Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/08/2007 00:53 (GMT+7)

Cần đầu tư cho tình báo công nghệ

Cách đây hơn 2 thiên niên kỷ, trong cuốn Binh pháp nổi tiếng của mình, nhà lý luận quân sự cổ đại Tôn Tử (Trung Quốc) đã dành riêng một chương trong số 13 chương để nói về công tác tình báo với tựa đề “Dùng gián điệp”. Trong mọi cuộc tranh giành, “biết mình biết người trăm trận bất bại” là tư tưởng chủ đạo trong lý luận của Tôn Tử. “Biết mình” không dễ nhưng dù sao ta có thể chủ động, còn “biết người” thật khó nếu không muốn nói là rất khó. Công tác tình báo chính là đường lối thủ đoạn rất đáng dựa để “biết người” nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là thắng người hay chí ít cũng là để không bị thất bại.

Tình báo công nghệ - Vấn đề cũ trong thời đại mới

Có người cho rằng điệp vụ đầu tiên của tình báo công nghệ chính là khi thần Prômêtê lấy cắp lửa mang về cho con người. Đây là sự kiện xảy ra trong những câu chuyện thần thoại, còn trong thực tế rất khó có thể xác định được tình báo công nghệ xuất hiện từ khi nào. Có lẽ tình báo công nghệ đã có từ khi con người biết đặt ra những quy tắc, luật lệ trong cộng đồng và cũng là lúc họ biết vượt qua những luật lệ, quy tắc đó để nhằm có được bí quyết hữu dụng nào đấy.

Ngày nay, những thiệt hại cũng như lợi ích do tình báo công nghệ mang lại là rất lớn. Theo nhiều chuyên gia, hàng năm nước Mỹ bị thiệt hại vài ba chục tỷ USD do hoạt động tình báo công nghệ của nước ngoài gây ra.

Có thể nói, tất cả các nước quan tâm phát triển KH&CN dù muốn hay không đều buộc phải đầu tư cho tình báo công nghệ, một mặt để có được những bí quyết công nghệ của nước khác, mặt khác nhằm bảo vệ được các bí quyết công nghệ của chính mình. Nhưng do hoạt động tình báo công nghệ suy cho cùng là những hoạt động vượt lên trên mọi chuẩn mực về đạo đức thông thường, vượt trên mọi công ước, quy ước quốc tế nên rất ít khi được công khai nhắc tới. Người ta chỉ nhắc đến khi những điệp vụ tình báo công nghệ nào đó bị vỡ lở, thực hiện không thành công.

Tuy vậy, trên thế giới cũng có một vài trường đại học thực hiện công khai đào tạo các kiến thức cơ bản về tình báo công nghệ. Tại Thụy Điển có Đại học Lund ở Stốckhôm đào tạo trình độ ở bậc đại học và tiến sỹ (PhD) về tình báo công nghệ và công nghiệp. Đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới đào tạo đến bậc tiến sỹ về chuyên ngành đặc biệt này.

Khu vực Trung và Đông âu có Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Buđapest( Hungary ) đào tạo chuyên ngành tình báo công nghệ và công nghiệp ở bậc đại học.

Tại Mỹ có 2 trường đại học đào tạo chuyên ngành này là Đại học Harvard đào tạo đến bậc thạc sỹ (MA) và Đại học Boston đào tạo ở trình độ cử nhân (BA).

Tình báo công nghệ - “Mỗi người một vẻ”

Trên thế giới có 3 trung tâm kinh tế, KH&CN lớn là Bắc Mỹ, Châu âu và Đông Bắc Á, đây cũng đồng thời là 3 trung tâm có những hoạt động về tình báo công nghệ diễn ra sôi động nhất. Mỗi nước với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội riêng và có cách thức tổ chức tiến hành tình báo công nghệ của riêng mình, đó là những điều cơ mật, không dễ gì có thể tiếp cận. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu những đặc điểm sơ lược nhất về vấn đề này ở một số nước.

Mỹ

Là nền kinh tế công nghệ cao, các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ được bán rộng rãi trên thế giới, do đó những công ty của nước này chịu sức ép về cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới cũng như ngay tại thị trường nội địa. Điều này buộc các công ty của Mỹ phải tiến hành công tác tình báo công nghệ và thực tế cho thấy những hãng không tổ chức tốt công tác tình báo công nghệ sẽ bị tụt hậu và khó tồn tại được trên thị trường. Có những công ty như General Electric ngay từ đầu đã coi công tác tình báo là lĩnh vực không thể thiếu trong hoạt động của mình. Lại có một số công ty như Motorola chỉ đầu tư cho tình báo sau khi hoạt động một thời gian và nhận thấy đây là việc không thể không tiến hành. Đa số các hãng của Mỹ coi tình báo công nghệ là công tác riêng của mình, họ không muốn chia sẻ thông tin với cơ quan tình báo liên bang mà ngược lại thường dùng vật chất mua những thông tin cần thiết từ các nhân viên của cơ quan tình báo liên bang. Mỹ là nơi thường xuyên tổ chức những hội thảo, hội nghị khoa học về tình báo công nghệ và công nghiệp, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu về tình báo công nghệ.

