30 năm, các trường lớn như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thuỷ lơi và ĐH Kiến trúcThành phố Hồ Chí Minh là những trường có nhiều đồ án dự thi và cũng là những trường đoạt nhiều giải (lần lượt  là 271, 215, 150 và 89 giải chính thức các loại). Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh viên của nhiều trường có quy mô nhỏ và ở các địa phương cũng đã đoạt các giải cao nhất. Điều đó cho thấy hiệu ứng lan toả của GTLT đến các trường và xã hội. Đặc biệt, hợp tác quốc tế trong đào tạo được đẩy mạnh ở một số trường đã góp phần nâng cao chất lượng các đồ án tốt nghiệp, mà các giải nhất được xem là minh chứng..

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Vinh  (Khoa Cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã chỉ ra những khó khăn, điểm còn hạn chế và kiến nghị về các kì thi Olympic như việc  Ban tổ chức và trường đăng cai gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo ra nguồn tài trợ, kinh phí cho các hoạt động của cuộc thi. Nhiều trường hợp các thầy cô phải tự nguyện giảng dạy ngoài giờ không lương. Các sinh viên tham gia cũng được hỗ trợ rất ít về mặt vật chất hoặc các khuyến khích khác trong quá trình học tập, đặc biệt là sinh viên đã tham gia kỳ thi chưa có được một cầu nối thực sự đến với các cơ quan, doanh nghiệp, là nơi các em có điều kiện tiếp tục phát huy khả năng về kiến thức và trí tuệ của mình.

Ông Phạm Văn Vinh chỉ ra nguyên nhân còn bất cập như: Sự không thống nhất về mặt nội dung, chương trình đào tạo ở các trường. Hiện nay ở Việt Nam, các môn học đang được giảng dạy với nội dung, thời lượng rất khác nhau, thậm chí là các ký hiệu, thuật ngữ chuyên môn khác nhau (nhiều trường đã chuyển dần sang sử dụng giáo trình dịch hoặc sử dụng nguyên bản giáo trình nước ngoài) cũng là một trở ngại không nhỏ cho thầy cô và sinh viên tham gia ôn luyện. Do đó, rất cần một cơ quan chủ quản (Hội Cơ học) đưa ra được khung chương trình chuẩn cho các loại hình trường khác nhau, từ đó có thể cơ cấu đề thi theo hướng chuyên và không chuyên cho phù hợp.

Cũng tại hội thảo, Ông Phạm Văn Thiều (Hội Vật lý Việt Nam) Nguyên Trưởng Ban Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc  cho rằng hiện nay quy trình cũng như kịch bản tổ chức SPhO đã được hoàn thiện. Phong trào Olympic này đã được lan tỏa rộng rãi tới các trường đại học, các học viện và các trường cao đẳng, đặc biệt các trường thuộc lực lượng vũ trang tham gia ngày càng đông. Nhưng nguồn kinh phí vẫn còn hạn hẹp, nên chưa thể mở rộng cho các đối tượng sinh viên từng đoạt giải quốc gia, quốc tế. Đối với những sinh viên này cần lập một bảng riêng thi đấu với nhau.

Ông Thiều đề nghị LHHVN tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký nhiệm vụ và thanh toán kinh phí tài trợ thực hiện nhiệm vụ tổ chức Olympic sinh viên toàn quốc hàng năm, nhất là các đơn vị phải tổ chức các bài thi thực nghiệm như Hội Vật lý VIệt Nam. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì hình thức khen thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt giải như thông lệ đã thống nhất giữa Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều nhất trí về  kết quả của các kì thi Olympic và đã thống nhất đưa ra một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các kỳ thi Olympic trong thòi gian tới: Các hội cần tiếp tục đẩy mạnh và thể hiện vai trò đầu mối, đăng cai tổ chức các hội thi, giải thưởng; LHHVN tiếp tục là cơ quan bảo trợ và hỗ trợ một phần kinh phí cho các giải thưởng, hội thi;  Thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, tích cực giữa các cơ quan đăng cai tổ chức; Đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các giải thưởng, hội thi theo hướng nâng cao chất lượng thí sinh, bài thi và giải thưởng nhằm xây dựng các giải thưởng hội thi thành các phong trào có sức hút, có sức hấp dẫn phù hợp với người trẻ, thúc đẩy phong trào phát triển khoa học trong thời đại mới…

Các đại biểu phát biểu và chia sẻ tại hội thảo:

PGS.TS Vũ Hoàng Linh Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN Hà Nội

PGS.TS Phan Trung Nghĩa Phó Chủ tịch giảng dậy, Trường ĐH BKHN,; Phụ trách Olympic Hóa học

Ông Nguyễn Đăng Tộ - Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam

Ông Nguyễn Long Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam

PV.

Xem Thêm

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Lạm bàn về Tạp chí khoa học hiện nay!
Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí (trong đó có hơn 300 tạp chí khoa học); 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Xuất bản và Vụ Báo chí - XB (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm việc với NXB Tri thức
Ngày 26/2/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN đã chủ trì buổi làm việc với Nhà xuất bản Tri thức. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và toàn thể cán bộ, người lao động của Nhà xuất bản Tri thức.

Tin mới