Cách nhận biết gia cầm mắc bệnh cúm
Hỏi: Bệnh cúm ở gia cầm biểu hiện như thế nào? làm sao để nhận biết? Một số thông tin cho rằng hiện nay người tiêu dùng không nên ăn thịt gia cầm, nói như vậy có đúng không?
Trả lời: Bệnh cúm gia cầm thường biểu hiện trên gia cầm qua triệu chứng và bệnh tích. Loại mắc bệnh: gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loại chim. Thời gian nung bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày. Gia cầm bệnh sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi ở mỏ. Con vật khi sốt cao có biểu hiện không bình thường ở hệ thống tiêu hóa, hô hấp, sinh sản và thần kinh. Triệu chứng chung là giảm hoạt động, giảm tiêu thụ thức ăn, gày yếu. Trường hợp nặng có biểu ho, khó thở, rối loạn thần kinh, ỉa chảy, một số con có biểu hiện co giật hoặc ở tư thế không bình thường. Những triệu chứng trên có thể xảy ra cùng một lúc hoặc riêng rẽ.
Bệnh tích thường gặp ở gia cầm là mào và yếm (tích) sưng to, phù quanh mí mắt. Thể nhẹ bệnh tích ở xoang đặc trưng bởi viêm cata, lắng đóng fibrin, có mủ hoặc hình thành casein. Xuất huyết đốm ở trên bề mặt niêm mạc và tương mạc nội tạng. Viêm xuất huyết hầu hết toàn bộ đường tiêu hóa, đặc biệt thấy rõ ở manh tràng, dạ dày tuyến nội tiếp giáp với mề. Tụy thường sưng to, có những mạch vàng và đỏ sẫm theo chiều dọc. Túi fabricius ở gà sưng và xuất huyết. Cần lưu ý bệnh tích của bệnh cúm gia cầm rất giống bệnh Newcastle (gà rù).
Bệnh lây truyền theo 2 cách chính: trực tiếp giữa con mắc bệnh và con cảm nhiễm; gián tiếp qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh.
Hiện nay một số ý kiến cho rằng người tiêu dùng không nên ăn thị gia cầm đề phòng chống lây nhiễm cúm gà. Nói như vậy là chưa hoàn toàn đúng. Chúng ta đang thực hiện tiêm vắcxin để bảo vệ đàn gia cầm hiện có trong cả nước nên khuyến cáo người tiêu dùng ở các địa phương đang triển khai tiêm vắcxin không ăn thịt gia cầm đang trong thời kỳ tiêm vắc xin (chỉ ăn sau khi tiêm 28 ngày). Nhưng bà con cũng cần biết, nếu có ăn, chỉ nên chọn mua thịt gia cầm đã qua kiểm dịch thú ý và chỉ ăn gia cầm đã được nấu chín. Không được ăn tiết canh. Với những vùng đã có dịch, tuyệt đối không chăn nuôi, buôn bán và ăn thịt gia cầm.
Nguồn: Kinh tế Nông thôn - Số 48 (482) - Thứ hai - Ngày 28/11/2005