Đức

Giống như nhiều nước Tây âu khác, Đức là quốc gia có truyền thống hàng trăm năm về tình báo công nghệ và do các công ty tự đảm nhiệm. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, cơ quan tình báo của CHLB Đức bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Anh và Mỹ, hoàn cảnh này buộc các công ty của Đức phải thực hiện công tác tình báo trong điều kiện không có sự hỗ trợ của cơ quan tình báo quốc gia. Theo truyền thống thì hệ thống ngân hàng của Đức có vai trò rất mạnh trong nền kinh tế và họ kiểm soát đa số các công ty. Vì vậy, hệ thống ngân hàng Đức có ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế quốc gia và chi phối hầu hết những hoạt động tình báo kinh tế. Hệ thống tình báo công nghệ và tình báo kinh tế nói chung được đặt dưới sự kiểm soát của các ngân hàng có ưu việt ở chỗ các thông tin tình báo thường đảm bảo tính chính xác, chi tiết nhưng nhiều khi chậm và không thật hiệu quả vì không trực tiếp. Tuy nhiên, tình báo công nghệ của Đức, nhất là của những hãng như VW, Mercedes Benz, Bayer… luôn được coi là hoạt động hiệu quả vào loại mẫu mực trên thế giới.

Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay

Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, hệ thống tình báo nói chung của Liên Xô lớn mạnh và hoạt động rất hiệu quả, không thể kể hết những thành công trong lĩnh vực tình báo công nghệ của Liên Xô trước đây, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Từ đầu những năm 90 trở lại đây, tình báo của LB Nga đã có nhiều thay đổi về định hướng, thay vì chú trọng về chính trị, cơ quan tình báo của họ tập trung ưu tiên hơn cho lĩnh vực tình báo công nghệ. Bản thân nước Nga sau nhiều biến động về chính trị, xã hội cũng tạo ra nhiều kẽ hở mà tình báo công nghệ của nước khác tập trung khai thác. Nhiều cơ sở nghiên cứu tan vỡ, các nhà khoa học tài năng sống nghèo khó… là điều kiện thuận lợi cho việc có thể đánh cắp các công nghệ tiên tiến từ nước Nga của các tổ chức tình báo nước ngoài cũng như các nhóm tội phạm, khủng bố quốc tế. Hoạt động tình báo công nghệ tại LB Nga hiện nay được coi là một trong những điểm sôi động nhất thế giới.   

Tình báo công nghệ với Việt Nam trong thời hội nhập

Nhìn chung, những quốc gia có nền KH&CN phát triển cũng đồng thời là những nơi công tác tình báo công nghệ được đầu tư quan tâm rất tốt. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực đang nỗ lực phát triển KH&CN cũng có con đường đi của riêng mình. Đối với Việt Nam , tình báo công nghệ còn là điều khá mới mẻ, đối với cả các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý, nhà khoa học. Muốn phát triển KH&CN chúng ta không thể không đầu tư cho tình báo công nghệ, đây là kinh nghiệm của nhiều nước, là bài học đã trở thành kinh điển được đúc kết từ hàng trăm năm nay. Nhưng đầu tư cho tình báo công nghệ theo mô hình nào, tiến hành triển khai thực hiện ra sao,… là những câu hỏi rất khó vì chúng ta chưa có tiền lệ, không thể học hỏi được một cách thấu đáo từ bất kỳ ai.

Trước mắt, Nhà nước cần cử một số người đi học tập ở những nơi có đào tạo công khai, cơ bản về tình báo công nghệ ở nước ngoài nhằm có được kiến thức chung về tình báo công nghệ. Trên cơ sở đó tiếp tục truyền thụ lại cho các học viên ở trong nước, giống như mô hình xây dựng các chuyên ngành ở bậc đại học ở miền Bắc nước ta khi mới hoà bình vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX.

Thực hiện nguyên tắc “hợp với lợi thì động”, công tác tình báo công nghệ là biện pháp hữu hiệu mà chúng ta nên làm nhằm rút bớt được khoảng cách lạc hậu về công nghệ, bảo vệ được những bí quyết công nghệ của ta...

Tiến hành công tác gián điệp, tình báo là những việc làm tinh tế và cơ mật, có thể mang lại lợi ích khổng lồ nhưng cũng không dễ làm. Chúng tôi xin được trích một đoạn trong chương thứ 13, với tựa đề “Dùng gián điệp” của cuốn “Binh pháp Tôn Tử” (trang 211, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2005):

“Cho nên, đối với vua chúa và tướng soái thống lĩnh ba quân dụng binh giao chiến mà nói, toàn quân trên dưới chẳng có ai thân gần hơn so với gián điệp, phần thưởng chẳng có gì đầy đặn hơn so với tặng cho gián điệp, sự vụ giao tiếp xử lý chẳng có gì cơ mật hơn so với gián điệp. Không phải là người có trí tuệ thông minh thì không thể sử dụng được gián điệp; không phải là người nhân từ khẳng khái thì không thể chỉ huy gián điệp; không phải là người tính toán tinh tế thì không thể giành được những gì chân thực từ tin tình báo gián điệp. Vi diệu thay!”.

Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số 7/2007, tr 24

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.