Cần chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội
Trong những năm gần đây tổ chức xã hội phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, việc chuyển giao dịch vụ công cho tổ chức xã hội là một nội dung quan trọng của xã hội hóa dịch vụ công, là việc huy động các tổ chức ngoài nhà nước tham gia vào việc tạo ra và cung ứng các dịch vụ công cho xã hội. Các tổ chức này sẽ không chỉ làm gia tăng và phong phú thêm các dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của xã hội, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước về chất lượng và giá cả dịch vụ công, BS. Đỗ Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ NGO-IC cho biết.
BS. Đỗ Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ NGO-IC (ảnh internet)
Chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội là rất cần thiết
Hiện nay, các tổ chức xã hội hình thành theo các quy định của nhà nước và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước, hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội, hoạt động tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định, hoạt động không mang tính quyền lực chính trị và hoàn toàn tự nguyện. Các đặc trưng nói trên của tổ chức xã hội cho thấy đây là những tổ chức thích hợp với việc đảm nhận cung ứng các dịch vụ công.
Theo BS Vân thì khả năng cung ứng dịch vụ công của các tổ chức xã hội thể hiện ở những điểm sau: Thứ nhất là tôn chỉ hoạt động của các tổ chức xã hội là vì mục tiêu xã hội, phục vụ xã hội. Thứ hai là hoạt động của các tổ chức xã hội mang tính phi lợi nhuận, không nhằm vào mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, phần lợi nhuận nếu có được sẽ không phân chia cho các thành viên theo sở hữu đóng góp, mà được sử dụng vì các mục tiêu chung của tổ chức. Đặc điểm này giúp các tổ chức xã hội khi tham gia cung ứng dịch vụ công sẽ tập trung vào việc phục vụ xã hội, quan tâm đến những lợi ích xã hội đạt được. Thứ ba là sự gắn kết của các thành viên mang tính tự nguyện trên cơ sở thống nhất với mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của tổ chức. Sự tự nguyện là động lực giúp các thành viên phục vụ xã hội một cách công tâm, nhiệt tình và chu đáo. Đây là những yếu tố quan trọng trong cung ứng dịch vụ công. Thứ 4 là tổ chức xã hội nghề nghiệp thường quy tụ được những người có năng lực trong lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, không ít người có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với lĩnh vực nghề nghiệp tham gia vào các tổ chức xã hội tương ứng. Đây thực sự là nguồn nhân lực có chất lượng, việc tạo cơ hội cho những người này đóng góp với xã hội sẽ tạo ra những giá trị có ý nghĩa cho xã hội.
Do tính chất xã hội và khác với các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội thích hợp với việc cung ứng các dịch vụ công là những loại dịch vụ đòi hỏi tính nghề nghiệp, chuyên môn, gắn với các nhu cầu có tính xã hội, không vì lợi nhuận. Có thể khẳng định rằng các tổ chức xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận là những chủ thể có vai trò quan trọng để đảm nhận cung ứng các dịch vụ công trong quá trình chuyển giao dịch vụ công cho khu vực ngoài nhà nước ở nước ta.
Các tổ chức xã hội rất đa dạng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy các tổ chức này có thể tham gia vào việc cung ứng các loại dịch vụ công khác nhau: bao gồm dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công ích và dịch vụ hành chính.
Việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia tích cực vào việc cung ứng các dịch vụ công, phát huy được khả năng và năng lực tiềm tàng trong xã hội, khơi dậy tính sáng tạo và chủ động tích cực của các tổ chức xã hội, nhờ đó đa dạng hóa và tăng nguồn cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Trong bối cảnh Nhà nước đang hướng tới cải cách tinh giảm bộ máy nhà nước nói riêng và khu vực công nói chung, việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội sẽ giúp nhà nước mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ công mà không đòi hỏi gia tăng các tổ chức và biên chế nhà nước. Hơn thế nữa, với tính chất phục vụ xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận, các tổ chức này sẽ không dẫn đến hậu quả tiêu cực lớn nhất của quá trình xã hội hóa – đó là việc tìm mọi cách để thu tiền người sử dụng, chạy theo lợi nhuận của một số tổ chức tư nhân. Chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội sẽ góp phần làm giảm gánh nặng, chia sẻ trách nhiệm với cơ quan nhà nước, huy động sự tham gia của các tổ chức xã, tăng tính khách quan, công khai, minh bạch, trách nhiệm cao. Đương nhiên, Nhà nước vẫn cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng dịch vụ công được cung ứng và giá cả dịch vụ bằng luật pháp, chính sách và các biện pháp mang tính hỗ trợ. Về phía các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường năng lực, kế hoặc, chiến lược hoạt động để có thể tiếp nhận dịch vụ công phủ hợp với tôn chỉ mục đích và huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức thành viên của các tổ chức xã hội.
Kết quả triển khai dịch vụ công của các tổ chức Hội và một số kiến nghị
Cũng theo BS Vân cho biết thêm, trong bối cảnh nền kinh tế chuyển từ quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là cho các tổ chức xã hội ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và là xu thế tất yếu.
