Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 24/04/2020 20:56 (GMT+7)

Hội nghề cá Việt Nam: Cùng ngư dân tháo gỡ những khó khăn

Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ và hậu cần dịch vụ thủy sản; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người làm nghề cá và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh st)

Hiện nay, Hội Nghề cá Việt Nam có 92 ủy viên BCH, 27 ủy viên Ban thường vụ, 73 hội viên tập thể. Các cấp Hội Nghề cá, Hội Thủy sản đã tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ, động viên ngư dân bám biển sản xuất. Nhiều Tỉnh hội tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp, Hội đã có các văn bản hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền cho hội viên, ngư dân trong việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật; hướng dẫn thực hiện chống khai thác IUU. Nhiều Tỉnh hội cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng đối với nghề cá ven bờ, tích cực tham gia việc cung ứng vật tư, nhiên liệu cho khai thác trên biển, phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy cho ngư dân (như tại Bình Định). 

Trong thời gian qua, bằng các chương trình hoạt động, Hội luôn gần gũi, gắn bó với bà con ngư dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kịp thời phản ánh và phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cơ quan Trung ương và các địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế chính sách và các giải pháp tổ chức triển khai, đưa các cơ chế, chính sách của đảng và Nhà nước đến với ngư dân để phát triển sản xuất, khai thác thủy sản. Cùng đó, kịp thời phản đối hành động của các thế lực nước ngoài xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, lên án các hành vi ngăn cản, uy hiếp, tấn công phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng của ngư dân hoạt động đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.

Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận động và hướng dẫn cho hội viên và ngư dân thực hiện tổ chức lại sản xuất trong thai thác hải sản, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, phát triển các tàu cá xa bờ từng bước đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động khai thác, giảm hoạt động khai thác hải sản ven bờ và vùng lộng. Hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động khai thác theo tổ, đội để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như khi có các sự cố trên biển, đến nay đã xây dựng và tổ chức được khoảng 4.400 tổ, đội sản xuất trên biển với 32.000 tàu cá và 192.000 ngư dân tham gia. Hội thường xuyên kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67 của Chính phủ, tổ chức triển khai và góp ý việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật, triển khai các giải pháp chống đánh bắt IUU và các biện pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết.

Ông Thắng cho biết thêm, trong năm 2020 này,Hội tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Hội, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi của hội viên, nông dân, ngư dân; tham gia thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản năm 2020.

Và cũng theo ông Thắng để hỗ trợ ngư dân tổ chức hoạt động khai thác một cách hiệu quả, Hội sẽ tập tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên và ngư dân bám sát chủ trương, chính sách phát triển nghề cá và định hướng của ngành thủy sản, tổ chức lại sản xuất khai thác, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, đổi mới nghề nghiệp và trang thiết bị cho khai thác xa bờ. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, cứu hộ, cứu nạn và dịch vụ hậu cần nghề cá; tăng cường công tác bảo quản sản phẩm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ảnh st

Tổng hợp, nghiên cứu kiến nghị, đề xuất với Nhà nước, các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng khai thác; các kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, yêu cầu ngư dân phải tuân thủ các quy định về ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm đánh bắt; hướng dẫn đẩy nhanh việc lắp đặt các thiết bị định vị vệ tinh để giám sát hoạt động của tàu cá trên vùng biển xa bờ...

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời lên tiếng phản đối những hành động của các lực lượng bên ngoài tấn công, uy hiếp, cản trở hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân trên biển. Tổ chức thực hiện nghiêm việc chống khai thác IUU, yêu cầu ngư dân kiên quyết không vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nghề đánh bắt theo hướng giảm khai thác ven bờ, tăng khai thác xa bờ, giảm nghề gây tổn hại nguồn lợi môi trường, tăng các nghề thân thiện với môi trường nguồn lợi; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư trong các lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đánh bắt cải thiện đời sống ngư dân.

Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh sản xuất thủy sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, doanh nghiệp và ngư dân, Hội kiến nghị:  Chính phủ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hướng dẫn thi hành luật, quy định lộ trình thực hiện đối với một số nhiệm vụ cần có thời gian để triển khai và thực hiện tạo điều kiện cho các địa phương và bà con ngư dân chuyển đổi kịp với cơ chế chính sách mới.

Cùng đó, tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, nhất là đầu tư cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá (như cảng cá, khu neo đậu tàu cá), trang thiết bị cho tàu cá (thiết bị đầu cuối và nâng cấp các trạm bờ để giám sát hành trình hoạt động của tàu cá); hạ tầng nuôi (như hệ thống điện, thủy lợi); tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh điều tra đánh giá đúng khả năng nguồn lợi hải sản các vùng biển và hoàn thiện công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản; sớm thực hiện quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi hải sản.

Ngoài ra, đề nghị các Bộ, ngành hữu quan có kế hoạch tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển như Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân nhằm hỗ trợ và bảo vệ ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động nghề cá trên biển khi gặp tổn thất do rủi ro, tai nạn hoặc bị lực lượng nước ngoài tấn công.

Bài: HT

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.
Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.