Bắc Ninh: Phát huy vai trò của trí thức góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương
Những năm qua dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam; sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội, lãnh đạo Tỉnh đoàn trao giải tại Liên hoan “Sáng tạo khoa học trẻ tỉnh Bắc Ninh” năm2021
Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực cho cán bộ, hội viên được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và 16 hội thành viên xác định là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với các hội thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng đến các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường,...
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống nhân các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh và của Hội được quan tâm tổ chức, triển khai mang sắc thái mới.Nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức tuyên truyền đa dạng, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, Bản tin khoa học & kỹ thuật,...đã thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên các hội thành viên được tham gia,... Qua đó góp phần tích cực xây dựng đội ngũ trí thức khoa học đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế. Điển hình Hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Vận tải ô tô
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh luôn vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác vận động trí thức, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác trí thức
Liên hiệp Hội duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử, xuất bản 7.200 cuốn Bản tin khoa học và Kỹ thuật; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng phim tài liệu “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh vì sự phát triển bền vững của quê hương”; Xây dựng 09 phóng sự phản ánh hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên. Phối hợp vớiBáo Bắc Ninh xây dựng chuyên trang, chuyên mục phản ánh hoạt động của các cấp Hội, gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội,...
Xây dựng phát triển tổ chức Hội vững mạnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, hướng mạnh tới các Hội thành viên. Từ năm 2016 - 2022 kết nạp mới 02 hội thành viên nâng tổng số hội thành viên từ 14 lên 16 hội, số Ủy viên BCH từ 19 lên 21 đồng chí; kết nạp mới 125.031 hội viên nâng tổng số hội viên lên 425.538 người; tiến hành chuyển đổi tên gọi Hội cấp tỉnh, huyện, và cơ sở.
Hội đã có nhiều đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu tiến bộ của trí thức khoa học & công nghệ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX; dự thảo Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; các văn bản luật, các chính sách liên quan đến phát triển khoa học & công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức,... Các ý kiến đóng góp đã bày tỏ quan điểm, cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định.Điển hình như Hội Luật gia, Đoàn Luật sư.
Đội ngũ trí cán bộ thức khoa học & công nghệ trong hệ thống Liên hiệp Hội luôn đoàn kết, năng động, bám sát thị trường, nắm bắt nhu cầu xã hội, mạnh dạn nghiên cứu nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu, tổ chức thành công 04 đề tài khoa học cấp tỉnh. Xây dựng 05 mô hình có tính ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, có tính phổ biến rộng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tổ chức 28 hội thảo, diễn đàn khoa học,...Vận động hội viên các hội thành viên tham gia các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương, tham gia mô hình trang trại VAC, mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo vùng chuyên canh, vùng hàng hoá,...giữ vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện tron lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như mô hình trang trại chăn nuôi vịt thương phẩm bằng công nghệ chuồng kín của gia đình chị Nguyễn Thị Thoa, xã Cách Bi, huyện Quế Võ; trang trại được xây dựng xa khu dân cư, nằm giữa một vườn cây rộng lớn và ao nước điều hòa, vịt được ở chuồng 2 tầm sạch sẽ, không khí trong chuồng thoáng đãng, quy trình chăm sóc được tự động hóa, với hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát tự động vào mùa hè, hệ thống đèn sưởi vào mùa đông, hệ thống thu dọn phân tự động. Với số lượng đàn vịt 12.000 con chỉ cần đến 2 người thực hiện toàn bộ các công đoạn từ chăm sóc đến vận hành chuồng trại. Qua hơn 1 năm thực hiện ứng dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi vịt, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình chị Thoa. Năm 2021, trừ các chi phí trong chăn nuôi, gia đình chị đã thu về lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Việc chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất từ 12-15% so với phương pháp chăn nuôi truyền thống, mà còn tạo ra được nguồn hàng đủ lớn để hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành; năm 2014 ông Thanh đã xây dựng trang trại trồng cam canh với diện tích đạt gần 2ha. Đến nay sản lượng mỗi năm đạt trên 50 tấn quả, trang trại cho gia đình ông Thanh thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 500 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng và từ 50-70 lao động thời vụ với mức lương 150.000/ngày.
Để thúc đẩy, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, gắn phát triển kinh tế số nông nghiệp; các Hội thành viên đã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm; quảng bá, giới thiệu hỗ trợ cung cấp thông tin, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đối với các sản phẩm được chứng nhận OCOP, VietGap, GlobalGAP, TCVN (tiêu chuẩn quốc gia) về nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm của cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điển hình như Hội Điện tử tin học, Hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Góp sức cùng cả hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025, các đơn vị chuyên môn thường xuyên đổi mới, quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa tự động các khâu phân loại và vận hành lò đốt rác thải. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và kêu gọi hợp tác liên doanh công nghệ phát điện từ chất thải trên địa bàn tỉnh, không để tình trạng rác thải tồn đọng. Tổ chức 385 buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Luật môi trường, các chính sách mới về đấu thầu thuộc lĩnh vực môi trường, công tác vệ sinh môi trường tại khu dân cư, phân loại rác thải tại nguồn,... cho 123.081 lượt người. Điển hình Hiệp Hội Môi trường.
Tỉnh Bắc Ninh đã vinh dự có 02 trí thức tiêu biểu được Liên hiệp Hội Việt Nam tôn vinh. Hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức thành công 06 liên hoan“Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật trẻ”, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên,… tham dự. Các mô hình đạt giải đều cóý tưởng sáng kiến hay, áp dụng vào thực tế đời sống, thuộc các lĩnh vực y tế, công nghệ, môi trường, robot và máy thông minh,…
Trên tinh thần đoàn kết, đổi mới và phát triển, Liên hiệp Hội, các Hội thành viên và đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Bắc Ninh luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học & công nghệ, xứng đáng với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức./.