Nên thời gian qua nhiều dịch vụ công đã được nhà nước chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Về lĩnh vực hành chính đó là hàng loạt các phòng công chứng, văn phòng luật sư, văn phòng tư vấn pháp luật; Về lĩnh vực y tế: đó là các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc tư nhân; Về lĩnh vực giáo dục-đào tạo: là các trường dân lập, tư thục từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học; Về lĩnh vực tài chính là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán...; Về lĩnh vực xây dựng: Công ty tư vấn, xây lắp, các dịch vụ công ích như: cấp nước, thu gom xử lý rác thải…
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên có thể triển khai các dịch vụ công nào và hiện tại các dịch vụ công nào mà VUSTA và các thành viên đang thực hiện. Trong thực tế, cho đến nay, mới có một số ít loại hình dịch vụ công được chuyển giao cho các tổ chức xã hội. Có thể kể đến: các hoạt động liên quan đến giáo dục (sách giáo khoa, giáo dục chính quy từ mầm non đến đại học, giáo dục đặc biệt, giáo dục kỹ năng…); các dịch vụ hành nghề y dược tư nhân; cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III; dịch vụ pháp lý như văn phòng công chứng, các hoạt động bổ trợ tư pháp khác như thừa phát lại (làm công việc thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng), quản tài viên (làm một số việc trong thủ tục phá sản) cũng đang được xã hội hóa…
Để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào cung ứng các dịch vụ công, Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này có thể phát huy được vai trò và năng lực của mình phục vụ các lợi ích chung thiết yếu cho xã hội. Theo BS Vân, trước tiên cần có Nghị quyết chuyên đề riêng của Đảng về cung ứng dịch vụ công cho tổ chức xã hội. Thứ hai là Quốc hội nghiên cứu ban hành một số luật như: Luật về Hội, quy địnhpháp lý rõ ràng về tên gọi và hoạt động của các tổ chức xã hội, khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội trong sự phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ tính chất hoạt động không vì lợi nhuận của các tổ chức xã hội để tạo môi trường pháp lý cho hoạt động của các tổ chức này; Luật Cung ứng dịch vụ công, trong đó giao cho tổ chức xã hội thực hiện dịch vụ công, xã hội hóa dịch vụ công; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống HIV/AIDS, trong đó giao cho Chính phủ quy định cơ chế chính sách cho các tổ chức phi chính phủ sử dụng ngân sách ngân sách nhà nước cho phòng chống HIV/AIDS; ban hành chiến lược quốc gia Phòng chống HIV/AIDS, trong đó có giải pháp chuyển giao dịch vụ công cho tổ chức xã hội thực hiện.
Ngoài ra, BS Vân cho hay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia cung ứng dịch vụ công; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội huy động và thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động của mình, kể cả các nguồn lực từ nước ngoài bằng cơ chế rõ ràng, thông thoáng. Các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao và cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các TCXH đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khuyến khích sự tham gia và xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức xã hội trong việc thực hiện cung ứng dịch vụ công như: Thông qua đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ từ nguồn ngân sách nhà nước; ưu đãi về chính sách thuế và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất (cho thuê đất…); xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là mức giá đối với các dịch vụ công do các TCXH thực hiện.
Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát, kiểm tra kịp thời và sâu sát, đánh giá chất lượng đối với các hoạt động dịch vụ công do các cơ quan, tổ chức thực hiện, trong đó có TCXH nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương và tạo nên sự công bằng giữa các thành phần kinh tế cũng như đối với người thụ hưởng dịch vụ công.
Mở rộng sự hợp tác giữa các cơ sở cung ứng dịch vụ công của Nhà nước với các tổ chức xã hội nhằm giảm bớt chi phí và nhân lực của Nhà nước, tận dụng được sự tham gia của các tổ chức này về nhân lực có trình độ để cung ứng các dịch vụ công có chất lượng cho xã hội. Điều này sẽ góp phần làm giảm áp lực gia tăng biên chế trong các đơn vị công lập và tận dụng được sự đóng góp có chất lượng của các tổ chức xã hội trong cung ứng một số dịch vụ công.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với vai trò làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có những văn bản đề xuất, kiến nghị, thúc đẩy, tác động nhiều hơn nữa tới các cơ quan liên quan trong việc ban hành Luật về Hội, Luật Cung ứng dịch vụ công, Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi; trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 8. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các TCXH để: Có chương trình hoặc nghiên cứu nào đó về dịch vụ công từ đó có đề xuất tổng thể, toàn diện về việc giao dịch vụ công cho tổ chức xã hội; cùng các tổ chức xã hội xây dựng chiến lược vận động chính sách để cán bộ nhà nước, bộ ngành nhận thức đúng về vai trò, vị trí, thế mạnh của TCXH từ đó có được chính sách giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, thực hiện xã hội hóa dịch vụ công; tập hợp, kết nối và liên kết các hội thành viên cùng nhóm ngành nghề với nhau, cùng chung tay đề xuất nhiệm vụ dịch vụ công và cùng tổ chức thực hiện; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn cho các hội thành viên.
Các tổ chức xã hội cần chủ động nâng cao tính chuyên nghiệp, có đủ nhân lực, trình độ, điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và chủ động kiến nghị nhà nước chuyển giao dịch vụ công; các hội, hiệp hội phải làm việc tốt với cơ quan chủ quản, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng của nhà nước, năng động, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực của cơ quan nhà nước. Đề xuất tham gia trực tiếp hoặc tham gia nghiên cứu và đánh giá dịch vụ công.
Thiết lập, phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế về nghề nghiệp. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế và khu vực. Chủ động hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động nghề nghiệp góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ cung cấp cho hội viên, BS Vân cho biết.
Việc chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm dịch vụ hành chính công là cần thiết (ảnh internet)